Công chứng điện tử trong pháp luật và thực tiễn của một số quốc gia và những góp ý cho Dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi)

Ngày nay, một số quốc gia trên thế giới đã có những bước tiến quan trọng trong việc triển khai hoạt động công chứng điện tử. Tại Việt Nam, Dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi) đã bước đầu ghi nhận khái niệm công chứng điện tử và bổ sung nhiều quy định cơ bản phục vụ cho việc triển khai hoạt động này trong tương lai. Bài viết trình bày kinh nghiệm của một số quốc gia trong việc triển khai hoạt động công chứng điện tử để góp thêm tư liệu cho quá trình xây dựng các quy định pháp luật về hoạt động này tại Việt Nam.

CÔNG CHỨNG ĐIỆN TỬ TRONG PHÁP LUẬT VÀ THỰC TIỄN CỦA MỘT SỐ QUỐC GIA VÀ NHỮNG GÓP Ý CHO DỰ THẢO LUẬT CÔNG CHỨNG (SỬA ĐỔI)

 

Phạm Hữu Tâm*

 Lưu Minh Sang**

 

Tóm tắt

Ngày nay, một số quốc gia trên thế giới đã có những bước tiến quan trọng trong việc triển khai hoạt động công chứng điện tử. Tại Việt Nam, Dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi) đã bước đầu ghi nhận khái niệm công chứng điện tử và bổ sung nhiều quy định cơ bản phục vụ cho việc triển khai hoạt động này trong tương lai. Bài viết trình bày kinh nghiệm của một số quốc gia trong việc triển khai hoạt động công chứng điện tử để góp thêm tư liệu cho quá trình xây dựng các quy định pháp luật về hoạt động này tại Việt Nam.

Từ khóa: công chứng, công chứng điện tử, công chứng viên, luật công chứng

 

AbstractNowadays, some countries have made great strides in implementing electronic notarization. In Vietnam, the Draft Law on Notarization (Amendment) initially accepts the concept of electronic notarization and includes basic regulations to facilitate its future implementation. Building on this foundation, the article highlights the experiences of other countries in conducting electronic notarization, which can serve as valuable input for the formulation of regulations on electronic notarization in Vietnam.

Key words: Notarization, Electronic notarization, Notary, Law on Notarization

 

1.         Khái niệm công chứng điện tử

Hiện nay, khái niệm công chứng điện tử được ghi nhận tại các nước trên thế giới. Tuy nhiên, do sự khác biệt về văn hóa, điều kiện, hoàn cảnh và cả lịch sử phát triển khác nhau nên dẫn đến sự khác nhau trong cách tiếp cận.

Tại Nhật Bản, thuật ngữ “công chứng điện tử” xuất hiện khá sớm tại “Report on the Legal System of Electronic Commerce” từ năm 1998. Theo đó, công chứng điện tử được hiểu là việc mở rộng phạm vi của dịch vụ công chứng hiện tại đối với các tài liệu điện tửviệc xử lý tài liệu trên giấy sẽ được chuyển sang tài liệu điện tử.[1] Việc triển khai hoạt động này đã bắt đầu từ năm 2000 đối với các tài liệu cá nhân và được mở rộng phạm vi đối với việc công chứng điều lệ của công ty vào năm 2002[2].

Tại Hoa Kỳ, cụ thể là bang Virginia định nghĩa Công chứng điện tử có nghĩa là hành động công chứng của một công chứng viên theo mục §47.1-12 hoặc được pháp luật cho phép liên quan đến các tài liệu điện tử”.[3] Theo đó, mục §47.1-12 quy định: “Mỗi công chứng viên  được trao quyền để thực hiện các hành vi công chứng sau: (i) chứng nhận, (ii) tổ chức việc thực hiện lời tuyên thệ và xác nhận, (iii) chứng nhận rằng bản sao của bất kỳ tài liệu nào, ngoại trừ tài liệu đang được tòa án lưu giữ, là bản sao y của bản chính, (iv) chứng nhận các bản tuyên thệ hoặc lời khai của các nhân chứng, (v) thực hiện xác minh sự thật và (vi) thực hiện những việc khác được quy định cụ thể theo pháp luật”.[4] Theo cách quy định này, khi công chứng viên thực hiện nhiệm vụ của mình theo luật định mà có liên quan đến tài liệu điện tử thì được xem là công chứng điện tử. Tài liệu điện tử theo quy định của luật này được hiểu là thông tin được tạo ra, chia sẻ, gửi, nhận và lưu trữ bằng phương tiện điện tử. Bên cạnh đó, thuật ngữ điện tử được hiểu là liên quan đến công nghệ điện (electrical), kỹ thuật số (digital), từ tính (magnetic), vô tuyến (wireless), quang học (optical), điện từ (electromagnetic) hoặc tương đương.[5]

Tại Việt Nam, một số nghiên cứu ban đầu về công chứng điện tử cũng đã đưa ra khái niệm về hoạt động này. Tác giả Phan Thị Bình Thuận cho rằng:“Công chứng điện tử (CCĐT) là việc công chứng viên chứng nhận tài liệu bằng phương thức điện tử. Một trong những phương thức thực hiện CCĐT là sử dụng chữ ký số và con dấu số để chứng nhận và xác nhận tính hợp lệ bằng việc chứng nhận số. CCĐT là một quy trình trong đó công chứng viên (CCV) gắn chữ ký điện tử và con dấu công chứng có sử dụng khóa bảo đảm vào tài liệu điện tử (tập tin PDF hoặc Word)”.[6] Bên cạnh đó, tác giả Phạm Thị Thúy Hồng và Hoàng Mạnh Thắng cũng có quan điểm cho rằng: “Công chứng số hay công chứng điện tử, là cách thức Công chứng viên thực hiện chứng nhận bằng phương thức điện tử thông qua công cụ số với nền tảng dữ liệu số, để tạo ra văn bản công chứng điện tử phục vụ cho các giao dịch điện tử và lưu trữ điện tử của cá nhân, tổ chức theo trình tự, thủ tục luật định”.[7]

Dưới góc độ lập pháp tại Việt Nam, khái niệm công chứng điện tử đã được nhà làm luật đề cập tại Dự thảo Luật Công chứng điện tử (sửa đổi) ngày 30 tháng 6 năm 2023 (sau đây gọi là “Dự Thảo”), theo đó: “Công chứng điện tử là việc công chứng viên sử dụng chữ ký số chứng nhận hợp đồng, giao dịch trên môi trường điện tử tạo ra văn bản công chứng  điện tử”.[8] Với quy định này của Dự thảo, có thể hiểu công chứng điện tử là hoạt động phải thoả mãn các điều kiện sau: (i) Phải được thực hiện bởi công chứng viên được bổ nhiệm hợp pháp; (ii) Chữ ký trong văn bản công chứng điện tử phải là chữ ký số; (iii) Văn bản công chứng điện tử được tạo ra từ môi trường điện tử.

Tác giả cho rằng việc xây dựng khái niệm công chứng điện tử tại Việt Nam là rất cần thiết. Bởi lẽ, khái niệm là yếu tố quan trọng để xây dựng cơ sở lý luận, xác định khái niệm và nội hàm khái niệm rõ ràng sẽ tạo nền tảng bảo đảm pháp luật được hiểu và vận dụng thống nhất. [9] Dựa vào khái niệm đã được trình bày tại Dự thảo, rõ ràng là nhà làm luật tại Việt Nam muốn nhấn mạnh vai trò không thể phủ nhận của chữ ký số trong quá trình công chứng điện tử. Tuy nhiên, việc đưa chữ ký số thành yếu tố cốt lõi trong định nghĩa công chứng điện tử tạo ra một khung cảnh hạn chế, làm cho khái niệm này trở nên khá hẹp. Cụ thể, việc tích hợp chữ ký số vào định nghĩa này khiến khái niệm công chứng điện tử thiếu tính bao quát và linh hoạt để thích ứng với những biến động và phát triển công nghệ trong tương lai. Thật vậy, có khả năng các công cụ số khác, với tính năng vượt trội, sẽ xuất hiện và thay thế chữ ký số hiện tại. Điều này đặt ra nhu cầu thiết yếu cho việc xây dựng một khái niệm công chứng điện tử linh hoạt và bao quát hơn. Thêm vào đó, cần lưu ý rằng bản chất của công chứng điện tử không chỉ xuất phát từ việc sử dụng chữ ký số. Thay vào đó, tính chất đặc trưng của loại hình công chứng này chính là quá trình xử lý và xác minh tài liệu điện tử trong môi trường số hoá. Do đó, yếu tố chữ ký số cần được xem xét một cách cẩn thận và chi tiết trong quy trình công chứng điện tử cũng như trong các điều kiện cung cấp dịch vụ công chứng điện tử, chứ không nên bị gộp chung và gắn vào khái niệm. Vì các lẽ trên, tác giả cho rằng khái niệm công chứng điện tử cần được sửa đổi theo hướng: “Công chứng điện tử là việc công chứng viên chứng nhận hợp đồng, giao dịch trên môi trường điện tử tạo ra văn bản công chứng điện tử”.

