Ngân hàng TNHH MTV Xây dựng (CB) đã được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chỉ đạo để chuyển giao bắt buộc về Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank). Trên thực tế nhìn lại, CB có sự hỗ trợ toàn diện của Vietcombank trong rất nhiều năm qua, khi chính thức trở thành ngân hàng 100% vốn sở hữu thuộc Nhà nước vào ngày 5/3/2015.
CB cho biết đến nay, dưới sự chỉ đạo sát sao của NHNN và sự hỗ trợ từ Vietcombank, ngân hàng đã có sự đổi mới toàn diện, về mọi mặt từ mô thức quản trị, hệ thống công nghệ, hệ thống sản phẩm dịch vụ và hình ảnh thương hiệu.
Đáng chú ý, kế hoạch chuyển giao bắt buộc về Vietcombank đã được cả 2 nhà băng thực thi từng bước theo quy định của pháp luật và NHNN. Năm 2022, Vietcombank đã xin ý kiến ĐHĐCĐ thông qua kế hoạch nhận chuyển giao bắt buộc một ngân hàng. Tại kỳ ĐH này của Vietcombank, lãnh đạo nhà băng này cho biết mục tiêu của Vietcombank khi nhận việc nhận chuyển giao bắt buộc một tổ chức tín dụng là hỗ trợ tổ chức tín dụng từng bước khôi phục hoạt động bình thường, khắc phục các yếu kém, trở thành ngân hàng có tình hình tài chính lành mạnh, đảm bảo khả năng hoạt động liên tục.
Với Vietcombank, việc chuyển giao bắt buộc này sẽ giúp ngân hàng có điều kiện mở rộng quy mô kinh doanh, cơ sở khách hàng, mạng lưới… và có thể nhận sáp nhập, hoặc tiếp tục duy trì tổ chức tín dụng như một ngân hàng con hoặc bán/chuyển nhượng tổ chức tín dụng cho nhà đầu tư mới.
Về phía CB, 2022 cũng là năm đầu tiên kể từ khi tái cơ cấu, CB được NHNN chính thức phê duyệt kế hoạch kinh doanh và đã hoàn thành 100% chỉ tiêu. Theo đó, trong chia sẻ mới nhất, CB công bố các kết quả đạt được 2022 với tổng số dư huy động đạt 20.000 tỷ đồng, tăng ròng tín dụng khách hàng doanh nghiệp và bán lẻ đều đạt trên 5.000 tỷ đồng; đa dạng hóa nguồn thu từ các hoạt động bán buôn, bán lẻ, kinh doanh vốn, bảo hiểm, thu hồi nợ.
Đặc biệt, bước sang năm 2023, những chuyển động mới về chuyển giao bắt buộc ngày càng trở nên rõ ràng hơn. Tại kỳ ĐHĐCĐ 2023 của Vietcombank vừa qua, ông Phạm Quang Dũng – Chủ tịch Vietcombank – cho hay, hiện nay Vietcombank đang triển khai các thủ tục cần thiết trình lên các cơ quan có thẩm quyền về việc nhận chuyển giao bắt buộc. Thời gian xử lý tổ chức tín dụng yếu kém sẽ phụ thuộc vào tình hình tài chính của đơn vị này.
Ông cũng nhấn mạnh là quá trình này sẽ phụ thuộc vào quy mô và mức độ hỗ trợ của các cơ quan có thẩm quyền. Cùng với đó là diễn biến của thị trường.
Chia sẻ cùng báo chí ngày 5/6/2023, ông Đàm Minh Đức – Thành viên HĐQT, Tổng Giám đốc CB – cho biết, dự kiến khoảng 6 tháng nữa Vietcombank sẽ trở thành ngân hàng mẹ của CB. “Vừa qua, Bộ Chính trị cũng đã phê duyệt chủ trương này. CB cũng đang chuẩn bị sẵn sàng cho công tác chuyển giao bắt buộc về Vietcombank” – ông Đàm Minh Đức chia sẻ.
Theo CB, việc được chuyển giao về một trong những tổ chức tín dụng hàng đầu Việt Nam sẽ mở ra hành trình mới với CB, sau hơn 8 năm kiên định trên hành trình tái cơ cấu. CB hiện cũng đã sẵn sàng để bắt đầu một giai đoạn mới, với sự đổi mới và cả đầu tư công nghệ, nâng cấp sản phẩm dịch vụ để hòa nhịp xu hướng thị trường trên môi trường số.
Được biết, CB hiện có hơn 1.600 CBNV. Ngân hàng đặt mục tiêu kinh doanh năm 2023 với số dư huy động dự kiến tăng ròng 10.000 tỷ đồng, giữ vững số dư 5.000 tỷ đồng dư nợ tín dụng 2022 và tăng ròng trên 5.000 tỷ đồng dư nợ tín dụng 2023. Kết thúc quý I, CB đã hoàn thành các chỉ tiêu, khởi đầu triển vọng cho việc thực hiện kế hoạch kinh doanh năm 2023. Đáng chú ý, CB cũng dự kiến đào tạo và phát triển nhân sự lên con số 1.800 CBNV.
Với chia sẻ của ông Đàm Minh Đức, có thể thấy tiến trình chuyển giao bắt buộc ngân hàng đang được đẩy nhanh.
Mới đây, báo cáo trước Quốc hội trong kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV đang diễn ra, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết: Tái cơ cấu ngân hàng là việc rất khó xử lý. “Tái cơ cấu một ngân hàng yếu kém trong điều kiện bình thường đã rất khó rồi, trong điều kiện khó khăn thế này lại càng khó hơn. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã quyết liệt thực hiện. Ngay từ khi nhận nhiệm vụ, Thủ tướng Chính phủ đã họp với ngành Ngân hàng và yêu cầu tiến hành quyết liệt các giải pháp để tái cơ cấu”, Thống đốc thông tin.
Trước đó, theo báo cáo Đánh giá bổ sung kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2021; tình hình triển khai Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2022 vào ngày 10/5, Chính phủ cho biết, thời gian qua đã chủ động, tích cực triển khai nhiều giải pháp để xử lý 3 ngân hàng mua bắt buộc và ngân hàng thương mại cổ phần Đông Á (ĐongABank). Theo đó, đã tìm kiếm đối tác, đàm phán với các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài có nguyện vọng tham gia cơ cấu lại ngân hàng; sắp xếp lại mạng lưới hoạt động, tiết giảm chi phí, triển khai các hoạt động kinh doanh an toàn… trên nguyên tắc quyết liệt, thận trọng, chặt chẽ; rà soát, hoàn thiện phương án cơ cấu lại theo định hướng mới.
Báo cáo cho biết đã có phương án xử lý đối với không chỉ với CB mà còn có phương án cho Ngân hàng Đại dương (OceanBank).
Ngoài ra, trên thị trường, các thông tin về khả năng chuyển giao bắt buộc/ phương án xử lý đối với những ngân hàng trong nhóm yếu kém, còn xoay quanh “kịch bản” chuyển giao bắt buộc của Ngân hàng Dầu khí Toàn cầu (GP Bank) và ĐongA Bank. Cùng với đó, là sự tham gia tái cơ cấu của các ngân hàng lớn, ngoài Vietcombank, có Ngân hàng Quân đội (MBBank), Ngân hàng Phát triển TP Hồ Chí Minh (HDBank), hay Ngân hàng Việt Nam Thịnh vượng (VPBank)… cũng đã xin ý kiến cổ đông về kế hoạch tham gia tái cơ cấu, M&A ngân hàng.