Các công trình xây dựng mới góp phần thay đổi bộ mặt TPHCM

Lan Anh

15/09/2022 20:39

Theo dõi trên

Cầu Thủ Thiêm 2 đi vào hoạt động, cải tạo công viên bến Bạch Đằng, hoàn tất quá trình xây dựng tuyến Metro số 1 là là một trong những công trình làm thay đổi bộ mặt đô thị TPHCM theo hướng văn minh, hiện đại trong thời gian qua.

Cầu Thủ Thiêm 2 - khu đô thị Thủ Thiêm

Cầu Thủ Thiêm 2 động thổ xây dựng vào tháng 2/2015 theo hợp đồng BT (xây dựng - chuyển giao) với tổng kinh phí hơn 3000 tỉ đồng. Với chiều dài 1,4 km kết hợp thiết kế dây văng, cầu Thủ Thiêm 2 được xem là biểu tượng kiến trúc mới của TPHCM góp phần kết nối trung tâm cổ Quận 1 với khu đô thị mới Thủ Thiêm, giảm ách tách giao thông tại các tuyến đường trọng điểm.

Đã có thời gian khi công trình đạt tiến độ 70%, tháng 8/2020 dự án nhưng phải tạm dừng thi công với lý do không còn mặt bằng vì vướng đền bù giải tỏa. Trải qua nhiều khó khăn trắc trở, sau gần 7 năm xây dựng ngày 28/4/2022 cầu Thủ Thiêm 2 chính thức thông xe.

Việc xây dựng cầu Thủ Thiêm 2 bắc qua sông Sài Gòn nối trung tâm Quận 1 và khu đô thị mới Thủ Thiêm (Thành phố Thủ Đức) có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng và Việt Nam nói chung. Cầu Thủ Thiêm 2 ra đời trong hoàn cảnh TPHCM vừa trải qua một cuộc suy thoái kinh tế - xã hội do đại dịch COVID -19. Cầu Thủ Thiêm 2 đi vào hoạt động đã giảm ách tắc giao thông nghiêm trọng vào các giờ cao điểm tại các tuyến đường như Nguyễn Hữu Cảnh, Tôn Đức Thắng, Lê Duẩn. Bên cạnh đó, việc xây dựng cầu Thủ Thiêm 2 còn là công cụ kết nối giữa trung tâm đô thị cổ Quận 1 tới khu đô thị mới Thủ Thiêm. 

cau-thu-thiem-1662887567.jpg
Cầu Thủ Thiêm 2 là sợi dây kết nối giữa trung tâm cổ Quận 1 và khu đô thị mới Thủ Thiêm. Ảnh: Lan Anh

Trước đây, cùng chung một dòng sông Sài gòn nhưng cuộc sống 2 bên bờ lại khác biệt. Nếu như Quận 1 nổi tiếng với sự phát triển bậc nhất cả nước với các trung tâm thương mại mua sắm lớn như Bitexco Tower, Dimond Plaza Shopping center, Vincomcenter Đồng Khởi.. hay các tòa nhà cao tầng với ánh đèn sáng rực. Trong khi đó Thủ Thiêm cũ lại trái ngược, Thủ Thiêm trước quy hoạch là vùng đầm lầy người dân sinh sống chủ yếu bằng nghề nông nghiệp. Từ năm 1996, Chính phủ phê duyệt quy hoạch TPHCM xác định xây dựng bán đảo nhỏ này là trung tâm tổng hợp mới với kỳ vọng sẽ trở thành trung tâm tài chính, thương mại tầm quốc tế. Trải qua 26 năm giải phóng mặt bằng và xây dựng, ngày nay khu đô thị Thủ Thiêm đã có một bộ mặt mới, đẹp đẽ hơn, sang trọng hơn, là nơi tạo công ăn việc làm cho hàng trăm nghìn lao động từ các nơi đổ về cho các ngành nghề như bất động sản, khách sạn - du lịch - dịch vụ...

toa-nha-petro-thu-thiem-1662889516.jpg
Dự án Petropole Thủ Thiêm đang trong quá trình xây dựng. Ảnh: Lan Anh

Đánh giá về thị trường BĐS khu vực Thủ Thiêm hiện nay, bà Phạm Thị Thanh Hương - Quản lý Cấp cao Savills TP Hồ Chí Minh cho biết: "Yếu tố đặc thù của khu vực Thủ Thiêm là được bao bọc bởi sông Sài Gòn. Cùng sự kết nối thuận tiện đến trung tâm thành phố, đây sẽ là một môi trường sống lý tưởng của giới thượng lưu và chuyên gia nước ngoài, từ đó tạo động lực phát triển thị trường BĐS nhà ở. Sự phát triển về hạ tầng của cầu Thủ Thiêm 2 sẽ là động lực để các chủ đầu tư đẩy nguồn vốn và phát triển dự án BĐS ở khu vực Thủ Thiêm".

Hiện nay có rất nhiều sản phẩm đã và đang trong quá trình xây dựng để ra mắt thị trường như: Empire City, Metropole Thủ Thiêm, Zeitgeist Thủ Thiêm và The River.