2.         Phân loại công chứng điện tử  

Công chứng điện tử có thể được phân thành hai cấp độ: công chứng điện tử trực tiếp và công chứng điện tử trực tuyến. Công chứng điện tử trực tuyến được xem là một bước tiến xa hơn công chứng điện tử trực tiếp khi giao dịch được thực hiện thông qua trực tuyến mà không phải tiếp xúc trực tiếp.[10] Một số quốc gia như Hoa Kỳ, Cộng hoà Pháp và Dự Thảo Luật Công chứng sửa đổi tại Việt Nam cũng đã ghi nhận hai hình thức này.  

Về hình thức công chứng điện tử trực tiếp

Tại bang Pennsylvania (Hoa Kỳ), trong hoạt động công chứng điện tử trực tiếp các tài liệu được hiểu là các tài liệu được công chứng dưới dạng điện tử. Công chứng viên và khách hàng đều ký bằng chữ ký điện tử. Thay vì văn bản giấy và con dấu công chứng vật lý, công chứng viên đặt thông tin con dấu của mình vào một văn bản tồn tại dưới dạng dữ liệu điện tử ở dạng máy tính có thể đọc được. Nhưng yếu tố yêu cầu người ký phải xuất hiện trực tiếp (tiếp xúc vật lý) trước công chứng viên vẫn phải được đảm bảo.[11]

Tại Cộng hòa Pháp, Nghị định ngày 10 tháng 8 năm 2005 và Luật số 2000-230 ngày 13 tháng 3 năm 2000[12] đã cho phép thực hiện chứng thư từ xa thông qua chứng thư xác thực điện tử bằng hệ thống hội nghị truyền hình an toàn và được chấp thuận. Khoảng cách được đề cập là nhằm mục đích kết nối hai bên cách xa nhau về mặt địa lý, nhưng có thể tiếp xúc thực tế với các công chứng viên tại vị trí của họ. Cách thức này không gây ra vấn đề gì vì mỗi bên được hỗ trợ bởi một công chứng viên có mặt trực tiếp (tiếp xúc vật lý) để đảm bảo sự đồng ý của khách hàng của mình.[13] Đại hội công chứng viên quốc tế lần thứ 28 của Liên Minh Công chứng Quốc tế (International Congress of Notaries) tại Paris đã nêu rằng: Trong trường hợp chứng nhận, lưu giữ thông qua tài liệu điện tử, chữ ký điện tử, thì công chứng viên cần phải có mặt trực tiếp (tiếp xúc vật lý) để quá trình xác thực tài liệu được thực hiện đầy đủ (xác định các bên, xác minh năng lực, đánh giá quyền hạn của họ, thông báo về sự đồng ý, kiểm tra rằng sự đồng ý không có sai sót, kiểm soát rằng sự kiện hoặc nội dung là hợp pháp... và các mục đích khác) và nội dung của tài liệu được chứng nhận.[14]

Tại Việt Nam, hình thức công chứng này được Dự thảo Luật Công chứng tiếp cận đối với trường hợp người yêu cầu công chứng ký hợp đồng, giao dịch không sử dụng chữ ký số thì người yêu cầu công chứng ký vào từng trang của hợp đồng giao dịch trước sự chứng kiến của công chứng viên; công chứng viên sử dụng thiết bị và phần mềm chuyên dụng số hóa văn bản hợp đồng, giao dịch mà người yêu cầu công chứng đã ký, ghi lời chứng và ký chứng nhận hợp đồng giao dịch đó bằng chữ ký số.[15] Qua đó có thể thấy, hình thức công chứng điện tử trực tiếp tạo điều kiện cho công chứng viên có điều kiện tiếp cận với người yêu cầu công chứng, thuận tiện hơn trong việc đối chiếu vân tay, xác minh năng lực và tránh được các công cụ kỹ thuật số mạo danh người yêu cầu công chứng.

Về hình thức công chứng điện tử trực tuyến

Tại Hoa Kỳ, kể từ ngày 01-07-2012 bang Virginia đã trở thành tiểu bang đầu tiên ở quốc gia này cho phép thực hiện chức năng công chứng bằng cách sử dụng công nghệ audio (âm thanh) – video hai chiều nhưng phải đáp ứng các tiêu chuẩn nhất định giống việc thực hiện công chứng ‘trực tiếp’ truyền thống. Trên thực tế, luật cho phép cá nhân hiện diện thông qua video (phương thức điện tử trực tiếp), đồng thời, điều này cũng được coi giống như sự hiện diện trực tiếp của cá nhân trước mặt công chứng viên theo cách truyền thống.[16]

Tại Cộng hòa Pháp, Nghị định số 2020-1422 ngày 20 tháng 11 năm 2020 của Cộng hòa Pháp đã quy định giấy ủy quyền được công chứng điện tử trực tuyến. Nghị định này mở rộng khả năng cho các công chứng viên thực hiện hành vi công chứng điện tử trực tuyến để có giấy ủy quyền xác thực. Công chứng viên có thể lập giấy ủy quyền thông qua một hệ thống điện tử đảm bảo tính bảo mật và bí mật khi một hoặc tất cả các bên không thể có mặt.[17]

Tại Việt Nam, yếu tố cốt lõi để nhận diện công chứng điện tử trực tuyến so với công chứng điện tử trực tiếp đó là: người yêu cầu công chứng ký vào văn bản giao dịch, hợp đồng bằng chữ ký số trước sự chứng kiến của công chứng viên thông qua các phương tiện truyền hình trực tuyến; công chứng viên tập hợp kết quả đối soát giấy tờ, tài liệu liên quan đến hợp đồng, giao dịch, đính kèm với văn bản công chứng, gửi toàn bộ các tài liệu này về cơ sở dữ liệu công chứng toàn quốc.[18] Tác giả cho rằng quy định về công chứng điện tử trực tiếp và công chứng điện tử trực tuyến tại Dự thảo Luật công chứng (sửa đổi) tại Việt Nam khá tiệm cận với quy tại một số quốc gia về việc số hoá văn bản, tài liệu, sử dụng chữ ký số cũng như việc lưu trữ hoặc áp dụng phương tiện truyền hình trực tuyến trong hoạt động công chứng điện tử.

3.         Cơ sở hạ tầng thông tin trong hoạt động công chứng điện tử

Cơ sở hạ tầng thông tin là một trong những thành tố quan trọng trong việc triển khai hoạt động công chứng. Vì vậy, một số quốc gia đã tập trung xây dựng cơ sở dữ liệu tập trung, đồng bộ song song với việc triển khai hoạt động công chứng điện tử, cụ thể:

Tại một số nước như Đức, Ý, Bỉ (các nước trong hệ thống công chứng nội dung), để thực hiện được công chứng điện tử phải cần cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin và cơ sở pháp lý tương đối hoàn chỉnh và đồng bộ. Công chứng viên có thể tiếp cận một hệ thống cơ sở dữ liệu đồ sộ để có được những thông tin cần thiết, từ thông tin đăng ký về nhân thân cho đến tài sản, thuế… với một quy trình chặt chẽ, bảo mật cao. Công chứng viên có thể thực hiện toàn bộ các công đoạn từ chứng nhận giao dịch đến nộp thuế, đăng ký sang tên chủ sở hữu. Toàn bộ chu trình này hoàn toàn được thực hiện trên không gian mạng và xác thực bằng chữ ký điện tử. Có thể nói công chứng điện tử đòi hỏi phải gắn với nền tảng chính phủ điện tử mà điều này thì rất ít nước có thể thực hiện được.[19]

Tại Cộng hòa Pháp, đối với chứng thư điện tử, Nhà nước đã yêu cầu Hội đồng công chứng tối cao đảm bảo việc lưu trữ tập trung ở cấp quốc gia tất cả các chứng thư điện tử.[20] Toàn bộ văn bản điện tử đều được lưu trữ tại Trung tâm MICEN đặt dưới sự giám sát của Hội đồng công chứng tối cao Cộng hòa Pháp.[21] Trung tâm MICEN có khả năng lưu trữ hàng nghìn chứng từ xác thực trên phương tiện điện tử (AASSE) hàng ngày và lưu giữ chúng trong ít nhất bảy mươi lăm năm trước khi chuyển chúng vào kho lưu trữ của bộ.[22]

Tại Trung Quốc, từ năm 2000 quốc gia này đã áp dụng các phần mềm phục vụ công chứng khác nhau được xây dựng bởi các tổ chức hành nghề công chứng. Sau đó, Hội công chứng viên đã hợp nhất vào trong một hệ thống quản lý chung. Đến cuối tháng 8 năm 2018, đã có 2.961 tổ chức hành nghề công chứng và 13.385 công chứng viên sử dụng hệ thống này.[23] Việc xây dựng và áp dụng phần mềm công chứng đã giúp chuẩn hóa các dịch vụ công chứng, nâng cao khả năng cung cấp dịch vụ, tập hợp dữ liệu công chứng và nộp hồ sơ qua mạng (khách hàng chỉ cần đến tổ chức hành nghề công chứng 01 lần). Điều này còn giúp chia sẻ thông tin về giao dịch công chứng giữa các công chứng viên để giảm việc xác minh, quản lý hành nghề công chứng hoặc chia sẻ các thông tin có liên quan khác như di chúc, sở hữu trí tuệ. Trung Quốc sẽ khai thác và thực hiện dịch vụ công chứng điện tử trực tuyến, lưu giữ chứng cứ điện tử trực tuyến trong thời gian tới.[24]

Từ các cơ sở trên, chúng ta có thể thấy các quốc gia luôn chú trọng trong việc xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu tập trung nhằm chia sẻ thông tin về giao dịch công chứng, tài sản, nhân thân giữa các công chứng viên. Điều này giúp các công chứng viên thuận lợi làm việc, hợp tác thông qua môi trường điện tử.

