Chuyên gia VinaCapital: Chứng khoán còn nhiều yếu tố khó đoán

Giám đốc quỹ VESAF tin rằng chứng khoán đã được điều chỉnh về vùng định giá tốt cho đầu tư dài hạn, tuy nhiên thị trường vẫn còn nhiều yếu tố cần phải theo dõi thêm.

Thị trường chứng khoán trong nước đang trải qua giai đoạn giông bão bởi các tác động tiêu cực từ yếu tố vĩ mô quốc tế và sự thanh lọc thị trường trong nước. Chỉ số chính rơi vào thị trường giá xuống khi mất hơn 20% giá trị so với vùng đỉnh.

Trong talkshow "Hành động trong mắt bão", bà Nguyễn Hoài Phương - Giám đốc đầu tư quỹ đầu tư VESAF thuộc VinaCapital - nhận định thị trường mặc dù đã rơi về vùng có định giá tốt, vẫn còn nhiều yếu tố khó dự báo, nhà đầu tư cần cẩn trọng và quản trị danh mục của mình.

Vị chuyên gia quan sát tỷ lệ nhà đầu tư cá nhân ở Việt Nam lên đến 90%, trong khi các thị trường tương đồng về quy mô khác như Đài Loan thì tỷ lệ này chỉ đạt 50%-60%. Do đó biến động của VN-Index có thể lớn hơn, có lúc hưng phấn năm 2021 và có lúc lại rất bi quan như thời gian qua.

Người đại diện quỹ cho biết khi xem xét giải ngân cuối năm 2021 đã nhận thấy nhiều cổ phiếu không có yếu tố cơ bản hỗ trợ nhưng tăng giá rất nhiều, đó là lúc tâm lý nhà đầu tư hưng phấn quá đà.

"Thậm chí có cổ phiếu tốt mà quỹ đã ngắm đến nhưng khó giải ngân mới khi nhìn định giá công ty. Nhìn làn sóng hưng phấn như vậy, chúng tôi cho rằng sự điều chỉnh là cần thiết và lành mạnh", bà nói.

chung khoan,  co phieu,  dinh gia anh 1

Chứng khoán rơi về vùng định giá giá thấp nhưng vẫn khó đoán định trong ngắn hạn. Ảnh: Việt Linh.

Quỹ VESAF nhìn nhận định giá nhiều cổ phiếu đang rất tốt để đầu tư dài hạn, như ngân hàng có P/E về mức trước Covid-19 hay cổ phiếu chu kỳ như HPG tiệm cận giá trị sổ sách, tiệm cận giá vùng cuối năm 2019 trong khi doanh nghiệp đang hoạt động bình thường và có lợi nhuận tích lũy qua 2 năm qua.

Dù có định giá tốt nhưng bà Phương nhắc lại quan điểm thận trọng và khó đoán trong ngắn hạn. Đơn cử, yếu tố tăng lãi suất của FED nên được quan sát bởi chứng khoán Việt Nam có biến động tương quan khá lớn với thị trường Mỹ.

Yếu tố lạm phát của trong nước cũng nên được quan tâm. Mặc dù lạm phát 5 tháng đầu năm vẫn đang ở mức thấp nhưng Việt Nam khó tránh khỏi áp lực lạm phát gia tăng, đây sẽ là câu chuyện khó đoán định.

VinaCapital dự báo CPI đạt đỉnh khoảng 5,5% trong quý IV nhưng trung bình cả năm vẫn sẽ dưới 4%. Bởi khi lạm phát tăng lên ở các tháng tiếp theo có thể do các yếu tố như giá thịt heo, giá gạo đang còn thấp ở cuối năm trước.

Tuy nhiên, chuyên gia quản lý quỹ khẳng định điều hành vĩ mô của chính phủ Việt Nam đang rất nhịp nhàng và cân đối, lãi suất điều hành chưa tăng và nếu tăng thì được dự báo cũng chỉ tăng nhẹ.

“Yếu tố quan trọng nhất là thị trường đã quá bán để giảm về vùng định giá thấp. Nhà đầu tư hiện nhạy cảm với các tin tức mới, đặc biệt là những thay đổi liên quan đến chính sách điều hành, tháo gỡ khó khăn...nên cần được theo dõi thêm", bà Phương nhấn mạnh.

Chẳng hạn, giới đầu tư đang để ý đến các vấn đề như khi nào các ngân hàng được cấp hạn mức tín dụng mới, khi nào thì gói hỗ trợ lãi suất 2% được thực thi hay khi nào nền kinh tế Trung Quốc mở cửa để kích cầu tiêu dùng?

Thêm nữa là yếu tố thay đổi về Nghị định 153 liên quan đến phát hành trái phiếu để có hướng hỗ trợ tốt hơn so với bản dự thảo gần nhất. Theo bà Phương, đây sẽ là những yếu tố quyết định xu hướng thị trường trong quý III.