Thị trường truyền thông số Việt Nam: Cơ hội phát triển và những mô hình sáng tạo

Trong lĩnh vực truyền thông, sự phát triển của truyền thông số song hành với quá trình chuyển đổi số đã tạo ra nhiều xu hướng mới, đa dạng nhưng cũng đầy thách thức.
Tóm tắt: Trong lĩnh vực truyền thông, truyền thông số phát triển song hành với quá trình chuyển đổi số tạo ra nhiều xu hướng mới, đa dạng nhưng cũng nhiều thách thức. Nhiều xu hướng chính nổi bật lên như nội dung video ngắn, tiếp thị qua người ảnh hưởng (influencer marketing), livestreaming, và sự áp dụng các công nghệ mới như AI, blockchain và thực tế ảo (VR)... Để có thể thúc đẩy sự phát triển truyền thông trong thời đại số, cần làm rõ được cơ hội cũng như các thách thức đặt ra. Trong bài báo này, tác giả đưa ra thực trạng cũng như những thách thức của truyền thông số hiện nay, bên cạnh đó những cơ hội và thuận lợi, từ đó tận dụng để phát triển truyền thông số đúng với tiềm năng hiện có.

I. Giới thiệu

Truyền thông số tại Việt Nam đang phát triển nhanh chóng, phản ánh sự thay đổi mạnh mẽ của môi trường kinh doanh và tốc độ chuyển đổi số. Sự phát triển của công nghệ thông tin và truyền thông (ICT) cùng với mức độ thâm nhập Internet cao đã tạo điều kiện, thúc đẩy cho ngành truyền thông số bùng nổ. Bài báo này cung cấp một góc nhìn nhìn về bức tranh truyền thông số tại Việt Nam dựa trên một số báo cáo nghiên cứu riêng của nhóm nghiên cứu Lab Báo chí và Truyền thông số, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông, từ kết quả tổng hợp các xu hướng chính, thách thức và cơ hội, nhóm tác giả đề xuất một số định hướng cho các mô hình sáng tạo về truyền thông số tại Việt Nam.

II. Phát triển hiện nay của Truyền thông số tại Việt Nam

1. Sự phát triển của hạ tầng công nghệ

Hạ tầng công nghệ tại Việt Nam đã và đang có những bước tiến đáng kể. Với sự phát triển của mạng 4G và triển khai mạng 5G, tốc độ và khả năng kết nối Internet đã được cải thiện đáng kể. Sự ra đời và phổ cập của mạng 4G đã đem lại nhiều lợi ích về mặt tốc độ và khả năng truy cập Internet cho người dùng. Đặc biệt, việc triển khai mạng 5G, mặc dù đang trong giai đoạn đầu nhưng cũng đã tạo ra các đột phá vượt bậc về tốc độ kết nối, độ trễ thấp và khả năng kết nối hàng loạt thiết bị thông minh. Điều này sẽ tạo ra cơ hội lớn chocác ứng dụng công nghệ cao như Internet of Things (IoT), thực tế ảo (VR) và thực tế tăng cường (AR).

Theo số liệu thống kê trong báo cáo thường niên về các xu hướng truyền thông xã hội do Meltwater và We Are Social công bố, lượng người dùng mạng xã hội trên toàn cầu đã vượt mốc 5 tỷ người. Tại Việt Nam, thời điểm đầu năm 2024, có 78,44 triệu người dùng Internet (chiếm 79,1% dân số). Việc có một lượng lớn người dùng Internet cũng tạo ra thị trường tiềm năng cho các doanh nghiệp công nghệ, từ các dịch vụ truyền thông số, thương mại điện tử, đến các dịch vụ tài chính số.

Với sự phát triển của hạ tầng công nghệ và mạng Internet, các dịch vụ truyền thông số tại Việt Nam đã có điều kiện để phát triển mạnh mẽ, từ các nền tảng mạng xã hội, dịch vụ phát video trực tuyến, đến các ứng dụng di động. Sự phát triển này chắn chắn sẽ tạo ra lợi ích kinh tế, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, tăng cường kết nối xã hội và thúc đẩy sáng tạo trong nhiều lĩnh vực khác nhau.

