“Siêu dự án” đường sắt Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng:

Cần đặt hàng doanh nghiệp nội

Sáng 19/2 với 455/459 đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết tán thành, chiếm 95,19% tổng số đại biểu, Quốc hội đã biểu quyết và thông qua Nghị quyết chủ trương đầu tư xây dựng dự án đường sắt Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng. Tổng mức đầu tư dự án là hơn 203.000 tỷ đồng, suất đầu tư gần 16 triệu USD/km.

Hướng tuyến “ngắn nhất, thẳng nhất”

Theo Nghị quyết, Dự án nhằm mục tiêu xây dựng tuyến đường sắt mới hiện đại, đồng bộ nhằm đáp ứng nhu cầu vận tải nội địa, liên vận quốc tế giữa Việt Nam và Trung Quốc; tạo động lực quan trọng cho phát triển kinh tế – xã hội nhanh và bền vững, phát huy lợi thế trên hành lang kinh tế Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng. Bảo đảm kết nối hiệu quả các mạng lưới đường sắt trong nước và quốc tế, gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh và hội nhập quốc tế, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu; thúc đẩy tiến trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước; góp phần hiện thực hóa mục tiêu, nhiệm vụ theo Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII và các Nghị quyết của Đảng.

ds-17399351066671289610657-1739939109898-1739939110063706876131-600x370-1740139304.jpg
Các đại biểu Quốc hội tiến hành biểu quyết – Ảnh: Cổng TTĐT Quốc hội

Tại Nghị quyết cũng quyết định hình thức đầu tư là đầu tư công; Dự án được áp dụng công nghệ đường sắt chạy trên ray, điện khí hóa; bảo đảm hiện đại, đồng bộ, an toàn và hiệu quả. Đồng thời, Dự án được áp dụng các cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt;… Trong đó, Dự án không phải thực hiện việc thẩm định khả năng cân đối vốn theo quy định của Luật Đầu tư công.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết, hướng tuyến dự án sẽ được Chính phủ nghiên cứu theo nguyên tắc ngắn nhất, thẳng nhất có thể và đã được sự thống nhất của các địa phương có dự án đi qua.

Bên cạnh đó, một số đoạn tuyến đi cùng hành lang với các tuyến đường bộ cao tốc (Hà Nội – Lào Cai, Hà Nội – Hải Phòng), được nghiên cứu đáp ứng yêu cầu kỹ thuật, đủ mặt bằng để bố trí ga, đồng thời hạn chế tối đa diện tích đất xen kẹp giữa đường sắt và đường bộ.

Tổng mức đầu tư hơn 203.000 tỷ đồng

Về phạm vi đầu tư, điểm đầu tại vị trí nối ray qua biên giới (tỉnh Lào Cai), điểm cuối tại ga Lạch Huyện (thành phố Hải Phòng); chiều dài tuyến chính khoảng 390,9 km; chiều dài các tuyến nhánh khoảng 27,9 km; đi qua địa phận 09 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương gồm: Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Thủ đô Hà Nội, Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Dương và Hải Phòng;

Báo cáo của Chính phủ, sơ bộ tổng mức đầu tư được tính toán theo quy định của pháp luật về xây dựng. So sánh với suất đầu tư tuyến đường sắt Viêng Chăn – Boten dài 418 km có chi phí đầu tư 5,96 tỷ USD, suất đầu tư quy đổi 16,77 triệu USD/km. Theo đó, tuyến đường sắt Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng với suất đầu tư khoảng 15,96 triệu USD/km, tương đồng với suất đầu tư một số dự án tham khảo trong khu vực.

Quy mô đầu tư mới toàn tuyến đường đơn, khổ 1.435 mm; tốc độ thiết kế 160 km/h đối với tuyến chính đoạn từ ga Lào Cai mới đến ga Nam Hải Phòng, tốc độ thiết kế 120 km/h đối với đoạn qua khu vực đầu mối thành phố Hà Nội, tốc độ thiết kế 80 km/h đối với các đoạn tuyến còn lại.

Sơ bộ tổng mức đầu tư của dự án là 203.231 tỷ đồng; tiến độ thực hiện: lập báo cáo nghiên cứu khả thi từ năm 2025, phấn đấu hoàn thành dự án chậm nhất vào năm 2030.

Nghị quyết giao Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam tiếp nhận quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng và tổ chức vận hành, khai thác; huy động các doanh nghiệp khác đầu tư phương tiện.

dbqh-hn-qh-1739935155595199208188-1739939110772-1739939110871447189982-600x386-1740139304.jpg
Đại biểu Hoàng Văn Cường, Đoàn ĐBQH Tp. Hà Nội phát biểu hôm 15/2 – Ảnh: Cổng TTĐT Quốc hội

Nên cam kết thị phần cho doanh nghiệp trong nước

GS.TS Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam cho biết tuyến Lào Cai – Hà Nội là hành lang quan trọng thứ 2 của đất nước, chỉ sau hành lang kinh tế Bắc-Nam, với nhu cầu vận chuyển hàng hoá rất lớn, do đó việc xây dựng tuyến đường sắt sẽ mang lại hiệu quả.

