Đâu là thị trường “vừa miếng” cho những nhà đầu tư ít tiền?

Trong số các địa phương giáp ranh với TP.HCM thì Long An đang lép vế hơn về độ sôi động của thị trường bất động sản. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia nhận định, đây là khu vực còn ẩn chứa nhiều tiềm năng và có sự đa dạng về sản phẩm. Đặc biệt, thích hợp cho những nhà đầu tư ít vốn, tầm nhìn trung – dài hạn.

Động lực lớn từ hạ tầng giao thông

Trong những năm gần đây, thị trường bất động sản các tỉnh lân cận TP.HCM phát triển sôi động. Thậm chí, trong bối cảnh nguồn cung ở TP.HCM ách tắc, Bình Dương và Đồng Nai nổi lên với vai trò dẫn dắt thị trường.

Chẳng hạn vào năm 2020, thị trường TP.HCM sụt giảm mạnh, đặc biệt phân khúc tầm trung gần như không có dự án mới. Trong khi đó Bình Dương lại bổ sung cho thị trường đến 8.000 sản phẩm. Đến hiện nay, Bình Dương vẫn được xem là thị trường bổ sung nguồn cung lớn về căn hộ cho thị trường TP.HCM, dù hiện nay độ nóng của thị trường đã có phần giảm nhiệt.

Tại Đồng Nai, những khu vực giáp ranh với TP.HCM được nhiều doanh nghiệp lựa chọn để hình thành nên các dự án quy mô lớn, tạo nên chuỗi đô thị vệ tinh thu hút xu hướng ly tâm của một nhóm khách hàng.

Không quá sôi động như Bình Dương hay Đồng Nai, nhưng Long An cũng đang dần có “tiếng nói” trên thị trường bất động sản của khu vực. Thế mạnh của địa phương này là còn dư địa phát triển rất lớn. Trong đó phải kể đến cơ sở hạ tầng giao thông và quỹ đất dồi dào.

ha-tang-long-an1-1656563569.jpeg
Hạ tầng làm đòn bẩy cho thị trường bất động sản

Sáng 29/6, UBND tỉnh Long An đã cho khởi công dự án tuyến đường ĐT 826E (ấp 3 Long Hậu) đoạn từ ĐT.826C đến mép nhựa đường Long Hậu. Đây là trục đường chính, quan trọng cần thiết để kết nối nhiều khu cụm công nghiệp trên địa bàn huyện Cần Giuộc và kết nối với huyện Nhà Bè, TP.HCM.

Đây là một trong số hàng loạt dự án hạ tầng được Long An chú trọng đầu tư để kết nối với TP.HCM.

Trước đó, các tuyến giao thông quan trọng trên địa bàn tỉnh như ĐT.825, ĐT.823, ĐT.826B, ĐT.830E, ĐT.827E…cũng đã dần hoàn thiện nhằm giải quyết bài toán giao thông và sẽ góp phần kết nối các khu, cụm công nghiệp quan trọng.

Phía TP.HCM nhiều hạ tầng kết nối với Long An cũng được chú trọng đầu tư như tuyến đường Lê Văn Lương kết nối trực tiếp với Cần Giuộc cũng sẽ được mở rộng lên 6 - 8 làn xe, lộ giới 40m. Đoạn qua Nhà Bè đã có kế hoạch xây mới cả 4 cầu Rạch Đĩa, Long Kiểng, Rạch Tôm và Rạch Dơi.

Một số dự án khác dự kiến sẽ được đầu tư như mở rộng QL50 đi qua huyện Bình Chánh và huyện Cần Giuộc (vốn đầu tư khoảng 2.150 tỷ đồng); Đường song hành QL50, huyện Bình Chánh kết nối với đường trục động lực, huyện Cần Giuộc (vốn đầu tư khoảng 4.300 tỷ đồng).

Tuyến đường Vành đai 3 TP.HCM vừa được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư hứa hẹn sẽ là đòn bẩy cho thị trường bất động sản của Long An. Khi tuyến đường này hoàn thành sẽ giúp khép kín mạng lưới giao thông của các trung tâm kinh tế lớn trong khu vực là TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương, Long An.

Thị trường tiềm năng

Trong bối cảnh giá nhà đất đang tăng chóng mặt thì quỹ đất dồi dào ở Long An trở thành điểm đến cho nhiều nhà đầu tư.

Khảo sát thị trường, giá nhà đất ở TP.HCM hiện đã nóng “bỏng tay” trung bình từ 200 – 400 triệu đồng/m2, thậm chí có những căn biệt thự có giá lên đến 700 tỉ đồng.

Tại Đồng Nai và Bình Dương, giá nhà đất cũng vượt tầm với, thậm chí căn hộ chung cư cũng đã cắm mốc từ 40 – 50 triệu đồng/m2. Ngược lại, ở Long an với tầm giá khoảng 1 tỉ đồng, nhà đầu tư cũng có thể có nhiều lựa chọn để đầu tư.

mua-dat-long-an-2-1656563597.jpeg
Nhà đầu tư tích cực săn đất ở Long An

Anh Quang Tuấn, một nhà đầu tư bất động sản kinh nghiệm cho biết, trong bối cảnh quỹ đất và giá nhà ở tại TP.HCM đang quá cao thì xu hướng tìm về khu vực lân cận như Long An để đầu tư là tất yếu.

Nhà đầu tư này cho biết, Bình Dương và Đồng Nai giá bán nhà đất gần như đã chạm đỉnh trong khi hệ thống cơ sở hạ tầng ở đây lại gần như đã hoàn thiện, không tính đột phá giúp đẩy giá trị bất động sản.

Ngược lại ở Long An dư địa tăng giá còn rất lớn bởi cơ sở hạ tầng vẫn đang tiếp tục được hoàn thiện, mạng lưới khu công nghiệp ngày càng dày đặc.

Theo chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển, để đầu tư bất động sản ở một khu vực, nhà đầu thường tập trung vào hai yếu tố đó là cơ sở hạ tầng và khu công nghiệp. Nếu khu vực đó có những dự án hạ tầng giao thông quan trọng đã và đang được đầu tư, đồng thời thu hút nhiều khu công nghiệp sẽ kéo người lao động về làm việc sinh sống, tốc độ đô thị hóa ngày càng cao dẫn đến nhu cầu về nhà ở là tất yếu.

Ông Hiển cho biết, hiện nay nhà đầu tư đang có xu hướng đổ về đầu tư tại các khu vực có bán kính 30km quanh TP.HCM. Trong đó, những khu vực như Long An sẽ là điểm đến phù hợp cho những nhà đầu tư ít tiền và có tầm nhìn trung – dài hạn.