Chuyển giao công nghệ: Để không còn là bài toán khó?

Thanh Nhàn

18/03/2022 08:55

Theo dõi trên

Có những câu hỏi day dứt trở đi trở lại trong vài thập niên “tại sao nhiều kết quả nghiên cứu ở Việt Nam không thể ứng dụng trong thực tế?”, “tại sao doanh nghiệp trong nước lại thờ ơ với công nghệ nội?”, “tại sao có những nghiên cứu chỉ ‘đút ngăn kéo’?”…

Những câu hỏi này khiến người ta nghĩ đến một thực tại: phải chăng việc chuyển giao công nghệ là một bài toán quá khó?

Nhìn từ bên ngoài, dưới ánh sáng của thành công thì chuyển giao công nghệ tưởng chừng như nằm trong tầm tay với của các nhà khoa học. Ví dụ tại lễ tổng kết Chương trình KC.05/16-20 vào cuối tháng 10/2021, hầu như ai cũng ấn tượng và vui mừng trước màn ký kết hợp đồng chuyển nhượng độc quyền khai thác thương mại phụ gia với 20 triệu USD giữa giáo sư Vũ Thị Thu Hà, Giám đốc Phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia về Công nghệ Lọc hóa dầu với Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển nông nghiệp Balance Life. Bởi đây là cơ hội để đưa sản phẩm của giáo sư Vũ Thị Thu Hà và cộng sự là FNT6VN - một phụ gia có thể hòa trộn vào các loại nhiên liệu như xăng, dầu truyền thống và xăng dầu sinh học, thậm chí là dầu FO – vào ứng dụng trong đời sống.

a44bk2-fagk-1647568375.jpg

Điều đáng kinh ngạc ở sản phẩm này là dù tỉ lệ pha vào nhiên liệu chỉ ở mức vài phần triệu với xăng và chục phần triệu với diesel nhưng lại hiệu quả: không khải khuấy trộn khi pha vào nhiên liệu, không làm thay đổi chỉ tiêu kỹ thuật của nhiên liệu, không ảnh hưởng đến thiết bị, động cơ nhưng giúp tiết kiệm nhiên liệu từ 10 đến 15% và giảm phát thải ô nhiễm tới 10 % trong quá trình vận hành. Trong những ngày giá xăng đang được điều chỉnh tăng lên tới gần 30.000 đồng/lít và tình trạng ô nhiễm không khí bủa vây các thành phố lớn, liền kề với những khu công nghiệp như TP.HCM, Hà Nội, hẳn ai cũng thấy giá trị hứa hẹn mà phụ gia đa năng này có thể đem lại cho người sử dụng và xã hội.

Có lẽ, cần “trải thảm đỏ” để đón những công nghệ thiết thực từ phòng thí nghiệm như thế này ra với đời sống chăng? Đặt câu hỏi này với giáo sư Vũ Thị Thu Hà đúng gần nửa năm sau sự kiện ký kết hợp đồng, chị trầm ngâm trả lời “Chuyển giao công nghệ thực sự là một bài toán quá khó với nhà khoa học. Không có thành công nào trong chuyển giao lại đến một cách ngẫu nhiên hoặc dễ dàng. Chúng tôi thất bại không biết bao lần mới gặt được kết quả, gặp gỡ cả nghìn người mới tìm được một nhà đầu tư. Tất cả phải đổ mồ hôi chứ thành công không phải tự dưng đến”.

Đó là thực tại mà các nhà khoa học Việt Nam có những kết quả nghiên cứu có tiềm năng chuyển thành công nghệ và hứa hẹn vào cơ hội chuyển giao đều đang gặp phải.

Khó từ bước khởi đầu

Lâu nay, mỗi khi đề cập đến khoa học và tình trạng những kết quả ấy khó áp dụng vào thực tiễn thì người ta lại có câu cửa miệng đầy giễu cợt “đề tài cất ngăn kéo”, “công trình xếp kho”… Nhưng thực ra có phải thế? “Nếu không được trải qua một quá trình nghiên cứu, thử nghiệm kéo dài hơn mười năm với rất nhiều đề tài gối đầu nhau và chặng cuối là dự án sản xuất thử nghiệm ở chương trình KC05/16-20 thì chúng tôi không thể có FNT6VN”, giáo sư Vũ Thị Thu Hà chia sẻ.

