Đề xuất lấy gầm cầu cạn làm bãi giữ xe – Cần cân nhắc thấu đáo

Để giải quyết nhu cầu điểm đỗ, Bộ Giao thông vận tải đã đề xuất sử dụng tạm thời gầm cầu cạn để trông, giữ phương tiện giao thông đường bộ, theo chuyên gia, đề xuất này cần được cân nhắc thấu đáo…

Theo đó, Bộ Giao thông vận tải mới đây vừa gửi Dự thảo Luật Đường bộ để xin ý kiến các bộ ngành, địa phương và các cơ quan có liên quan. So với Luật Giao thông đường bộ năm 2008, Dự thảo Luật có nhiều điểm mới, đặc biệt là quy định về việc sử dụng tạm thời gầm cầu cạn để trông, giữ phương tiện giao thông, giải quyết nhu cầu giao thông tĩnh của các đô thị lớn, nâng cao hiệu quả của việc khai thác tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ (Điều 40 của Dự thảo).

du-thao-luat-duong-bo-pld-1690900110.jpg
Dự thảo Luật Đường bộ đề xuất sử dụng tạm thời gầm cầu cạn để trông, giữ phương tiện giao thông – Ảnh minh họa: ITN

Cụ thể, Dự thảo cho phép gầm cầu cạn được tạm thời sử dụng để trông, giữ phương tiện giao thông đường bộ, trừ các phương tiện chở nhiên liệu, chất dễ gây cháy, nổ, hóa chất ăn mòn kim loại, các chất nguy hiểm khác và các phương tiện quá niên hạn sử dụng. Việc sử dụng gầm cầu cạn làm điểm trông giữ xe tạm thời chỉ được thực hiện trong trường hợp cầu đáp ứng yêu cầu, điều kiện kỹ thuật đảm bảo độ an toàn, không quá thời hạn tuổi thọ khai thác. Đặc biệt, cầu cạn không trong thời gian thực hiện sửa chữa, kiểm định, quan trắc công trình, không thuộc đường phố chính chủ yếu và phải đáp ứng các quy định.

Khi sử dụng tạm thời gầm cầu cạn có thời hạn làm nơi trông giữ phương tiện giao thông đường bộ phải bảo đảm các quy định như: Phải bảo đảm an toàn công trình đường bộ, an toàn giao thông; Có thiết kế tổ chức giao thông đấu nối nơi trông giữ xe với đường bộ trong khu vực; Được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận về biện pháp phòng cháy chữa cháy; Bảo đảm quy định về bảo vệ môi trường.

Điểm cao nhất của phương tiện đặt dưới gầm cầu phải cách điểm thấp nhất của dầm cầu không nhỏ hơn 1,5 m; phạm vi trông giữ phương tiện giao thông đường bộ phải cách mố, trụ cầu một khoảng đủ để thực hiện bảo trì công trình nhưng không nhỏ hơn 1,5 m; Phạm vi trông giữ phương tiện giao thông đường bộ phải được rào chắn, trừ các vị trí cho xe ra vào.

theo-cac-chuyen-gia-de-xuat-nay-can-duoc-can-nhac-thau-dao-pld-1690900110.jpg
Theo các chuyên gia, đề xuất này cần được cân nhắc thấu đáo bởi tiềm ẩn không ít nguy cơ – Ảnh minh họa: ITN

Dự thảo cũng nêu rõ, đơn vị có nhu cầu sử dụng tạm thời gầm cầu cạn để trông, giữ phương tiện giao thông đường bộ có văn bản đề nghị, gửi cơ quan được giao quản lý tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ để kiểm tra, chấp thuận khi đáp ứng các quy định trên. Cơ quan được giao quản lý tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ có trách nhiệm lấy ý kiến của cơ quan Công an trước khi chấp thuận việc sử dụng tạm thời gầm cầu cạn để trông, giữ phương tiện giao thông đường bộ.

Đơn vị sử dụng tạm thời gầm cầu để trông giữ phương tiện giao thông phải di chuyển ra khỏi phạm vi gầm cầu khi có yêu cầu của cơ quan quản lý đường bộ, cơ quan nhà nước có thẩm quyền, chủ sở hữu hoặc tổ chức, cá nhân được giao quản lý, khai thác công trình đường bộ mà không được yêu cầu bồi thường.

“Trường hợp sử dụng tạm thời gầm cầu vào việc trông giữ phương tiện giao thông đường bộ có thu phí, giá thì phải thực hiện theo quy định của pháp luật có liên quan. Chính phủ quy định trình tự, thủ tục chấp thuận sử dụng tạm thời gầm cầu vào việc trông giữ phương tiện giao thông đường bộ”, Dự thảo nêu rõ.

Đề xuất này khi được đưa ra lấy ý kiến đã ngay lập tức nhận được sự quan tâm của dư luận, trong đó, không ít ý kiến cho rằng, cơ quan soạn thảo cần cân nhắc thấu đáo, bởi việc trông giữ xe dưới gầm cầu cạn tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ và gây áp lực giao thông trên tuyến đường, nhất là giờ cao điểm.

Thông tin với báo chí về đề xuất này của Bộ Giao thông vận tải, chuyên gia giao thông – Nguyễn Văn Thanh nhìn nhận, việc cấp phép trông giữ xe dưới gầm cầu sẽ phát sinh thêm nhiều vấn đề, ngoài việc bảo vệ kết cấu cầu thì bảo vệ phương tiện thế nào, bố trí phân luồng giao thông như nào cũng là vấn đề cơ quan soạn thảo phải quan tâm, làm rõ. Các đô thị lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh thiếu chỗ đỗ xe, thay vì tận dụng gầm cầu, chính quyền thành phố cần quy hoạch, xây dựng bãi đỗ trên cao, dưới mặt đất để phục vụ người dân và sử dụng đúng mục đích công trình.

“Có một thực tế là các đô thị nói chung và tại Hà Nội nói riêng đang có không ít dự án treo nhiều năm nay, chính quyền có thể thu hồi hoặc cấp phép để làm bãi xe tạm. Việc này vừa giải quyết nhu cầu đỗ xe của người dân, vừa tránh lãng phí. Chính quyền có thể cho phép trông giữ xe tại một số gầm cầu cạn tại khu vực có nhu cầu lớn, đảm bảo an toàn, giao thông nhưng đây chỉ là trường hợp bất đắc dĩ, là phương án tạm thời, còn việc đưa nội dung này vào luật thì không phù hợp”, vị chuyên gia này nhấn mạnh.

Đồng quan điểm đã nêu, ông Bùi Danh Liên – Phó chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội cũng cho rằng, việc sử dụng tạm thời cầu cạn để trông, giữ xe cần nghiên cứu kinh nghiệm thế giới và cân nhắc thấu đáo. Bởi thực tế ở nhiều nước không cho phép việc này bởi trông xe ở gầm cầu cạn có thể gây ùn tắc, không đảm bảo an toàn, dễ dẫn đến cháy nổ… vì vậy, việc sử dụng gầm cầu cạn để giữ xe là không hợp lý.