Tại Việt Nam, nhà nước đã xây dựng hành lang pháp lý nhằm quản lý, quản trị dữ liệu số; kết nối, chia sẻ dữ liệu số; sử dụng, khai thác dữ liệu số của cơ quan nhà nước; cung cấp dữ liệu mở của cơ quan nhà nước cho tổ chức, cá nhân; quyền và trách nhiệm trong kết nối, chia sẻ dữ liệu số của cơ quan nhà nước.[25] Đồng thời, Dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi) xây dựng quy định về hệ thống thông tin công chứng bao gồm: (i) Cơ sở dữ liệu công chứng toàn quốc; (ii) Các cơ sở dữ liệu hỗ trợ hoạt động công chứng; (iii) Các phần mềm phục vụ hoạt động công chứng và; (iv) Hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin công chứng.[26]

Theo ghi nhận tại Dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi), công chứng viên cũng được trao quyền truy cập vào các cơ sở dữ liệu theo quy định pháp luật để thực hiện việc công chứng.[27] Như vậy, công chứng viên chỉ được truy cập vào các cơ sở dữ liệu khi quy định pháp luật chuyên ngành của cơ sở dữ liệu cho phép. Hiện nay, nước ta đã xây dựng được Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư[28] và việc cho phép tổ chức hành nghề công chứng được phép khai thác thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đã được pháp luật quy định cụ thể.[29] Tuy nhiên, Cơ sở dữ liệu đất đai quốc gia vẫn chưa được hoàn thiện về mặt thực tiễn và quy định pháp luật. Trong khi đó, phần lớn các giao dịch được công chứng đều liên quan đến bất động sản, một trong những tài sản có giá trị lớn, dễ phát sinh tranh chấp.

Nhìn vào kinh nghiệm tại một số quốc gia nêu trên, việc kết nối dữ liệu giúp công chứng viên có nhiều thông tin về nhân thân, tài sản,… Từ đó, giúp họ có cái nhìn khách quan khi chứng nhận hợp đồng, giao dịch, hạn chế được nhiều rủi ro. Vì vậy, việc xây dựng Cơ sở dữ liệu đất đai quốc gia, các cơ sở dữ liệu chuyên ngành và trao quyền truy cập của công chứng viên vào các cơ sở dữ liệu này giúp họ nắm rõ được nguồn gốc tài sản, có thông tin về chủ sở hữu, người có quyền sử dụng đối với tài sản, thông tin về chủ thể yêu cầu công chứng (ví dụ như nhóm máu, tình trạng hôn nhân, nơi thường trú,…).

Việc trao quyền cho công chứng viên được truy cập vào kho dữ liệu đồ sộ với nhiều thông tin phải đi kèm với việc đặt ra trách nhiệm của công chứng viên khi tiếp cận các thông tin này. Hiện nay, Luật Công chứng hiện hành và Dự thảo Luật Công chứng sửa đổi nghiêm cấm hành vi tiết lộ thông tin về nội dung công chứng và sử dụng thông tin về nội dung công chứng để xâm hại quyền, lợi tích hợp pháp của cá nhân, tổ chức trừ trường hợp được người yêu cầu công chứng đồng ý bằng văn bản hoặc pháp luật có quy định khác.[30] Có thể thấy, quy định hiện tại chỉ giới hạn trách nhiệm của công chứng viên đối với thông tin về nội dung công chứng. Vì vậy, song song với đặc quyền được truy cập vào cơ sở dữ liệu lớn, pháp luật cần mở rộng trách nhiệm của công chứng viên đối với việc khai thác, sử dụng các cơ sở dữ liệu này.

Trên cơ sở những phân tích trên, tác giả cho rằng cơ sở hạ tầng thông tin là một thành tố quan trọng bậc nhất trong hoạt động công chứng điện tử. Chính vì vậy, pháp luật và thực hiện cần thống nhất hoàn thiện khi bắt đầu triển khai hoạt động công chứng điện tử. Đồng thời, cần đặt ra những quy định cấp quyền truy cập cho công chứng viên vào các cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành nhằm phục vụ cho hoạt động công chứng điện tử và nghiêm cấm sử dụng các thông tin có được từ các cơ sở dữ liệu này nhằm mục đích xâm hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân. Do đó, Điểm a Khoản 1 Điều 7 các hành vi bị nghiêm cấm Dự thảo Luật Công chứng sửa đổi cần quy định theo hướng sau: “a) Tiết lộ thông tin về nội dung công chứng, trừ trường hợp được người yêu cầu công chứng đồng ý bằng văn bản hoặc pháp luật có quy định khác; sử dụng thông tin từ các cơ sở dữ liệu trong cơ quan nhà nướcthông tin về nội dung công chứng để xâm hại quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức”.

4.         Vấn đề sử dụng truyền hình trực tiếp trong hoạt động công chứng điện tử

Công chứng điện tử không chỉ là thủ tục liên quan đến kỹ thuật số mà còn đóng vai trò như một cơ chế “giám sát” quá trình thực hiện công chứng giữa công chứng viên và người yêu cầu công chứng thông qua chức năng lưu trữ dài hạn, ghi hình và thu âm.

Tại Công hòa Pháp, buổi công chứng điện tử trực tuyến phải được thực hiện bằng một hệ thống xử lý, liên lạc và truyền thông tin đảm bảo nhận dạng được các bên, đảm bảo được tính toàn vẹn và bí mật của nội dung và được Hội động công chứng tối cao chấp thuận.[31] Không được sử dụng các ứng dụng công cộng (ví dụ: Skype, Zoom, WhatsApp, FaceTime, v.v.).[32] Để giám sát việc thực hiện buổi công chứng điện tử trực tuyến, việc trao đổi với công chứng viên phải diễn ra bằng hệ thống hội nghị truyền hình an toàn sử dụng phần mềm LifeSize do Hội đồng công chứng cấp cao cho phép.[33]

Theo bài nghiên cứu của tác giả Anna V.Sukhovenk, bản ghi video được lưu trữ trong cơ sở dữ liệu đám mây của công chứng viên và có thể được sử dụng để giải quyết các tranh chấp về giao dịch. Các tài liệu điện tử được đính kèm với giao dịch, bao gồm cả những tài liệu được ký điện tử, được lưu trữ trong cơ sở dữ liệu đám mây và có thể được khôi phục trong trường hợp mất mát.[34]

Tại Hoa Kỳ, công chứng viên thực hiện công chứng điện tử được yêu cầu phải có quyền truy cập vào máy tính, webcam, micrô và kết nối Internet an toàn. Máy tính phải có khả năng hỗ trợ giao tiếp âm thanh và hình ảnh hai chiều để hoạt động với nền tảng công nghệ công chứng trực tuyến từ xa phù hợp với quy định cụ thể tại từng tiểu bang[35]. Điều này có nghĩa rằng, mỗi tiểu bang sẽ đặt ra tiêu chuẩn cụ thể đối với phương tiện truyền hình trực tuyến thực hiện công chứng điện tử trực tuyến. Ví dụ, bang Virginia quy định công nghệ hội nghị video và âm thanh trong hoạt động công chứng điện tử phải đáp ứng các tiêu chuẩn như: (i) Công chứng viên và người yêu cầu công chứng phải đồng thời nhìn và nói chuyện trực tiếp với nhau; (ii) hệ thống truyền hình và âm thanh phải trực tiếp và đúng thời điểm thực hiện công chứng; (iii) Việc truyền tín hiệu phải được đảm bảo không bị ngăn chặn; (iv) hoặc phải đáp ứng bất kỳ thông số kỹ thuật nào khác mà Chánh án Toà án Tối cao ban hành[36]. Một số nhà cung cấp công nghệ giải pháp công chứng trực tuyến tại Hoa Kỳ như BlueNotary, DocuSign, DocVerify, Notarize, NotaryCam, OnlineNotary.us, Pavaso, Safedocs,…[37].

Tại Cộng hoà Liên bang Đức, pháp luật của quốc gia này không có phép các bên liên quan và công chứng viên được quyền tự do hệ thống thông tin liên lạc (video) để sử dụng cho mục đích công chứng trực tuyến. Thay vào đó, việc công chứng trực tuyến phải được thực hiện bằng hệ thống thông tin liên lạc cụ thể do Phòng Công chứng Liên bang vận hành[38].

