TP.HCM kiến nghị Quốc hội phân bổ 25% vốn Trung ương làm đường sắt đô thị

Về đề án đường sắt đô thị TP.HCM, ông Phan Văn Mãi kiến nghị Quốc hội chấp thuận việc phân bổ nguồn vốn Trung ương hỗ trợ cho TP khoảng 25,6% trong giai đoạn đến 2035, còn lại sử dụng ngân sách thành phố.

Sáng 5/10, tại cuộc làm việc của Đảng đoàn Quốc hội với Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi đã báo cáo tình hình kinh tế, xã hội của TP.HCM trong 9 tháng đầu năm 2024; kết quả thực hiện các nghị quyết liên quan phát triển TP.HCM.

Buổi làm việc nhằm đánh giá kết quả triển khai Nghị quyết 98 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM và Nghị quyết 57 của Quốc hội về chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 3 TP.HCM.

Bên cạnh đó, đánh giá về tình hình thực hiện các nội dung TP.HCM đăng ký thông qua tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV; các nội dung qua thực tiễn áp dụng tại TP.HCM cần nghiên cứu để sửa đổi, bổ sung pháp luật.

Thành phố có khả năng hoàn thành 19/22 chỉ tiêu
Báo cáo với đoàn công tác, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết, kết quả Quý 3/2024, TP.HCM tiếp tục đà tăng trưởng của quý 2, quý sau tích cực hơn quý trước nhưng chưa có đột phá. Phần lớn các chỉ số quan trọng đều tăng so với cùng kỳ.

Cụ thể, GRDP quý 3 đạt 7,33%, tính chung 9 tháng đầu năm đạt 6,85%; doanh thu hàng hóa và dịch vụ tăng 10,5%; xuất khẩu đạt 33,82 tỷ USD (tăng 10,2%); nhập khẩu đạt 44,1 tỷ USD (tăng 6,4%); IPP tăng 6,9%; doanh thu du lịch tăng 11,9% trong đó khách quốc tế đạt 4,014 triệu lượt (tăng 12,4%).

phanvanmai-1728268257.jpg
Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi báo cáo tại buổi làm việc. Ảnh: SGGP

Số doanh nghiệp thành lập mới tăng 1,6% (37.808 doanh nghiệp), số doanh nghiệp hoạt động trở lại tăng 15,4%; thu ngân sách nhà nước tăng 14,29% (đạt 76,9% dự toán năm); tỷ lệ giải quyết việc làm tăng 2,85%, tỷ lệ tạo việc làm mới tăng 5,17%. Đưa vào sử dụng nhiều công trình quan trọng trong lĩnh vực giao thông, y tế, giáo dục, hạ tầng…

Về đánh giá khả năng hoàn thành 22 chỉ tiêu chủ yếu nhiệm kỳ 2020 – 2025, ông Phan Văn Mãi cho biết, TP có khả năng hoàn thành 19/22 chỉ tiêu, trong đó 12 chỉ tiêu sẽ đạt; 1 chỉ tiêu phấn đấu đạt, 6 chỉ tiêu cần nỗ lực lớn để đạt;  3 chỉ tiêu không đạt gồm tốc độ tăng GRDP do bị ảnh hưởng trực tiếp từ Covid-19 giai đoạn 2020-2021; tỷ lệ vốn đầu tư toàn xã hội/GRDP; tốc độ tăng năng suất lao động.

TP.HCM cần bao nhiêu vốn?
Về lĩnh vực quản lý đầu tư, thành phố đã bố trí vốn đầu tư công và giải ngân 2.796 tỷ đồng (năm 2023) và 998 tỷ đồng (năm 2024) hỗ trợ giảm nghèo và giải quyết việc làm. TP đã thông qua danh mục 7 vị trí phát triển TOD dọc tuyến metro số 1, metro số 2, tuyến Vành đai 3.

Thành phố đã ban hành danh mục 41 dự án đầu tư trong lĩnh vực y tế, giáo dục, văn hóa theo phương thức đối tác công tư; 5 dự án BOT nâng cấp, mở rộng, hiện đại hóa đường bộ hiện hữu để thực hiện đến năm 2028.

