Cua ghẹ Việt Nam “đua nhau” xuất khẩu sang thị trường Mỹ, Trung Quốc, Nhật: Nguyên nhân là do đâu

Theo báo cáo ngày 16/8/2022 của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), mặt hàng xuất khẩu cua ghẹ tăng 41%, đặc biệt thị trường Trung Quốc lên tới 76% so với cùng kỳ năm 2021.

Top 4 thị trường đơn lẻ nhập khẩu cua ghẹ Việt Nam nhiều nhất bao gồm: Mỹ, Trung Quốc và Nhật Bản chiếm hơn 92% tổng giá trị xuất khẩu.

Thị trường nhập khẩu lớn nhất cua ghẹ Việt Nam là Mỹ giá trị hơn 38 triệu USD, tăng 27% so với cùng kỳ năm 2021. Mặc dù có sự biến động ở tháng giữa quý nhưng nhìn chung tình hình xuất khẩu sang thị trường khó tính này khá tốt trong quý II/2022.

Việc Mỹ mở cửa hoàn toàn trở lại là điều kiện thuận lợi giúp nhu cầu tiêu thụ cua ghẹ tăng. Tuy nhiên, ảnh hưởng của cuộc xung đột giữa Nga và Ukrane đã khiến giá thực phẩm tăng cao từ 20-40% so với đầu năm. Điều này khiến cho người dân Mỹ phải thắt chặt chi tiêu hơn, đặc biệt với những mặt hàng có giá trị cao như cua ghẹ.

1-1660707751.jpg

Cua ghẹ Việt Nam có giá trị xuất khẩu tăng

Quốc gia nhập khẩu lớn thứ hai cua ghẹ Việt Nam là Trung Quốc. Theo báo cáo của VASEP, tính tới 15/7/2022 giá trị xuất khẩu đạt 37 triệu USD, tăng 76% so với cùng kỳ năm 2021 và có xu hướng tiếp tục tăng trưởng tốt trong thời gian tới.

Theo sau Mỹ và Trung Quốc là Nhật Bản. Quốc gia này nhập khẩu cua ghẹ Việt Nam nhiều nhất trong khối thị trường tham gia Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và cũng là nước duy trì sự tăng trưởng nhập khẩu cua ghẹ ổn định trong quý II/2022.

2-1660707751.png

Mỹ đứng đầu các quốc gia nhập khẩu cua ghẹ Việt Nam

Đối với thị trường trong nước. Cụ thể, tại Thành phố Hồ Chí Minh cua ghẹ có giá hơn 1 triệu đồng/kg (loại 2 đến 3 con mỗi kg).

Anh Đỗ Văn Nam, chủ cửa hàng hải sản tại phường Linh Đông, Thành phố Thủ Đức cho hay: “Hiện nay tại các nơi nuôi trồng, giá cua đã lên tới 600.000 nghìn đồng/kg, tăng 20% so với tháng 7/2022. Giá cả tăng cao, khách lại liên tục hỏi mua, tuy nhiên lại không đủ hàng để bán do việc khai thác không đạt năng suất cao”.

Chị Ngô Thị Hoa, chủ nhà hàng bánh canh ghẹ tại Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh cho biết: “Ngày hôm qua tôi chỉ nhập được 5kg ghẹ nên phải đóng cửa buổi chiều do thiếu nguyên liệu. Đợt này, giá cả tăng mạnh mà nguồn cung cũng giảm do tập trung số lượng lớn để xuất khẩu”.

Theo VASEP, thị trường thế giới ngày càng ưa chuộng cua ghẹ Việt Nam đã khiến sản lượng xuất khẩu tăng đột biến ở các thị trường dẫn đầu. Theo dự đoán, vào dịp cuối năm có nhiều lễ lớn như Noel, Tết Nguyên đán thì giá cua ghẹ trong nước và giá trị xuất khẩu sẽ có xu hướng tăng.