Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu đề nghị cấm bán sách tham khảo trong trường

Bên cạnh yêu cầu có biện pháp quản lý giá sách giáo khoa, các đại biểu Quốc hội lưu ý việc sách tham khảo đang tạo nguồn lợi rất lớn cho các nhà xuất bản nên cần hạn chế.

Sách giáo khoa tiếp tục là vấn đề nhận được sự quan tâm của nhiều đại biểu Quốc hội trong phiên thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội sáng 2/6.

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương) nói lên nỗi lo của người dân bởi giá sách giáo khoa tăng trong khi đại dịch Covid-19 vừa gây nhiều tác động tiêu cực.

“Việc giá sách giáo khoa tăng tạo thêm gánh nặng cho các gia đình có con em đang đi học, nhất là các gia đình có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, vùng sâu, xa, thuộc hộ nghèo”, bà Nga nói.

DBQH de nghi khong tang gia SGK,  cam ban sach tham khao trong truong anh 1

Đại biểu Quốc hội cho rằng việc tăng sách giáo khoa sẽ tạo thêm gánh nặng cho các gia đình có con em đi học. Ảnh: Anh Thư.

Tán thành với các giải pháp để giảm giá sách giáo khoa được Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn đưa ra trong phiên họp chiều 1/6, đại biểu Nga đề nghị Chính phủ sớm có biện pháp hữu hiệu để quản lý.

“Phải tránh việc tăng giá tùy tiện, tạo dư luận không tốt, tác động tiêu cực đến cuộc sống người dân, đại biểu đoàn Hải Dương nhấn mạnh.

Chung quan điểm, đại biểu Thái Văn Thành (đoàn Nghệ An) cho rằng phải đưa sách giáo khoa vào danh mục quản lý giá để bảo đảm quyền lợi của học sinh và điều kiện kinh tế - xã hội của người dân. Theo ông, ngoài sách giáo khoa bắt buộc, số sách còn lại, học sinh có thể tham khảo, tùy vào điều kiện cụ thể chọn lựa mua hoặc không mua, tùy theo nhu cầu.

Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga nhìn nhận số lượng đầu sách giáo khoa cho học sinh, kể cả học sinh tiểu học hiện nay, là quá nhiều, có những cuốn mang tính chất là sách tham khảo. Do không có hướng dẫn, nhiều bậc cha mẹ học sinh hoàn toàn không rõ sẽ phải lựa chọn đầu sách nào.

Đại biểu Thái Văn Thành đề nghị Bộ Giáo dục chỉ đạo các trường làm rõ để phụ huynh hiểu sách giáo khoa có 2 loại, gồm: Sách bắt buộc học sinh phải có để học và sách bổ trợ, tham khảo, không bắt buộc phải mua.

DBQH de nghi khong tang gia SGK,  cam ban sach tham khao trong truong anh 2

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Lân Hiếu. Ảnh: Hồng Phong.

Tranh luận về việc này, đại biểu Nguyễn Lân Hiếu (An Giang) nêu thực tế ai cũng hiểu sách tham khảo không bắt buộc mua, nhưng một khi sách bán, chắc chắn bố mẹ sẽ mua để con “bằng bạn bằng bè”.

Với góc nhìn sách tham khảo đang là nguồn lợi lớn cho nhà xuất bản, ông Hiếu đề nghị hạn chế loại này. “Học sinh tiểu học không cần sách tham khảo, nên cấm bán sách tham khảo trong nhà trường dưới mọi hình thức”, ông Hiếu nêu quan điểm.

Nhấn mạnh đổi mới sách giáo khoa là rất đúng đắn, song đại biểu cho rằng cách làm của chúng ta chưa đúng, cần tạo sự cạnh tranh lành mạnh giữa những sản phẩm tốt và rẻ hơn để sách giáo khoa “trở lại đúng vị trí”.