Bến Tre khẩn trương ngăn ngừa bệnh đau mắt đỏ trong trường học

Ngày 18/9, Sở Y tế tỉnh Bến Tre vừa có công văn gửi các đơn vị trực thuộc về việc tăng cường phòng, chống bệnh đau mắt đỏ do virus nhóm Adeno gây ra.
ben-tre-khan-truong-ngan-ngua-benh-dau-mat-do-lay-lan-trong-truong-hoc-pld-1695050468.jpg
Bến Tre khẩn trương ngăn ngừa bệnh đau mắt đỏ lây lan trong trường học.

Toàn tỉnh Bến Tre hiện đã ghi nhận 258 trường hợp bị đau mắt đỏ ở nhiều trường học tại các huyện Châu Thành, Chợ Lách, Thạnh Phú, Mỏ Cày Bắc, Mỏ Cày Nam, thành phố Bến Tre.

Dự kiến, trong thời gian tới, dịch đau mắt đỏ nhiều khả năng sẽ xuất hiện trên diện rộng, đặc biệt là tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh.

Để xử lý dịch một cách hiệu quả và tránh lây lan trên diện rộng, Sở Y tế yêu cầu các đơn vị theo chức năng, nhiệm vụ được giao khẩn trương triển khai thực hiện việc tăng cường phát hiện sớm các ca bệnh nghi ngờ, kê đơn và hướng dẫn chăm sóc đối với các trường hợp bệnh nhẹ, điều trị ngoại trú.

Phân luồng cách ly kịp thời các trường hợp nghi ngờ nhiễm hoặc chẩn đoán xác định nhiễm virus Adeno. Khu điều trị người nhiễm virus Adeno cần được bố trí riêng với các nhóm bệnh khác và bảo đảm thông khí tự nhiên. Không di chuyển người bệnh nhiễm virus Adeno sang các phòng khác và ngược lại.

Đồng thời, giữ khoảng cách giữa các giường bệnh ít nhất 1m và hướng dẫn người bệnh, người thân tuân thủ nguyên tắc dự phòng lây truyền qua đường “giọt bắn”, “tiếp xúc”. Tuân thủ việc quản lý, cách ly người bệnh nhiễm virus Adeno tại khu điều trị và chỉ được ra khỏi phòng cách ly khi hết hẳn triệu chứng lâm sàng ít nhất 2 ngày.

Đối với nhân viên y tế nên được bố trí làm việc riêng tại các khu có người bệnh nhiễm virus Adeno và hạn chế tiếp xúc với các khu vực khác. Đồng thời, tuân thủ nguyên tắc “2K” và mang găng tay sạch khi chăm sóc, tiếp xúc người bệnh; trong trường hợp phải làm việc ở các khu vực khác thì cần sử dụng áo choàng/tạp dề khi vào khu cách ly.

Ngoài ra, đối với ổ dịch tại các cơ sở giáo dục, cho các em học sinh có triệu chứng của bệnh đau mắt đỏ nghỉ học ít nhất 5 ngày kể từ ngày khởi bệnh đến hết triệu chứng lâm sàng.

Trạm y tế phối hợp trường học thực hiện khử khuẩn bề mặt tại các lớp học có bệnh và các khu vực công cộng như nhà vệ sinh, nhà ăn, cầu thang, tay nắm cửa... bằng các dung dịch sát khuẩn chứa Clo hoạt tính 0,2-0,5% (khuyến cáo sử dụng Cloramin B 0,5%). Các khu vực còn lại nên được lau chùi bằng các dung dịch sát khuẩn thông thường định kỳ mỗi ngày.

Đồng thời, hướng dẫn học sinh, giáo viên tuân thủ khuyến cáo “khẩu trang - khử khuẩn” nhằm phòng tránh lây nhiễm tại lớp học có ca bệnh. Khuyến cáo các em học sinh không sử dụng chung các vật dụng cá nhân…