#kỷ nguyên mới

TP.HCM cần 39 tỉ USD để xây dựng 183km đường sắt đô thị

Để xây dựng khoảng 183km đường sắt đô thị vào năm 2035, TP.HCM cần nguồn vốn lên đến hơn 39 tỉ USD. Nguốn vốn này dự kiến đến từ ngân sách thành phố qua việc đấu giá đất, phát hành trái phiếu, ngân sách trung ương, BT trả chậm…
duong-sat-metro-tphcm-1730443641.jpg
TP.HCM huy động nguồn lực để hoàn thiện mạng lưới đường sắt đô thị

Sở Giao thông - Vận tải (GTVT) TP.HCM vừa có Văn bản số 14229 gửi UBND Thành phố giải trình rõ hơn về cơ cấu nguồn vốn đầu tư 183 km đường sắt đô thị và đánh giá nợ công khi đầu tư các tuyến đường sắt đô thị, theo báo Đầu tư.

Theo báo cáo của Sở GTVT, để hoàn thành 183 km đường sắt đô thị TP.HCM vào năm 2035, cần số vốn hơn 39 tỷ USD. Với số vốn rất lớn, TP.HCM sẽ huy động tối đa các nguồn lực để đầu tư theo kế hoạch đề ra.

Khi đầu tư, Thành phố xác định, cơ cấu nguồn vốn dựa trên nguyên tắc các tuyến đang triển khai đầu tư theo vốn vay ODA, thì các đoạn còn lại có thể xem xét, nghiên cứu tiếp tục đầu tư bằng vốn ODA hoặc bằng vốn ngân sách nhà nước.

Đối với các tuyến còn lại sẽ tập trung ưu tiên đầu tư bằng vốn nhà nước, huy động thêm từ các nguồn vốn khác nhằm dần tiếp cận các công nghệ hướng tới nội địa hóa hệ thống đường sắt đô thị, chủ động hoàn toàn trong triển khai và đẩy nhanh tiến độ dự án.

Vì vậy, qua tính toán của các sở, ngành, nhu cầu vốn để đầu tư các tuyến đường sắt đô thị tại TP.HCM giai đoạn 2026-2030 là 21,31 tỷ USD. Trong đó, nguồn ngân sách Thành phố và thu từ đấu giá quỹ đất dọc các nhà ga (TOD) là 7,81 tỷ USD (chiếm 36,65%); phát hành trái phiếu chính quyền địa phương và các hình thức vay trong nước khác là 6,67 tỷ USD (chiếm 31,3%); Trung ương hỗ trợ (dự kiến) 4,78 tỷ USD (chiếm 22,44%); nguồn vốn BT trả chậm 2,04 tỷ USD (chiếm 9,58%).

Đến giai đoạn 2031-2035, Thành phố cần 17,26 tỷ USD để đầu tư, trong đó, nguồn ngân sách Thành phố và thu từ TOD là 9,48 tỷ USD (chiếm 54,95%); Trung ương hỗ trợ (dự kiến) 3,19 tỷ USD (chiếm 18,51%), nguồn vốn BT trả chậm 4,58 tỷ USD (chiếm 26,54%).

Trước đó, tại phiên đối thoại với đại biểu MTTQ Việt Nam TP.HCM sáng 3/10, ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND thành phố, đã công bố định hướng phát triển kinh tế - xã hội của địa phương trong giai đoạn 2026-2030. Một trong những mục tiêu quan trọng là hoàn thành 183km metro từ nay đến năm 2035, theo báo Dân Trí.

Chủ tịch TPHCM cho biết, thành phố sẽ phát hành trái phiếu đường sắt đô thị và kêu gọi người dân tham gia mua ủng hộ, cùng đóng góp kinh phí triển khai dự án. Cơ quan chức năng sẽ tính toán kỹ lưỡng để khai thác hiệu quả quỹ đất dọc tuyến metro, kết hợp với tác động tích cực của dự án lên kinh tế, xã hội nhằm mang lại nguồn kinh phí tốt, trả lại lợi ích cho người dân.

TP.HCM được quy hoạch 8 tuyến metro và ba tuyến xe điện mặt đất (đường sắt một ray) tổng chiều dài khoảng 220 km. Hiện, tuyến số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) và số 2 (Bến Thành - Tham Lương) tổng chiều dài hơn 30 km đã được triển khai từ vốn ODA theo cơ chế cấp phát từ ngân sách Trung ương. Các tuyến còn lại chưa được đầu tư và đang ở bước xây dựng, hoàn thiện đề án.