Tại Việt Nam, Dự thảo Luật công chứng (sửa đổi) đề xuất việc cho phép công chứng viên và người yêu cầu công chứng tiến hành thủ tục công chứng qua hình thức điện tử thông qua các phương tiện truyền hình trực tuyến. Tuy nhiên, Dự thảo này không đưa ra các quy định cụ thể về phương tiện truyền hình trực tuyến cũng như điều kiện áp dụng cho phương tiện này. Điều này có thể tạo ra những nguy cơ tiềm ẩn phát sinh trong quá trình kiểm soát, quản lý và lưu trữ hình ảnh của buổi công chứng điện tử. Thêm vào đó, việc áp dụng công chứng điện tử đồng thời cũng tạo ra nhiều rủi ro. Những rủi ro này bao gồm, nhưng không giới hạn ở: vấn đề về công nghệ, độ chính xác và an toàn dữ liệu, tội phạm mạng. Một ví dụ điển hình là việc một số cá nhân lợi dụng công nghệ Deepfake, dựa trên trí tuệ nhân tạo, để sản xuất video giả mạo hình ảnh và khuôn mặt của người khác.[39] Thực tiễn cho thấy, vấn đề tận dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) nhằm mục đích lừa đảo đang xảy ra tràn lan[40], nhiều người đã bị lừa gạt bằng hình ảnh và giọng nói trên không gian mạng[41].

Chính vì vậy, tác giả cho rằng trước khi Dự thảo Luật công chứng sửa đổi được thông qua, các nhà lập pháp tại Việt Nam cần quy định cụ thể về vấn đề truyền hình trực tuyến. Theo đó, phương tiện truyền hình trực tuyến cũng cần phải được đặt dưới sự kiểm soát, quản lý, lưu trữ của cơ quan có thẩm quyền nhằm hạn chế các rủi ro nêu trên. Ngoài ra, nhà làm luật cũng cần bổ sung quy định về việc lưu trữ video về buổi thực hiện công chứng giữa công chứng viên và người yêu cầu công chứng nhằm làm cơ  sở, bằng chứng giải quyết các tranh chấp về sau. Điều này góp phần điều chỉnh hành vi, giúp các bên hạn chế tình trạng gian lận trong hoạt động công chứng.

5.         Trách nhiệm của tổ chức cung cấp chữ ký điện tử

Trong hoạt động công chứng truyền thống, một hợp đồng, giao dịch được công chứng sẽ có sự tham gia của công chứng viên và một (hoặc các) bên cùng tham gia vào giao dịch. Đồng thời, trách nhiệm bồi thường thiệt hại của tổ chức hành nghề công chứng và công chứng viên đã được pháp luật quy định cụ thể tại Điều 38 Luật Công chứng năm 2014 và Điều 39 Dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi). Trong hoạt động công chứng điện tử, ngoài các chủ thể được liệt kê nêu trên còn có một chủ thể khác liên quan mật thiết và đóng vai trò vô cùng quan trọng cho việc giao kết hợp đồng, giao dịch điện tử. Đó chính là các tổ chức cung cấp dịch vụ mạng và tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký điện tử, chữ ký số. Những chủ thể này không trực tiếp tham gia vào quá trình công chứng của công chứng viên và các bên tham gia giao dịch nhưng lại là chủ thể hỗ trợ cho việc hoàn thành công chứng điện tử. Người ký số là một thuê bao của tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực nên vai trò trung gian bảo đảm an toàn cho việc sử dụng chữ ký số vào các hoạt động giao dịch thương mại phụ thuộc rất lớn vào tổ chức cung cấp dịch vụ này.[42]

Trong thực tiễn hoạt động, một số tổ chức cung cấp dịch vụ chữ ký số không đảm bảo điều kiện cho thấy nhiều rủi ro cho việc giao kết hợp đồng, giao dịch trên môi trường điện tử. Điển hình là việc Trung tâm Chứng thực điện tử quốc gia (NEAC) thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành công văn số 216/NEAC-TĐPC về việc đề nghị Công ty Cổ phần Misa dừng cung cấp dịch vụ chữ ký số (CKS) công cộng (MISA-CA) do chưa đáp ứng đầy đủ tiêu chuẩn, các quy định pháp luật.[43] Qua đó, chúng ta có thể thấy những tồn tại về tính tuân thủ tiêu chuẩn kỹ thuật, hành lang pháp lý hiện hành đối với các nhà cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số[44]. Đồng thời, chữ ký số là một trong những công cụ quan trọng khi triển khai hoạt động công chứng điện tử. Do đó, các tổ chức này có tác động rất lớn đến hiệu quả của việc triển khai hoạt động công chứng điện tử.

Trước đây Nghị định số 26/2007/NĐ-CP của Chính phủ ngày 15 tháng 02 năm 2007 quy định chi tiết thi hành Luật Giao dịch điện tử về chữ ký số và dịch vụ chứng thực chữ ký số (văn bản đã hết hiệu lực) có ghi nhận về trách nhiệm bồi thường thiệt hại của tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số công cộng khi vi phạm về nghĩa vụ trong việc lưu trữ và sử dụng thông tin, gia hạn, tạm dừng, khôi phục thu hồi, chứng thư số[45]. Tuy nhiên các trách nhiệm này của tổ chức, cá nhân dịch vụ chứng thực chữ ký số công cộng đã không được khi nhận khi Nghị định số 130/2018/NĐ-CP ra đời.

Về vấn đề này, quy định về dịch vụ nhận dạng, xác thực và tin cậy điện tử (The Electronic Identification and Trust Services Regulation or “eIDAS”)[46] đã quy định các nhà cung cấp “dịch vụ ủy thác”[47] phải chịu trách nhiệm về thiệt hại do cố ý hoặc do sơ suất gây ra cho bất kỳ cá nhân hoặc pháp nhân nào do không tuân thủ các nghĩa vụ theo quy định này[48]. Đồng thời, việc tổ chức cung cấp dịch vụ ủy thác, duy trì đủ nguồn lực tài chính và/hoặc mua bảo hiểm trách nhiệm đối với rủi ro trách nhiệm bồi thường thiệt hại theo quy định trên được xem là tổ chức cung cấp dịch vụ ủy thác đủ điều kiện.[49] Qua đó có thể thấy, trên thế giới cũng đã ghi nhận rõ ràng về vấn đề trách nhiệm bồi thường thiệt hại đối với tổ chức cung cấp dịch vụ chữ ký điện tử, con dấu điện tử. Bên cạnh đó, quy định yêu cầu về tiềm lực tài chính giúp đảm bảo khả năng bồi thường của các tổ chức này khi phát sinh các trách nhiệm. Từ đó, quyền lợi của những người sử dụng chữ ký điện tử do các tổ chức này cung cấp được đảm bảo tối đa.

Chính vì vậy, tác giả cho rằng, pháp luật công chứng cũng cần đặt ra trách nhiệm bồi thường thiệt hại đối với với các nhà cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số nếu có lỗi trong việc gây ra thiệt hại cho các bên tham gia hợp đồng, giao dịch công chứng điện tử hoặc tổ chức hành nghề công chứng. Bên cạnh đó, điều này sẽ giúp nâng cao trách nhiệm của các nhà cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số, đảm bảo quyền lợi của các bên và hạn chế rủi ro phát sinh đối với các hợp đồng, giao dịch công chứng điện tử.

 

6.         Vấn đề giới hạn phạm vi công chứng hợp đồng, giao dịch

Công chứng điện tử trực tuyến giúp “dỡ bỏ” các giới hạn, khoảng cách về vật lý giữa công chứng viên và người yêu cầu công chứng, mở ra một không gian ảo rộng lớn trên Internet cho các bên. Cho nên, nhằm mục đích phát huy vai trò này của công chứng điện tử trực tuyến, việc nghiên cứu lộ trình mở rộng phạm vi công chứng hợp đồng, giao dịch là hoàn toàn cần thiết.

Tại Hoa Kỳ, hầu hết các tiểu bang và khu vực pháp lý của quốc gia này chỉ cho phép cho các công chứng viên thực hiện các hành vi công chứng trong biên giới của tiểu bang này. Ví dụ: Một công chứng viên được trao quyền ở California hoặc Florida có thể thực hiện công chứng ở bất kỳ đâu trong biên giới của các tiểu bang này, nhưng không được thực hiện công chứng ở một tiểu bang khác, chẳng hạn như Georgia.[50] Tuy nhiên, vẫn có một số tiểu bang cho phép công chứng bên ngoài tiểu bang, nhưng chỉ trong những điều kiện cụ thể hoặc đối với một số loại tài liệu. Bang Montana (Hoa Kỳ) cho phép công chứng viên thực hiện các hành vi công chứng ở bất kỳ quận nào trong tiểu bang hoặc ở bất kỳ tiểu bang giáp biên nào nếu tiểu bang giáp biên công nhận thẩm quyền của công chứng viên trong tiểu bang đó.[51] Công chứng viên tại bang Virginia (Hoa Kỳ) có thể công chứng một tài liệu trong hoặc ngoài Khối thịnh vượng chung Virginia nếu tài liệu đó sẽ được sử dụng trong Khối thịnh vượng chung hoặc bởi chính phủ Hoa Kỳ.[52]

Tại Cộng hòa Pháp, sau khi thực hiện bãi bỏ giới hạn trong phạm vi một tỉnh theo quy định trước đây, công chứng viên tại nước này đã có thẩm quyền trên toàn quốc (có thể công chứng văn bản tại bất cứ nơi nào của nước Pháp) ngoại trừ một số loại văn bản nhất định phải được công chứng tại văn phòng công chứng theo quy định của pháp luật.[53]

