Bức tranh tài chính của Tập đoàn Hà Đô Bài 2: Ngập trong nợ nần, “cay đắng bán con” để lấy tiền bù đắp ?!

Nguyễn Long

28/09/2021 14:14

Theo dõi trên

Kết thúc quý 2, Tập đoàn Hà Đô (HOSE: HDG) của đại gia Nguyễn Trọng Thông có kết quả kinh doanh rất khác thường. Báo lãi, nhưng đời “chị Dậu”, khi Hà Đô vẫn ngập trong nợ nần, mặc dù Tập đoàn này đã phải “cay đắng” “bán con” để lấy tiền bù đắp cho hoạt động trong kỳ.

5046_3

 Đại gia Nguyễn Trọng Thông - Chủ tịch Tập đoàn Hà Đô

Nợ hơn “chị Dậu”

Ngày 12/09/2021 Tầm Nhìn điện tử đã đăng tải bài viết “Điểm danh những dự án đầy “tai tiếng” của Tập đoàn Hà Đô” (Hà Đô Group).

Bài báo đã khái quát nhiều dự án của Hà Đô Group vướng vấn đề pháp lý. Có những dự án Hà Đô Group đang thực hiện, nhưng lại bị Hà Nội đưa vào danh sách đề xuất thu hồi do vi phạm pháp luật và nhiều dự án của Tập đoàn này trải dài từ Bắc vào Nam có những vi phạm khiến chậm tiến độ triển khai gây lãng phí nguồn lực nhà đầu tư.

Việc nhiều dự án của Hà Đô Group vướng vấn đề pháp lý, dẫn đến chưa thể triển khai để khơi thông dòng tiền, nên kết quả kinh doanh quý 2 của tập đoàn này có nhiều điểm khác thường, giống như cuộc đời “chị Dậu”.

Số liệu báo cáo tài chính cho thấy, kết thúc quý 2, Tập đoàn Hà Đô báo doanh thu bán hàng ghi nhận ở 1.820 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 480,83 tỷ đồng.

Con số trên đã tạo ấn tượng không nhỏ với thị trường, khi thời gian qua cộng đồng doanh nghiệp đã bị tác động không nhỏ bởi dịch bệnh COVID -19.

Tuy nhiên đi sâu vào nghiên cứu báo cáo tài chính quý 2/2021 của Tập đoàn Hà Đô mới thấy phát lộ ra nhiều điểm bất thường ở kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh trên.

Kết thúc quý 2/2021, bức tranh tài chính Tập đoàn Hà Đô của đại gia Nguyễn Trọng Thông ngày một xấu đi, khi doanh nghiệp báo ngập trong nợ nần, bất chấp lợi nhuận.

Kết ngày 30/6/2021, Tập đoàn Hà Đô ghi nhận nợ đã có tốc độ tăng mạnh lần lượt ở con số trên 10.600 tỷ đồng nợ phải trả (tăng thêm 715 tỷ đồng nợ so với cùng kỳ năm 2020) và ở con số trên 4.853 tỷ đồng nợ ngắn hạn phải trả (tăng thêm 61 tỷ đồng).

Nguyên nhân của việc nợ phải trả tăng cao là do chi phí lãi vay quá lớn đã kéo Hà Đô chìm trong khủng hoảng. Hiện tại, Hà Đô Group đang có tổng nợ vay lên tới con số hơn 6.588 tỷ đồng, đã gấp 1.372% lợi nhuận và chiếm tới 62% tổng nợ phải trả của Hà Đô Group.

Do không thể khơi thông dòng tiền vào bất động sản, dẫn tới “đói” vốn nên Hà Đô đã phải đi vay để “duy trì” hoạt động, nên chi phí lãi vay trong nửa đầu năm đã lên tới con số hơn 181,5 tỷ đồng và ước tính sẽ tiếp tục tăng mạnh nữa cho kỳ cả năm 2021.

Theo số liệu báo cáo, đã được kiểm toán bởi Công ty TNHH Ernst & Young Việt Nam cho thấy, hiện nợ phải trả của Tập đoàn Hà Đô đã gấp 247% vốn chủ sở hữu; và nợ ngắn hạn phải trả của tập đoàn này cũng đã gấp 113% vốn chủ sở hữu. Điều này cho thấy Hà Đô group có bức tranh tài chính thiếu bền vững, hàm rủi ro cao ?!

Trong bối cảnh dịch bệnh COVID -19 đã tác động tiêu cực tới nền kinh tế như hiện nay, với mức nợ phải trả ở mức quá cao (gấp tới 247% vốn) và nợ phải trả trong ngắn hạn cũng đã gấp 113% vốn, Hà Đô Group có thể sẽ phải đối mặt với nguy cơ lớn trong ngắn hạn.