2. Các nền tảng truyền thông số phổ biến

Mỗi nền tảng truyền thông có một ưu thế riêng và đáp ứng được nhu cầu của nhiều nhóm đối tượng cụ thể. Trong đó, giới trẻ đang là đối tượng tham gia tương tác nhiều nhất trên các kênh truyền thông số, đặc biệt là mạng xã hội. Mạng xã hội đang gần như là kênh chính để học sinh, sinh viên cập nhật các thông tin.

Cũng theo số liệu thống kê trong báo cáo thường niên về các xu hướng truyền thông xã hội do Meltwater và We Are Social công bố, tại Việt Nam, tính đến đầu năm 2024, có đến 73,3% dân số sử dụng mạng xã hội. Các nền tảng truyền truyền thông xã hội như Facebook,Youtube, Zalo và Tiktok dẫn đầu về mức độ phổ biến.

Trong đó, nền tảng Facebook có khoảng 72,70 triệu người dùng tại Việt Nam vào đầu năm 2024. Con số này là 67,72 triệu người dùng từ 18 tuổi trở lên với nền tảng Tiktok, 63 triệu người với nền tảng Youtube và 10,9 triệu người dùng với nền tảng Instagram.

TikTok mặc dù mới xuất hiện nhưng đã nhanh chóng thu hút lượng lớn người dùng trẻ. Với tính năng tạo và chia sẻ video ngắn, TikTok đã tạo ra một xu hướng mới trong việc sáng tạo nội dung và giải trí. Các thử thách, xu hướng âm nhạc và các video hài hước trên TikTok đã trở thành hiện tượng văn hóa phổ biến trong giới trẻ Việt Nam.

3. Nội dung số và xu hướng tiêu thụ

Sự phát triển mạnh mẽ của hạ tầng công nghệ và Internet cũng kéo theo sự phát triển phổ biến của nội dung số. Theo thị hiếu, người dùng cũng ưa chuộng những nội dung phong phú, đa dạng loại hình hơn; từ tin tức, giải trí đến giáo dục và thương hiệu.

Nhu cầu cập nhật thông tin nhanh chóng và liên tục đã khiến các nền tảng tin tức số trở nên phổ biến hơn. Các trang web tin tức, ứng dụng di động và mạng xã hội là những nguồn tin chính mà người Việt sử dụng để cập nhật tình hình trong nước và thế giới. Các báo điện tử như VnExpress, VietNamNet và các kênh tin tức trên YouTube đã thu hút một lượng lớn người đọc và người xem hàng ngày.

Nội dung số đang chiếm ưu thế với nhiều hình thức phong phú như phim ảnh, âm nhạc, trò chơi điện tử và các chương trình truyền hình trực tuyến. YouTube, Netflix,Spotify và các nền tảng phát video trực tuyến khác đã trở thành lựa chọn hàng đầu cho nhu cầu giải trí của nhóm công chúng/khách hàng. Đặc biệt, các video ngắn và nội dung phát trực tiếp trên TikTok, Facebook và YouTube đang ngày càng được ưa chuộng, tạo ra những trải nghiệm giải trí nhanh chóng và tiện lợi. Bên cạnh đó, nội dung giáo dục số cũng phát triển với các khóa học trực tuyến, video hướng dẫn và tài liệu học tập số trên những nền tảng như Coursera, Udemy, các kênh YouTube,... mở ra nhiều cơ hội học tập cho mọi lứa tuổi. Nội dung học tập đa dạng, chất lượng và dễ tiếp cận cũng giúp người xem tiết kiệm thời gian, chi phí và linh hoạt trong việc tiếp thu kiến thức.

Thời điểm hiện nay, phủ khắp các nền tảng truyền thông là video ngắn. Sự gia tăng của các video ngắn và phát trực tiếp đã tạo ra xu hướng tiêu thụ mới. Người dùng có thể dễ dàng tạo và chia sẻ video ngắn trên các nền tảng như TikTok, Instagram Reels và YouTube Shorts. Đồng thời, các sự kiện phát trực tiếp như livestream bán hàng, sự kiện âm nhạc trực tuyến và các buổi trò chuyện trực tiếp đã trở thành một phần trong đời sống số của người Việt.

