Cổ phiếu DIG bị bán tháo sau kết luận Thanh tra

Cổ phiếu DIG bị bán tháo mạnh sau khi có kết luận của Thanh tra Chính phủ về “Chấp hành pháp luật trong cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước tại Công ty”.

Cổ phiếu DIG (Tổng Công ty CP Đầu tư Phát triển Xây dựng; sàn HoSE) đã có những biến động mạnh trong phiên giao dịch ngày 28/8. Cụ thể, trong phiên sáng, cổ phiếu DIG đã bị bán tháo mạnh khiến giá cổ phiếu có thời điểm nằm sàn và giảm gần 7%.

Tuy nhiên, bước sang phiên chiều, đà giảm được thu hẹp còn 4,7%, về mức giá hơn 23.800 đồng/cổ phiếu. Đến thời điểm đóng cửa phiên giao dịch ngày 28/8, cổ phiếu DIG giảm gần 4%, về mức giá 24.050 đồng/cổ phiếu.

Bên cạnh việc thị giá cổ phiếu giảm sâu, thanh khoản cổ phiếu trong phiên giao dịch ngày 28/8 cũng tăng vọt lên gần 42 triệu đơn vị cổ phiếu được sang tay, tương ứng với tổng giá trị giao dịch là hơn 1.000 tỷ đồng, cao hơn gấp đôi so với khối lượng giao dịch bình quan trong 1 tuần qua.

Không những nhà đầu tư trong nước bán mạnh cổ phiếu DIG, khối ngoại hôm nay cũng bán ra 668.100 đơn vị cổ phiếu DIG, tương đương với hơn 16,3 tỷ đồng.

Các biến động cổ phiếu DIG được cho là phản ứng tức thời sau khi Thanh tra Chính phủ đã ban hành Thông báo kết luận thanh tra số 1764/TB-TTCP về việc “Chấp hành pháp luật trong cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước tại Công ty Đầu tư phát triển – Xây dựng (nay là Tổng Công ty cổ phần Đầu tư phát triển xây dựng – DIC Corp)” vào ngày 27/8.

Theo kết luận của Thanh tra Chính phủ, việc thực hiện cổ phần hóa Công ty CP Đầu tư Phát triển- Xây dựng và thoái vốn Nhà nước tại DIG là đúng với chủ trương, quy định của Chính phủ và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Quá trình cổ phần hoá và thoái vốn Nhà nước tại DIG được Bộ Xây dựng quan tâm triển khai thực hiện đạt những kết quả tích cực, huy động được nguồn lực từ các thành phần kinh tế đầu tư nâng cao năng lực tài chính và hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp.

Cổ phiếu DIG bị bán tháo sau kết luận Thanh tra

Thanh tra Chính phủ chỉ ra hàng loạt hạn chế, thiếu sót trong quá trình cổ phần hóa và thoái vốn Nhà nước tại DIC Corp – Ảnh: DIC Corp.

Việc cổ phần hoá và thoái vốn đảm bảo được tiến độ về thời gian theo chủ trương, chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ… Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, trong quá trình cổ phần hóa và thoái vốn vẫn còn một số hạn chế, thiếu sót như:

Thứ nhất, về căn cứ pháp lý và trình tự, thủ tục cổ phần hóa. Bộ Xây dựng căn cứ pháp lý là Nghị định 187/2004/NĐ-CP của Chính phủ để lập phương án cổ phần hóa doanh nghiệp là không đúng quy định nêu tại Khoản 2 Điều 56 Nghị định 109/2007/NĐ-CP của Chính phủ. Quyết định 1094/QĐ-BXD của Bộ Xây dựng phê duyệt giá trị doanh nghiệp cổ phần hóa trên cơ sở kết quả thẩm tra việc xác định giá trị doanh nghiệp của Vụ Kế hoạch tài chính thuộc Bộ Xây dựng, không được Ban chỉ đạo cổ phần hóa thẩm tra là không đúng quy định của Bộ Tài chính cũng như của Chính phủ.

Thanh tra Chính phủ cho rằng, hạn chế, thiếu sót và vi phạm trên dẫn đến một số trình tự, thủ tục không được thực hiện theo quy định của Nghị định 109/2007/NĐ-CP của Chính phủ và Thông tư 146/2007/TT-BTC của Bộ Tài chính như: Công ty Đầu tư phát triển – Xây dựng không lập phương án sử dụng đất; không xác định giá trị lợi thế vị trí địa lý đối với đất thuê là loại đất đô thị để tính vào giá trị doanh nghiệp.

Bộ Xây dựng ban hành Quyết định số 687/QĐ-BXD ngày 13/7/2016 phê duyệt giá trị vốn Nhà nước tại thời điểm 0 giờ ngày 13/3/2008 để bàn giao doanh nghiệp Nhà nước: Công ty Đầu tư phát triển- Xây dựng sang DIG không đảm bảo đúng thời gian theo quy định.

