Ít ngày trước thời điểm chỉ áp dụng hình thức thu phí điện tử không dừng (ETC) trên cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, các đơn vị liên quan đã hoàn tất khâu chuẩn bị để đảm bảo tài xế từ chối dịch vụ ETC sẽ không thể lưu thông qua cao tốc này.
Để đảm bảo an ninh trật tự trong quá trình thí điểm, Bộ GTVT đã có văn bản gửi các địa phương và Cục CSGT để phối hợp xử lý vi phạm tại các trạm thu phí.
Triển khai thế nào?
Tổng cục Đường bộ đã báo cáo Bộ GTVT kế hoạch áp dụng thu phí ETC hoàn toàn trên cao tốc Hà Nội - Hải Phòng bắt đầu từ 9h ngày 1/6, triển khai đồng loạt trên 6 trạm thu phí của toàn tuyến.
Thời điểm trên, 30 làn thu phí thủ công (MTC) sẽ được đóng lại, chỉ còn 32 làn thu phí ETC được mở để phục vụ phương tiện. Ngoài ra, mỗi trạm sẽ duy trì một làn xử lý sự cố mỗi chiều để mở cho lưu thông trong trường hợp đặc biệt.
Trạm thu phí trên cao tốc Hà Nội - Hải Phòng. Ảnh: Ngọc Tân. |
Những trường hợp đặc biệt ở đây cụ thể là các loại xe ưu tiên cần di chuyển gấp như đoàn xe ưu tiên (có xe dẫn đường), xe cứu thương, cứu hỏa, hộ đê...
VIDIFI, chủ đầu tư tuyến cao tốc, đã xây dựng phương án xử lý từng tình huống sự cố, trong đó tính đến trường hợp chủ phương tiện chưa đăng ký dịch vụ ETC hoặc chưa nạp tiền nhưng vẫn đi vào cao tốc, thậm chí dừng đỗ gây ùn tắc giao thông.
Cụ thể, đơn vị quản lý sẽ từ chối phục vụ, hướng dẫn tài xế di chuyển ra khỏi đường cao tốc bằng lối đi cho xe quá khổ, đồng thời cung cấp thông tin cho lực lượng chức năng xử phạt theo Nghị định 100.
Trong thời gian đầu, để hỗ trợ các phương tiện chưa nắm thông tin, đi nhầm vào cao tốc, VIDIFI sẽ phối hợp với đơn vị cung cấp dịch vụ ETC (VDTC và VETC) hỗ trợ tài xế dán thẻ, nạp tiền ngay tại trạm để tiếp tục lưu thông.
Trường hợp phía sau phương tiện còn nhiều xe khác dồn ứ, nhân viên thu phí sẽ phát thẻ giấy và mở barie cho xe qua, đồng thời yêu cầu xe di chuyển vào khu vực dán thẻ phía sau trạm để đăng ký dịch vụ.
Trường hợp phương tiện không dùng dịch vụ ETC nhưng vẫn cố tình đi vào cao tốc, đơn vị quản lý cao tốc sẽ đề nghị Cục Cảnh sát giao thông xử phạt phương tiện, đồng thời vẫn truy thu phí sử dụng đường bộ tại trạm đầu ra.
Bộ GTVT đã có văn bản gửi đến Cục Cảnh sát Giao thông và thanh tra giao thông các địa phương để đảm bảo lực lượng chức năng này sẽ hỗ trợ đơn vị quản lý cao tốc đảm bảo an ninh trật tự và xử lý những hành vi cố tình không sử dụng dịch vụ ETC.
Lý giải về tính hợp pháp
Trước băn khoăn về việc áp đặt người dân sử dụng dịch vụ ETC (từ chối giao dịch bằng tiền mặt) trên một tuyến cao tốc có phù hợp hay không, Ủy ban Kinh tế Quốc hội đã yêu cầu Bộ GTVT giải thích rõ về cơ sở pháp lý của quyết định này.
Để giải trình với Ủy ban Kinh tế, Bộ GTVT đã trích dẫn 2 văn bản chỉ đạo của lãnh đạo Chính phủ. Hai văn bản này gồm:
- Quyết định số 19/2020/QĐ-TTg ngày 17/6/2020 của Thủ tướng về việc thu phí không dừng, trong đó tại khoản 3, Điều 5 nêu rõ: Cơ quan Nhà nước có thẩm quyền căn cứ điều kiện cụ thể tại từng trạm thu phí xem xét, quyết định thực hiện thu phí toàn bộ theo hình thức điện tử không dừng”.
- Văn bản số 8544/VPCP-CN ngày 22/11/2021, trong đó Phó thủ tướng Lê Văn Thành giao Bộ GTVT “khẩn trương nghiên cứu lựa chọn một số tuyến cao tốc tại mỗi vùng miền để triển khai thí điểm chỉ áp dụng hình thức thu phí điện tử không dừng (chỉ phục vụ các phương tiện có đủ điều kiện tham gia dịch vụ thu phí điện tử không dừng)”.
Qua đó, Bộ GTVT khẳng định việc lựa chọn tuyến cao tốc Hà Nội - Hải Phòng để thí điểm là phù hợp quy định pháp luật.
Ngoài ra, trên cơ sở học tập kinh nghiệm các nước, Bộ GTVT đã xây dựng lộ trình triển khai hệ thống thu phí không dừng qua 3 giai đoạn. Trong đó, giai đoạn cuối sẽ hướng đến bỏ hoàn toàn bốt thu phí, barie và vách ngăn giữa các làn đường, chỉ giữ lại long môn là nơi gắn các thiết bị thu phí tự động.