4. Thương mại điện tử

Cùng với sự phát triển vượt bậc của công nghệ, mà đặc biệt là tốc độ phát triển của Internet, Thương mại điện tử (TMĐT) ở Việt Nam đã có sự phát triển vượt bậc về quy mô, số lượng lẫn chất lượng.

Theo báo cáo thương mại điện tử năm 2023 của Bộ Công Thương, doanh thu thương mại điện tử bán lẻ tại Việt Nam năm 2023 tăng 25% so với năm 2022, đạt 20,5 tỷ USD. Qua đó, đưa Việt Nam vào nhóm 10 quốc gia có tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử hàng đầu thế giới. Sự gia tăng này đã phản ánh rõ sự tăng trưởng vượt bậc của thị trường, đồng thời cũng cho thấy hành vi tiêu dùng của người dân Việt Nam để thay đổi rất nhiều. Các nền tảng TMĐT như Shopee, Lazada, Tiki đã trở thành những cái tên quen thuộc, thu hút hàng triệu người dùng mỗi ngày. Shopee dẫn đầu trong nhiều năm liền, chiếm đến 67,9% giá trị giao dịch; xếp sau là TikTok Shop với 23,2%. Trong khi đó, Lazada đứng thứ ba chỉ có 7,6% và Tiki đứng cuối với 1,3%.

Bên cạnh sự gia tăng về số lượng người dùng, chất lượng dịch vụ TMĐT cũng được cải thiện đáng kể. Các nền tảng TMĐT không chỉ cung cấp đa dạng các mặt hàng từ nhu yếu phẩm, thời trang, điện tử đến các dịch vụ như đặt vé máy bay, dịch vụ tài chính mà còn chú trọng vào trải nghiệm người dùng. Hệ thống thanh toán trực tuyến ngày càng an toàn và tiện lợi, với nhiều lựa chọn từ ví điện tử như Momo, ZaloPay đến các phương thức thanh toán qua ngân hàng. Hơn nữa, dịch vụ giao hàng cũng được nâng cấp với các đối tác vận chuyển uy tín như Viettel Post, Giao Hàng Nhanh, Ninja Van, đảm bảo tốc độ giao hàngnhanh chóng và độ tin cậy cao.

Không thể không nhắc đến yếu tố quan trọng góp phần vào sự phát triển của TMĐT đó là sự tích hợp của các công nghệ tiên tiến như trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (Big Data) và Internet vạn vật (IoT). Các nền tảng TMĐT sử dụng AI để cải thiện trải nghiệm mua sắm của người dùng thông qua việc đề xuất sản phẩm phù hợp, hỗ trợ khách hàng 24/7 qua chatbots và phân tích hành vi tiêu dùng để tối ưu hóa chiến lược kinh doanh. Việc ứng dụng của Big Data giúp các doanh nghiệp TMĐT thu thập và phân tích dữ liệu từ người dùng để hiểu rõ hơn về nhu cầu thị trường. IoT cũng đóng vai trò quan trọng trong việc quản lý kho hàng và vận chuyển, giúp tối ưu hóa quy trình và giảm thiểu chi phí.

Đáng nói đến, thương mại điện tử tại Việt Nam cũng đã phát triển mạnh mẽ ở khu vực nông thôn, nơi mà trước đây còn gặp nhiều hạn chế về hạ tầng và khả năng tiếp cận công nghệ. Nhờ vào sự phổ cập của Internet và các chương trình hỗ trợ từ chính phủ, người dân ở các vùng nông thôn hiện nay có thể dễ dàng mua sắm trực tuyến và tiếp cận với các sản phẩm và dịch vụ mà trước đây họ không có cơ hội tiếp cận.

Theo báo cáo của Google, Temasek và Bain & Company, quy mô thị trường thương mại điện tử của Việt Nam dự kiến đạt 52 tỷ USD vào năm 2025.

III. Các xu hướng chính của thị trường truyền thông số Việt Nam

1. Tăng trưởng của nội dung video ngắn

Nội dung video ngắn đang trở thành xu hướng chủ đạo trong truyền thông số với sự phát triển nhanh chóng và mạnh mẽ. TikTok là minh chứng rõ ràng nhất cho sự bùng nổ này, với hàng triệu người dùng hàng ngày tham gia tạo và chia sẻ video ngắn.