Thứ hai, về xác định giá trị tài sản là công trình xây dựng trên đất. Đơn vị tư vấn là Công ty CP Giám định, thẩm định Việt Nam (VIVACO) xác định không đúng suất vốn đầu tư và nguyên giá của 02 công trình xây dựng trên đất dẫn đến giá trị tài sản được đánh giá chênh lệch giảm so với quy định là 2,4 tỷ đồng.

Thứ ba, về xác định giá trị tài sản là quyền sử dụng đất. VIVACO không xác định lại giá trị quyền sử dụng đất 25 căn biệt thự thuộc Khu Biệt thự Phương Nam là không đúng quy định tại Điều 19 Nghị định 187/2004/NĐ-CP và Điều 6 Nghị định 17/2006/NĐ-CP của Chính phủ. Tuy nhiên, doanh thu từ việc chuyển nhượng 14/25 căn biệt thự sau ngày 01/01/2007 đã được hạch toán vào kết quả kinh doanh của công ty Nhà nước theo quy định; 11 căn biệt thự còn lại đã được Kiểm toán Nhà nước xác định bổ sung tiền sử dụng đất và Công ty Đầu tư phát triển – Xây dựng đã nộp vào Quỹ hỗ trợ sắp xếp doanh nghiệp sau khi Bộ Xây dựng có quyết định phê duyệt giá trị vốn nhà nước tại thời điểm 0 giờ ngày 13/3/2008 để bàn giao doanh nghiệp Nhà nước sang công ty cổ phần.

VIVACO và Bộ Xây dựng không xác định lại giá trị quyền sử dụng đất dự án Khu Đô thị du lịch sinh thái Đại Phước mà sử dụng tập hợp chi phí đầu tư và giá trị quyền phát triển dự án để tính vào giá trị doanh nghiệp cổ phần hóa là không đúng quy định tại Điều 6 Nghị định 17/2006/NĐ-CP của Chính phủ.

Thứ tư, về xử lý tài chính trong giai đoạn từ khi xác định giá trị doanh nghiệp đến khi chính thức chuyển sang công ty cổ phần. Tại khoản 4 Điều 21 Nghị định 109/2007/NĐ-CP của Chính phủ quy định: Trường hợp phát sinh chênh lệch giảm giữa giá trị thực tế phần vốn Nhà nước tại thời điểm doanh nghiệp chuyển sang công ty cổ phần với giá trị thực tế phần vốn Nhà nước tại thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp thì doanh nghiệp cổ phần hóa có trách nhiệm báo cáo cơ quan có thẩm quyền quyết định cổ phần hóa để phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức kiểm tra, làm rõ nguyên nhân, xác định trách nhiệm tập thể, cá nhân và xử lý.

Cổ phiếu DIG bị bán tháo sau kết luận Thanh tra

Cổ phiếu DIG biến động mạnh trong phiên giao dịch ngày 28/8 sau khi kết luận Thanh tra được công bố.

Tuy nhiên, trong quá trình quyết toán giá trị vốn Nhà nước, Công ty Đầu tư phát triển- Xây dựng đã hạch toán các khoản lỗ của 03 công ty con (từ thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp cổ phần hóa công ty con đến thời điểm chuyển sang công ty cổ phần công ty con), được Bộ Xây dựng phê duyệt quyết toán vào giá trị vốn Nhà nước tại thời điểm 0 giờ ngày 13/3/2008 để bàn giao.

Thứ năm, về phát hành cổ phiếu riêng lẻ. Bộ Xây dựng ban hành Văn bản số 2023/BXD-ĐMDN ngày 23/9/2009 và số 2128/BXD-ĐMDN ngày 02/10/2009 chấp thuận chủ trương phát hành và chào bán cổ phiếu riêng lẻ để tăng vốn điều lệ, qua đó chỉ đạo giá chào bán cổ phiếu riêng lẻ phải phù hợp với giá thị trường tại thời điểm phát hành. HĐQT đã trình ĐHĐCĐ DIG quyết định giá bán tối thiểu là 100.000 đồng/CP và Hội đồng quản trị Tổng công ty đã chào bán với giá 100.000 đồng và 102.000 đồng/CP. Tuy nhiên, Bộ Xây dựng với vai trò là chủ sở hữu chưa làm hết trách nhiệm trong việc chỉ đạo về giá chào bán cổ phần riêng lẻ năm 2009, cần được kiểm điểm, xử lý theo quy định.

Thứ sáu, về trình tự, thủ tục thoái vốn và việc xác định giá trị cổ phần để thoái vốn Nhà nước. Bộ Xây dựng ban hành Văn bản số 2649/BXD-QLDN ngày 07/11/2017 phê duyệt phương án thoái vốn Nhà nước tại DIG nhưng không xin ý kiến của Bộ Tài chính và Bộ Kế hoạch và Đầu tư là không đúng theo quy định của Chính phủ.

