#kỷ nguyên mới

Để Việt Nam trở thành cứ điểm sản xuất chất bán dẫn

Cần tiếp tục tạo sự thông thoáng tối đa để đưa Việt Nam trở thành một mắt xích quan trọng, một cứ điểm sản xuất chất bán dẫn trong khu vực và thế giới.

Ngành công nghiệp bán dẫn được ví như xương sống của ngành công nghiệp điện tử vì các sản phẩm vi mạch bán dẫn luôn hiện diện trong các loại thiết bị điện tử mà chúng ta dùng hằng ngày.

Nếu bóc tách chuỗi giá trị để làm nên một vi mạch như thế này, thì sẽ có 3 giai đoạn gồm: Thiết kế – Sản xuất, chế tạo và cuối cùng là Lắp ráp – đóng gói – kiểm định.

chat-ban-dan-1-1697980549.jpg
Chất bán dẫn được sử dụng trong tất cả các lĩnh vực, vai trò của nó ngày càng quan trọng

Hiện mức độ tham gia của Việt Nam còn hạn chế khi chủ yếu tham gia vào khâu cuối cùng là lắp ráp đóng gói, chiếm khoảng 10% giá trị sản phẩm và giá trị gia tăng thấp. Tín hiệu tích cực là việc Chính phủ thúc đẩy phát triển các lĩnh vực đầu tư mới, trong đó có công nghiệp bán dẫn, đang giúp thu hút dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài mới vào cả chuỗi giá trị này. Kỳ vọng sẽ có tác động tích cực đến khu vực trong nước thời gian tới.

Nhiều ý kiến cho rằng: cần tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, tạo sự thông thoáng tối đa, giúp các nhà đầu tư nước ngoài yên tâm đầu tư tại Việt Nam, góp phần đưa Việt Nam trở thành một mắt xích quan trọng, một cứ điểm sản xuất chất bán dẫn trong khu vực và thế giới.

Theo ông Nguyễn Quang Đạm, Tổng Giám đốc Marvell Việt Nam cho biết, Tập đoàn thiết kế vi mạch Marvell (Mỹ) công bố sẽ sớm thành lập trung tâm thiết kế quy mô lớn tại Việt Nam. Sau 3 năm nữa, sẽ tăng 50% quy mô nhân sự so với hiện nay. Doanh nghiệp cho biết lý do là bởi chất lượng nguồn nhân lực Việt Nam phù hợp để phát triển khâu thiết kế trong chuỗi giá trị ngành bán dẫn – khâu tạo ra giá trị gia tăng cao nhất.

ong-nguyen-quang-a-m-tong-giam-oc-marvell-vie-t-nam-1697980580.jpg
Ông Nguyễn Quang Đạm, Tổng Giám đốc Marvell Việt Nam

“Nguồn nhân lực kĩ sư, sinh viên của chúng ta rất tài năng, rất thuận lợi để làm việc cho ngành thiết kế vi mạch tại Việt Nam. Chúng ta có thể so sánh một cách đơn giản giữa Việt Nam và Mỹ chẳng hạn: kĩ sư ở Mỹ mới ra trường được trả lương 100.000 – 120.000 USD/năm trong khi kĩ sư tại Việt Nam trung bình chỉ khoảng 1/10 so với bên Mỹ. Nếu khả năng làm việc ngang nhau, không có lý do gì không đầu tư tại Việt Nam”, ông Đạm cho hay.

Số liệu từ cơ quan thống kê Mỹ cho thấy, doanh thu chip từ Việt Nam nhập khẩu vào Mỹ tăng 75% theo năm, hiện đứng thứ 3 về thị phần, tương ứng mức gần 12%. Tuy nhiên giá trị chủ yếu tập trung ở khâu lắp ráp, đóng gói.

Các chuyên gia đánh giá, Việt Nam hoàn toàn có thể nâng cao giá trị trong khâu thiết kế, sản xuất… bằng cách tăng cường hợp tác với các nước ở nhiều cấp độ. Trong đó có hợp tác giữa doanh nghiệp Việt và doanh nghiệp nước ngoài.

