Doanh nghiệp bất động sản đứng trước cuộc “đại phẫu”

Diệu Trang

12/11/2022 15:37

Theo dõi trên

Hàng loạt doanh nghiệp bất động sản phải hủy phương án hoặc thay đổi kế hoạch tăng vốn do thị trường chung có nhiều biến động.

Dừng huy động vốn

Lãi suất ngân hàng tăng đang gây áp lực đến cả doanh nghiệp địa ốc và người vay mua nhà. Hoạt động phát hành trái phiếu nói chung và của nhóm doanh nghiệp bất động sản cũng thu hẹp càng tạo thêm áp lực vốn cho doanh nghiệp.

Trên thị tường chứng khoán, nhiều mã cổ phiếu liên tục giảm giá, trong đó có cổ phiếu bất động sản. Xu hướng này buộc nhiều doanh nghiệp phải thay đổi các kế hoạch tăng vốn.

Công ty CP Phát triển Nhà Thủ Đức (Thuduc House, mã chứng khoán TDH) vừa công bố sẽ hủy ngày đăng ký cuối cùng là 11/8 để chốt danh sách tham dự Đại hội đồng cổ đông bất thường năm 2022 với lý do thị trường bất động sản không thuận lợi.

Công ty này cũng quyết định dừng triển khai phương án phát hành cổ phiếu riêng lẻ với lý do phương án không còn phù hợp với tình hình hiện tại, HĐQT sẽ xin ý kiến tại Đại hội đồng cổ đông gần nhất.

Được biết, Thuduc House dự kiến trình cổ đông kế hoạch chào bán riêng lẻ 58 triệu cổ phiếu với giá 10.000 đồng/cổ phiếu để huy động 580 tỷ đồng. Thời gian dự kiến thực hiện trong năm 2022 và sau khi được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chấp thuận.

Số tiền huy động được, Công ty dự kiến dùng 520 tỷ đồng hợp tác với Công ty TNHH Đầu tư Nhã Đạt phát triển kinh doanh dự án Khu Dân cư Nhã Đạt tại ấp Long Thạnh, xã Long Thượng, huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An; và 60 tỷ đồng bổ sung vốn lưu động. Đáng nói, giá cổ phiếu TDH ngày 9/11 hiện đang ở mức 3.200 đồng/cổ phiếu, thấp hơn tới 68% so với giá chào bán riêng lẻ của công ty.

du-an-shunshine-1668241900.jpg

Nhiều doanh nghiệp bất động sản thay đổi kế hoạch tăng vốn do thị trường biến động. Ảnh minh họa - MD

Trước đó, Công ty cổ phần Tập đoàn đầu tư địa ốc No Va (Novaland) thông báo ngày đăng ký cuối cùng 14/11 về thực hiện quyền phát hành cổ phiếu để tăng vốn cổ phần từ nguồn chủ sở hữu.

HĐQT Novaland thông qua việc sẽ không triển khai phương án phát hành cổ phiếu để tăng vốn cổ phần từ nguồn vốn chủ sở hữu vì phương án không còn phù hợp với tình hình hiện tại.

“Hội đồng quản trị cam kết sẽ xin ý kiến Đại hội đồng cổ đông về thời điểm triển khai phương án phát hành tại cuộc họp gần nhất”, Novaland cho biết.

Theo kế hoạch, Novaland dự định cho phát hành gần 483 triệu cổ phiếu với tỷ lệ thực hiện quyền là với tỷ lệ thực hiện quyền 1:0,2475 (tức người sở hữu 10.000 cổ phiếu được nhận 2.475 cổ phiếu mới). Nguồn vốn phát hành từ thặng dư vốn cổ phần tại báo cáo tài chính kiểm toán riêng 2021 với giá trị ghi nhận hơn 5.023 tỉ đồng.

Một doanh nghiệp bất động sản khác là DIC Corp cũng phải điều chỉnh phương án huy động vốn. Công ty có kế hoạch chào bán 100 triệu cổ phiếu cho cổ đông với mức giá ban đầu là 30.000 đồng/cổ phiếu. Tuy nhiên, diễn biến xấu trên thị trường khiến đơn vị điều chỉnh giá bán về 20.000 đồng và lần gần nhất chỉ còn 15.000 đồng.