Theo số liệu từ TikTok, nền tảng này cán mốc 67,72 triệu người dùng từ 18 tuổi trở lên vào cuối năm 2023. Các nền tảng khác như Instagram Reels và YouTube Shorts cũng không đứng ngoài cuộc đua, nhanh chóng thu hút người dùng bằng việc tích hợp tính năng video ngắn. Instagram Reels ra mắt vào năm 2020 đã giúp Instagram tăng mạnh số lượng người dùng trẻ tuổi. Tương tự, YouTube Shorts, ra mắt vào năm 2021 đã đạt hơn 70 tỷ lượt xem hàng ngày trên toàn cầu chỉ sau gần ba năm hoạt động.

Tạo dựng và tiêu thụ nội dung video ngắn mang lại lợi ích đáng kể cho cả người dùng và doanh nghiệp. Về phía doanh nghiệp, nội dung video là một công cụ để tiếp cận và tương tác với khách hàng hiệu quả. Video ngắn có khả năng thu hút sự chú ý nhanh chóng nhờ vào tính chất ngắn gọn và hấp dẫn, giúp doanh nghiệp dễ dàng giới thiệu sản phẩm, chia sẻ câu chuyện thương hiệu. Các doanh nghiệp cũng nên tận dụng các thử tháchtrên nền tảng như TikTok để khuyến khích người dùng tạo nội dung liên quan đến sản phẩm của mình, đó cũng là cách tăng cường tính tương tác và sự kết nối với khách hàng.

Người dùng cá nhân cũng hưởng lợi nhiều từ nội dung video ngắn. Việc tạo ra các video ngắn trở nên dễ dàng và tiện lợi hơn bao giờ hết nhờ vào các công cụ và tính năng tích hợp sẵn trên các nền tảng như TikTok, Instagram Reels và YouTube Shorts. Người dùng không cần phải có kỹ năng chuyên nghiệp về quay phim hay chỉnh sửa video để tạo ra các nội dung hấp dẫn và sáng tạo. Nội dung video ngắn giúp người dùng dễ dàng tiếp cận thông tin và giải trí một cách nhanh chóng và linh hoạt, phù hợp để xem trong những khoảng thời gian ngắn rỗi rãi. Các video ngắn còn tạo ra các cộng đồng và xu hướng mới trên mạng xã hội, khuyến khích sự sáng tạo và thể hiện cá nhân của người dùng.

2. Sử dụng trí tuệ nhân tạo và tự động hoá

Trí tuệ nhân tạo (AI) và tự động hóa đang được ứng dụng rộng rãi trong lĩnh vực truyền thông số và dự báo sẽ trở thành xu hướng chủ đạo trong tương lai. Các công cụ AI không chỉ tối ưu hóa nội dung mà còn phân tích dữ liệu người dùng để cung cấp trải nghiệm cá nhân hóa.

Những thuật toán AI có khả năng xử lý khối lượng lớn dữ liệu để hiểu rõ hơn về sở thích và hành vi của người dùng, từ đó tạo ra nội dung hấp dẫn và phù hợp. Ví dụ, nền tảng như Netflix sử dụng AI để đề xuất phim và chương trình dựa trên thói quen xem của người dùng, tăng cường trải nghiệm cá nhân hóa và giữ chân khách hàng. Hay Chatbot và các hệ thống tự động trả lời là một ứng dụng khác của AI trong việc nâng cao hiệu quả tương tác khách hàng. Chatbot có khả năng xử lý hàng ngàn yêu cầu cùng một lúc, cung cấp câu trả lời ngay lập tức và hỗ trợ khách hàng 24/7.

Với sự phát triển không ngừng của công nghệ, AI và tự động hóa sẽ tiếp tục định hình tương lai của truyền thông số. Các ứng dụng mới như nhận diện giọng nói, dịch thuật tự động và phân tích cảm xúc sẽ mở ra nhiều cơ hội và thách thức mới. Để bắt kịp xuhướng và phát triển, các doanh nghiệp cần nghiên cứu, học hỏi và áp dụng để duy trì cạnh tranh và tối ưu hóa hiệu quả kinh doanh.