Về tài chính, ngân sách nhà nước, TP đã đưa vào cân đối từ nguồn cải cách tiền lương ngân sách TP để chi thu nhập tăng thêm 11.287 tỷ đồng.

Tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND TP Phan Văn Mãi kiến nghị Quốc hội thông qua tổng thể dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 TP.HCM, chủ trương đầu tư dự án thành phần đoạn qua tỉnh Long An và có Nghị quyết về cơ chế chung cho cả dự án để triển khai dự án.

Về đề án đường sắt đô thị TP.HCM, ông Phan Văn Mãi kiến nghị Quốc hội chấp thuận việc phân bổ nguồn vốn Trung ương hỗ trợ cho TP khoảng 25,6% trong giai đoạn đến 2035, còn lại sử dụng ngân sách thành phố; đề xuất Quốc hội thông qua Đề án theo hướng thông qua khung chính sách cho hai TP để triển khai thực hiện Đề án, không phải là thông qua chủ trương đầu tư cho một dự án cụ thể.

Trong các cơ chế, chính sách trình Quốc hội thông qua có bao gồm nội dung về thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư và quyết định đầu tư từng tuyến: giao thẩm quyền cho HĐND quyết định chủ trương đầu tư, UBND TP quyết định đầu tư nếu vốn huy động cho dự án hoàn toàn là vốn của TP, để có thể áp dụng ngay cho dự án metro 2 và các dự án bồi thường giải phóng mặt bằng TOD trong năm 2025.

Về đề án xây dựng Trung tâm tài chính quốc tế Việt Nam tại TP, ông Phan Văn Mãi kiến nghị Quốc hội chấp thuận 10 cơ chế chính sách tập trung vào các nhóm trụ cột năng lực cạnh tranh cần ưu tiên để xây dựng thành công Trung tâm tài chính.

Về sửa đổi, bổ sung luật, Chủ tịch UBND TP Phan Văn Mãi kiến nghị Quốc hội xem xét bổ sung, điều chỉnh hoặc có hướng dẫn đối với 25 nội dung gồm: nội dung trong Luật Xử lý vi phạm hành chính; nội dung trong Luật Giáo dục nghề nghiệp; 6 nội dung trong Luật Đầu tư công; 4 nội dung trong Luật Quy hoạch; 7 nội dung trong Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư; 2 nội dung trong Luật Đấu thầu; 5 nội dung trong Luật Đầu tư.

Đối với việc thực hiện Nghị quyết 98, đồng chí cho biết, trong quá trình nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Luật Đầu tư, kiến nghị Quốc hội cho nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Khoản 7 Điều 4 Nghị quyết 98 về yêu cầu giải ngân vốn đầu tư đối với nhà đầu tư chiến lược để đảm bảo phù hợp với thực tiễn thực hiện.

Đối với dự án Vành đai 3, TP  kiến nghị Quốc hội ủng hộ việc cân đối nguồn vốn Ngân sách Trung ương hỗ trợ UBND tỉnh Bình Dương sớm nghiên cứu đầu tư nâng cấp, mở rộng 15,3km đoạn Tân Vạn – Bình Chuẩn đi trùng với đường Vành đai 3 để khai thác đồng bộ, hiệu quả khi dự án đường Vành đai 3 TP.HCM đưa vào khai thác năm 2026.

Đối với Nghị quyết 131/2020/QH14 về chính quyền đô thị tại TP.HCM, TP kiến nghị Quốc hội tổng kết 5 năm thực hiện Nghị quyết 131, từ đó, ban hành Nghị quyết mới toàn diện hơn, phù hợp hơn. Đồng thời đưa vào Chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật nội dung xây dựng Luật Đô thị đặc biệt TP.HCM.

Đối với các nội dung dự kiến báo cáo Quốc hội về Vành đai 4, đề án Đường sắt đô thị, Trung tâm tài chính quốc tế,  ông Phan Văn Mãi kiến nghị Quốc hội ủng hộ các cơ chế đặc thù dự kiến sẽ đề xuất.