Cần có cơ chế, chính sách để hỗ trợ, thúc đẩy DN trong nước ‘bắt tay’ cùng các DN FDI

Cần có cơ chế, chính sách để hỗ trợ, thúc đẩy các doanh nghiệp trong nước cùng hợp tác làm ăn với các doanh nghiệp FDI, qua đó vươn mình, từng bước tiến ra “sân chơi” của thế giới.
pho-thu-tuong-tran-luu-quang-va-lanh-dao-cac-tap-doan-bac-au-du-hoi-nghi-pld-1710412177.jpg
Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang và Lãnh đạo các tập đoàn Bắc Âu dự Hội nghị – Ảnh: VGP/Hải Minh

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang nhấn mạnh quan điểm trên trong bài phát biểu tại Hội nghị Lãnh đạo các tập đoàn Bắc Âu đang đầu tư tại Việt Nam, diễn ra sáng ngày 12/3 tại Hà Nội.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh sau hơn 35 năm đổi mới, Việt Nam đã nỗ lực, phấn đấu và đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử nhờ sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, sự ủng hộ của người dân, doanh nghiệp trên nền tảng phát huy tối đa nội lực, đồng thời có sự ủng hộ, hỗ trợ hiệu quả của cộng đồng quốc tế, trong đó có các doanh nghiệp nước ngoài nói chung và các doanh nghiệp khu vực Bắc Âu nói riêng.

Việt Nam sẽ tiếp tục thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hoà bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, đa dạng hoá, đa phương hóa, là bạn, đối tác tin cậy, là thành viên tích cực, có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, Phó Thủ tướng khẳng định.

pho-thu-tuong-tran-luu-quang-phat-bieu-tai-hoi-nghi-lanh-dao-cac-tap-doan-bac-au-dang-dau-tu-tai-viet-nam-pld-1710412177.jpg
Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang phát biểu tại Hội nghị Lãnh đạo các tập đoàn Bắc Âu đang đầu tư tại Việt Nam – Ảnh: VGP/Hải Minh

Về đầu tư nước ngoài, xác định khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đóng vai trò quan trọng, Việt Nam định hướng thu hút đầu tư có chọn lọc, tạo ra sự kết nối lan tỏa giữa khu vực FDI và khu vực kinh tế trong nước, thúc đẩy phát triển mạnh mẽ kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức.

Cụ thể, Việt Nam ưu tiên thu hút các dự án đầu tư thuộc các ngành, lĩnh vực như: Kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức; khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, linh kiện điện tử, ô tô điện…; công nghệ lõi tiềm năng như sản xuất chất bán dẫn, năng lượng mới, năng lượng tái tạo; trung tâm tài chính, tài chính xanh; công nghệ sinh học, y tế; nông nghiệp công nghệ cao…

Việt Nam cũng sẽ tiếp tục đẩy mạnh hợp tác công – tư, bao gồm cả hợp tác với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, nhất là trong phát triển các mô hình sản xuất kinh doanh, hình thành các chuỗi giá trị và ngành nghề mới; khuyến khích sản xuất xanh, hệ thống phân phối xanh và tiêu dùng xanh.

pho-thu-tuong-bay-to-mong-muon-cac-cac-tap-doan-doanh-nghiep-lon-cua-khu-vuc-bac-au-pld-1710412177.jpg
Phó Thủ tướng bày tỏ mong muốn các các tập đoàn, doanh nghiệp lớn của khu vực Bắc Âu, với kinh nghiệm, thế mạnh và uy tín của mình, sẽ tiếp tục hỗ trợ, đồng hành cùng Chính phủ và các doanh nghiệp Việt Nam – Ảnh: VGP/Hải Minh

Về hợp tác với khu vực Bắc Âu, Phó Thủ tướng đánh giá quan hệ giữa Việt Nam và khu vực Bắc Âu những năm qua phát triển rất tích cực; tuy nhiên, hai bên còn nhiều dư địa hợp tác, tiềm năng, lợi thế có thể hỗ trợ, bổ sung cho nhau trên nhiều lĩnh vực.

Phó Thủ tướng bày tỏ mong muốn các các tập đoàn, doanh nghiệp lớn của khu vực Bắc Âu, với kinh nghiệm, thế mạnh và uy tín của mình, sẽ tiếp tục hỗ trợ, đồng hành cùng Chính phủ và các doanh nghiệp Việt Nam; chủ động có những giải pháp đột phá, sáng tạo, hiện đại, nắm bắt cơ hội, mở rộng hợp tác đầu tư trong những lĩnh vực mà hai bên có nhiều thế mạnh, tiềm năng.

