Cảnh báo lừa đảo thông qua Google Voice nhằm chiếm đoạt tài sản

Xuất hiện hành vi lừa đảo mới nhắm vào số điện thoại của người dân thông qua dịch vụ điện thoại Google Voice, Cục An toàn thông tin khuyến cáo người dân đề cao cảnh giác khi sử dụng dịch vụ này nói riêng và các ứng dụng VoiP (truyền giọng nói trên giao thức IP) nói chung.

Chiêu lừa đảo mới thông qua Google Voice
Theo Cục An toàn thông tin, tại Mỹ đã xuất hiện hành vi lừa đảo mới nhắm vào số điện thoại của người dân thông qua dịch vụ điện thoại Google Voice. Nạn nhân của thủ đoạn này chủ yếu là những người có nhu cầu mua và bán hàng thông qua các nền tảng mạng xã hội.

google-voice-1048-1726538545.jpg

Chiêu lừa đảo trực tuyến mới nhắm vào người dùng Google Voice. (Ảnh minh họa)


Cụ thể, các đối tượng lừa đảo sẽ chiếm quyền kiểm soát số điện thoại thông qua tài khoản Google Voice của nạn nhân với mục đích xấu như mạo danh hoặc thực hiện các giao dịch chuyển tiền bất hợp pháp. Tổng thiệt hại do thủ đoạn này gây ra có thể dao động từ vài trăm cho đến hàng nghìn USD.

Ban đầu, các đối tượng có xu hướng nhắm đến những tài khoản đăng tải các bài viết với nhu cầu mua bán sản phẩm hoặc cung cấp các dịch vụ trực tuyến trên các nền tảng như Craigslist hoặc Facebook Marketplace. Các đối tượng sẽ giả vờ quan tâm đến sản phẩm, chủ động hỏi han và liên hệ với nạn nhân.

Sau khi trò chuyện, kẻ gian sẽ chủ động gửi mã xác nhận tài khoản Google Voice của mình cho nạn nhân, sau đó yêu cầu nạn nhân cung cấp số điện thoại và xác minh tính chính thống bằng cách gửi lại mã của mình.

Sau khi nạn nhân chia sẻ mã, các đối tượng sẽ sử dụng mã này để thiết lập một tài khoản Google Voice khác liên kết với số điện thoại mà nạn nhân sử dụng. Điều này sẽ cho phép các đối tượng chiếm quyền kiểm soát số điện thoại của nạn nhân, theo dõi toàn bộ nội dung tin nhắn và cuộc gọi của nạn nhân.

Trước thực tế này, Cục An toàn thông tin khuyến cáo người dân đề cao cảnh giác khi sử dụng Google Voice nói riêng và các ứng dụng VoiP (Truyền giọng nói trên giao thức IP) nói chung; Tuyệt đối không làm theo hướng dẫn của các đối tượng lạ, không cung cấp các thông tin và dữ liệu cá nhân khi chưa xác minh được danh tính của đối tượng.

Đồng thời, nâng cao bảo mật bằng cách bật chế độ bảo mật 2 lớp đối với các ứng dụng tương tự. Khi nghi ngờ đối tượng có dấu hiệu lừa đảo, người dùng cần báo cáo ngay với bộ phận quản lý ứng dụng để kịp thời ngăn chặn hành vi lừa đảo.

Lừa đảo, mạo danh để kêu gọi từ thiện trên không gian mạng
Ngày 7/9, trang Facebook của Hội Chữ thập đỏ tỉnh Quảng Ninh đăng cảnh báo về tình trạng fanpage lừa đảo, mạo danh để kêu gọi ủng hộ người dân bị ảnh hưởng bởi bão số 3. Đến nay, dù đã bị nhiều người report (báo cáo) và báo chí đưa tin, fanpage giả mạo trên vẫn tồn tại, tiếp tục kêu gọi mọi người chuyển tiền từ thiện.

Liên quan đến vụ sập cầu Phong Châu, ngày 11/9, trên mạng xã hội tiếp tục xuất hiện trang fanpage giả mạo Ủy ban mặt trận Tổ quốc huyện Lâm Thao, kêu gọi chuyển tiền ủng hộ vào một tài khoản cá nhân để ủng hộ gia đình các nạn nhân bị ảnh hưởng. Ngay sau khi phát hiện sự việc, lãnh đạo huyện Lâm Thao đã khẳng định thông tin đưa ra là không chính xác; đồng thời cảnh báo người dân nên nâng cao cảnh giác, tránh mất tiền oan.