Doanh nghiệp tìm cách xoay trở

Trước tình thế khó khăn của thị trường, nhiều doanh nghiệp bất động sản đã tìm cách xoay trở như tăng chiết khấu cho khách hàng và đẩy mạnh các chương trình ưu đãi để có thêm nguồn tiền, các biện pháp về tiết giảm chi phí hoạt động, đầu tư hay cắt giảm nhân sự.

Trả lời trên báo chí mới đây, ông Bùi Xuân Huy, Chủ tịch HĐQT Novaland, cho biết trước những khó khăn chung của thị trường, doanh nghiệp này sẽ tái cấu trúc, rà soát lại tất cả các hoạt động kinh doanh. Doanh nghiệp sẽ tập trung vào kinh doanh lõi là đầu tư, phát triển bất động sản. Đồng thời, tiết giảm chi phí nhằm tạo ra các sản phẩm phù hợp với diễn biến hiện tại, nhằm tối ưu hóa lợi nhuận cho khách hàng.

Đối với cấu trúc nhân sự, thời điểm này công ty hướng đến sự kiêm nhiệm, đa nhiệm nhiều hơn. Đồng thời, tạm hoãn đầu tư các dự án chưa triển khai, chờ thời điểm phù hợp hơn.

Một doanh nghiệp khác là Vinhomes cũng hợp tác với Công ty CP Quản lý và đầu tư Bất động sản VMI ra mắt mô hình bán bất động “chia nhỏ” cho nhà đầu tư. Vừa qua, VMI đã ra mắt cùng sản phẩm đầu tiên Fantasy Home, hướng đến các nhà đầu tư nhỏ, lẻ muốn đầu tư các sản phẩm thấp tầng của Vinhomes.

Theo đó, VMI sẽ mua các bất động sản thấp tầng sẵn có hoặc hình thành trong tương lai của Vinhomes rồi chia nhỏ thành 50 suất đầu tư Fantasy Home, mỗi suất chiếm 2% giá trị tài sản.

Sản phẩm đầu tiên VMI thực hiện mua là các căn thấp tầng tại Vinhomes Ocean Park 3 - The Crown, sau đó, chia nhỏ mỗi căn thành 50 suất Fantasy Home. Như vậy, tương ứng với mỗi căn nhà đầu tư lựa chọn, giá trị mỗi suất đầu tư sẽ từ 120 triệu đồng.

Một số doanh nghiệp khác dừng triển khai các dự án mới. Đồng thời, chuyển nhượng các dự án nhỏ để tập trung triển khai các dự án quy mô lớn ở những khu vực có giá đất thấp hơn TP.HCM.

Về phía cơ quan quản lý, Bộ Xây dựng cho biết sẽ tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật, tháo gỡ khó khăn, kiểm soát cơ cấu bất động sản, tạo điều kiện cho doanh nghiệp bất động sản làm ăn đúng quy định của pháp luật. Ngoài ra, sẽ kiểm soát phát hành trái phiếu huy động vốn trên thị trường chứng khoán; tháo gỡ khó khăn vưỡng mắc, đầu tư đất đai, tạo nguồn cung trên thị trường.

Mới đây, tại TP.HCM, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái chủ trì cuộc họp  về tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho thị trường bất động sản. Cuộc họp có sự tham gia của Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh, đại diện Văn phòng Chính phủ, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM và 19 chủ tịch, tổng giám đốc tập đoàn, doanh nghiệp bất động sản của TP.HCM và các tỉnh Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu.

Cùng thời điểm, cuộc họp tại Hà Nội do Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành chủ trì cùng với Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị với sự tham dự của khoảng 15 chủ tịch, tổng giám đốc tập đoàn, doanh nghiệp bất động sản.

Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA, Bộ Xây dựng sẽ khẩn trương tổng hợp ý kiến của Lãnh đạo các tập đoàn, doanh nghiệp trong 02 cuộc họp nói trên để báo cáo ngay Thủ tướng Chính phủ xem xét các giải pháp hỗ trợ thị trường bất động sản vượt qua khó khăn để phát triển.

Bạn đang đọc bài viết "Doanh nghiệp bất động sản đứng trước cuộc “đại phẫu”" tại chuyên mục Kinh tế. Thông tin chi tiết xin liên hệ số hotline: 0971.008.956 hoặc gửi email về địa chỉ: bbtpld@gmail.com