Nhất là trong bối cảnh dịch bệnh như hiện nay, thị trường bất động sản thì trầm lắng, nhiều khu vực còn xuất hiện hiện tượng bán tháo... Và nếu phải đối diện với ngắn hạn thì Hà Đô bị trắng vốn là khả năng rất cao, và rủi ro nhà đầu tư sẽ phải gánh?

Như vậy kết thúc quý 2, Tập đoàn Hà Đô không những kinh doanh không khả quan hơn quý 1 mà lại đang đau đầu vì ngập trong nợ nần và phải đối diện với nhiều mối lo khác.

5220_3

 Bức tranh tài chính của Tập đoàn Hà Đô

“Cay đắng bán con”

Mặc dù báo kinh doanh có lãi nhưng Tập đoàn Hà Đô đã phải “cay đắng” bán đi đứa con cưng của mình là Hà Đô 1 để thu về 30,7 tỷ đồng để lấy tiền trang trải chi phí cho hoạt động trong kỳ.

Được biết, Công ty cổ phần Hà Đô 1 ra đời năm 2005, tiền thân từ Xí nghiệp 1 cùng Xí nghiệp thi công cơ giới Hà Đô. Hà Đô 1 được xem như là cánh tay phải trong lĩnh vực thi công xây lắp của Hà Đô Group, sự phát triển của Tập đoàn Hà Đô hôm nay có sự góp sức và công lao rất lớn của Hà Đô 1. Tuy nhiên Tập đoàn này buộc phải bán đi đứa con cưng Hà Đô 1, có thể nhận định Hà Đô Group đang gặp rất nhiều khó khăn về nguồn vốn ?!

Không chỉ “cay đắng” chuyển nhượng Hà Đô 1, ngày 30/5/2021, Hà Đô Group đã tiếp tục chuyển nhượng toàn bộ cổ phần Công ty Cổ phần Cơ điện xây dựng - Thiết bị Công nghiệp Hà Đô (Hado MEE) cho đối tác cá nhân để thu về 13,5 tỷ đồng. Như vậy sau 2 đợt chuyển nhượng thì Hà Đô 1 và Hà Đô Mee đã không còn thuộc hệ sinh thái của Hà Đô Group.

Đối với Công ty Cổ phần Cơ điện xây dựng - Thiết bị Công nghiệp Hà Đô (Hado MEE) được ra đời năm 2008, sau Hà Đô 1 đúng 3 năm. Hado MEE hoạt động chuyên sâu trong lĩnh vực thi công cơ điện xây dựng và tự động hóa thiết bị công nghiệp; đơn vị được phát triển trên nền tảng thi công xây lắp các công trình xây dựng và thủy điện của Hà Đô Group.

Từ khi thành lập đến nay Hado MEE đã thành công đứng vững trên đôi chân của mình khi thực hiện thành công và có hiệu quả nhiều gói thầu của Hà Đô Group và của đối tác bên ngoài, đã giúp cho Hà Đô Group thành công trong hoạt động sản xuất kinh doanh thời gian qua.

Tuy nhiên, dịch COVID -19 vẫn đang diễn biến phức tạp, nhiều tỉnh, thành phố vẫn đang áp dụng giãn cách xã hội, khiến nguồn thu chính từ hoạt động kinh doanh bất động sản của Hà Đô bị giảm mạnh.

Mặc dù cả Hà Đô 1 và HadoMEE đều hoạt động hiệu quả, là những cánh tay nối dài giúp thương hiệu Hà Đô Group phát triển và được nhiều người biết đến như hôm nay. Nhưng do kinh doanh bết bát, khiến tập đoàn này “cay đắng” phải bán đi những đứa con cưng của mình, khiến nhà đầu tư băn khoăn, lo lắng về bức tranh tài chính của Hà Đô Group ?

Doanh thu của Hà Đô phần lớn phụ thuộc vào hoạt động kinh doanh bất động sản, trong khi dòng tiền đổ vào bất động sản ngày một yếu đi và vẫn chưa được khơi thông, vì thế, dự báo doanh thu tài chính năm 2021 của Tập đoàn Hà Đô sẽ tiếp tục giảm sâu./.

Tầm nhìn điện tử sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc về nợ xấu của Tập đoàn Hà Đô.

Bạn đang đọc bài viết "Bức tranh tài chính của Tập đoàn Hà Đô Bài 2: Ngập trong nợ nần, “cay đắng bán con” để lấy tiền bù đắp ?!" tại chuyên mục Kinh tế. Thông tin chi tiết xin liên hệ số hotline: 0971.008.956 hoặc gửi email về địa chỉ: bbtpld@gmail.com