Bất động sản châu Á – Thái Bình Dương hấp dẫn nhà đầu tư hơn các khu vực khác

Lam Vy (IPE)

16/08/2022 16:32

Theo dõi trên

Tăng trưởng kinh tế bền vững cùng việc kiểm soát lạm phát tốt hơn của chính phủ đang giúp bất động sản châu Á – Thái Bình Dương hấp dẫn nhà đầu tư hơn so với các khu vực khác.

image-20220815162143-1-1660642243.jpeg
 

David Chen, người đứng đầu mảng bất động sản Châu Á - Thái Bình Dương tại JP Morgan Asset Management, cho biết lạm phát ở Châu Á - Thái Bình Dương đã tương đối giảm. Châu Á đã không trải qua lạm phát như Mỹ (7,9% trong tháng Hai); hầu hết các thị trường trong khu vực đều ở mức 4% hoặc thấp hơn, ngoại lệ là New Zealand, ở mức 6%. Điều này sẽ tác động đến đầu tư bất động sản trên toàn khu vực.

Ông tin rằng Châu Á đang ở một vị thế tương đối tốt hơn về đầu tư bất động sản do không chịu ảnh hưởng mạnh từ việc gián đoạn chuỗi cung ứng như tại Mỹ và châu Âu, những khu vực nhập khẩu ròng. Không tính đến giá nhiên liệu tăng, vị thế là nhà xuất khẩu ròng sẽ giúp Châu Á - Thái Bình Dương giảm phần nào tỷ lệ lạm phát.

Chen cho biết thời hạn thuê bất động sản ở châu Á cũng giúp điều chỉnh lạm phát dễ dàng hơn và hạn chế ảnh hưởng lên toàn ngành. Hầu hết các quốc gia châu Á có thời gian thuê ngắn hơn, điều này mang lại cho chủ nhà cơ hội điều chỉnh giá thuê phù hợp với lạm phát và điều kiện kinh tế.

Ian Schilling, người đứng đầu quỹ cốt lõi Châu Á - Thái Bình Dương tại Invesco Real Estate, cho rằng triển vọng tăng trưởng vẫn là một điểm thu hút quan trọng của khu vực này đối với các nhà đầu tư bất động sản.

Schilling nói: “Trong vài năm qua, khu vực này đã đạt thành tích tốt hơn Hoa Kỳ hoặc châu Âu trong thời kỳ đại dịch, cả về mặt kinh tế và thị trường bất động sản. Sau đại dịch, Châu Á - Thái Bình Dương đã nổi lên như một khu vực có vị thế tương đối vững chắc với triển vọng kinh tế bền vững, khiến các nhà đầu tư tiếp tục yên tâm rót tiền vào đây”.

Các nhà quản lý quỹ cho biết việc huy động vốn gặp nhiều khó khăn trong hai năm qua, một phần do các nhà đầu tư từ châu Âu và Bắc Mỹ không thể đi lại dễ dàng như trước. Tuy nhiên, hoạt động huy động vốn ở châu Á - Thái Bình Dương đã phục hồi vào năm 2021.

Văn phòng là trụ cột trong danh mục đầu tư của các quỹ cốt lõi châu Á (gần 45%), tiếp theo là khu công nghiệp và hậu cần (33,4%), khu dân cư (12,2%) và bán lẻ (9,1%). Mặc dù được cho là đại diện cho 40% bất động sản có thể đầu tư trên toàn cầu, nhưng tài sản cốt lõi ngày càng khó tìm được ở Châu Á - Thái Bình Dương.

Trong thời điểm bất ổn về địa chính trị hoặc kinh tế, các nhà đầu tư cần một chiến lược an toàn và tạo ra thu nhập. Bối cảnh này khiến các tài sản thay thế, chẳng hạn như trung tâm dữ liệu, nhà ở cho sinh viên và các bất đống sản phục vụ chăm sóc sức khỏe, trở nên hấp dẫn.

Benett Theseira, người đứng đầu khu vực Châu Á - Thái Bình Dương của quỹ đầu tư PGIM Real Estate, cho biết: “Lĩnh vực hậu cần được hưởng lợi từ đại dịch nhờ tăng trưởng thương mại điện tử. Chúng tôi đã đầu tư vào bất động sản hậu cần ở Singapore, Hàn Quốc, Úc và Trung Quốc theo các chiến lược gia tăng giá trị và dịch vụ cốt lõi”.

Lĩnh vực văn phòng tại Châu Á - Thái Bình Dương cũng được nhiều nhà đầu tư rót vốn. Theseira nói. “Châu Á hơi khác so với các khu vực khác trên thế giới; ở đây, sự kết hợp giữa văn hóa làm việc và quy mô nhà ở nhỏ đang khiến mọi người muốn làm việc tại văn phòng hơn”.

“Chúng tôi tin rằng một các trung tâm thương mại tại khu vực trung tâm vẫn sẽ hấp dẫn, đặc biệt là nơi tập trung nhiều văn phòng, nhờ cơ sở hạ tầng giao thông tốt kết hợp với các tiện nghi giải trí và cơ hội giao lưu”.

Theseira cho biết khu vực này đã mở cửa trở lại mạnh mẽ với nhiều chuyến bay quốc tế và nội địa. Nhờ đó, nhu cầu, khối lượng cho thuê và giá thuê bất động sản sẽ tăng lên cùng với quá trình phục hồi kinh tế.

Bạn đang đọc bài viết "Bất động sản châu Á – Thái Bình Dương hấp dẫn nhà đầu tư hơn các khu vực khác" tại chuyên mục Kinh tế. Thông tin chi tiết xin liên hệ số hotline: 0971.008.956 hoặc gửi email về địa chỉ: bbtpld@gmail.com