3. Influencer Marketing

Tiếp thị thông qua người ảnh hưởng (influencer marketing) ngày càng trở nên phổ biến trong chiến lược tiếp thị của các nhãn hàng. Việc sử dụng influencer giúp các thương hiệu tiếp cận đối tượng mục tiêu hiệu quả và tạo sự kết nối chân thực hơn với người tiêu dùng.

Influencer marketing cho phép các nhãn hàng tiếp cận một nhóm khách hàng cụ thể thông qua các cá nhân có ảnh hưởng. Theo báo cáo khảo sát từ Influencer Marketing Hub, tổng giá trị thị trường Influencer Marketing dự kiến sẽ tăng lên khoảng 24 tỷ USD vào năm 2024; 60% số người được hỏi dự định tăng ngân sách Influencer Marketing của họ vào năm 2024. Khả năng tiếp cận trực tiếp và hiệu quả đối với khách hàng mục tiêu là một trong những lý do chính khiến các nhãn hàng ưu tiên đầu tư vào hình thức tiếp thị này.

Một trong những lợi ích nổi bật của influencer marketing là tạo ra sự kết nối chân thực giữa thương hiệu và người tiêu dùng. Influencer thường có mối quan hệ gần gũi với tệp khách hàng của họ, từ đó tạo ra sự tin tưởng và lòng trung thành. Khi influencer giới thiệu hoặc sử dụng sản phẩm, người theo dõi có xu hướng tin tưởng và thử nghiệm sản phẩm đó. Điều này lại cực kỳ quan trọng khi người tiêu dùng hiện nay đã cảnh giác hơn rất nhiều với các quảng cáo truyền thống.

Xu hướng đáng chú ý khác là sự xuất hiện của các người ảnh hưởng ảo (virtualinfluencers). Những nhân vật này được tạo ra bằng công nghệ đồ họa máy tính và trí tuệ nhân tạo nhưng vẫn có thể tạo ra mức độ tương tác và ảnh hưởng lớn trên mạng xã hội. Virtual influencers như Lil Miquela đã có hàng triệu người theo dõi trên Instagram và hợp tác với nhiều thương hiệu lớn như Calvin Klein và Prada. Sự xuất hiện của các người ảnh hưởng ảo mở ra cơ hội mới cho các nhãn hàng trong việc tạo ra các chiến dịch tiếp thị độc đáo và sáng tạo, đồng thời giảm thiểu các rủi ro liên quan đến scandal hoặc hành vi không mong muốn từ người ảnh hưởng thật.

Lợi thế lớn của influencer marketing khiến các doanh nghiệp ưu tiên sử dụng đó là khả năng đo lường hiệu quả chính xác. Các công cụ phân tích sẽ dễ dàng theo dõi số lượt xem, lượt thích, bình luận và chia sẻ, từ đó đánh giá mức độ tương tác và tác động của chiến dịch. Trong tương lai, influencer marketing dự kiến sẽ tiếp tục phát triển và đóng góp quan trọng vào sự thành công của các chiến dịch tiếp thị.

4. Phát trực tiếp (Live streaming)

Live streaming cũng là xu hướng đáng nhắc đến trong truyền thông số. Các thương hiệu, cá nhân có thể tương tác với khán giả theo thời gian thực, đảm bảo kết nối tốt và có trải nghiệm chân thức. Theo thông tin từ AccessTrade Việt Nam, ba nền tảng livestream bán hàng phổ biến nhất tại Việt Nam là Facebook (31,9%), Shopee (30,9%) và TikTok (17,2%). Bình quân mỗi tháng đang có 2,5 triệu phiên bán hàng livestream, với sự tham gia của hơn 50.000 nhà bán hàng. Hình thức bán hàng livestream được ưa chuộng nhờ mức độ dễ dàng tương tác với khách hàng. Người xem có thể biết thêm thông tin về chất liệu, tính năng cũng như quan sát chi tiết về sản phẩm. Đồng thời có thể đặt câu hỏi, bình luận và chia sẻ ý kiến của họ trong thời gian thực.

Đối với các doanh nghiệp nhỏ, live streaming còn có thể tiết kiệm chi phí tối đa mà vẫn mang lại hiệu quả cao. Các doanh nghiệp tận dụng các nền tảng miễn phí hoặc chi phí thấp để tổ chức các buổi phát trực tiếp quảng bá sản phẩm và dịch vụ của mình mà không cần đầu tư lớn vào quảng cáo truyền thống.