Tại Cộng hòa Liêng Bang Đức, công chứng viên chỉ được thực hiện các hoạt động công chứng ngoài phạm vi nếu được cơ quan giám sát đồng ý hoặc vì lợi ích chính đáng của người yêu cầu công chứng. Bên cạnh đó, công chứng viên có thể phải thông báo cho cơ quan giám sát khi có yêu cầu. Tuy nhiên, sự vi phạm về địa phận này không ảnh hưởng đến hiệu lực của việc công chứng. Mặc dù trên thực tế, công chứng viên phải gắn với địa bàn mình đã được phân công. Tuy nhiên, người yêu cầu công chứng được tự do lựa chọn bất kỳ công chứng viên nào ở bất kỳ nơi đâu; và các văn bản công chứng do một công chứng viên xác lập có hiệu lực thi hành và hợp lệ trên toàn quốc.[54]

Tại một số nước Châu Âu, công chứng điện tử cũng đã được triển khai ở nhiều nước như Italia, Tây Ban Nha, Malta và phạm vi của công chứng điện tử đã vượt ra khỏi phạm vi của một quốc gia[55]. Như đã đề cập, EU ban hành Quy định eIDAS quy định về định danh điện tử và dịch vụ tin cậy đối với các giao dịch số trong thị trường chung Châu Âu. Điều này cho phép tiến hành thực hiện công chứng giữa các quốc gia thành viên nhưng vẫn đảm bảo được giá trị sử dụng của văn bản công chứng, được công nhận ở các quốc gia thành viên mà không cần thông qua các hoạt động hợp thức hóa riêng biệt ở mỗi quốc gia[56]. Có thể thấy, các quốc gia cho phép triển khai hoạt động công chứng điện tử có xu hướng mở rộng thẩm quyền của công chứng viên ra khỏi phạm vụ địa lý nhất định. Điều này giúp đáp ứng mạnh mẽ nhu cầu công chứng của người dân ở cả những nơi xa xôi.

Tại Việt Nam, thẩm quyền của công chứng viên trong việc công chứng, chứng thực các hợp đồng, giao dịch liên quan đến bất động sản vẫn đang bị giới hạn theo phạm vi địa hạt. Từ Nghị định số 75/2000/NĐ-CP ngày 8/12/2000 của Chính phủ (đã hết hiệu lực) quy định về công chứng, chứng thực[57] đến Luật công chứng hiện hành đều duy trì quy định giới hạn này. Trong bối cảnh công chứng truyền thống, việc giới hạn phạm vi địa hạt là cần thiết vì sẽ tạo điều kiện cho công chứng viên dễ dàng thu thập thông tin chính xác về bất động sản trong việc xác minh trong trường hợp có căn cứ cho rằng trong hồ sơ yêu cầu công chứng có vấn đề chưa rõ, từ đó góp phần hạn chế hiện tượng gian lận, lừa đảo.[58] Do đó, Dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi) giữ nguyên tinh thần về vấn đề giới hạn phạm vi công chứng hợp đồng, giao dịch theo pháp luật hiện hành, chỉ thay đổi cụm từ “về” thành cụm từ “có liên quan”. Theo đó, Công chứng viên của tổ chức hành nghề công chứng chỉ được công chứng hợp đồng, giao dịch có liên quan đến bất động sản trong phạm vi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi tổ chức hành nghề công chứng đặt trụ sở, trừ trường hợp công chứng di chúc, văn bản từ chối nhận di sản là bất động sản, văn bản ủy quyền liên quan đến việc thực hiện các quyền đối với bất động sản”.

Đến thời điểm hiện tại, tác giả cho rằng việc tiếp tục kế thừa quy định giới hạn thẩm quyền của công chứng viên trong phạm vi địa hạt đối với việc công chứng hợp đồng, giao dịch có liên quan đến bất động sản là điều cần thiết. Tuy nhiên, nếu nhà làm luật đã chính thức thừa nhận tính pháp lý và cho phép hoạt động công chứng điện tử triển khai thì cần phải có lộ trình mở rộng thẩm quyền của các công chứng viên để tận dụng được những ưu điểm của công chứng điện tử. Tuy nhiên, phần lớn các giao dịch được công chứng điều liên quan đến bất động sản - một trong những tài sản có giá trị lớn, dễ phát sinh tranh chấp. Do đó, việc mở rộng giới hạn về phạm vi thẩm quyền phải tiến hành từng bước dựa trên những điều kiện thực tế để triển khai công chứng điện tử như nền tảng công nghệ, tính hoàn thiện của cơ sở dữ liệu và dự phòng được những giải pháp phòng ngừa rủi ro phát sinh. Trong đó, việc kết nối giữa Cơ sở dữ liệu công chứng với các cơ sở dữ liệu khác như Cơ sở dữ liệu đăng ký giao dịch bảo đảm quốc gia, Cơ sở Dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, Cơ sở Dữ liệu đất đai quốc gia, Cơ sở Cơ sở Dữ liệu quốc gia về đăng ký các phương tiện vận tải và một số cơ sở dữ liệu quan trọng khác được thông suốt là một trong những điều kiện tiên quyết.

Tác giả chia sẻ với quan điểm cho rằng cần xây dựng không gian pháp lý thử nghiệm (sandbox) cho công chứng điện tử trước khi triển khai hoạt động này rộng rãi trên phạm vi cả nước.[59] Việc thử nghiệm này nên chia thành những giai đoạn khác nhau để vừa vận hành vừa nhận diện rủi ro và xây dựng khung pháp lý chính thức dựa trên những kinh nghiệm có được tự giai đoạn thử nghiệm. Theo đó, có thể thiết kế hai giai đoạn cho hoạt động thử nghiệm như sau: (i) Giai đoạn 1: Cho phép phạm vi công chứng hợp đồng, giao dịch không bị giới hạn bởi hai tỉnh giáp ranh; (ii) Giai đoạn 2: Mở rộng phạm vi công chứng hợp đồng giao dịch theo khu vực hoặc trên phạm vi cả nước.

7.         Kết luận

Trước bối cảnh xã hội đang có sự thay đổi mạnh mẽ dưới sự tác động của công nghệ, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách quan trọng, trong đó phải kể đến Nghị quyết số 52/NQ-TW ngày 27 tháng 9 năm 2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và Quyết định số 942/QĐ-TTg ngày 15 tháng 6 năm 2021 quyết định phê duyệt chiến lược phát triển chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030 của Chính phủ. Do đó, việc ghi nhận tính pháp lý của công chứng điện tử tại Dự thảo Luật công chứng (sửa đổi) là một hành động thể hiện rõ nét quá trình thực thi đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà Nước.

Theo kinh nghiệm của những quốc gia mà tác giả đã trình bày, việc triển khai hoạt động công chứng điện tử dường như là một quá trình phát triển tất yếu của hoạt động công chứng nói chung. Tuy nhiên, để đảm bảo các điều kiện pháp lý cũng như phi pháp lý như hạ tầng kỹ thuật, công nghệ, cơ sở dữ liệu và con người thì việc xây dựng khung pháp lý cũng như quy trình triển khai hoạt động công chứng điện tử tại Việt Nam cần được thực hiện từng bước và thận trọng. Dự thảo Luật Công chứng sửa đổi đã có những bước tiến trong việc ghi nhận văn bản công chứng điện tử, chữ ký số, các phương thức công chứng điện tử. Tuy nhiên, chúng ta cần đặt ra các quy định “cấp quyền truy cập” cho  công chứng viên sử dụng thông tin từ các cơ sở dữ liệu trong cơ quan nhà nước nhằm phục vụ cho hoạt động công chứng. Đồng thời, pháp luật cũng cần đặt ra trách nhiệm đối với  tổ chức cung cấp cung cấp chữ ký điện tử; trách nhiệm trong việc sử dụng thông tin từ các cơ sở dữ liệu trong cơ quan nhà nước của công chứng viên. Đối với phương thức công chứng điện tử trực tuyến, việc quy định liên quan đến việc kiểm soát, giám sát truyền hình trực tuyến nhằm hạn chế rủi ro, tranh chấp cho các bên sử dụng là điều rất cần thiết. Đồng thời, việc mở rộng phạm vi công chứng hợp đồng, giao dịch hợp đồng sẽ giúp phát huy tiềm năng tối đa của hoạt động công chứng điện tử, từ đó thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở nước ta.

 

Tài liệu tham khảo

1.         Anna V. Sukhovenko (2020), Electronic Notarial System as a New Social Institution in a Digital Economy: Quality, Availability, Security, Rostov State University of Economics, Rostov-on-Don, Russia, Page.1037.

2.         Bộ Chính trị (2019), Nghị quyết số 52/NQ-TW của Bộ Chính trị Ban chấp hành Trung ương Đảng ngày 27 tháng 9 năm 2019 về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư

3.         Bộ Tư pháp Việt Nam - Hội đồng công chứng tối cao Cộng hòa Pháp (2018), Thực trạng và triển vọng phát triển ở Việt Nam, Tài liệu Tọa đàm Kinh nghiệm số hóa công chứng Pháp, tháng 7 năm 2018, tr.7.