Trong giai đoạn nhiều tỉnh bị ảnh hưởng bão lũ, thiên tai các phong trào từ thiện lan rộng. Bên cạnh các hoạt động được tổ chức bài bản, còn có một bộ phận nhỏ một số cá nhân, tổ chức lợi dụng hoàn cảnh nguy cấp để lợi dụng lòng hảo tâm, lòng thương của mọi người lập ra fanpage hay quỹ kêu gọi giả mạo.

Tại tỉnh Sóc Trăng, theo Phòng An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao - Công an tỉnh đã tiếp nhận nhiều thông tin từ người dân về các số điện thoại lạ gọi đến kêu gọi quyên góp, ủng hộ người dân bị thiệt hại do bão số 3 gây ra.

Hiện nay, các đối tượng không chỉ gọi điện kêu gọi quyên góp mà còn tạo các trang giả mạo trên các nền tảng xã hội để kêu gọi từ thiện, người dân phải hết sức tỉnh táo, bảo vệ mình trước các hành vi lừa đảo. Trước khi quyên góp, ủng hộ, người dân cần tìm hiểu kỹ về tổ chức kêu gọi, xác minh tính xác thực của thông tin được cung cấp.

Thượng tá Phan Sỹ Vinh, Trưởng Phòng An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Công an Sóc Trăng khuyến cáo mọi người dân nêu cao tinh thần cảnh giác, không gửi tiền quyên góp, ủng hộ vào các tài khoản không rõ nguồn gốc.

Mạo danh Cục Đăng kiểm, Cục Đường bộ Việt Nam
Trong thời gian qua, Cục Đăng kiểm Việt Nam nhận được thông tin phản ánh của người dân và các đơn vị đăng kiểm về việc có nhiều cuộc điện thoại gọi đến từ các số điện thoại như: 098236xxx, 0916712xxx, 0911312xxx, 0916600xxx,… tự xưng là cán bộ của Cục Đường bộ Việt Nam, Cục Đăng kiểm Việt Nam.

Qua điện thoại, các đối tượng mời chào và yêu cầu người dân, doanh nghiệp với nội dung như: "Đề nghị các đơn vị mua bộ sách về quản lý các đơn vị đăng kiểm" hoặc "Yêu cầu người dân và doanh nghiệp đổi tem kiểm định theo quy định của Thông tư mới" hoặc yêu cầu cài đặt ứng dụng (App) có logo Cục Đăng kiểm Việt Nam...

Cục Đăng kiểm Việt Nam khẳng định, không có chuyện cán bộ của Cục này yêu cầu người dân, doanh nghiệp và đơn vị mua sách hay đổi tem kiểm định như phản ánh. Tất cả những đối tượng gọi điện với nội dung nêu trên là mạo danh, lừa đảo.

Cục Đăng kiểm Việt Nam đề nghị các đơn vị đăng kiểm nâng cao cảnh giác, tuyên truyền đến các nhân viên của đơn vị và chủ phương tiện đến kiểm định xe được biết.

Đồng thời, Cục Đăng kiểm Việt Nam cũng khuyến cáo người dân và doanh nghiệp đề cao cảnh giác những đối tượng gọi điện mạo danh Cục Đăng kiểm Việt Nam, tránh bị các đối tượng lợi dụng và lừa đảo.

Trước đó, cuối năm 2023, dư luận xã hội cũng phản ánh tình trạng tại một số địa phương, người dân nhận được nhiều số điện thoại lạ mạo danh cán bộ trung tâm đăng kiểm gọi điện "tư vấn" dịch vụ gia hạn đăng kiểm, bán bảo hiểm "đưa đến tận nhà" với số tiền 300-500 nghìn đồng.

Do các đối tượng hoạt động rất tinh vi, tự xưng là cán bộ đăng kiểm, nắm rõ họ tên chủ phương tiện, biển số xe, địa chỉ, thời gian xe hết hạn đăng kiểm nên người dân không nghi ngờ và làm theo hướng dẫn. Không những vậy, nhiều người còn bị lừa mua bảo hiểm bắt buộc cho ô tô hoặc nhờ đóng phí đường bộ.

Cục Đăng kiểm Việt Nam đã rà soát và khẳng định các trung tâm đăng kiểm không thực hiện dịch vụ nêu trên. Do đó, trường hợp nhân danh cán bộ trung tâm đăng kiểm gọi điện để tư vấn dịch vụ thực hiện việc thu các khoản phí ngoài quy định của đăng kiểm là hành vi mạo danh có dấu hiệu trục lợi cá nhân.