Ông Thiều Phương Nam, Tổng Giám đốc Qualcomm Việt Nam, chia sẻ: “Chúng tôi đều làm việc với các công ty Việt Nam để thiết kế, phát triển, sản xuất. Có thể nói chúng tôi rất ấn tượng về năng lực của các công ty Việt Nam, các kĩ sư Việt Nam trong việc tiếp cận, làm chủ các công nghệ mới. Có thể Việt Nam không bắt đầu bằng những con chip phức tạp đòi hỏi quy trình sản xuất mới nhất, mà bắt đầu bằng con chip có nhu cầu tại Việt Nam và các thị trường xung quanh chúng ta. Cần có sự hỗ trợ để các công ty, startup Việt Nam có sự tham gia”.

Điểm sáng là dù chưa nhiều, nhưng đã có một số doanh nghiệp lớn như Viettel, FPT làm chủ khâu thiết kế, sản xuất các sản phẩm công nghệ có thiết bị bán dẫn, xuất khẩu được vào các thị trường lớn.

pho-cu-c-trng-cu-c-au-t-nc-ngoai-bo-ke-hoa-ch-va-au-t-ong-nguyen-anh-tuan-1-1697980580.jpg
Ông Nguyễn Anh Tuấn – Phó Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư

Về phía cơ quan nhà nước, Phó Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư – ông Nguyễn Anh Tuấn nhận định, sự hấp dẫn này trước hết đến từ sự đồng hành và hỗ trợ của Chính phủ trong việc thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp bán dẫn với nhiều chính sách hỗ trợ, ưu đãi nhà đầu tư. Cùng với đó, Việt Nam cũng là nền kinh tế năng động với tốc độ tăng trưởng cao trong khu vực.

Thời gian qua, Chính phủ đã có nhiều nghiên cứu để đưa ra những chính sách ưu đãi nhằm thu hút nhà đầu tư nước ngoài trong các lĩnh vực công nghiệp công nghệ cao, đổi mới sáng tạo. Điển hình như Quyết định số 29/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về ưu đãi đầu tư đặc biệt. Theo đó, các dự án đầu tư công nghệ cao, chuyển giao công nghệ, có sự kết nối với doanh nghiệp trong nước tham gia vào chuỗi giá trị được hưởng cơ chế ưu đãi đầu tư đặc biệt.

Tuy nhiên, ông Tuấn cũng thẳng thắn nhìn nhận, tất cả những điều này là chưa đủ, bởi bên cạnh thu hút đầu tư, cần phải tạo dựng môi trường thuận lợi để duy trì đầu tư lâu dài. Từ đó, nhà đầu tư đồng hành cùng Việt Nam, góp phần đưa Việt Nam trở thành một mắt xích quan trọng, một cứ điểm sản xuất chất bán dẫn trong khu vực và thế giới.

Để làm được điều này, cần tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, tạo sự thông thoáng tối đa, giúp các nhà đầu tư nước ngoài yên tâm đầu tư tại Việt Nam; đồng thời nghiên cứu chính sách hỗ trợ phù hợp, nhất là trong bối cảnh áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu.

Vì vậy, mới đây Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết đang chuẩn bị các đề án mang tính chiến lược để phát triển tốt hơn ngành công nghiệp bán dẫn và hỗ trợ doanh nghiệp.

Cụ thể, ông Nguyễn Chí Dũng – Bộ Trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nói: “Chúng tôi đang đề xuất xây dựng đề án thành lập các trung tâm thiết kế chip, trung tâm nghiên cứu. Đề án đảm bảo 50.000 kĩ sư, chuyên gia trong ngành bán dẫn. Làm sao đến năm 2030 chúng ta đạt được 50.000 kĩ sư đó. Khi đó chúng ta ở tâm thế, vị thế khác, sẵn sàng tham gia chủ động hiệu quả”.

Ngoài ra, giới quan sát cũng đánh giá, việc Việt Nam thiết lập quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với một số cường quốc về công nghiệp bán dẫn sẽ mở ra nhiều cơ hội phát triển, củng cố vai trò của Việt Nam trong chuỗi cung ứng, cũng như mở rộng thị trường cho sản phẩm make in Việt Nam.