IV. Thách thức

Trước bối cảnh thực trạng hiện nay, truyền thông số Việt Nam bên cạnh những cơ hội thì vẫn còn nhiều thách thức. Một số thách thức mà truyền thông số phải đối mặt và giải quyết như:

1. Vấn đề bản quyền và vi phạm

Có thể nói đây là một vấn đề không xa lạ trong quá trình phát triển ngành truyền thông. Truyền thông số phát triển, các nền tảng mạng xã hội phong phú, chuyển đổi số phát triển mạnh mẽ đã tạo điều kiện cho các hành vi "ăn cắp bản quyền", sao chép nội dung số và phát tán trái phép khi không có sự cho phép của tác giả. Điều này thực sự đáng lo ngại, gây ảnh hưởng đến quyền lợi của người sáng tạo nội dung. Việc giải quyết vấn đề này đòi hỏi sự phối hợp của các bên liên quan.

Một số trường hợp vi phạm bản quyền nổi bật trên nền tảng YouTube đã trở thành tâm điểm chú ý của công chúng. Các video bị sao chép và tái đăng tải mà không có sự cho phép của chủ sở hữu đã gây ra tranh cãi lớn và buộc nền tảng này phải triển khai các biện pháp kiểm soát nghiêm ngặt hơn. Hệ thống Content ID của YouTube là một giải pháp giúp tự động phát hiện và ngăn chặn các video vi phạm bản quyền, nhưng vẫn chưa thể giải quyết triệt để vấn đề này. Các nền tảng khác như Facebook và Instagram cũng đã đưa ra các chính sách và công cụ để bảo vệ bản quyền. Tuy nhiên, việc thực thi các biện pháp này vẫn còn nhiều khó khăn do khối lượng nội dung khổng lồ được tải lên mỗi ngày. Vì vậy, công nghệ nhận dạng và theo dõi nội dung vi phạm cần được nâng cao hơn nữa để có thể xử lý hiệu quả các vi phạm.

2. Sự phân mảnh của thị trường

Thị trường truyền thông số tại Việt Nam rất phân mảnh với nhiều nền tảng và dịch vụ khác nhau, gây khó khăn cho việc quản lý và điều phối.

Nguyên nhân chính dẫn đến sự phân mảnh này là sự đa dạng và phong phú của các nền tảng truyền thông số. Từ các mạng xã hội lớn như Facebook, YouTube, TikTok, đến các ứng dụng nhắn tin như Zalo và Viber, người dùng có nhiều lựa chọn để tiếp cận và chia sẻ thông tin. Mỗi nền tảng có đặc thù riêng và có nhóm người dùng thường xuyên khác nhau, dẫn đến một số chủ đề thông tin không tập trung và việc đo lường hiệu quả của các chiến dịch tiếp thị và truyền thông trên các nền tảng khó khăn với lượng mẫu phân tán. Đối mặt với vấn đề này buộc các doanh nghiệp và nhà quảng cáo phải lựa chọn nền tảng phù hợp để có thể đo lường tương đối chính xác mức độ tương tác, ảnh hưởng của các chiến dịch trên nền tảng lựa chọn.

3. Vấn đề quyền riêng tư và an ninh mạng

Các vụ việc lộ thông tin cá nhân trên nền tảng số đã trở nên phổ biến và đáng báo động. Một trong những ví dụ điển hình là vụ việc Facebook bị chỉ trích vì vi phạm quyền riêng tư của hàng triệu người dùng sau khi thông tin của họ bị công ty Cambridge Analytica thu thập và sử dụng trái phép trong chiến dịch bầu cử Mỹ năm 2016. Vụ việc này không chỉ làm giảm lòng tin của người dùng vào các nền tảng mạng xã hội mà còn thúc đẩy các cơ quan quản lý tăng cường các biện pháp bảo vệ quyền riêng tư.

Tại Việt Nam, tình trạng lộ thông tin cá nhân và dữ liệu người dùng bị lạm dụng được phản ánh và ghi nhận đã gây ra nhiều lo ngại về an toàn thông tin.