4.         Chính phủ (2000), Nghị định số 75/2000/NĐ-CP của Chính phủ ngày 8 tháng 12 năm 2000

5.         Chính phủ (2020), Nghị định số: 47/2020/NĐ-CP ngày 09 tháng 4 năm 2020 của Chính phủ Quản lý, kết nối và chia sẻ dữ liệu số của cơ quan nhà nước.

6.         Chính phủ (2021), Nghị định số 37/2021/NĐ-CP của Chính phủ ngày 29 tháng 3 năm 2021 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 137/2015/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2015 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Căn cước công dân.

7.         Christian Gomille (2023), “Online Notarization in Germany”, từ cơ sở dữ liệu : https://s.net.vn/v3Cb, truy cập lần cuối ngày [8-10-2023].

8.         Code Of Virginia Sections of the Code of Virginia Pertaining to Notaries Public, Published by the Office of the Secretary of the Commonwealth, May 12, 2021, từ cơ sở dữ liệu: https://www.governor.virginia.gov/media/governorvirginiagov/secretary-of-the-commonwealth/pdf/notary/Code-of-Virginia.pdf, truy cập lần cuối ngày [16-10-2022].

9.         Đào Duy An (2020), “Ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động công chứng”, Tạp chí Dân chủ và Pháp Luật – Ấn phẩm đặc biệt dành cho Hiệp hội Công chứng viên Việt Nam xuất bản tháng 01-2020.

10.     David Thun (2014) “FAQ: Can I Notarize Documents In Other States Or Countries?”, National Notary Association, từ cơ sở dữ liệu, https://tinyurl.com/yjr22xur, truy cập lần cuối ngày [01-10-2022].

11.     Décret n° 2020-1422 du 20 novembre 2020 instaurant la procuration notariée à distance, từ cơ sở dữ liệu https://www.legifrance.gouv.fr/jorf/id/JORFTEXT000042544060, truy cập lần cuối ngày [16-10-2022].

12.     Décret n° 2020-1422 du 20 novembre 2020 instaurant la procuration notariée à distance, từ cơ sở dữ liệu: https://tinyurl.com/3tnxbxbr, truy cập lần cuối ngày [08-11-2022].

13.     Dossier De Presse (2008), Signature du premier acte authentique sur support électronique, Conseil supérieur du notariat, Tr.7

14.     Dương Bạch Long (2022), ”Hành nghề công chứng và tổ chức hành nghề công chứng ở Cộng hòa Pháp, CHLB Đức”, Viện Khoa học pháp lý - Bộ tư Pháp, từ cơ sở dữ liệu https://moj.gov.vn/qt/tintuc/Pages/nghien-cuu-trao-doi.aspx?ItemID=2623, truy cập lần cuối ngày [01-10-2022].

15.     Hải Lan (2023), “Nhiều bị hại sập bẫy lừa bằng hình ảnh, giọng nói trên không gian mạng”, Trang thông tin điện tử Báo Công an Nhân dân, từ cơ sở dữ liệu: https://cand.com.vn/Ban-tin-113/nhieu-bi-hai-sap-bay-lua-bang-hinh-anh-giong-noi-tren-khong-gian-mang-i689404/, truy cập lần cuối ngày [14-09-2023].

16.     Hiệp hội công chứng quốc gia Nhật Bản (2018), Báo cáo “Xây dựng thông tin cho hoạt động công chứng”, Hội nghị toàn thể lần thứ 8, Ủy ban các vấn đề châu Á của Liên minh công chứng quốc tế tổ chức tại Tây An, Thiểm Tây, Trung Quốc, tháng 9 năm 2018, tr.30-34.

17.     Hiệp hội công chứng Trung Quốc (2018), Báo cáo “Xây dựng thông tin của công nghệ công chứng Trung Quốc” tại Hội nghị toàn thể lần thứ 8 Ủy ban các vấn đề Châu án của Liên minh công chứng quốc tế tổ chức tại Tây An, Thiểm Tây, Trung Quốc, tháng 9 năm 2018 tr.19.

18.     Hùng Quân (2023), “Cảnh giác với thủ đoạn lợi dụng công nghệ Deepfake để lừa đảo”, Trang thông tin điện tử Báo Công an Nhân dân, từ cơ sở dữ liệu: https://cand.com.vn/Cong-nghe/canh-giac-voi-thu-doan-loi-dung-cong-nghe-deepfake-de-lua-dao-i688571/, truy cập lần cuối ngày [09-14-2023].

19.     International Union of Notaries (2016), Electronic notarial acts and paperless processes 28th International Congress of Notaries, 28th International Congress of Notaries, Paris, Page 1.

20.     Khánh An (2023), “Lừa đảo AI giả giọng nói tràn lan tại Mỹ”, Trang thông tin điện tử Báo Thanh niên, https://thanhnien.vn/lua-dao-ai-gia-giong-noi-tran-lan-tai-my-185230613125638474.htm, , truy cập lần cuối ngày [14-09-2023].

21.     Loi n°2000-230 du 13 mars 2000 et décret n°2005-973 du 10 août 2005, từ cơ sở dữ liệu https://www.legifrance.gouv.fr/jorf/id/JORFTEXT000000399095, truy cập lần cuối ngày [31-8-2022].

22.     Michael Lewis (2018), “Remote Notarization: What You Need To KnowNational Notary Association, https://www.nationalnotary.org/notary-bulletin/blog/2018/06/remote-notarization-what-you-need-to-know, truy cập lần cuối ngày [10-10-2022].

23.     Montana Code Annotated 2021, từ cơ sở dữ liệu https://leg.mt.gov/bills/mca/title_0010/chapter_0050/part_0060/section_0050/0010-0050-0060-0050.html, truy cập lần cuối ngày [17-10-2022].

24.     National Notary Association, “How to become a Remote Online Notary”, từ cơ sở dữ liệu https://www.nationalnotary.org/knowledge-center/remote-online-notary/how-to-become-a-remote-online-notary, truy cập lần cuối ngày [25-09-2023].

25.     Nguyễn Huy Cường (2019), “Chế định về công chứng và chứng thực theo pháp luật Việt Nam - Bất cập và kiến nghị hoàn thiện”, cổng thông tin điện tử Sở Tư pháp - Tỉnh Bình Dương, cơ sở dữ liệu https://tinyurl.com/4u64hftx, truy cập lần cuối ngày [22-12-2022].

26.     Par Marie-Claire Varenne, Etudiante (2022) « L’acte authentique par comparution à distance : quel avenir ? », Village des Notaires, từ cơ sở dữ liệu https://www.village-notaires.com/L-acte-authentique-par-comparution#:~:text=Par%20Marie%2DClaire%20Varenne%2C%20Etudiante,qui%20est%20un%20%C3%A9v%C3%A8nement%20exceptionnel, truy cập lần cuối ngày 2[4-09-2022].

27.     Pennsylvania Department of State: “Electronic/Remote Notarization”, https://www.dos.pa.gov/Pages/default.aspx, truy cập lần cuối ngày [31-8-2022].

28.     Phạm Thị Thúy Hồng & Hoàng Mạnh Thắng (2022), “Công chứng số- Tương lai của Công chứng Việt Nam” , Tạp chí Nghề luật số 01/2022, Học viện Tư Pháp, Tr.9.

29.     Phan Thị Bình Thuận (2020), “Công chứng điện tử tại Việt Nam trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0”, Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp số 20 (420), Tr.41.

30.     Quốc hội (2014), Luật Công chứng năm 2014.

31.     Quốc hội (2023), Dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi), Cổng thông tin điển tử Chính phủ, dẫn từ cơ sở dữ liệu: https://chinhphu.vn/du-thao-vbqppl/du-thao-luat-cong-chung-sua-doi-5737, truy cập lần cuối ngày [25-09-2023].

32.     Thái Bình (2007), “Bỏ "công chứng theo địa hạt", tạo kẽ hở cho tội phạm?”, Báo Công an Nhân dân, từ cơ sở dữ liệu https://cand.com.vn/Xa-hoi/Bo-cong-chung-theo-dia-hat-tao-ke-ho-cho-toi-pham-i42942/, truy cập lần cuối ngày [01-10-2022].

33.     Timothy S Reiniger & Philip M Marston (2013) “The Deed Is Done: On-Line Notarization becomes a Reality”. Digital Evidence and Electronic Signature Law Review, Page 144.

34.     Trần Thăng Long & Trương Thị Nho (2022), “Hoàn thiện pháp luật Việt Nam về chữ ký số”, Trang thông tin điển tử Tạp chí Dân chủ và Pháp luật - Bộ Tư pháp, cơ sở dữ liệu https://tcdcpl.moj.gov.vn/qt/tintuc/Pages/xay-dung-phap-luat.aspx?ItemID=763, truy cập lần cuối ngày [02-10-2022].

35.     Trần Thị Ngọc Thảo, “Xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu chuyên ngành trong các cơ quan đảng, nhà nước và doanh nghiệp”, Trang Thông tin điện tử Tạp chí Xây dựng Đảng, https://www.xaydungdang.org.vn/nghi-quyet-va-cuoc-song/xay-dung-he-thong-co-so-du-lieu-chuyen-nganh-trong-cac-co-quan-dang-nha-nuoc-va-doanh-nghiep-18112, truy cập lần cuối ngày [12-09-2023].