Cục Đăng kiểm Việt Nam khuyến cáo người dân và chủ phương tiện nếu có thông tin, nên thông báo tới cơ quan hữu quan để xử lý theo quy định pháp luật.

Vô hiệu hóa hơn 400.000 website, tài khoản mạng xã hội nghi vấn hoạt động lừa đảo trực tuyến
Hiện nay, tội phạm sử dụng nhiều thủ đoạn, như giả mạo các cơ quan, tổ chức thuế, ngân hàng, công an… để gọi điện thoại lừa đảo; giả mạo website các tập đoàn, công ty, thương hiệu lớn để thu hút vốn đầu tư, tuyển dụng nhân sự; lập các trang Facebook có logo của các trường đại học để lừa đảo tiền học phí, lệ phí...

Theo Thiếu tướng Hoàng Anh Tuyên, các đối tượng triệt để sử dụng các ứng dụng, công nghệ, phương tiện hiện đại để thực hiện hành vi phạm tội, hoạt động ẩn danh, khó truy vết. Phần lớn hoạt động có tổ chức, nhưng chỉ liên lạc, móc nối qua không gian mạng, không có tiếp xúc, trao đổi trực tiếp.

"Chúng tôi dự báo trong thời gian tới, lừa đảo trên không gian mạng tiếp tục là chủ đề không chỉ ở Việt Nam mà còn trong khu vực quốc tế đều phải đối mặt", Thiếu tướng Tuyên nhấn mạnh

Nói về giải pháp, Thiếu tướng Hoàng Anh Tuyên thông tin, từ năm 2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 21/CT-TTg về tăng cường phòng ngừa, xử lý hoạt động lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, trong đó có lừa đảo, chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng. Cho đến nay, chủ yếu triển khai trên 2 mảng chính.

Về phòng ngừa, Bộ Công an đã chỉ đạo cơ quan các cấp nhấn mạnh công tác tuyên truyền. An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao duy trì 3 kênh trên không gian mạng: Facebook, Tiktok, Zalo để trao đổi, tuyên truyền phổ biến các thông tin về tội phạm trên không gian mạng. Trong tháng 8, Cổng Thông tin điện tử Bộ Công an, Cổng/Trang Thông tin điện tử Công an các đơn vị, địa phương đã cung cấp, đăng tải hơn 500 tin, bài cảnh báo tội phạm.

Thời gian gần đây, một số vụ việc người dân, ngân hàng chủ động phát hiện, ngăn chặn được hành vi lừa đảo. Nhiều người bị lừa đảo ra ngân hàng, sắp chuyển tiền thì được kịp thời ngăn chặn.

Bộ Công an cùng với các bộ, ngành phối hợp ngăn chặn các lỗ hổng có thể sử dụng được. Phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông ngăn chặn sim rác, giảm tải sim rác, đảm bảo chính chủ sử dụng thuê bao, phối hợp với Ngân hàng chống tài khoản ảo.

Ngoài ra, Hiệp hội An ninh mạng Quốc gia vừa ban hành phần mềm giúp phát hiện lừa đảo trên không gian mạng và đây là công cụ tốt cho việc phòng ngừa tội phạm lừa đảo trên không gian mạng.

Về công tác đấu tranh, Bộ Công an đã chỉ đạo rất nhiều chuyên đề, kế hoạch để tập trung điều tra, xét xử nghiêm các vụ lừa đảo trên không gian mạng. Rà soát, vô hiệu hóa các website, tài khoản mạng xã hội nghi vấn giả mạo các cơ quan, tổ chức để lừa đảo trên không gian mạng. Từ tháng 3 đến tháng 8 năm nay đã vô hiệu hóa hơn 400.000 website, tài khoản mạng xã hội nghi vấn hoạt động lừa đảo trực tuyến.

Ngoài ra, Bộ Công an đề nghị người dân thường xuyên theo dõi thông tin cảnh báo tội phạm, nâng cao ý thức cảnh giác, phòng ngừa tội phạm; cảnh giác khi nhận các cuộc gọi mà người gọi tự xưng là cán bộ các cơ quan nhà nước, yêu cầu điều tra, giải quyết vụ án qua điện thoại.

Thận trọng, rà soát và kiểm tra kỹ thông tin trước khi thực hiện các giao dịch điện tử, giao dịch trực tuyến. Trường hợp có nghi ngờ về hoạt động phạm tội thì kịp thời thông báo cho Cơ quan Công an nơi gần nhất để được tiếp nhận và hướng dẫn giải quyết.