DIG cung cấp thông tin không đầy đủ, dẫn đến đơn vị tư vấn không xác định lại giá trị quyền sử dụng đất của 03 địa chỉ đất nhằm bảo đảm sát với giá thị trường tại thời điểm thẩm định giá cổ phần. Tổng số tiền chưa được xác định theo giá thị trường để đưa vào định giá cổ phần tạm ước tính là 1.821 đồng/CP, ước giá cổ phần sẽ là 14.251 đồng.

Tuy nhiên, kết quả thẩm định giá của đơn vị tư vấn và lịch sử giá giao dịch trên thị trường chứng khoán của mã cổ phiếu DIG đã được Bộ Xây dựng tham khảo, trên cơ sở đó Bộ Xây dựng xác định giá bán cổ phần tối thiểu là 15.000 đồng, cao hơn giá thẩm định của đơn vị tư vấn (12.430 đồng); giá bán khớp lệnh trên Sàn Giao dịch chứng khoán đã thực hiện là 19.250 đồng/CP, cao hơn giá do Bộ Xây dựng xác định; trong khi đó, theo quy định của pháp luật về phương thức chuyển nhượng vốn Nhà nước thì giá bán cổ phần theo phương thức khớp lệnh trên Sàn giao dịch chứng khoán sẽ do thị trường quyết định.

Từ những thiếu sót, vi phạm trên, Tổng Thanh tra Chính phủ đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Xây dựng: Tổ chức kiểm điểm để có hình thức xử lý theo quy định đối với tập thể lãnh đạo Bộ giai đoạn 2007-2008, 2016-2017 và các tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc để xảy ra những hạn chế, vi phạm đã nêu tại phần kết quả thanh tra trên.

Đôn đốc các tổ chức, cá nhân có liên quan khắc phục số tiền vi phạm trong xác định giá trị tài sản trên đất nêu tại Phụ lục số 03 kèm theo kết luận thanh tra; xác định nguyên nhân dẫn đến các khoản lỗ tại Công ty CP DIC số 1, Công ty CP DIC Vật liệu xây dựng và Công ty CP DIC du lịch để có biện pháp xử lý đối với các khoản lỗ đã quyết toán vào giá trị vốn Nhà nước tại Công ty Đầu tư phát triển – Xây dựng theo đúng quy định; làm rõ việc chỉ đạo về giá chào bán cổ phiếu riêng lẻ năm 2009; kiểm điểm, làm rõ việc không xác định lại giá trị quyền sử dụng đất của 03 vị trí đất trong quá trình thẩm định giá cổ phần để thoái vốn Nhà nước tại DIG.

Chủ trì, phối hợp với UBND tỉnh Đồng Nai rà soát lại việc xác định giá trị tài sản là quyền sử dụng đất dự án Khu Đô thị du lịch sinh thái Đại Phước. Nếu giá trị quyền sử dụng đất được xác định lại thấp hơn tập hợp chi phí đầu tư và giá trị quyền phát triển dự án đã tính vào giá trị doanh nghiệp thì giữ nguyên, nếu cao hơn thì thu nộp bổ sung vào ngân sách Nhà nước.

“Trong quá trình kiểm điểm, rà soát, xử lý, khắc phục các hạn chế, vi phạm nêu trên, nếu phát hiện dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự thì Bộ Xây dựng chuyển thông tin đến Cơ quan điều tra xem xét xử lý theo thẩm quyền”, Thanh tra Chính phủ kiến nghị.

Ngay sau phiên giao dịch 28/8, DIG đã có thông cáo báo chí về việc Thanh tra Chính phủ đã ban hành kết luận việc cổ phần hoá và thoái vốn nhà nước tại Tổng Công ty.

Đối với một số nội dung theo kết luận Thanh tra, thông cáo của DIC Corp xác định nội dung và thời gian thực hiện toàn bộ kiến nghị & Kết luận số 1288/KL-TTCP như sau:

Về việc hoàn thành nghĩa vụ tài chính, DIC Corp tiến hành nộp số tiền 2.467.707.028 đồng vi phạm trong xác định giá trị tài sản trên đất nêu tại Phụ lục số 3 kèm theo Kết luận số 1288/HL-TTCP trước ngày 25/9/2024.

Về kiểm điểm trách nhiệm tổ chức, cá nhân, DIC Corp sẽ phối hợp với Bộ Xây dựng thực hiện kiểm điểm về mặt hành chính theo Kết luận Thanh tra trước ngày 25/9/2024.

Dưới góc độ doanh nghiệp, DIC Corp nhận thức rõ hoạt động thanh kiểm tra của Thanh tra Chính phủ nói riêng và các cơ quan nhà nước có thẩm quyền nói chung góp phần giúp doanh nghiệp xây dựng và củng cố hệ thống điều hành, quản trị doanh nghiệp theo đúng chủ trương của Đảng, Nhà nước và Pháp luật.

Doanh nghiệp khẳng định luôn theo đuổi tôn chỉ và nguyên tắc hoạt động thượng tôn pháp luật, minh bạch, trung thực, bảo vệ quyền lợi của cổ đông và khách hàng.