Không những thế, tuyến đường sắt được kết hợp vận chuyển cả hàng hoá lẫn hành khách, lại có thể kết nối trực tiếp với mạng lưới đường sắt của Trung Quốc, giúp liên thông hàng hoá, hành khách trong nước với quốc tế nên có tĩnh hữu dụng rất cao.

Nhắc lại sự sẵn sàng đồng hành của các doanh nghiệp trong nước trong việc tham gia vào dự án trong cuộc gặp của Thủ tướng Chỉnh phủ mới đây, GS.TS Hoàng Văn Cường đề nghị dự án cần đẩy mạnh việc ưu tiên đặt hàng và giao nhiệm vụ cho doanh nghiệp trong nước về làm chủ xây dựng đường, cầu, hầm, sản xuất đường ray, đóng toa xe.

Theo đó, khi Chính phủ đặt hàng doanh nghiệp, mặc dù có thể sẽ khiến giá thành cao hơn so với việc nhập khẩu từ quốc tế, nhưng khi đó toàn bộ số tiền đầu tư sẽ trở thành tăng trưởng kinh tế trong nước và giúp tăng trưởng GDP.

“Ngược lại, nếu nhập khẩu, tiền đầu tư sẽ chảy ra ngoài và Việt Nam sẽ không thể nào có được ngành công nghiệp đường sắt của riêng mình,” ông Cường nhấn mạnh. Bên cạnh việc đặt hàng, ông cho rằng Chính phủ phải có sự cam kết bởi nếu xong tuyến này mà không đặt hàng các tuyến sau thì doanh nghiệp không thể đầu tư lớn mua công nghệ. Chỉ khi có cam kết từ Chính phủ thì các doanh nghiệp mới yên tâm đầu tư, nghiên cứu và phát triển.

bac5816-600x429-1740139304.jpg
Tuyến đường sắt đô thị số 2 Cát Linh-Hà Đông

Đồng tình với chủ trương đầu tư dự án, đại biểu Trần Văn Tiến (Vĩnh Phúc) cho rằng cần làm rõ việc lựa chọn công nghệ đường sắt chạy trên ray và điện khí hóa có phù hợp với công nghệ đường sắt của Trung Quốc hay không.

Đồng thời, đại biểu đề nghị cần quan tâm việc kết nối ga với các đường hiện có và các tuyến đường trong quy hoạch của các địa phương. Đặc biệt, cần rà soát vị trí, chức năng của mỗi ga để bảo đảm phù hợp với quy hoạch của các địa phương có đường sắt chạy qua; bảo đảm kết nối giao thông cũng như thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương.

Theo một chuyên gia trong ngành cơ khí, trước mắt chúng ta cần đầu tư nâng cao năng lực chế tạo hai nhà máy Gia Lâm (phía Bắc) và Dĩ An (phía Nam) đủ sức chế tạo khoảng 20% chi tiết, thiết bị đường sắt tốc độ cao (tính theo tổng trọng lượng), đặc biệt là các chi tiết “mau mòn, chóng hỏng”.Thêm vào đó, doanh nghiệp đường sắt trong nước thời gian qua đã tiếp nhận và sản xuất một số thiết bị cho đường sắt Trung Quốc theo đơn đặt hàng của họ.

Về phía doanh nghiệp, chủ tịch tập đoàn Hòa Phát khẳng định: tự tin đủ năng lực nghiên cứu sản xuất thép đường ray, thép làm trục bánh xe tàu hỏa, tàu cao tốc theo đặt hàng của Thủ tướng Chính phủ cũng như các loại thép chất lượng cao phục vụ cho các dự án trọng điểm quốc gia và xuất khẩu ra thế giới. Lãnh đạo Tập đoàn cũng đề nghị Chính phủ cần có biện pháp bảo vệ chính đáng các doanh nghiệp sản xuất trong nước: ”Những gì doanh nghiệp trong nước có thể làm được, chúng tôi mong nhà nước hãy giao cho doanh nghiệp làm. Có như thế mới nuôi dưỡng các doanh nghiệp lớn được”. Đồng thời, lãnh đạo Hòa Phát cũng đề xuất thêm: ”Thứ nhất, Chính phủ và Lãnh đạo Tỉnh Quảng Ngãi quan tâm sớm giao đất để Tập đoàn có thể nhanh chóng triển khai dự án kịp tiến độ cung cấp sản phẩm cho tuyến đường sắt cao tốc Lào Cai – Quảng Ninh – Hải Phòng. Thứ hai, Chính phủ nghiên cứu khai thác nguồn quặng trong nước thay thế cho nhập khẩu, tránh lãng phí tài nguyên. Hòa Phát nhập khẩu 20 triệu tấn quặng mỗi năm, sau khi hoàn thành dự án ở Phú Yên nhập khẩu thêm 10 triệu tấn nữa. Với giá quặng 100 USD/tấn thì mỗi năm Tập đoàn phải nhập khoảng 3 tỷ USD “.

BÀI LIÊN QUAN