36.     Xuân Phúc (2020), “Misa dừng cung cấp chữ ký số từ xa do chưa đáp ứng quy định”, Tạp chí điện tử Thông tin và Truyền thông, từ cơ sở dữ liệu https://ictvietnam.vn/misa-dung-cung-cap-chu-ky-so-tu-xa-do-chua-dap-ung-quy-dinh-20200526125544275.htm, truy cập lần cuối ngày [02-10-2022].

 


* ThS. Trường Đại học Kinh tế - Luật, ĐHQG – HCM. Duyệt đăng 24/3/2024

** ThS Trường Đại học Kinh tế - Luật, ĐHQG – HCM. Email:  sanglm@uel.edu.vn

[1] The Ministry of Justice (1998), “Report on the Legal System of Electronic”, dẫn từ cơ sở dữ liệu: https://www.moj.go.jp/ENGLISH/information/rotlf-11.html, truy cập lần cuối ngày [8-10-2023].

[2] Báo cáo “Xây dựng thông tin cho hoạt động công chứng” của Hiệp hội công chứng quốc gia Nhật Bản tại Hội nghị toàn thể lần thứ 8, Ủy ban các vấn đề châu Á của Liên minh công chứng quốc tế tổ chức tại Tây An, Thiểm Tây, Trung Quốc, tháng 9 năm 2018, tr.30-34.

[3] Section 47.1-2 Powers, Code Of Virginia Sections of the Code of Virginia Pertaining to Notaries Public, Published by the Office of the Secretary of the Commonwealth, May 12, 2021, từ cơ sở dữ liệu: https://www.governor.virginia.gov/ media/governorvirginiagov/secretary-of-the-commonwealth/pdf/notary/Code-of-Virginia.pdf, truy cập lần cuối ngày [16-10-2022].

[4] Section 47.1-12 Powers, Code Of Virginia Sections of the Code of Virginia Pertaining to Notaries Public, Published by the Office of the Secretary of the Commonwealth, May 12, 2021, từ cơ sở dữ liệu: https://www.governor.virginia.gov/ media/governorvirginiagov/secretary-of-the-commonwealth/pdf/notary/Code-of-Virginia.pdf, truy cập lần cuối ngày [16-10-2022].

[5] Section 47.1-2 Powers, Code Of Virginia Sections of the Code of Virginia Pertaining to Notaries Public, Published by the Office of the Secretary of the Commonwealth, May 12, 2021, từ cơ sở dữ liệu: https://www.governor.virginia.gov/media/governorvirginiagov/secretary-of-the-commonwealth/pdf/notary/Code-of-Virginia.pdf, truy cập lần cuối ngày [16-10-2022].

[6] Phan Thị Bình Thuận, “Công chứng điện tử tại Việt Nam trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0”, Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp số 20, Tr.41 (2020)

[7] Phạm Thị Thúy Hồng & Hoàng Mạnh Thắng, “Công chứng số- Tương lai của Công chứng Việt Nam” , Tạp chí Nghề luật số 01/2022, Học viện Tư Pháp, Tr.9. (2022)

[8] Dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi), Cổng thông tin điển tử Chính phủ, dẫn từ cơ sở dữ liệu: https://chinhphu.vn/du-thao-vbqppl/du-thao-luat-cong-chung-sua-doi-5737, truy cập lần cuối ngày [25-09-2023].

[9] Phan Trung Hiền,”Về nội hàm của một số khái niệm trong pháp luật đất đai”, Tạp chí Nghiên cứu lập pháp, Số 20, Tr.28-36. (2013)

[10] Michael Lewis (2018), “Remote Notarization: What You Need To KnowNational Notary Association, https://www. nationalnotary.org/notary-bulletin/blog/2018/06/remote-notarization-what-you-need-to-know, truy cập lần cuối ngày [10-10-2022].

[11] Pennsylvania Department of State: “Electronic/Remote Notarization”, https://www.dos.pa.gov/Pages/default.aspx, truy cập lần cuối ngày [31-8-2022].

[12] Loi n°2000-230 du 13 mars 2000 et décret n°2005-973 du 10 août 2005, từ cơ sở dữ liệu https://www. legifrance.gouv.fr/jorf/id/JORFTEXT000000399095.

[13] Par Marie-Claire Varenne, Etudiante (2022) « L’acte authentique par comparution à distance : quel avenir ? », Village des Notaires, từ cơ sở dữ liệu https://www.village-notaires.com/L-acte-authentique-par-comparution#

:~:text=Par%20Marie%2DClaire%20Varenne%2C%20Etudiante,qui%20est%20un%20%C3%A9v%C3%A8nement%20exceptionnel, [truy cập lần cuối ngày 24-09-2022].

[14] International Union of Notaries (2016), Electronic notarial acts and paperless processes 28th International Congress of Notaries, 28th International Congress of Notaries, Paris, Page 1.

[15] Điểm c Khoản 1 Điều 62 Dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi), Cổng thông tin điển tử Chính phủ, dẫn từ cơ sở dữ liệu: https://chinhphu.vn/du-thao-vbqppl/du-thao-luat-cong-chung-sua-doi-5737, truy cập lần cuối ngày [25-09-2023].

[16] Timothy S Reiniger & Philip M Marston, “The Deed Is Done: On-Line Notarization becomes a Reality”. Digital Evidence and Electronic Signature Law Review, Page 144 (2013)

[17] Décret n° 2020-1422 du 20 novembre 2020 instaurant la procuration notariée à distance, từ cơ sở dữ liệu:

https://tinyurl.com/3tnxbxbr, truy cập lần cuối ngày [08-11-2022].

[18] Khoản 2 Điều 62 Dự thảo Luật Công chứng sửa đổi, Trang thông tin điện tử Chính phủ, https://chinhphu.vn/du-thao-vbqppl/du-thao-luat-cong-chung-sua-doi-5737, truy cập lần cuối ngày [12-09-2023]

[19] Đào Duy An, “Ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động công chứng”, Tạp chí Dân chủ và Pháp Luật – Ấn phẩm đặc biệt dành cho Hiệp hội Công chứng viên Việt Nam xuất bản tháng 01 (2020)

[20] Dossier De Presse (2008), Signature du premier acte authentique sur support électronique, Conseil supérieur du notariat, Tr.7.

[21] Bộ Tư pháp Việt Nam - Hội đồng công chứng tối cao Cộng hòa Pháp (2018), Thực trạng và triển vọng phát triển ở Việt Nam, Tài liệu Tọa đàm Kinh nghiệm số hóa công chứng Pháp, tháng 7 năm 2018, tr.7, tr.7.

[22] Dossier De Presse (2008), Signature du premier acte authentique sur support électronique, Conseil supérieur du notariat, Tr.7.

[23] Hiệp hội công chứng Trung Quốc (2018), Báo cáo “Xây dựng thông tin của công nghệ công chứng Trung Quốc” tại Hội nghị toàn thể lần thứ 8 Ủy ban các vấn đề Châu án của Liên minh công chứng quốc tế tổ chức tại Tây An, Thiểm Tây, Trung Quốc, tháng 9 năm 2018 tr.19.

[24] Hiệp hội công chứng Trung Quốc (2018), Báo cáo “Xây dựng thông tin của công nghệ công chứng Trung Quốc” tại Hội nghị toàn thể lần thứ 8 Ủy ban các vấn đề Châu án của Liên minh công chứng quốc tế tổ chức tại Tây An, Thiểm Tây, Trung Quốc, tháng 9 năm 2018 tr.22-24.

[25] Nghị định số: 47/2020/NĐ-CP ngày 09 tháng 4 năm 2020 của Chính phủ Quản lý, kết nối và chia sẻ dữ liệu số của cơ quan nhà nước.

[26] Điều 64 Dự thảo Luật Công chứng sửa đổi, Trang thông tin điện tử Chính phủ, https://chinhphu.vn/du-thao-vbqppl/du-thao-luat-cong-chung-sua-doi-5737, truy cập lần cuối ngày [12-09-2023].

[27] Điểm d, Khoản 1 Điều 16 Dự thảo Luật Công chứng sửa đổi, Trang thông tin điện tử Chính phủ, https://chinhphu.vn/du-thao-vbqppl/du-thao-luat-cong-chung-sua-doi-5737, truy cập lần cuối ngày [12-09-2023].

[28] Trần Thị Ngọc Thảo, “Xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu chuyên ngành trong các cơ quan đảng, nhà nước và doanh nghiệp”, Trang Thông tin điện tử Tạp chí Xây dựng Đảng, https://www.xaydungdang.org.vn/nghi-quyet-va-cuoc-song/xay-dung-he-thong-co-so-du-lieu-chuyen-nganh-trong-cac-co-quan-dang-nha-nuoc-va-doanh-nghiep-18112; truy cập lần cuối ngày [12-09-2023].

[29] Khoản 2 Điều 9 Nghị định số 37/2021/NĐ-CP của Chính phủ ngày 29 tháng 3 năm 2021 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 137/2015/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2015 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Căn cước công dân.

[30] Điểm a Khoản 1 Điều 7 Luật Công chứng năm 2014 và Điểm a Khoản 1 Điều 7 Dự thảo Luật Công chứng sửa đổi.