Các nền tảng truyền thông số và dịch vụ trực tuyến cần phải có trách nhiệm và đưa ra các thiết chế, quy định trong việc bảo vệ dữ liệu người dùng. Cần áp dụng các công nghệ bảo mật hiện đại như mã hóa dữ liệu, xác thực hai yếu tố và hệ thống giám sát an ninh mạng là cần thiết để bảo vệ thông tin cá nhân khỏi các cuộc tấn công mạng. Đồng thời, người dùng cũng cần được hướng dẫn và nâng cao nhận thức về các biện pháp bảo vệ quyền riêng tư cá nhân, như không chia sẻ thông tin nhạy cảm trên mạng xã hội và sử dụng các mật khẩu mạnh.

4. Khó khăn trong việc đo lường hiệu quả

Các chỉ số như tỷ lệ tương tác, tỷ lệ chuyển đổi đôi khi khó xác định và không phản ánh chính xác hiệu quả thực sự. Việc đo lường hiệu quả của truyền thông số là một quy trình phức tạp và đầy thách thức, đòi hỏi sự kết hợp của nhiều yếu tố từ việc thu thập và phân tích dữ liệu, xác định các chỉ số đo lường phù hợp, đến việc sử dụng các công cụ phân tích hiệu quả. Các chỉ số như tỷ lệ tương tác, tỷ lệ chuyển đổi đôi khi khó xác định và không phản ánh chính xác hiệu quả thực sự.

Mỗi nền tảng truyền thông số có các chỉ số đo lường riêng, như lượt xem, lượt thích, bình luận, chia sẻ trên mạng xã hội; hoặc số lần nhấp chuột, tỷ lệ chuyển đổi trên các trang web. Việc xác định các KPIs phù hợp với mục tiêu cụ thể của chiến dịch và đảm bảo chúng phản ánh đúng hiệu quả thực sự là một vấn đề phức tạp. Đặc biệt, việc đo lường hiệu quả của truyền thông số còn đối mặt với thách thức về độ trễ trong việc thu thập và xử lý dữ liệu. Các dữ liệu có thể không được cập nhật kịp thời khiến các nhà tiếp thị không thể phản ứng nhanh chóng với những thay đổi để chỉnh chiến lược của mình.

Thách thức này đòi hỏi các doanh nghiệp cần đầu tư vào các công nghệ phân tích tiên tiến, phát triển các quy trình quản lý dữ liệu chặt chẽ.

V. Cơ hội phát triển thị trường truyền thông số

1. Sự phát triển của công nghệ mới

Các công nghệ mới như AI, Blockchain, AI và thực tế ảo (VR) đang được ứng dụng rộng rãi lĩnh vực truyền thông số và vẫn sẽ phát triển, mở ra nhiều cơ hội trong tương lai. Chúng có thể tạo ra những trải nghiệm người dùng mới mẻ và độc đáo, thu hút sự quan tâm của đối tượng mục tiêu.

2. Thị trường đang tăng trưởng

Với dân số trẻ và mức độ thâm nhập Internet cao, thị trường truyền thông số tại Việt Nam còn nhiều tiềm năng phát triển. Các doanh nghiệp có thể khai thác thị trường này bằng cách tạo ra các sản phẩm và dịch vụ số phù hợp với nhu cầu của người tiêu dùng.

3. Sự hỗ trợ từ chính phủ

Chính phủ Việt Nam đã và đang có những chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế số, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp truyền thông số hoạt động và phát triển.

Tháng 9/2019, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 52-NQ/TW về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ Tư. Ngày 3/6/2020, Chính phủ đã ban hành Quyết định số 749/QĐ-TTg phê duyệt "Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030" hướng đến mục tiêu kép là vừa phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, vừa hình thành các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam có năng lực cạnh tranh toàn cầu. Đặc biệt, Đại hội XIII của Đảng nhấn mạnh: "Phải đổi mới tư duy phát triển, thay đổi cách làm việc, cách sống, đẩy mạnh cải cách thể chế, ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; thực hiện quyết liệt chuyển đổi số, xây dựng nền kinh tế số, xã hội số".

Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đã xây dựng kế hoạch chuyển đổi số toàn ngành giai đoạn 2021 - 2025 gồm 5 danh mục dự án: Hạ tầng số, nền tảng số, phát triển dữ liệu, ứng dụng - dịch vụ và an toàn thông tin. Kế hoạch này được triển khai cũng là điều kiện thuận lợi, hỗ trợ quá trình phát triển truyền thông số.

