Tuy nhiên, hiện nay toàn tuyến mới có 66km đường hoàn thiện, hơn 11 km qua địa bàn huyện Hòa Vang do vướng mắc công tác giải tỏa đền bù nên không có mặt bằng để thi công, theo kế hoạch ban đầu, dự án đã chậm tiến độ hơn một năm qua…
Tại dự án này, ngày 16/8/2019, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) Lê Đình Thọ làm việc với lãnh đạo UBND TP. Đà Nẵng về công tác giải phóng mặt bằng đoạn qua địa bàn huyện Hòa Vang, Đà Nẵng. Theo báo cáo của lãnh đạo Ban QLDA đường Hồ Chí Minh, dự án bế tắc trong việc giải phóng mặt bằng tuyến Hòa Liên - Túy Loan, dài 11,5 km có 258 hồ sơ giải tỏa, đền bù của các hộ dân ở các xã Hòa Liên, Hòa Sơn, Hòa Nhơn, huyện Hòa Vang, chưa thể thỏa thuận giá cả đền bù.
Đại diện UBND TP. Đà Nẵng cho biết, khó khăn hiện nay là không có nguồn vốn, để thực hiện giải tỏa đền bù mặt bằng dự án phần còn lại cần khoảng 400 tỷ đồng, trong khi Ban QLDA đường Hồ Chí Minh chỉ đáp ứng được khoảng 180 tỷ đồng. Bộ GTVT và Ban QLDA đề nghị UBND TP. Đà Nẵng cùng tìm giải pháp tháo gỡ.
Về vấn đề này, Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ đã có yêu cầu hội đồng bồi thường giải phóng mặt bằng nghiên cứu phương án ưu tiên giải tỏa các hộ có đất nằm trong ranh giới dự án để giao mặt bằng cho chủ đầu tư. Đề nghị chính quyền các địa phương, các đơn vị liên quan tăng cường vận động người dân chấp hành chủ trương giải tỏa, nhanh chóng tính toán lại kinh phí, mức giá đền bù, và thực hiện khẩn trương để hỗ trợ tiến độ cao tốc La Sơn - Túy Loan.
Thứ trưởng Bộ GTVT yêu cầu BQL đường Hồ Chí Minh phối hợp với TP. Đà Nẵng đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, kịp thời phối hợp giải quyết các vấn đề phát sinh, đẩy nhanh tiến độ thi công và hoàn thành dự án trước ngày 30/9/2019. Tuy vậy, đến nay đã là cuối tháng 3/2020, dự án hầu như vẫn “án binh bất động”, chưa thể tiếp tục triển khai vì chưa có mặt bằng.
Qua tìm hiểu, theo thông tin từ lãnh đạo các địa phương Hòa Liên, Hòa Sơn đều cho biết: Hơn 5km dự án qua các địa phương này chủ yếu là ảnh hưởng đến đất rừng, đất vườn, ruộng của người dân, nên không có vấn đề gì phức tạp trong công tác đền bù, giải tỏa để lấy mặt bằng bàn giao cho dự án.
Hầu hết người dân đều thống nhất với chủ trương của nhà nước và đã dành phần đất đã cắm mốc dự án không canh tác, sản xuất, không khiếu nại, thắc mắc về vấn đề giá cả cũng như mọi công tác giải phóng mặt bằng. Việc chậm trễ và vướng mắc hiện nay là phần dự án còn lại tại địa phận xã Hòa Nhơn khoảng 6km.
Đã có nhiều cuộc họp giữa UBND TP. Đà Nẵng và Bộ GTVT, thống nhất phương án, sẽ giữ nguyên một đoạn đường tránh Nam Hải Vân để chuyển thành đường cao tốc La Sơn - Túy Loan, đấu nối với nút giao thông tại Túy Loan, Hòa Nhơn với cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi. Để đấu nối đường Trường Sơn với đường tránh Nam Hải Vân cần thi công hai đường gom hai bên, đi qua khu vực các thôn Hòa Khương Đông, Hòa Khương Tây, Thạnh Nham Tây, Phước Hậu.
Ngày 15/11/2019, tổ chức cắm mốc dự án trên địa bàn các thôn này, sẽ triển khai dự án trong quý 1/2020. Tìm hiểu thực tế tại địa phương, chúng tôi được ông Nguyễn Tấn Phát - Chủ tịch UBND xã Hòa Nhơn cho biết: Khi giải tỏa, đền bù giải phóng mặt bằng, dự án sẽ ảnh hưởng đến đất nhà ở của khoảng 200 hộ dân của 4 thôn nêu trên, cùng nhiều diện tích đất đai sản xuất nông nghiệp của nhiều hộ dân khác.
Hiện vẫn chưa có số liệu thống kê, đo đạc, kiểm định cụ thể, nhưng cứ theo sơ đồ đã cắm mốc lộ giới trên chiều dài 6km, rộng 50 mét của tuyến đường qua địa phận xã Hòa Nhơn, phải có đến trên 300 ha đất đai liên quan đến đất ở, đất sản xuất của người dân phải di dời, giải tỏa đền bù.
Đến nay, đã là đã hết quý 1/2020, Ban Quản lý dự án, Hội đồng giải phóng mặt bằng vẫn chưa tiến hành lập hồ sơ cụ thể, chưa có công tác kiểm định, định giá đền bù giải tỏa nhà cửa, đất đai cho người dân, đây là vấn đề bức xúc nhất ở địa phương hiện nay.
Chính quyền địa phương cũng mong muốn Ban Quản lý dự án, ngành chức năng phải có kế hoạch cụ thể, bởi vì việc giải tỏa, đền bù, ổn định nơi ăn chốn ở cho hàng trăm hộ dân không phải là vấn đề đơn giản, nếu không được tiến hành bài bản sẽ xảy ra khiếu kiện, khiếu nại, rồi đời sống người dân bị ảnh hưởng kéo dài sẽ rất phức tạp cho công tác quản lý, ổn định cuôc sống, phát triển kinh tế, xã hội địa phương sau này.