Những ngày qua, tại bộ phận một cửa huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng xảy ra tình trạng lượng người làm thủ tục đất đai tăng đột biến. Trung bình mỗi ngày, bộ phận một cửa tiếp nhận khoảng hơn 100 bộ hồ sơ thủ tục hành chính về đất đai, cá biệt có ngày tăng đột biến với hơn 200 bộ hồ sơ. Do quá đông nên nhiều người phải đợi qua ngày khác hoặc lui tới nhiều lần để làm thủ tục đất đai.
Theo Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai huyện Hòa Vang, từ ngày 15/10/2021 đến nay, khi các biện pháp khống chế dịch bệnh được nới lỏng thì nhu cầu làm các thủ tục về đất đai của người dân tăng cao do dồn ứ trước đó. Để tránh quá tải, Chi nhánh đã phải nhờ hỗ trợ thêm viên chức qua tiếp nhận. Bình thường bố trí 4 cán bộ làm việc nhưng những ngày cao điểm phải bố trí 8 người làm việc buổi sáng và 6 người làm việc buổi chiều.
Nghi ngờ tình trạng trên không đúng thực tế thị trường bất động sản ở địa phương, Sở Tài Nguyên và Môi trường Đà Nẵng đã kiểm tra và cảnh báo chiêu trò chủ ý tạo cơ sốt đất ảo của một số nhóm người để trục lợi bằng nhiều thủ đoạn khác nhau như: Tạo điểm nóng để đăng tin không chính xác về nhu cầu người dân chen chúc nộp hồ sơ, gây quá tải tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả giao dịch đất đai như tại huyện Hòa Vang vừa qua.
Ông Bùi Văn Hưng - Trưởng Phòng Đăng ký và Cấp giấy chứng nhận - Văn phòng Đăng ký đất đai TP Đà Nẵng cho biết: đây là chiêu trò tạo sốt đất ảo của "cò đất". Qua khảo sát, tìm hiểu, hầu hết người dân thực hiện giao dịch thật sự theo nhu cầu không quá nhiều, trong khi các hình ảnh đăng tải trên mạng xã hội có khá đông. Nhưng thành phần chủ yếu là những nhóm người môi giới mua bán đất đai, môi giới làm thay thủ tục đất đai cho người khác.
Thủ đoạn của các nhóm người này là chụp ảnh đông đúc rồi đưa lên mạng xã hội nhằm phô trương nhu cầu, quy mô lượng khách giao dịch mua, bán đất đai để tạo làn sóng gây sốt ảo. Với thủ đoạn này, họ sẽ làm giá mua đi bán lại giữa các nhóm người với nhau.
Theo ông Hưng: “Việc thổi giá ngày hôm sau tăng so với hôm trước nhằm đẩy giá đất lên cao qua từng ngày để trục lợi. Nhưng thực tế nhu cầu sử dụng đất của người dân vào mục đích để ở hay sản xuất nông nghiệp là không nhiều. Người cuối cùng có tham vọng đầu tư kiếm lời nhầm tưởng giá đất sẽ tăng từng ngày nên mua vào với giá rất cao, không đúng với giá trị thực tại thời điểm giao dịch.
Thậm chí, có không ít người dân địa phương bán đất với giá thấp rồi mua lại đất khác, có khi mua lại chính lô đất mình đã bán với giá cao hơn vì nghĩ sẽ kiếm được tiền chênh lệch. Tuy nhiên, sau thời gian ngắn, bằng nhiều chiêu trò để tạo cơn sốt ảo, nhóm “cò đất” rút lui khỏi địa bàn thì giá đất lại trở về với giá trị thật của thị trường và theo nhu cầu thực tế.
Ông Hưng cho hay, nhóm người này đã trục lợi thông qua tự tạo cơn sốt ảo rồi rút lui, chỉ còn người mua cuối cùng có nhu cầu bán nhưng không còn ai mua lại với giá cao như họ đã mua. Thậm chí nhiều người phải chấp nhận bán cắt lỗ do dùng tiền vay để mua đất đầu cơ bán kiếm lời, dẫn đến hậu quả lặp lại là “tiền mất, tật mang”, gây nhiều hệ lụy cho đời sống người dân vùng nông thôn vốn yên bình.
Lãnh đạo ngành Tài nguyên Môi trường TP Đà Nẵng cảnh báo, nếu người dân không tỉnh táo trước những thông tin trên sẽ dẫn đến nhầm tưởng giá đất sẽ tăng từng ngày nên mua vào với giá cao, không đúng giá trị thực tại thời điểm giao dịch./.