Người làm khoa học ai cũng thấu hiểu, từ một phát hiện mang tính cơ bản như tìm thấy chất A, chất B có tiềm năng chữa ung thư, hoặc kháng viêm chống loét trong các loài thảo dược đến một sản phẩm được chứng minh là hữu dụng, phù hợp với sản xuất ở quy mô lớn và được cấp phép ban hành – kể cả dưới dạng thực phẩm chức năng – cần phải một chặng đường dài và kinh phí đầu tư lớn. “Nếu coi việc nhà khoa học hoàn thiện được sản phẩm nghiên cứu thành công nghệ rồi bảo hộ nó dưới dạng sáng chế hay giải pháp hữu ích đã là đủ để chuyển giao cho doanh nghiệp thì đã nhầm lẫn”, phó giáo sư Trần Văn Ơn (Bộ môn Thực vật, ĐH Dược Hà Nội), nhận xét. “Điều mà doanh nghiệp cần là công nghệ đó phải được sản xuất ở nhà máy thật với mô hình tham số thật”.

Do vậy, dù nắm rất chắc kiến thức và sản phẩm nghiên cứu có tiềm năng chuyển hóa thành công nghệ nhưng các nhà khoa học Việt Nam vẫn khó có thể bán được thành quả này cho doanh nghiệp bởi “các nhà khoa học làm đề tài thì không thể nào ra được sản phẩm ngay được” như giải thích của giáo sư Vũ Thị Thu Hà. Vậy mà trong nhiều năm qua, những người làm khoa học thường bị đánh giá một cách thiên lệch là chỉ làm cái mình thích chứ không phải làm cái thiết thực, cái xã hội cần. Con đường chuyển hóa “tiền của nhà nước thành kiến thức (thông qua đề tài) và biến kiến thức thành tiền (qua công nghệ)” như ví von của giáo sư Trần Xuân Hoài (Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam) đã bị ngắt quãng. Đây chính là “thung lũng chết” của công nghệ.

Để thoát khỏi khoảng trống này, công nghệ của nhà khoa học phải thực sự được tối ưu và đi kèm với nhiều yếu tố know-how. Thật ra, yếu tố know-how mà người ta thường nhắc đến khi đề cập đến các công nghệ mới không đến cùng quá trình nghiên cứu cơ bản ban đầu mà phải được tích lũy và trui rèn trong nhiều công đoạn “thử và sai” ngoài phòng thí nghiệm. Nguồn lực để thực hiện điều đó, cả về kinh phí lẫn cơ sở vật chất, đều nằm ngoài tầm tay của nhà khoa học. Trong một cuộc trao đổi vào năm 2020, giáo sư ngành cơ học tính toán Nguyễn Xuân Hùng (Viện CIRTech, ĐH Công nghệ TP.HCM) lý giải về cái khó của nhà khoa học trong chuyển giao công nghệ “Không phải là mình không đủ năng lực giải quyết các bài toàn thực tế mà vì mình không có đủ các nguồn lực. Muốn chuyển hóa kết quả nghiên cứu thành sản phẩm có thể dùng được và được doanh nghiệp chấp nhận thì mình cần phải có đủ điều kiện về không gian dữ liệu, trang thiết bị, cơ sở hạ tầng… và cả sự kiên nhẫn, chia sẻ nữa”. Đó là những điều anh đúc rút ra từ quá trình hợp tác nhiều năm với các doanh nghiệp, chủ yếu là doanh nghiệp tư nhân.

Sự sẻ chia và kiên nhẫn ấy, các nhà khoa học có thể đón nhận từ doanh nghiệp, đối tượng thụ hưởng tiềm năng cho sản phẩm của họ?

Khó tìm bạn đồng hành

Trong chuyển giao công nghệ, nhà khoa học không thể đơn độc. Họ cần có người bạn đồng hành là các doanh nghiệp muốn được áp dụng cái mới để đa dạng hóa sản phẩm cũng như tăng sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường.

Nhưng thật ra, người bạn đồng hành lý tưởng đó có dễ gặp?