[31] Article 1 Décret n° 2020-1422 du 20 novembre 2020 instaurant la procuration notariée à distance, từ cơ sở dữ liệu https://www.legifrance.gouv.fr/jorf/id/JORFTEXT000042544060, truy cập lần cuối ngày [16-10-2022].   

[32] Le Conseil supérieur du notariat (2022), “Power of attorney at the notary: how to sign online? », le site officiel des notaires de France, https://www.notaires.fr/en/notarial-profession/role-notaries-and-his-principal-activities/power-attorney-notary-how-sign-online, truy cập ngày [16-10-2022].

[33] Par Marie-Claire Varenne, Etudiante: « L’acte authentique par comparution à distance : quel avenir ? », Village des Notaires, L’acte authentique par comparution à distance : quel avenir ? Par (...) - Village des Notaires et des Experts du Patrimoine (village-notaires-patrimoine.com), truy cập lần cuối ngày [24-09-2022].

[34] Anna V. Sukhovenko (2020), Electronic Notarial System as a New Social Institution in a Digital Economy: Quality, Availability, Security, Rostov State University of Economics, Rostov-on-Don, Russia, Page.1037.

[35] National Notary Association, “How to become a Remote Online Notary”, từ cơ sở dữ liệu https://www.nationalnotary.org/knowledge-center/remote-online-notary/how-to-become-a-remote-online-notary, truy cập lần cuối ngày [25-09-2023].

[36] § 19.2-3.1, Title 19.2. Criminal Procedure, Chapter 1. General Provisions, dẫn từ cơ sở dữ liệu: https://law.lis.virginia.gov/vacode/title19.2/chapter1/section19.2-3.1/, và Section 47.1-2 Powers, Code Of Virginia Sections of the Code of Virginia Pertaining to Notaries Public, Published by the Office of the Secretary of the Commonwealth, May 12, 2021, từ cơ sở dữ liệu: https://www.governor.virginia.gov/media/governorvirginiagov/secretary-of-the-commonwealth/pdf/notary/Code-of-Virginia.pdf, truy cập lần cuối ngày [16-10-2022].

[37] National Notary Association, “How to become a Remote Online Notary”, từ cơ sở dữ liệu https://www.nationalnotary.org/knowledge-center/remote-online-notary/how-to-become-a-remote-online-notary, truy cập lần cuối ngày [25-09-2023].

[38]Christian Gomille (2023), “Online Notarization in Germany”, từ cơ sở dữ liệu : https://s.net.vn/v3Cb, truy cập lần cuối ngày [8-10-2023].

[39] Hùng Quân (2023), “Cảnh giác với thủ đoạn lợi dụng công nghệ Deepfake để lừa đảo”, Trang thông tin điện tử Báo Công an Nhân dân, từ cơ sở dữ liệu: https://cand.com.vn/Cong-nghe/canh-giac-voi-thu-doan-loi-dung-cong-nghe-deepfake-de-lua-dao-i688571/, truy cập lần cuối ngày [09-14-2023].

[40] Khánh An (2023), “Lừa đảo AI giả giọng nói tràn lan tại Mỹ”, Trang thông tin điện tử Báo Thanh niên, https://thanhnien.vn/lua-dao-ai-gia-giong-noi-tran-lan-tai-my-185230613125638474.htm, truy cập lần cuối ngày [14-09-2023].

[41] Hải Lan (2023), “Nhiều bị hại sập bẫy lừa bằng hình ảnh, giọng nói trên không gian mạng”, Trang thông tin điện tử Báo Công an Nhân dân, từ cơ sở dữ liệu: https://cand.com.vn/Ban-tin-113/nhieu-bi-hai-sap-bay-lua-bang-hinh-anh-giong-noi-tren-khong-gian-mang-i689404/, truy cập lần cuối ngày [14-09-2023].

[42] Trần Thăng Long & Trương Thị Nho (2022), “Hoàn thiện pháp luật Việt Nam về chữ ký số”, Trang thông tin điển tử Tạp chí Dân chủ và Pháp luật - Bộ Tư pháp, cơ sở dữ liệu https://tcdcpl.moj.gov.vn/qt/tintuc/Pages/xay-dung-phap-luat.aspx?ItemID=763, truy cập lần cuối ngày [02-10-2022].

[43] Xuân Phúc (2020), “Misa dừng cung cấp chữ ký số từ xa do chưa đáp ứng quy định”, Tạp chí điện tử Thông tin và Truyền thông, từ cơ sở dữ liệu https://ictvietnam.vn/misa-dung-cung-cap-chu-ky-so-tu-xa-do-chua-dap-ung-quy-dinh-20200526125544275.htm, truy cập lần cuối ngày [02-10-2022].

[44] Trần Thăng Long & Trương Thị Nho (2022), “Hoàn thiện pháp luật Việt Nam về chữ ký số ”, Trang thông tin điển tử Tạp chí Dân chủ và Pháp luật - Bộ Tư pháp, cơ sở dữ liệu https://tcdcpl.moj.gov.vn/qt/tintuc/Pages/xay-dung-phap-luat.aspx?ItemID=763, truy cập lần cuối ngày [02-10-2022].

[45] Điều 29, Điều 31, Điều 32, Điều 34 Nghị định số 26/2007/NĐ-CP của Chính phủ ngày 15 tháng 02 năm 2007.

[46] Quy định về dịch vụ nhận dạng, xác thực và tin cậy điện tử (The Electronic Identification and Trust Services Regulation or “eIDAS”) có hiệu lực vào ngày 17 tháng 9 năm 2014 và được áp dụng trực tiếp cho các quốc gia thành viên EU mà trong đó có Cộng hòa Pháp.

[47] “Dịch vụ ủy thác” có nghĩa là một dịch vụ điện tử thường được cung cấp để trả thù lao bao gồm: (a) việc tạo, xác minh và xác thực chữ ký điện tử, con dấu điện tử hoặc tem thời gian điện tử, các dịch vụ chuyển phát đã đăng ký điện tử và các chứng chỉ liên quan đến các dịch vụ đó, hoặc (b) việc tạo, xác minh và xác nhận các chứng chỉ để xác thực trang web; hoặc (c) việc lưu giữ chữ ký điện tử, con dấu hoặc chứng chỉ liên quan đến các dịch vụ đó theo Article 3, (16) Regulation (EU) No 910/2014 of the European Parliament and of the Council, từ cơ sở dữ liệu https://www.legislation.gov.uk/eur/2014/910/article/3, truy cập lần cuối ngày [16-10-2022].

[48] Article 13, (1), Regulation (EU) No 910/2014 of the European Parliament and of the Council, từ cơ sở dữ liệu https://www.legislation.gov.uk/eur/2014/910/article/13, truy cập lần cuối ngày [16-10-2022].

[49] Article 24, (c),(2) , Regulation (EU) No 910/2014 of the European Parliament and of the Council, từ cơ sở dữ liệu https://www.legislation.gov.uk/eur/2014/910/article/24, truy cập lần cuối ngày [16-10-2022].

[50] David Thun (2014) “FAQ: Can I Notarize Documents In Other States Or Countries?”, National Notary Association, từ cơ sở dữ liệu, https://tinyurl.com/yjr22xur, truy cập lần cuối ngày [01-10-2022].

[51] 1-5-605, Title 1, Chapter 5, Part 6. notarial acts Montana Code Annotated 2021, từ cơ sở dữ liệu https://leg.mt.gov/bills/mca/title_0010/chapter_0050/part_0060/section_0050/0010-0050-0060-0050.html, truy cập lần cuối ngày [17-10-2022].

[52] Section 47.1-13, Code Of Virginia Sections of the Code of Virginia Pertaining to Notaries Public, Published by the Office of the Secretary of the Commonwealth, May 12, 2021.

[53] Dương Bạch Long (2022), ”Hành nghề công chứng và tổ chức hành nghề công chứng ở Cộng hòa Pháp, CHLB Đức”, Viện Khoa học pháp lý - Bộ tư Pháp, từ cơ sở dữ liệu https://moj.gov.vn/qt/tintuc/Pages/nghien-cuu-trao-doi.aspx?ItemID=2623, truy cập lần cuối ngày [01-10-2022].

[54] Dương Bạch Long (2022), tlđd.

[55] Đào Duy An (2020), “Ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động công chứng, Tạp chí Dân chủ và Pháp Luật – Ấn phẩm đặc biệt dành cho Hiệp hội Công chứng viên Việt Nam xuất bản tháng 01-2020.

[56] Đào Duy An (2020), tlđd.

[57] Điểm b Khoản 1 Điều 21 Nghị định số 75/2000/NĐ-CP của Chính phủ ngày 8 tháng 12 năm 2000.

[58] Thái Bình (2007), “Bỏ "công chứng theo địa hạt", tạo kẽ hở cho tội phạm?”, Báo Công an Nhân dân, từ cơ sở dữ liệu https://cand.com.vn/Xa-hoi/Bo-cong-chung-theo-dia-hat-tao-ke-ho-cho-toi-pham-i42942/, đăng tải ngày [13-05-2007]; truy cập lần cuối ngày [01-10-2022].

[59] Trần Thị Quang Hồng (2022), Phát triển không gian pháp lý thử nghiệm cho công nghệ tài chính và các lĩnh vực công nghệ mới tại Việt Nam, Nhà xuất bản Tư pháp, Tr.275.