Công viên bến Bạch Đằng

Công viên bến Bạch Đằng tọa lạc tại đường Tôn Đức Thắng, trung tâm Quận 1, TPHCM. Phía sau công viên giáp với sông Sài Gòn, đối diện với bến Nhà Rồng, có hướng nhìn ra khu đô thị mới Thủ Thiêm, Thành phố Thủ Đức. Trước đó, 4/2021 TPHCM quyết định cải tạo toàn bộ công viên kéo dài từ cột cờ Thủ Ngữ đến dự án khu phức hợp Sài Gòn - Ba Son với tổng diện tích hơn 18.600 m2.

video-quay-cong-vien-bd-1662887580.mp4

Công viên Bến Bạch Đằng có 3 khu chức năng bao gồm: khu tưởng niệm lịch sử, khu xúc tiến du lịch và khu công viên cộng đồng. Đầu năm 2022, công viên đã mở cửa cho người dân tham quan sau gần 1 năm thi công.

Việc cải tạo chỉnh trang công viên bến Bạch Đằng có ý nghĩa to lớn đối với bộ mặt phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội của TPHCM. Từ sau khi công viên bến Bạch Đằng được nâng cấp đã thu hút rất nhiều người dân địa phương tới tham quan và tham gia các hoạt động ngoài trời như tập thể dục, sinh hoạt văn hóa, chụp ảnh cưới...

Bạn Lê Ngọc Hà, sinh viên đại học sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ: "Em rất thích công viên bến Bạch Đằng, từ sau khi cải tải công viên nhìn sạch sẽ, thoáng mát hơn hẳn cộng với gió sông Sài Gòn thổi lồng lộng mà em cứ nghĩ mình đang ở Vũng Tàu. Vì thoải mái nên hầu như cuối tuần nào em cùng các bạn cũng ra đây để thư giãn đầu óc sau cả tuần học tập mệt mỏi. Không chỉ vậy, tại đây còn có nhiều người Tây nên em có thể dễ dàng bắt chuyện với họ, nhờ đó mà cải thiện kỹ năng giao tiếp tiếng anh của mình".

cac-ban-tre-vui-choi-tai-cong-vien-ben-bd-1662887567.jpg
Nhóm bạn trẻ đang trò chuyện tại công viên bến Bạch Đằng nhân dịp lễ Trung thu. Ảnh: Lan Anh

Để có được không gian rộng rãi thoáng mát như thế này TPHCM đã chi gần 70 tỷ đồng để chỉnh trang công viên bến Bạch Đằng. Trước đó, có rất ít người tới khu vực này do còn đơn điệu, nhiều rác thải nhưng từ khi chỉnh trang thì bộ mặt của công viên đã sang một trang mới.

Theo UBND Quận 1, hiện tại nhu cầu vui chơi, tham quan, giải trí của người dân và khách du lịch nói chung tại Quận 1 có chiều hướng gia tăng, đặc biệt là cuối tuần, dịp lễ. Lượng khách tập trung về công viên bến Bạch Đằng, cầu Thủ Thiêm 2, quảng trường Mê Linh, bến Nhà Rồng tăng nhanh chóng trong thời gian qua. Theo nhận định của nhiều chuyên gia, công viên bến Bạch Đằng nếu có thêm nhiều cây xanh và bãi giữ xe sẽ trở thành địa điểm thu hút du khách trong thời gian tới. 

ghe-da-1662888109.jpg
Khuôn viên trong công viên bến Bạch Đằng thoáng mát, sạch sẽ. Ảnh: Lan Anh

Tuyến Metro số 1

Thành phố Hồ Chí Minh có 9 dự án Metro, trong đó tuyến Metro số 1 đã đạt khoảng 90,6%, tuyến Metro số 2 đã hoàn thành giải phóng mặt bằng và chuẩn bị thực hiện kế hoạch xây dựng vào năm tới.

Khởi công năm 2012, đây là dự án đường sắt đô thị đầu tiên ở TPHCM, với tổng mức đầu tư hơn 43.700 tỉ đồng, dài gần 20 km, từ ga Bến Thành đến depot Long Bình với 3 ga ngầm và 11 ga trên cao.

metro-1662888307.jpg
Dự kiến cuối năm 2023 tuyến Metro số 1 sẽ đi vào hoạt động. Ảnh: VNA

 Theo kế hoach, năm 2023 là cột mốc được TPHCM hướng đến khai thác sử dụng. Việc tuyến Metro số 1 hoàn thành có ý nghĩa to lớn trong việc giảm thiểu ách tắc giao thông nghiêm trọng tại Thành phố với tổng dân số hơn 9 triệu người, mật độ dân số là 4.292 người/km2. Không chỉ vậy, việc xây dựng tuyến đường sắt đô thị chắc chắn tác động đến sử dụng đất của không gian hai bên tuyến đường. Sau khi tuyến Metro số 1 hoàn thành sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho 8 tuyến Metro còn lại về đích, là động lực phát triển của TPHCM. Tuyến Metro số 1 đưa vào khai thác còn khiến cho giá bất động sản ở khu vực gần nhà ga sẽ bị đẩy lên cao.

Bạn đang đọc bài viết "Các công trình xây dựng mới góp phần thay đổi bộ mặt TPHCM" tại chuyên mục Đầu tư. Thông tin chi tiết xin liên hệ số hotline: 0971.008.956 hoặc gửi email về địa chỉ: bbtpld@gmail.com