Không dễ chút nào, giáo sư Vũ Thị Thu Hà cho biết. “Chúng tôi gặp gỡ cả nghìn người mới tìm được một nhà đầu tư”, chị nói. “Mối duyên công nghệ”, có lẽ, không chỉ phụ thuộc vào nhà khoa học có sẵn công nghệ mà còn phải khởi đi từ nhu cầu nội tại của doanh nghiệp.

Vậy doanh nghiệp Việt Nam có muốn đón nhận những cái mới từ các nhà khoa học Việt Nam? Cái nhìn bao quát của giáo sư Hoàng Tụy từ năm 2015 đã chỉ ra một tồn tại “Nói chung, doanh nghiệp tư nhân chưa đủ mạnh còn doanh nghiệp nhà nước thì ít có động cơ nghiên cứu khoa học để cải tiến, đổi mới sáng tạo. Trong tình hình đó, làm sao có thể đổ lỗi hết cho các nhà khoa học Việt Nam là chỉ nghiên cứu trên trời, chưa có tác dụng thiết thực với kinh tế, sản xuất”.

Thực tại mà giáo sư Hoàng Tụy nói tới, đến nay vẫn chưa mấy thay đổi, dù đã bảy, tám năm trôi qua và cuộc cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam trên thị trường nội địa cũng như thị trường quốc tế ngày một quyết liệt, khi Việt Nam bắt đầu áp dụng những quy định mới của các hiệp định thương mại tự do. Các doanh nghiệp Việt Nam vẫn chưa thực sự muốn đầu tư cho khoa học. Tại tọa đàm chuyên đề quản lý nhà nước về đổi mới sáng tạo do Bộ KH&CN tổ chức vào tháng 3/2021, Thứ trưởng Bộ KH&CN Bùi Thế Duy đã đề cập đến thực tế ảnh hưởng đến việc thúc đẩy đổi mới sáng tạo, chuyển giao nghiên cứu từ viện, trường là trên 96% doanh nghiệp Việt Nam là ở quy mô nhỏ và vừa, hầu hết chưa quan tâm đầu tư cho R&D hoặc nếu có thì chưa đủ nguồn lực để quan tâm. Điều này cũng được ông Phạm Hồng Quất, Cục Phát triển thị trường và Doanh nghiệp KH&CN (Bộ KH&CN) xác nhận với số liệu thực tế “Hiện nay, 538 doanh nghiệp được chuyển đổi thành doanh nghiệp KH&CN chưa có đủ khả năng tiếp nhận kết quả nghiên cứu từ các cơ sở công lập. Đấy cũng là rào cản”.

Câu chuyện này quả thật hết sức phổ biến. Bên lề một số hội thảo liên quan đến tiết kiệm năng lượng do Bộ Công thương tổ chức vào năm 2020 hay thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp do Tổng cục Tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng tổ chức vào năm 2021, phóng viên Báo KH&PT đã trao đổi với nhiều doanh nghiệp cung cấp các giải pháp tiết kiệm năng lượng, giải pháp chuyển đổi số và được biết, phần lớn những doanh nghiệp sẵn sàng áp dụng cái mới để tối ưu quá trình sản xuất, tiết kiệm nguyên liệu đầu vào… đều là doanh nghiệp FDI. “Doanh nghiệp Việt Nam chưa quan tâm đến những điều đó”, đại diện một công ty nước ngoài có trụ sở tại Hà Nội cho hay.

Vì vậy, những doanh nghiệp tự bỏ tiền đầu tư cho R&D như Rạng Đông, Phenikaa, VinGroup, Trường Hải, Mylan, Nafood, Vinamit… không nhiều ở Việt Nam, trong đó chủ động thành lập phòng thí nghiệm chung và sẵn sàng mời nhà khoa học vào làm cùng như Rạng Đông lại càng hiếm. Thực tại này khiến các nhà khoa học khó tìm được đối tác trong khi “mình có kết quả hay nên muốn dấn thêm một bước nữa với vài ba tỉ đầu tư để thử nghiệm thì không kiếm đâu ra. Mình phải cố vì mình biết giá trị của nó còn doanh nghiệp thì họ không tin, họ cần được chứng minh bằng cái đã có kết quả tròn trịa rồi”, giáo sư Vũ Thị Thu Hà nói. Thông thường, “không ai muốn mua một sản phẩm chưa hoàn thiện cả, ít người chấp nhận rủi ro như thế. Phải là người đầu óc cấp tiến, họ mới dám đầu tư vào một sản phẩm hứa hẹn đem lại giá trị gia tăng, và sẵn sàng đi cùng mình”, chị bổ sung.

