Cầu Mỹ Thuận 2: Hoàn thành toàn bộ gói thầu cuối năm 2022

Dự án xây dựng cầu Mỹ Thuận 2 có tổng mức đầu tư hơn 5.003 tỉ đồng. Khởi công năm 2020, dự án đặt mục tiêu hoàn thành toàn bộ gói thầu trước 31/12/2022 tiến tới đưa vào khai thác năm 2023.
cau-my-thuan-2-1660903740.jpg
Hình minh họa.

Mới đây, đoàn công tác của Bộ Giao thông vận tải đã có chuyến thực địa kiểm tra tiến độ Dự án xây dựng cầu Mỹ Thuận 2 và đường dẫn hai đầu cầu.

Theo báo cáo của Ban Quản lý dự án 7 (chủ đầu tư), tổng giá trị xây lắp của dự án đến thời điểm hiện tại đạt 57,72% (vượt kế hoạch 3,48%).

Cụ thể, 1/5 gói thầu đã hoàn thành, 4 gói thầu còn lại đều đảm bảo và vượt kế hoạch tiến độ đặt ra. Trong đó, gói thầu thi công bộ kết cấu phần dưới từ trụ T18 đến mố M34, đường dẫn phía Vĩnh Long đoạn km107+356-km107+740, vượt đến 9,33%, dự kiến hoàn thành vào tháng 10/2022.

Về công tác giải phóng mặt bằng, đến nay tỉnh Vĩnh Long và Tiền Giang đã hoàn thành và bàn giao mặt bằng 100% cho nhà thầu thi công.

Các nhà thầu được giao nhiệm vụ tập trung, tăng cường thêm các mũi thi công, tổ chức triển khai làm tăng ca để đảm bảo cơ bản hoàn thành tuyến chính các gói thầu XL01, XL.02, XL.04 trước ngày 30/9/2022. Riêng các đoạn xử lý đất yếu gói thầu XL01 và gói thầu XL02 sẽ trải thảm bê tông nhựa trong tháng 11/2022. Dự kiến hoàn thành toàn bộ gói thầu trước ngày 31/12/2022.

Dự án thành phần đầu tư xây dựng cầu Mỹ Thuận 2 và đường dẫn hai đầu cầu có tổng mức đầu tư hơn 5.003 tỉ đồng. Độ dài toàn tuyến khoảng 6,61km, trong đó cầu chính dài 1,9km; đường dẫn và cầu trên tuyến dài 4,7km. Dự án có điểm đầu của dự án khớp nối với dự án đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận, điểm cuối nối vào dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ.

Khởi công đầu năm 2020, dự án dự kiến hoàn thành tiến tới đưa vào khai thác năm 2023.

Khi hoàn thành, dự án được kỳ vọng sẽ giúp giảm tải giao thông cho cầu Mỹ Thuận hiện tại và quốc lộ 1A. Công trình có vai trò kết nối hai đoạn cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận và Mỹ Thuận - Cần Thơ để hoàn thiện tuyến cao tốc từ TP.HCM đi Cần Thơ, tạo mạng lưới giao thông hoàn chỉnh ở Đồng bằng sông Cửu Long.

Dự án mang đến tiềm năng phát triển bất động sản cho nhiều địa phương khu vực ĐBSCL.