Bộ Y tế nhận trách nhiệm về vấn đề vắc-xin, giá xét nghiệm

11/11/2021 17:09

Theo dõi trên

Sáng 10/11, dưới sự điều hành của Chủ tịch Quốc hội (QH) Vương Đình Huệ, QH tiến hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn đối với Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long.

Tại phiên chất vấn, đại biểu (ĐB) QH Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) và ĐB Đặng Hồng Sỹ (Bình Thuận) đều đặt vấn đề "loạn" giá xét nghiệm SARS-CoV-2 tại các cơ sở tư nhân thời gian qua.

"Giá xét nghiệm của tư nhân thì có quản lý được không, hay muốn làm sao thì làm? Tôi test ở sân bay Tân Sơn Nhất giá 440.000 đồng/lần. Đó chỉ là test ở ngoài vỉa hè của sân bay mà giá gấp biết bao nhiêu lần. Như thế thì người dân rất thiệt thòi" - ĐB Phạm Văn Hòa đề nghị Bộ trưởng Y tế nêu rõ trách nhiệm trong vấn đề buông lỏng giá xét nghiệm.

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết trang thiết bị y tế và sinh phẩm chẩn đoán trước đây không thuộc mặt hàng quản lý giá. Giá do đơn vị tự chịu trách nhiệm và phải niêm yết, công khai. Bộ Y tế đã triển khai một số biện pháp như từng bước minh bạch hóa việc cung ứng đối với vật tư, trang thiết bị y tế. Trước ngày 1-7, lượng test nhanh sử dụng không nhiều nhưng sau đó, Bộ Y tế dự báo việc xét nghiệm nhiều hơn nên đã yêu cầu các địa phương triển khai theo hướng thực thanh thực chi và đã có hiện tượng chênh lệch giá xét nghiệm.

byt

Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa. 

"Có một số đơn vị quá bận với công tác phòng chống dịch, đến tháng 9-2021, dù bộ đã yêu cầu giá test nhanh chỉ được thu theo đúng giá đầu vào, các đơn vị nhận lỗi do mải mê chống dịch quá nên không thực hiện được!" - Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nói.

Bộ Y tế đã nhận ra trách nhiệm nên đưa sinh phẩm xét nghiệm vào mặt hàng quản lý giá. Sắp tới, giá xét nghiệm từng bước được điều chỉnh làm sao cố gắng hạ được giá xét nghiệm.

ĐB Phạm Văn Hòa chất vấn Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long về một số vụ việc sai phạm, vụ án liên quan tới phòng chống dịch Covid-19: "Bác sĩ chuyên môn giỏi nhưng chưa chắc quản trị tốt. Vậy đã đến lúc tách bạch quản lý với chuyên môn chưa?".

Tương tự, ĐB Trịnh Xuân An (Đồng Nai) đặt câu hỏi về vai trò chỉ đạo, kiểm tra, giám sát của Bộ Y tế về những sai phạm trong đấu thầu, quản lý giá thuốc.

Cho rằng những vi phạm của đội ngũ cán bộ y tế thời gian qua là "hết sức xót xa, đau lòng", Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nêu nhiều lý do, trong đó có cơ chế và những vi phạm mang tính cá nhân. "Chúng ta cố gắng tách bạch công tác quản lý chuyên môn và tài chính riêng. Thế nhưng, cũng có một số địa phương do vấn đề về mặt tổ chức quản lý y tế và quản lý nhân sự ở địa bàn đó do UBND các tỉnh, thành quản lý. Chúng tôi sẽ tiếp tục phối hợp với Bộ Nội vụ và các cơ quan để làm sao hạn chế các tiêu cực, sai phạm. Ngành y sẽ tiếp tục rà soát quy định về mua sắm, đấu thầu, phân cấp phân quyền" - Bộ trưởng trả lời.

Làm rõ thêm, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết tình trạng vi phạm pháp luật liên quan đến đấu thầu mua sắm các thiết bị y tế diễn ra rất phức tạp, nhiều vụ đã được lực lượng công an phát hiện, khởi tố và điều tra như tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội, BV Bạch Mai, BV Tim Hà Nội, Sở Y tế Hà Tĩnh, Cần Thơ, Sơn La… Bộ trưởng Tô Lâm cho biết các đối tượng đều thừa nhận các hành vi phạm tội. Bộ Công an sẽ đẩy nhanh tiến độ điều tra, xử lý các vụ án, sớm kết luận để đưa các bị can ra trước pháp luật.

byt1

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long trả lời chất vấn trước Quốc hội. 

Liên quan đến việc cung ứng vắc-xin Covid-19, ĐB Phạm Thị Thanh Mai (Hà Nội) băn khoăn nếu Việt Nam triển khai chiến lược vắc-xin sớm hơn thì đã hạn chế được nhiều thiệt hại về người và của. Trách nhiệm của "tư lệnh" ngành y ra sao?

Về vấn đề này, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho hay Việt Nam tiếp cận vắc-xin sớm nhưng mua muộn hơn so với nhiều nước. Từ tháng 9-2020, Việt Nam đã làm việc và có thỏa thuận với COVAX. Tháng 11-2020, Việt Nam đã thỏa thuận với Astra Zeneca để cung ứng 30 triệu liều vắc-xin. Trước đó, từ tháng 5-2020, Bộ Y tế đã gặp gỡ các công ty để thúc đẩy nghiên cứu, sản xuất vắc-xin trong nước.

Do tình trạng khan hiếm vắc-xin, một số nước phát triển sản xuất được vắc-xin đã đặt hàng mua với số lượng rất lớn. Bên cạnh đó, còn hàng loạt khó khăn như rào cản về pháp luật, bên bán đề ra các điều kiện và không cho thương thuyết. Bộ Y tế đã tổ chức hơn 200 cuộc đàm phán với các hãng nhưng điều kiện các công ty cung ứng vắc-xin đưa ra đều không thể thay đổi, bên bán cũng không chịu trách nhiệm về giao hàng không đúng thời hạn.

Về kế hoạch tiêm mũi 3 vắc-xin, ông Nguyễn Thanh Long cho biết Bộ Y tế mới có kế hoạch, chưa triển khai và dự kiến thực hiện vào cuối tháng 12-2021.

Làm rõ thêm một số nội dung về công tác phòng chống dịch, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết hiện Việt Nam đang kiểm soát được tình hình dịch. Ý kiến của các ĐBQH về những bất cập, hạn chế trong chống dịch là "rất đúng". Có những vấn đề mới xuất hiện trong lúc chống dịch khi hệ thống y tế bị quá tải nhưng có lúc cũng do những tồn tại không chỉ trong ngành y tế mà trong cả quản lý điều hành xã hội nói chung.

Phó Thủ tướng cho biết đã yêu cầu Bộ Y tế trình và Chính phủ sẽ mua tập trung kit xét nghiệm với giá rẻ hơn, chủ động cho các địa phương và khi đó, việc cách ly phải được thực hiện theo phương thức mới để người dân bước vào trạng thái "bình thường mới" thực sự. Bên cạnh đó, cần sẵn sàng thuốc điều trị và quan trọng là cho điều trị sớm, thực hành dần điều trị tại nhà; giám sát người có bệnh nền, tuổi cao, nhất là quan tâm đến trẻ em vì phần lớn chưa được tiêm vắc-xin.

Bạn đang đọc bài viết "Bộ Y tế nhận trách nhiệm về vấn đề vắc-xin, giá xét nghiệm" tại chuyên mục Sự kiện. Thông tin chi tiết xin liên hệ số hotline: 0971.008.956 hoặc gửi email về địa chỉ: bbtpld@gmail.com