Có những câu chuyện doanh nghiệp đầu tư vào R&D cùng nhà khoa học đã rơi vào thế “dở khóc, dở cười”. Vào tháng 8/2021, giữa bối cảnh đại dịch căng thẳng ở Hà Nội và TP.HCM, tin vui về VIPDERVIR - một sản phẩm của Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam hứa hẹn điều trị bệnh nhân mắc COVID thể nhẹ và vừa, kết hợp kiến thức y học cổ truyền và công cụ phân tích theo phương pháp y dược hiện đại - khiến nhiều người cảm thấy tự hào. Tuy con đường đến việc trở thành thực phẩm chức năng, hay thậm chí là thuốc, của VIPDERVIR còn dài nhưng có một điểm khiến nó trở nên “nóng sốt” ngay sau buổi họp báo công bố kết quả: Công ty Cổ phần Dược phẩm Vinh Gia - đơn vị bỏ tiền đầu tư vào nghiên cứu sản phẩm cùng các nhà khoa học - đã đơn phương sản xuất một sản phẩm có công dụng, thành phần tương tự và quảng cáo với tên gọi na ná VIPDERVIR-C. Hóa ra, Vinh Gia đã âm thầm đăng ký lưu hành VIPDERVIR-C với Bộ Y tế và được cấp phép lưu hành vào ngày 29/6.

Dẫu vụ việc đã được Viện Hàn lâm giải quyết bằng công văn và những trao đổi sau đó nhưng nó cũng cho thấy một điều: việc tìm được bạn đồng hành không dễ dàng và nhà khoa học rất nhiều khả năng bị chính đối tác “gài bẫy” hoặc “thuổng” kết quả nghiên cứu.

Vậy để đi đến đến một chuyển giao thành công, nhà khoa học cần gì? Năm 2017, khi nói về việc chuyển giao phức hệ nano Fucoidan-Ginseng-Curcumin dùng phòng ngừa và hỗ trợ điều trị ung thư cho Công ty Cổ phần Dược phẩm Mỹ phẩm (CVI), TS. Hà Phương Thư (Viện KH Vật liệu, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam) cho rằng, trong nhiều yếu tố dẫn đến thành công thì sự tin tưởng lẫn nhau giữa nhà khoa học và doanh nghiệp đóng vai trò quan trọng.

Tuy nhiên, trong quá trình đốt cả trăm bó đuốc để tìm bạn đồng hành, nhà khoa học vẫn có thể đối diện với nhiều nguy cơ rủi ro khác.

347chiha-185c2-1647568375.jpeg
 

Nếu như cần nhiều chặng đường mới đến chuyển giao công nghệ thì cũng có rất nhiều cách thức để chuyển giao công nghệ. Với những sản phẩm mới thì chúng tôi phải đi từ nghiên cứu cơ bản định hướng ứng dụng, sau mới bước tiếp đến giai đoạn triển khai, hoàn thiện công nghệ để có thể ứng dụng. Trong trường hợp này nhà khoa học phải đồng hành với doanh nghiệp cả vòng đời công nghệ. Ngoài ra còn một dạng khác là hợp tác để để ứng dụng hiểu biết của mình vào vấn đề của doanh nghiệp. Như vậy mình phải có kiến thức được tích lũy qua rất nhiều nghiên cứu và hiểu rất sâu về bản chất công nghệ. Đây chính là chuyển giao tri thức, chuyển giao công nghệ nhưng được doanh nghiệp đặt hàng trực tiếp.

Giáo sư Vũ Thị Thu Hà

Bạn đang đọc bài viết "Chuyển giao công nghệ: Để không còn là bài toán khó?" tại chuyên mục Công nghệ. Mọi thông tin chi tiết xin liên hệ số hotline: 0775.198.669 hoặc gửi email về địa chỉ: bbtpld@gmail.com