Đáng nói, trong cơ cấu doanh thu của Quốc Cường Gia Lai, đóng góp chủ yếu là doanh thu bán điện với 33 tỷ đồng, doanh thu bán hàng hóa 11,46 tỷ đồng. Trong quý 2 công ty không ghi nhận bất kỳ khoản doanh thu nào từ bất động sản, trong khi cùng kỳ ghi nhận gần 475 tỷ đồng.
Trong phần giải trình, Quốc Cường Gia Lai cho biết, nguyên nhân khiến doanh thu quý 2 giảm mạnh là do thị trường bất động sản khó khăn, giao dịch suy giảm, nhu cầu mua tiếp tục rơi vào thấp điểm nên trong kỳ không phát sinh doanh thu. Bên cạnh đó, giá bán mủ cao su ở thời điểm hiện tại thấp hơn rất nhiều so với năm trước, góp phần khiến doanh thu giảm.
Cùng với việc doanh thu sụt giảm, các chi phí đều được tiết giảm đáng kể. Cụ thể, chi phí tài chính, chi phí bán hàng và chi phí quản lý lần lượt giảm 13%, 66% và 32%.
Dù vậy, sau khi trừ các chi phí trên, Quốc Cường Gia Lai lỗ ròng hơn 11 tỷ đồng trong quý 2, trong khi cùng kỳ năm trước lãi 16 tỷ đồng. Đây là quý lỗ kỷ lục của công ty kể từ quý 4/2011.
Cộng với việc quý 1 chỉ lãi hơn 1 tỷ đồng, Công ty lỗ sau thuế 6 tháng đầu năm hơn 10 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lãi 29,5 tỷ đồng.
So với kế hoạch doanh thu 900 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 50 tỷ đồng, công ty mới hoàn thành 23% kế hoạch doanh thu và cách xa chỉ tiêu lợi nhuận.
Tính đến ngày 30/6/2023, tổng tài sản của Quốc Cường Gia Lai đạt hơn 9.650 tỷ đồng, thu hẹp 3% so với đầu năm. Trong đó hàng tồn kho chiếm 7.097 tỷ đồng, chủ yếu là bất động sản dở dang đang xây dựng bao gồm các khoản chi phí đền bù, tiền sử dụng đất, chi phí xây dựng và các chi phí khác liên quan trực tiếp các dự án hơn 6.595 tỷ đồng.
Nợ phải trả của doanh nghiệp phố núi đến ngày 30/6 là 5.300 tỷ đồng. Khoản mục chiếm tỷ trọng lớn nhất là phải trả ngắn hạn khác 4.350 tỷ đồng, phần lớn trong đó là số tiền nhận từ Sunny Island liên quan đến dự án Phước Kiển.
Nhiều năm qua Quốc Cường Gia Lai huy động từ chính lãnh đạo và người liên quan. Tính đến cuối quý 2/2023, Chủ tịch HĐQT là ông Lại Thế Hà cùng những người liên quan đang cho Quốc Cường Gia Lai vay mượn 237 tỷ đồng.
Liên quan đến dự án Phước Kiển, Nhà Bè, TPHCM (diện tích 91,6ha) thuộc khu Nam TP HCM là siêu dự án từng kỳ vọng sẽ mang lại doanh thu trên 12.000 tỷ đồng, lợi nhuận trên 7.000 tỷ đồng cho doanh nghiệp phố núi song hiện vẫn dở dang. Dự án cũng là nguồn cơn khiến công ty phải gánh nợ đầm đìa trong hơn một thập kỷ qua.
Năm 2018 dự án này được Sunny Island rót vốn nhờ đó thoát nợ ngân hàng, nhưng lại xảy ra tranh chấp, khởi kiện kéo dài. Đến nay dù thắng kiện đối tác nhưng pháp lý dự án phải làm lại từ đầu.