Cùng với đó, đóng góp ý kiến, tham mưu với Chính phủ Việt Nam để tiếp tục hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách để khuyến khích doanh nghiệp áp dụng các mô hình kinh doanh bền vững, các ngành công nghiệp mới và phát triển các lĩnh vực kinh tế, kỹ thuật số, xây dựng nền kinh tế xanh, tuần hoàn.

cac-dai-bieu-tham-du-hoi-nghi-pld-1710412177.jpg
Các đại biểu tham dự Hội nghị – Ảnh: VGP/Hải Minh

Các tập đoàn, doanh nghiệp Bắc Âu cần tăng cường trao đổi, tiếp tục duy trì và mở rộng hợp tác, nhất là trong “củng cố các chuỗi cung ứng”, đảm bảo hoạt động sản xuất ổn định vì lợi ích của cả hai bên theo hướng đa dạng, minh bạch, bền vững.

Bên cạnh đó, các tập đoàn, doanh nghiệp Bắc Âu tiếp tục phát huy vai trò là cầu nối hiệu quả, tăng cường gắn kết, hiểu biết lẫn nhau, tuyên truyền các thông tin về chính sách, môi trường đầu tư của Việt Nam, từ đó, kết nối với các doanh nghiệp Việt Nam và cơ hội đầu tư tại Việt Nam.

Phó Thủ tướng cũng đề nghị các tập đoàn, doanh nghiệp Bắc Âu thúc đẩy một số định hướng hợp tác mà các doanh nghiệp khu vực Bắc Âu có thế mạnh và Việt Nam có nhu cầu như: Tài chính – ngân hàng, các ngành công nghiệp xanh, giáo dục đào tạo, y tế…

Với tinh thần “lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ”, Chính phủ Việt Nam sẽ luôn đồng hành, hỗ trợ và tạo mọi điều kiện thuận lợi để cộng đồng doanh nghiệp nói chung và các nhà đầu tư nước ngoài nói riêng, trong đó có các doanh nghiệp của khu vực Bắc Âu đến đầu tư thành công, bền vững, lâu dài ở Việt Nam, Phó Thủ tướng khẳng định.

Nhân dịp này, Phó Thủ tướng đã trực tiếp làm rõ những quan tâm của các tập đoàn, doanh nghiệp Bắc Âu liên quan đến các lĩnh vực cải cách hành chính, cung cấp điện, phát triển nông nghiệp, đào tạo nguồn nhân lực, quan hệ ngoại giao của Việt Nam…

Về cải cách hành chính, Phó Thủ tướng cho biết Việt Nam chuyển đổi từ cách làm cũ sang cách làm mới, tiếp cận với thế giới, nên còn nhiều việc cần làm, nhất là quy trình thực hiện các thủ tục hành chính trong khi việc chuyển đổi số chưa được mạnh mẽ.

Để khắc phục những hạn chế, Việt Nam sẽ tiếp tục phân cấp mạnh cho địa phương gắn liền với sự hỗ trợ, giúp đỡ tăng cường năng lực cho cấp cơ sở bởi chỉ có ở địa phương mới biết rõ làm thế nào là đúng nhất cho địa phương và cho doanh nghiệp đến đầu tư trên địa bàn của mình.

Khi phân cấp, Chính phủ kiểm soát quy hoạch (định hướng phát triển của quốc gia, vùng và địa phương) đồng thời tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực thi pháp luật; đẩy mạnh chuyển đổi số, trước hết là chính quyền số để giảm bớt thủ tục hành chính và minh bạch hoá thủ tục hành chính trên môi trường điện tử.

Chính phủ sẽ đẩy nhanh chuyển đổi số để đến cuối nhiệm kỳ này, tất cả thủ tục hành chính của Việt Nam sẽ được đưa lên môi trường mạng để các nhà đầu tư có thể tìm hiểu được một cách chi tiết; khuyến khích giao dịch qua môi trường điện tử để hạn chế chi phí không cần thiết.

Về đào tạo nguồn nhân lực, Phó Thủ tướng cho biết ngay từ khi ông còn làm lãnh đạo ở địa phương, vấn đề bảo đảm đủ số lượng và chất lượng nguồn nhân lực luôn là quan tâm hàng đầu của các nhà đầu tư.

Ngoài nỗ lực đào tạo nguồn nhân lực của Việt Nam, Phó Thủ tướng gợi ý các doanh nghiệp Bắc Âu cùng hợp tác với Việt Nam trong đào tạo nghề, trong đó Việt Nam đào tạo phần cơ bản, còn các doanh nghiệp đào tạo chuyên sâu để đáp ứng tốt nhất mong muốn của nhà đầu tư.

