Cơ hội và thách thức tại Tuần lễ cấp cao Đại hội đồng Liên Hợp Quốc khóa 77

Diễn ra trong bối cảnh thế giới đang bị “bủa vây” bởi hàng loạt cuộc khủng hoảng trên các mặt trận từ kinh tế, chính trị đến an ninh, Tuần lễ Cấp cao Đại hội đồng Liên Hợp Quốc khóa 77 được đánh giá là một phép thử đối với chủ nghĩa đa phương và mang lại hi vọng về hòa bình cho thế giới.

Tuần lễ cấp cao Đại hội đồng Liên Hợp Quốc khóa 77 diễn ra vào thời điểm chủ nghĩa đa phương đang đứng trước những thách thức chưa từng có. Các cuộc khủng hoảng tài chính lặp đi lặp lại, bất bình đẳng gia tăng, đại dịch COVID-19 và sự phụ thuộc ngày càng nhiều vào các biện pháp trừng phạt kinh tế đã chấm dứt thời kỳ “siêu cân bằng” hậu Chiến tranh Lạnh. Cuộc xung đột tại Ukraine đã khiến thế giới bị chia rẽ hơn lúc nào hết, trong khi sự thay đổi ưu tiên ở nhiều quốc gia và môi trường địa chính trị ngày một cạnh tranh hơn đã ngăn cản động lực của hội nhập kinh tế và cản trở các nỗ lực tập thể.

1-1663503377jpg-1663561255.crdownload

Ảnh: Insider

Thừa nhận thế giới đang phải đối mặt với sự bất ổn và những rạn nứt địa chính trị ngày càng gia tăng, Chủ tịch Đại hội đồng Liên Hợp Quốc khóa 77 Csaba Korosi đã kêu gọi các nhà lãnh đạo thế giới đối phó với các thách thức cấp bách nhất của nhân loại, bằng cách cùng nhau hợp tác và xây dựng những "cây cầu" giúp vượt qua những chia rẽ sâu sắc.

“Phương châm xuyên suốt của tôi trong nhiệm kỳ Chủ tịch Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 77 sẽ là thúc đẩy các giải pháp thông qua đoàn kết, khoa học và phát triển bền vững. Chúng ta phải cố gắng hết sức để duy trì và bảo vệ các giá trị và nguyên tắc của Hiến chương Liên Hợp Quốc. Phải cẩn trọng trong những thời điểm hỗn loạn và bất trắc nhất này. Chúng ta phải áp dụng một cách tiếp cận phòng ngừa”, ông Korosi nói.

Trải qua 75 năm tồn tại và phát triển, với nhiều thăng trầm, Liên hợp quốc đã chứng tỏ được là một tổ chức không thể thiếu trong nền chính trị thế giới khi góp phần ngăn chặn nhiều cuộc xung đột và tranh chấp quốc tế. Chính vì thế, theo Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres, đây là thời điểm quan trọng để các nhà lãnh đạo thế giới thể hiện đoàn kết để thực hiện các cam kết và phát huy sức mạnh của Liên hợp quốc, với vai trò là một tổ chức đa phương lớn nhất hành tinh.

“Đại hội đồng Liên Hợp Quốc nhóm họp vào một thời điểm rất nguy hiểm. Sự chia rẽ địa chiến lược nghiêm trọng nhất kể từ sau Chiến tranh Lạnh đang làm tê liệt phản ứng toàn cầu đối với những thách thức gay gắt mà chúng ta phải đối mặt. Chiến tranh, biến đổi khí hậu, sự gia tăng của nghèo đói và bất bình đẳng đang tàn phá thế giới. Xung đột và bất ổn tiếp tục hoành hành”, ông Guterres nhấn mạnh.

Tuần lễ cấp cao Đại hội đồng Liên Hợp Quốc luôn là sự kiện thu hút sự quan tâm của dư luận khi có sự tham dự của các nguyên thủ, người đứng đầu chính phủ và các quan chức ngoại giao hàng đầu của các quốc gia. Tổng thống Nga Vladimir Putin dù không tới New York, song cũng cử phái đoàn đại diện. Trong khi đó, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky dự kiến có phát biểu trực tuyến./.