Bình Định: Một doanh nghiệp chi hàng trăm tỷ xây nhà máy để “đón sóng” cơn sốt viên nén gỗ

Dự án nhà máy chế biến dăm gỗ và sản xuất viên nén sinh học xuất khẩu Tây Sơn có tổng vốn đầu tư hơn 350 tỷ đồng, dự kiến sẽ hoàn thành và đưa vào hoạt động trong quý 3/2025.
vien-nen-go-dang-dong-vai-tro-chu-luc-trong-xuat-khau-cua-nganh-go-dau-nam-nay-pld-1688634276.jpeg
Viên nén gỗ đang đóng vai trò chủ lực trong xuất khẩu của ngành gỗ đầu năm nay

UBND tỉnh Bình Định vừa chấp thuận chủ trương cho Công ty CP Thương mại Bảo Đạt Thành đầu tư dự án nhà máy chế biến dăm gỗ và sản xuất viên nén sinh học xuất khẩu Tây Sơn, thời gian hoạt động của dự án là 50 năm.

Theo đó, nhà máy chế biến dăm gỗ và sản xuất viên nén sinh học có quy mô sản xuất dăm gỗ 80.000 tấn sản phẩm/năm, viên nén gỗ 150.000 tấn sản phẩm/năm. Dự án này sẽ được xây dựng trên diện tích gần 3,5 ha tại Lô A3, A4 Cụm công nghiệp Cầu 16, xã Tây Thuận, huyện Tây Sơn với tổng vốn đầu tư 354 tỷ đồng.

Về tiến độ thực hiện, theo quy định, từ quý 3 đến quý 4/2024, dự án sẽ khởi công xây dựng các hạng mục công trình theo cấp phép xây dựng và đi vào hoạt động 1 năm sau đó.

Tỉnh Bình Định yêu cầu chủ đầu tư có trách nhiệm thực hiện ký quỹ cam kết đầu tư; triển khai dự án theo đúng tiến độ đã cam kết, thực hiện đầy đủ các thủ tục về đầu tư, đất đai, xây dựng, bảo vệ môi trường, phòng cháy chữa cháy, an toàn lao động và các quy định khác của pháp luật.

Bên cạnh đó, sau 12 tháng kể từ ngày chấp thuận chủ trương đầu tư, Công ty CP Thương mại Bảo Đạt Thành không thực hiện hoặc không có khả năng thực hiện dự án theo tiến độ đăng ký mà không có lý do chính đáng sẽ bị thu hồi chủ trương đầu tư.

Về mặt hàng viên nén gỗ, theo báo cáo của Hiệp hội Gỗ và Tổ chức Forest Trends, lượng xuất khẩu viên nén tăng mạnh trong thời gian vừa qua. Năm 2022, sản lượng xuất khẩu đạt 818 triệu USD, tăng gần 81% so với năm 2021. Thị trường tiêu thụ chính là Hàn Quốc và Nhật Bản cùng với một phần nhỏ xuất sang EU.

Theo Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, xuất khẩu dăm gỗ và viên nén gỗ thuận lợi vì xu hướng ở một số nước chuyển sang nguyên liệu này khi nguồn cung xăng dầu căng thẳng.

"Năm 2023, ngành gỗ đặt mục tiêu xuất khẩu 17,5 tỷ USD. Trong những tháng đầu năm, ngành gỗ vẫn tăng trưởng nhờ sản phẩm viên nén và dăm gỗ", Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam cho biết.