Các quan niệm cơ bản khi xây nhà theo phong thủy, đúng hay sai?

09/09/2022 08:37

Theo dõi trên

Khi làm nhà, không ít thì nhiều, chắc chắn một phần nào đó, bạn cũng đã áp dụng các quan niệm tốt hoặc né tránh các quan niệm xấu về phong thủy. Khi áp dụng quá nhiều quan niệm vào trong thiết kế, sẽ rất khó đảm bảo sự hợp lí về kiến trúc. Vậy, nên nhìn nhận các quan niệm đó như thế nào?

Quan niệm có thể đúng, có thể sai

Ví dụ: Quan niệm khi nằm ngủ, không được đưa chân hoặc đầu ra cửa chính, vì giống tư thế người mất nằm. Đây là quan niệm hoàn toàn sai lầm về phong thủy. Không thể lấy nghi lễ trong đám tang, để áp dụng cho không gian ở của người sống.

Trong phong thủy lí khí, giường ngủ chỉ quan trọng về vị trí đặt giường phải ở cung tốt, hướng giường (hướng từ đầu giường kéo đến chân giường) nhìn về cung tốt và dòng khí đi vào đến giường ngủ phải là dòng khí tốt.

Còn đối với phong thủy hình thế, giường ngủ phải bao quát được căn phòng, thế nằm vững chãi, tụ khí và tránh một số vấn đề cơ bản về khoa học. Ví dụ này là một trong nhiều quan niệm sai, nhưng vẫn đang tồn tại.

Quan niệm có thể phù hợp với ngày xưa, nhưng hiện tại thì không đúng

 Ví dụ: Ngày xưa, khi bố trí nhà vệ sinh, các Thầy phong thủy luôn bố trí ngoài nhà, cuối nhà, hoặc đặt ở cung xấu.

Lí do: vì nhà vệ sinh ngày xưa không được sạch sẽ, ẩm ướt, hôi thối, nên phải đặt như vậy để tránh ảnh hưởng đến các không gian sinh hoạt chính của ngôi nhà. Điều này là hoàn toàn đúng đối với hoàn cảnh đó.

Tuy nhiên nhà vệ sinh hiện nay luôn được các chủ đầu tư chú trọng hơn. Nhà vệ sinh không chỉ là nơi giải quyết nhu cầu cơ bản mà là nơi thư giãn vì còn kết hợp với phòng tắm, massage, cây xanh, ánh sáng tự nhiên.

Có một điều thú vị, là khi vào nhà vệ sinh, bạn không cần tập trung vào những thứ xung quanh, nhờ đó bộ não được giải phóng và có những ý tưởng mới. Không phải tự nhiên mà nhiều nhạc sĩ đã sáng tác những bài hát hay, bất hủ khi ở trong phòng tắm.

Vì vậy đối với kiến trúc hiện đại, nhà vệ sinh là 1 nơi đáng được coi trọng. Thậm chí được đầu tư chi phí tốn kém, diện tích rộng rãi. Để đánh giá 1 căn nhà sạch sẽ hay sang trọng, không phải nhìn vào phòng khách hay phòng ngủ mà nên xem nhà vệ sinh như thế nào.

Quan niệm còn nhiều tranh cãi, chưa có sự thống nhất

image-20220907141631-1-1662622295.jpeg
Cách tính số bậc thang còn nhiều tranh cãi. Hình minh họa

Ví dụ: Hiện cách tính số bậc thang có rất nhiều thuyết, của nhiều Thầy phong thủy đưa ra như:

- Thuyết “Sinh Lão Bệnh Tử”, là thuyết thường xuyên sử dụng nhất. Số bậc thang cuối cùng phải là số Sinh. Tức nếu lấy tổng số bậc thang chia 4 thì sẽ dư 1 (4n +1). Số bậc thang cuối cùng của 1 đợt thang trong nhà ở thường là 17, 21, 25.

- Thuyết “Lỗ Ban”, tức dựa vào 8 cung của Thước Lỗ Ban: Tài, Bệnh, Ly, Nghĩa, Quan, Kiếp, Hại, Bản. Số bậc thang cuối cùng phải rơi vào các cung tốt: Tài, Nghĩa, Quan, Bản. Theo thuyết này thì số bậc thang nếu tính chiếu tới là bậc cuối cùng thì cầu thang có thể: 17,18,21,22,25,26.

- Thuyết “Âm Dương”, tức bậc thang cuối cùng phải là số lẻ, vì số lẻ mang tính dương, tính hướng lên. Theo thuyết này thì số bậc thang là: 17,19,21,23,25.

- Thuyết “Vòng Trường Sinh”: tùy vào hình dáng ngôi nhà như thế nào, mà khởi vòng Trường Sinh ở đâu. Số bậc thang cuối cùng phải ở những giai đoạn tốt của 12 vòng trường sinh như Trường Sinh, Mộc Dục, Quan Đới, Lâm Quan, Thai, Dưỡng.

Ví dụ: nhà phố thường có dạng hình ống, cao, dài, đại diện cho ngũ hành Mộc, vậy khởi vòng trường sinh ở bậc số 3. Như vậy số bậc cầu thang theo cách tính này sẽ là 15, 16, 17,18, 25, 26.

- Còn theo kiến trúc, số bậc thang phải phù hợp với chiều cao, kích thước ngôi nhà. Quan trọng nhất là chiều cao bậc thang phải đảm bảo đi lại thoải mái, không quá cao, cũng không quá thấp. Chiều cao thích hợp của bậc thang nằm trong khoảng từ 15-18cm. Đối với chiều cao 1 tầng khoảng 3,2-3,8m thì số bậc thang phù hợp là 21 bậc.

Ta thấy trong 5 cách tính trên, không thể tìm ra mẫu số chung. Số bậc 21 cũng chỉ đáp ứng được 4 cách tính, chứ không hoàn toàn thỏa mãn đủ các quan niệm. Trong phong thủy, còn nhiều vấn đề, nhiều trường phái mâu thuẫn nhau, tương tự như vậy.

Đứng trên tư cách của người làm kiến trúc, nghiên cứu về phong thủy, tôi cho rằng, mọi bố trí cần ưu tiên sự hợp lí về công năng, kĩ thuật, thẩm mỹ đầu tiên. Đây là các yếu tố hiện hữu, khoa học, dễ công nhận nhất. Sau đó, mới kết hợp với những trường phái phong thủy chính phái như Loan Đầu, Huyền Không, Đại Quái, Bát Trạch…

Đặc biệt không sử dụng các trường phái nhỏ, không chính thống. Khi thực hành, phong thủy không phải là một bức tranh đẹp của sự hoàn hảo. Rất khó để có một công trình nào tốt cả về kiến trúc lẫn phong thủy. Ta chỉ nên tìm cách xử lí sao cho cân bằng, hài hòa nhất có thể.

Bạn đang đọc bài viết "Các quan niệm cơ bản khi xây nhà theo phong thủy, đúng hay sai?" tại chuyên mục Văn hóa. Thông tin chi tiết xin liên hệ số hotline: 0971.008.956 hoặc gửi email về địa chỉ: bbtpld@gmail.com