Về nhân lực cho ngành bán dẫn, Việt Nam đặt mục tiêu đào tạo 50.000 kỹ sư đến năm 2030; đã và đang liên kết đào tạo với những trung tâm đào tạo lớn và các doanh nghiệp nước ngoài đang đầu tư thành công tại Việt Nam như Samsung, LG, Intel…

Về cung cấp điện và giảm phát thải, Phó Thủ tướng khẳng định không thiếu điện và Việt Nam đang nỗ lực điều chỉnh cơ cấu nguồn điện theo hướng nâng tỉ lệ của năng lượng tái tạo, hướng tới mục tiêu giảm phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Việt Nam cam kết cung cấp đủ và không gián đoạn.

Đối với lĩnh vực nông nghiệp, Phó Thủ tướng cho biết từ một quốc gia không đủ lương thực cách đây 40 năm, Việt Nam đã trở thành quốc gia xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới. Đặc biệt trong năm 2023, Việt Nam đạt “kỳ tích” khi giá gạo xuất khẩu cao nhất thế giới, lượng gạo xuất khẩu đạt khoảng 8,6 triệu tấn, trị giá hơn 4 tỷ USD.

Phó Thủ tướng cho biết nhiều nước đã tiếp cận Việt Nam và bày tỏ mong muốn Việt Nam cung cấp gạo ổn định cho các quốc gia này. Đây là nguồn động viên rất lớn cho Việt Nam nói chung và người nông dân Việt Nam nói riêng.

Với năng lực sản xuất lúa gạo của mình, Việt Nam bảo đảm đủ lương thực cho tiêu dùng trong nước trong vài thập kỷ tới. Tuy nhiên, do đang đối mặt với những tác động to lớn, vượt dự báo của biến đổi khí hậu, Việt Nam chủ trương phát triển nông nghiệp xanh, nông nghiệp thích ứng với biển đổi khí hậu, nông nghiệp phát thải thấp.

Chính phủ đã triển khai Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp ở đồng bằng sông Cửu Long nhằm mục tiêu để người nông dân làm quen với tư duy mới trong sản xuất nông nghiệp thân thiện với môi trường, nâng cao chất lượng gạo và giá thành xuất khẩu gạo.

Về bí quyết của ngoại giao Việt Nam, Phó Thủ tướng đánh giá chưa bao giờ Việt Nam đạt được những thành tựu ngoại giao “tích cực và to lớn” như vừa qua, nhờ kế thừa và phát huy tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về ngoại giao, bản sắc ngoại giao cây tre, nhờ kiên trì, kiên định chính sách là bạn, là đối tác tin cậy và là thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế.

Việt Nam luôn thể hiện và được bạn bè đánh giá là “chân thành”, “có trách nhiệm”, bởi Việt Nam không chỉ vì lợi ích của mình mà còn vì lợi ích của cộng đồng quốc tế và khu vực vì mục tiêu có thêm bạn bè ủng hộ sự bình yên và phát triển của Việt Nam và mục tiêu hoà bình và phát triển chung của khu vực và thế giới.

Về mạng lưới FTA, Phó Thủ tướng cho biết Việt Nam hiện có 16 FTA với các đối tác khu vực và trên thế giới, mở ra thị trường rộng lớn với dân số khoảng hơn 2,5 tỷ người.

Để khai thác tốt những lợi ích từ mạng lưới các hiệp định trên, Việt Nam phải tiếp tục nỗ lực, cố gắng từng bước để nâng tầm quốc gia phù hợp với những tiêu chuẩn cao hơn, hợp tác bền vững và phù hợp với xu thế của quốc tế hơn trong tương lai.

Về thu hút FDI và phát triển khu vực tư nhân, Phó Thủ tướng khẳng định mong muốn lớn lao nhất của Việt Nam là khi các nhà đầu tư đến Việt Nam, Việt Nam phát triển và các nhà đầu tư có lợi nhuận.

Mong muốn lớn lao hơn là doanh nghiệp trong nước, doanh nghiệp của Việt Nam được tham gia vào chuỗi sản xuất của các doanh nghiệp FDI để phát triển lớn mạnh từng ngày, Phó Thủ tướng chia sẻ.

Phó Thủ tướng cũng nhấn mạnh sự cần thiết phải có cơ chế, chính sách để hỗ trợ, thúc đẩy các doanh nghiệp trong nước cùng hợp tác làm ăn với các doanh nghiệp FDI, qua đó vươn mình, từng bước tiến ra “sân chơi” của thế giới./.