Cán bộ chủ chốt không biết việc mình phải làm thì nên cho nghỉ

VH- PQL

16/09/2021 17:14

Theo dõi trên

Cán bộ chủ chốt không biết việc mình phải làm, không chủ động hoạch định và tổ chức thực hiện những công việc thuộc chức trách phải làm mà toàn thụ động chờ cấp trên cầm tay chỉ việc hoặc xin ý kiến cấp trên được làm những việc của chính mình thì ở cấp nào cũng nên để cho họ nghỉ. Để đỡ khổ dân...

 Trưa hôm qua tôi nghe tin Thủ tướng nổi nóng vì một ông Bí thư tỉnh không biết được địa phương mình tình hình dịch bệnh thế nào. Thủ tướng bảo "Hàng ngày tôi gọi cho anh nhắc nhở" còn Bí thư thì " Xin lỗi Thủ tướng, tôi không nhớ"?. Không nhớ việc thuộc chức trách công vụ chứ việc riêng của ông ta, chắc là sẽ không có chuyện bị quên hoặc lẫn đâu nhỉ?

1409_1d3fbbe3-6deb-4f34-8b04-12b5bda6ea32

 Thủ tướng Phạm Minh Chính thị sát chống dịch ở biên giới Tây Nam bộ

Nếu tôi nhớ không lầm thì tôi thấy chuyện này là lần thứ 2. Cán bộ chủ chốt không biết việc mình phải làm, không chủ động hoạch định và tổ chức thực hiện những công việc thuộc chức trách phải làm mà toàn thụ động chờ cấp trên cầm tay chỉ việc hoặc xin ý kiến cấp trên được làm những việc của chính mình. Tôi nghĩ dù  ở cấp nào cũng nên để cho họ nghỉ. Để đỡ khổ dân, cho chính họ và cũng nhẹ cho mình.

Nhìn rộng ra ở các cấp tham mưu thì thấy nhiều văn bản do cán bộ tham mưu ra hôm nay, hôm sau hoặc tuần sau lại có quyết định sửa đổi hoặc thu hồi. Vì các văn bản ấy chưa chuẩn. Rồi toàn dân được nghe giải thích hoặc là lỗi của "thằng đánh máy" hoặc lỗi người đề xuất chưa đúng. Sai thì phải sửa nhưng có cán bộ không nhận sai mà cứ loanh quanh biện hộ.

Nhớ ngày còn đi học, khi trả bài, một thầy giáo cầm bài thi của sinh viên giơ lên hỏi "bài ghi tên là... của ông/ bà nào? Chữ xấu thế này? Học bình dân học vụ à?". Một thầy khác bắt một anh thi lại vì trong bài thi anh ấy viết "gốc dễ", "dạp hát", "da vào". Hình thức thi: chép lại bài thi trước, sửa 3 lỗi sai. Khi đi làm rồi nghe một thầy có tuổi "mắng" cán bộ trẻ: "Anh mới ra trường, anh có quyền dạy chưa hay nhưng không có quyền dốt. Ngu dốt thì đừng làm việc này”. Nghe rợn tóc gáy. Giờ nghỉ hưu rồi càng ngẫm ra các thầy đúng cả. Các cụ nghiêm cẩn trong công việc, không chấp nhận sự ất ơ.

Ngày đó, một người quen của tôi được bổ nhiệm một "ghế" khá to, một anh bạn gọi: "Này, thằng ấy vừa lên ghế ấy đấy. Sao nó lên được chỗ ấy nhỉ?". Tôi trả lời "Chắc người ta thấy nó xứng đáng". Anh bạn cười khẩy "Ông xỏ lá vừa vừa thôi. Ông biết nó rõ thế mà còn nói vậy. Ai cũng có thể làm việc ấy chứ nó thì không. Vừa dốt, vừa tham". Có lẽ tôi và ông bạn đều sai vì tổ chức đưa anh ta lên thì người ta phải cân nhắc. Đến khi anh ta mất chức, ông bạn lại gọi "Ông biết tin chưa, thằng ấy xuống rồi. Tổ chức tài thật. Lúc đưa lên đúng mà giờ đưa xuống cũng đúng. Người ta giải thích nhận thức là một quá trình". Thì đúng quá còn gì?

Năng lực và phẩm chất cán bộ đang là nỗi lo lớn. Đợt dịch này bộc lộ ra nhiều cái hổng. Từ vĩ mô xuống đến cấp cơ sở. Nhà quản lý yếu về năng lực quản trị nhưng nhà chuyên môn cũng lúng túng, mất hướng (lúc nói thế này, lúc phán thế khác). Hiểu rõ để có đối sách chứ cứ u u minh minh, phải nhìn họ làm chứ nếu chỉ nghe họ nói chắc cũng dễ lầm lắm.

Bão sắp vào, mà to lắm, lại khó lường về hướng đi nữa. Nghe nói dự báo thời tiết là chuyện khó lắm vì người trần mắt thịt lại dự đoán còn mưa gió, sấm chớp là chuyện của trời. Chưa biết nó sẽ gây hoạ những đâu. Liệu có khó như chuyện cấp giấy đi đường mùa dịch không?

Chuyện của người với người, chuyện đã có tiền lệ chứ không phải chưa như có như ông nói đâu, mà cũng lại đơn giản thôi, ngày còn đi làm toàn do cấp Phó Văn phòng cấp cả, sao bây giờ lại rối rắm thế? Có lẽ việc bây giờ khó hơn việc ngày xưa chăng? Chuyện nhỏ còn thế, chuyện lớn và khó thật thì trông vào đâu? Chả lẽ cứ phải nghe mãi những lời phán đại và chứng kiến những việc làm chả biết nên gọi là gì? Bất luận cấp nào phải biết chức trách, nhiệm vụ của mình, nếu không phải đào thải. Đó là quy luật.

Bạn đang đọc bài viết "Cán bộ chủ chốt không biết việc mình phải làm thì nên cho nghỉ" tại chuyên mục Sự kiện. Thông tin chi tiết xin liên hệ số hotline: 0971.008.956 hoặc gửi email về địa chỉ: bbtpld@gmail.com