Bức tranh kết quả kinh doanh ngành thép quý 1/2025 dần lộ diện với những khoản lãi đầu tiên

Mặc dù thị trường vẫn đang đối mặt với nhiều thử thách, nhưng không ít doanh nghiệp trong ngành đã ghi nhận những dấu hiệu tích cực, đặc biệt trong bối cảnh thị trường bất động sản hồi phục và các dự án đầu tư công đang đẩy mạnh tiến độ.

Mùa báo cáo tài chính quý 1/2025 vừa mới bắt đầu, đã có nhiều doanh nghiệp rục rịch công bố kết quả kinh doanh. Theo đó, bên cạnh những doanh nghiệp báo doanh thu, lợi nhuận tăng trưởng tốt thì cũng có không ít doanh nghiệp ghi nhận lỗ trong quý này.

Với ngành thép, các doanh nghiệp được kỳ vọng sẽ hưởng lợi nhờ thị trường bất động sản hồi phục, hoạt động xây dựng cải thiện; kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công cao nhất từ trước tới nay với nhiều dự án trọng điểm tới hạn hoàn thành trong năm.

image2-1-1744790240.png

Bức tranh kết quả kinh doanh ngành thép quý 1/2025 dần lộ diện với những khoản lãi đầu tiên

Thép Thủ Đức: Kết quả kinh doanh khả quan nhưng lợi nhuận sụt giảm

Mới đây, CTCP Thép Thủ Đức (Mã: TDS) đã công bố Báo cáo tài chính quý 1/2025 với doanh thu thuần đạt hơn 401 tỷ đồng, tăng 18% so với cùng kỳ.

Trong kỳ, chi phí giá vốn tăng ít hơn mức tăng doanh thu giúp lợi nhuận gộp tăng mạnh 39%, mang lại gần 17 tỷ đồng. Ngoài ra, doanh thu hoạt động tài chính cũng cải thiện mạnh đạt gần 1,2 tỷ đồng. Chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp tăng lần lượt 9% và 16% so với quý 1/2024.

Kết quả, Thép Thủ Đức báo lãi sau thuế sụt giảm 21% so với cùng kỳ, xuống còn khoảng 2,2 tỷ đồng.

Theo giải trình, doanh nghiệp này cho biết sản lượng tiêu thụ thép cán quý 1/2025 tăng 54% so với cùng kỳ, tương đương tăng 86 tỷ đồng làm cho lợi nhuận gộp so với quý 1/2024 tăng 39%. Trong quý 1/2024 lợi nhuận trước thuế đạt 3,5 tỷ do được giảm tiền thuê đất 3,6 tỷ. Các kết quả trên dẫn đến lợi nhuận sau thuế sụt giảm so với cùng kỳ.

Tính đến ngày 31/3, tổng tài sản của Thép Thủ Đức ở mức gần 359 tỷ đồng, chiếm phần lớn là hàng tồn kho đạt giá trị hơn 207 tỷ đồng. Nợ phải trả ở mức 144 tỷ đồng, đáng chú ý, công ty không vay nợ tài chính.

image-20250416141746-2-1744790240.png

Thép Thủ Đức: Kết quả kinh doanh khả quan nhưng lợi nhuận sụt giảm

Năm 2025, Thép Thủ Đức đặt mục tiêu sản xuất phôi thép đạt 140.000 tấn, tăng 30% so với thực hiện 2024 và sản xuất cán thép đạt 95.000 tấn, tăng 14%. Lợi nhuận trước thuế kỳ vọng đạt 5 tỷ đồng, gấp hơn 6 lần so với khoản lãi vỏn vẹn 800 triệu đồng cùng kỳ năm ngoái.

Ban lãnh đạo Thép Thủ Đức đánh giá thị trường thép thế giới trong năm 2205 tiếp tục chịu nhiều tác động phức tạp do các điều kiện kinh tế toàn cầu, chính sách thương mại và các yếu tố cung cầu khác nhau...

Thị trường Trung Quốc chưa có dấu hiệu hồi phục rõ ràng do vậy năm 2025 các nhà sản xuất tại quốc gia này tiếp tục đẩy mạnh xuất khẩu trong đó có xuất sang Việt Nam.

Tại thị trường thép trong nước, Thép Thủ Đức đánh giá nguyên liệu và phôi thép đầu năm 2025 có xu hướng ổn định; thị trường bất động sản vẫn gặp khó và được dự báo phục hồi nhẹ vào năm 2025. Chính phủ sẽ tập trung đẩy mạnh đầu tư công... do vậy là tín hiệu lạc quan đến đầu ra cho thép xây dựng.

Thép Tấm Lá Thống Nhất: Lãi tăng 55% dù doanh thu sụt giảm

Trước đó, CTCP Thép tấm lá Thống Nhất (Mã: TNS) là doanh nghiệp đầu tiên trong ngành thép công bố Báo cáo tài quý 1/2025 khoản lãi 8,7 tỷ đồng, tăng 55% so với cùng kỳ năm 2024; doanh thu trong quý đạt hơn 450 tỷ đồng, giảm 44% so với cùng kỳ.

Doanh nghiệp này giải trình, mặc dù doanh thu sụt giảm mạnh, công ty vẫn nỗ lực mở rộng thị trường thông qua việc tìm kiếm khách hàng mới, duy trì quan hệ với đối tác hiện hữu và chủ động tìm nguồn hàng có mức giá hợp lý.

Nhờ đó, giá vốn hàng bán được tiết giảm 45%. Lợi nhuận gộp theo đó tăng nhẹ 12% so với cùng kỳ, đạt khoảng 1,8 tỷ đồng. Ngoài ra, chi phí lãi vay giảm gần 0,9 tỷ tương đương giảm 48% và chi phí bán hàng, quản lý doanh nghiệp giảm mạnh cũng giúp cho lợi nhuận sau thuế tăng.

Tại thời điểm cuối tháng 3/2025, tổng tài sản của Thép tấm lá Thống Nhất ghi nhận 446 tỷ đồng, không biến động đáng kể so với đầu năm. Trong đó, hàng tồn kho chiếm tỷ trọng lớn nhất với 179 tỷ đồng, bên cạnh tài sản cố định và các khoản phải thu ngắn hạn.

Về cơ cấu nguồn vốn, vốn chủ sở hữu ở mức 87,6 tỷ đồng, trong khi nợ phải trả đạt 359 tỷ đồng, gấp 4 lần vốn chủ sở hữu. Nhờ khoản lợi nhuận trong kỳ, lỗ lũy kế của công ty đã thu hẹp còn 113 tỷ đồng.

Những tín hiệu lạc quan và thách thức phía trước

Với những tín hiệu tích cực từ các doanh nghiệp thép lớn như Thép Thủ Đức và Thép Tấm Lá Thống Nhất, ngành thép đang có cơ hội phục hồi mạnh mẽ nhờ vào các yếu tố hỗ trợ từ thị trường xây dựng, bất động sản, và các dự án đầu tư công.

Nhìn chung, ngành thép trong quý 1/2025 đang đối mặt với những thách thức nhưng cũng không thiếu cơ hội. Các doanh nghiệp cần tiếp tục chủ động tìm kiếm thị trường mới, tối ưu hóa chi phí và nâng cao hiệu quả sản xuất để tận dụng được những cơ hội từ sự phục hồi của nền kinh tế trong nước.

BÀI LIÊN QUAN