VI. Một số gợi ý các mô hình sáng tạo trong Truyền thông số tại Việt Nam hiện nay

1. Tận dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) và Học Máy

- Cá nhân hóa nội dung: Sử dụng AI để phân tích dữ liệu người dùng và cung cấp các nội dung phù hợp với sở thích cá nhân. Điều này giúp tăng cường trải nghiệm người dùng và tăng tương tác.

- Tự động hóa trong sản xuất nội dung: AI có thể hỗ trợ tạo nội dung, từ viết bài báo, biên tập video đến thiết kế đồ họa. Các công cụ AI như GPT- 4 có thể tự động tạo ra nội dung chất lượng cao với ít sự can thiệp từ con người.

2. Thực tế ảo (VR) và Thực tế tăng cường (AR)

- Trải nghiệm thực tế ảo trong tin tức và giải trí: Sử dụng VR để tạo ra các trải nghiệm tin tức và giải trí sống động, cho phép người dùng cảm nhận như đang ở hiện trường.

- Quảng cáo AR: Tích hợp AR trong các chiến dịch quảng cáo để tạo ra các trải nghiệm tương tác hấp dẫn, thu hút người tiêu dùng và nâng cao hiệu quả quảng cáo.

3. Phát triển nội dung video ngắn và phát trực tiếp đa nền tảng

- Ứng dụng video ngắn: Phát triển các nền tảng tương tự TikTok, tập trung vào nội dung giáo dục, tin tức và giải trí. Nội dung video ngắn dễ tiếp cận và thu hút sự chú ý của giới trẻ.

- Phát trực tiếp đa nền tảng: Tích hợp tính năng phát trực tiếp trên các nền tảng mạng xã hội, cho phép người dùng dễ dàng tiếp cận thông tin và tương tác trực tiếp với các sự kiện, chương trình.

4. Ứng dụng Blockchain trong truyền thông

- Bảo vệ bản quyền: Sử dụng blockchain để bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và bản quyền nội dung số, đảm bảo sự minh bạch và công bằng cho các nhà sáng tạo.

- Giao dịch minh bạch: Ứng dụng blockchain trong quảng cáo và tiếp thị để tạo ra các giao dịch minh bạch và đáng tin cậy, từ đó xây dựng lòng tin với người tiêu dùng.

5. Phát triển nền tảng truyền thông tích hợp

- Siêu ứng dụng truyền thông: Phát triển một siêu ứng dụng tích hợp nhiều tính năng như tin tức, giải trí, mua sắm và mạng xã hội, giúp người dùng dễ dàng truy cập và sử dụng nhiều dịch vụ từ một nền tảng duy nhất.

- Hệ sinh thái số: Xây dựng một hệ sinh thái số kết nối các doanh nghiệp, nhà sáng tạo nội dung và người tiêu dùng, tạo điều kiện thuận lợi cho việc hợp tác và phát triển.

VII. Kết luận

Truyền thông số tại Việt Nam đang ở giai đoạn phát triển mạnh mẽ, với nhiều cơ hội và thách thức đan xen. Để tận dụng tối đa tiềm năng của truyền thông số, các cơ quan, tổ chức và doanh nghiệp cần nắm bắt xu hướng mới, đầu tư vào công nghệ, và chú trọng đến vấn đề an ninh mạng. Đồng thời, cần có sự hợp tác chặt chẽ giữa các bên liên quan, từ chính phủ, doanh nghiệp đến người tiêu dùng, để xây dựng một môi trường truyền thông số lành mạnh và bền vững. Đặc biệt, đây cũng là cơ hội để các chuyên gia, những nhà quản trị truyền thông nghiên cứu phát triển, tạo ra những giải pháp tăng cường hiệu quả và đáp ứng tốt nhất với nhu cầu thị trường.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Global PR Hub (2024), Báo cáo Toàn cảnh Báo chí - Truyển thông Việt Nam 2023-2024.

2. We Are Social (2024), Digital 2024 Vietnam.

3. Juan Senor, Jayant Sriram (2023), Đổi mới sáng tạo trong báo chí 2023 - Báo cáo toàn cầu, Đặc san của báo Nhân dân.