Bộ trưởng Bộ GD&ĐT: Xu hướng là tinh gọn, giảm bớt cuộc thi nếu thấy có ít ý nghĩa

Trước ý kiến của giáo viên có nhiều cuộc thi làm mất nhiều thời gian, ảnh hưởng tới chuyên môn, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn cho biết, xu hướng là tinh gọn, giảm bớt cuộc thi nếu sau phân tích thấy thực sự có ít ý nghĩa.
co-ly-thi-trinh-nguyen-giao-vien-truong-mau-giao-hoa-mi-pld-1692160791.jpg
Cô Lý Thị Trinh Nguyên, giáo viên Trường Mẫu giáo Hoạ Mi, thị xã Long Mỹ (tỉnh Hậu Giang) kiến nghị Bộ trưởng Bộ GD&ĐT quan tâm, giảm thiểu tối đa các cuộc thi không cần thiết.

Sáng 15/8, Bộ GD&ĐT tổ chức buổi gặp gỡ nhà giáo, cán bộ quản lý, nhân viên ngành Giáo dục.

Kiến nghị giảm thiểu tối đa các cuộc thi không cần thiết

Phát biểu tại điểm cầu tỉnh Hậu Giang, cô Lý Thị Trinh Nguyên, giáo viên Trường Mẫu giáo Hoạ Mi, thị xã Long Mỹ (tỉnh Hậu Giang) cho biết, trong các trường học hiện nay có các cuộc thi/hội thi của giáo viên, học sinh, trong đó có cuộc thi trong ngành giáo dục và đào tạo phát động. 

Đồng thời cũng có nhiều cuộc thi do các bộ ngành khác hoặc do địa phương phát động đều lấy giáo dục là trọng tâm, nòng cốt. Vì vậy giáo viên có rất nhiều áp lực, mất nhiều thời gian, không có điều kiện chăm sóc gia đình. 

Cô Nguyên kiến nghị Bộ trưởng Bộ GD&ĐT quan tâm, giảm thiểu tối đa các cuộc thi không cần thiết.

Còn theo cô Trần Thị Phương Thảo, Trường THCS Lê Anh Xuân, quận Tân Phú (TPHCM), cuộc thi nghiên cứu khoa học kỹ thuật là sân chơi bổ ích giúp các em học sinh trung học tiếp cận và vận dụng các phương pháp nghiên cứu khoa học. 

Đặc biệt là biết vận dụng kiến thức các môn học để nghiên cứu, sáng tạo và đề xuất các giải pháp giải quyết các vấn đề thực tiễn trong cuộc sống để phát triển toàn diện phẩm chất, năng lực bản thân trước bối cảnh đất nước, xã hội có nhiều thay đổi và theo xu hướng hội nhập như hiện nay.

Bên cạnh sân chơi bổ ích này, còn nhiều các cuộc thi khác trong trường học, tuy nhiên một số nơi vẫn còn lúng túng trong việc tổ chức thực hiện. 

Để các cuộc thi tổ chức hiệu quả, cô Thảo đề nghị cần rà soát, sắp xếp lại các cuộc thi trong năm học, xây dựng kế hoạch, lộ trình cụ thể, chi tiết, thời gian, thời lượng cuộc thi phù hợp giúp giáo viên, học sinh ở từng bậc có khả năng đầu tư tham gia mà không ảnh hưởng đến chuyên môn của giáo viên và thời gian học tập của các em.

Cô Lương Thị Thuận Ánh, nhân viên thư viện Trường THCS Thị trấn Trần Văn Thời (huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau) cho rằng, tổ chức cuộc thi nghiên cứu khoa học ở khối THCS là chưa hợp lý với trình độ học sinh, có ý kiến cho rằng việc tổ chức như hiện nay vừa hình thức, bệnh thành tích, tốn kém, vất vả cho đội ngũ. Đề nghị Bộ trưởng xem xét giảm tải các cuộc thi không cần thiết để giáo viên tập trung nhiều hơn cho chuyên môn dạy học.

Tránh tổ chức quá nhiều, chồng chéo, hình thức, ảnh hưởng đến nhiệm vụ chính của giáo viên, học sinh

bo-truong-bo-gddt-pld-1692160791.jpg
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT: Có nhiều cuộc thi do các bộ ngành, đoàn thể, địa phương tổ chức, lãnh đạo nhà trường cần có sự lựa chọn phù hợp.

Trước ý kiến về việc hiện đang có quá nhiều cuộc thi trong nhà trường, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT cho biết, Bộ GD&ĐT đã có văn bản số 5814 từ năm 2017, nêu rõ danh mục các cuộc thi trong nhà trường. 

Còn lại, có nhiều cuộc thi do các bộ ngành, đoàn thể, địa phương tổ chức, lãnh đạo nhà trường cần có sự lựa chọn phù hợp, làm sao tránh tổ chức quá nhiều, chồng chéo, hình thức, ảnh hưởng đến nhiệm vụ chính của giáo viên, học sinh.

Riêng với danh mục các cuộc thi của Bộ tại công văn số 5814 có giảm nữa hay không, theo Bộ trưởng, cần hết sức cân nhắc, nếu không sẽ chuyển từ thái cực này sang thái cực khác. Xu hướng là tinh gọn, giảm bớt cuộc thi nếu sau phân tích thấy thực sự có ít ý nghĩa, sự cần thiết.

"Với cuộc thi sáng tạo Khoa học kỹ thuật, đây là cuộc thi được tổ chức nhiều năm, nhận được sự hưởng ứng của đông đảo học sinh, giáo viên. 

Về ý nghĩa, cuộc thi này phù hợp với xu hướng học đi đôi với hành, tăng cường giáo dục STEM, kích thích sự sáng tạo và triển khai ý tưởng ra sản phẩm của học sinh…

Tuy nhiên, cuộc thi này cũng cần phải tiếp tục đổi mới cho thực chất, phù hợp với lứa tuổi học sinh…". Bộ trưởng Bộ GD&ĐT chỉ rõ.