Đơn giản và tối đa hóa thủ tục hỗ trợ người lao động, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19

Linh Linh

15/07/2021 16:46

Theo dõi trên

Với tinh thần triển khai chính sách cho vay nhanh chóng, kịp thời, thuận tiện “phục vụ tại nhà, giải ngân tại xã”, Tổng Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội Dương Quyết Thắng chỉ đạo, cần tập trung coi việc triển khai chính sách hỗ trợ người sử dụng lao động vay vốn để trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu trong thời gian tới.

Ngày 8/7 vừa qua, Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) đã tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc về chính sách hỗ trợ người sử dụng lao động vay vốn để trả lương ngừng việc và trả lương phục hồi sản xuất theo Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 1/7/2021 và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg ngày 7/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ.

Thứ trưởng Bộ Lao động Thương binh & Xã hội Lê Văn Thanh, Tổng Giám đốc NHCSXH Dương Quyết Thắng và Phó Tổng Giám đốc NHCSXH phụ trách khối tín dụng Huỳnh Văn Thuận đồng chủ trì Hội nghị.

Để kịp thời tháo gỡ khó khăn cho người dân bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch COVID-19, ngày 1/7/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 68/NQ-CP về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg ngày 7/7/2021 quy định về việc thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19. Cụ thể, Thủ tướng giao NHCSXH thực hiện cho vay đối với người sử dụng lao động để trả lương ngừng việc và trả lương phục hồi sản xuất đối với người lao động.

Phát biểu tại Hội nghị trực tuyến, Thứ trưởng Bộ Lao động Thương binh & Xã hội Lê Văn Thanh đánh giá cao NHCSXH trong việc nhanh chóng, tích cực triển khai chính sách ngay sau khi Chính phủ, Thủ tướng ban hành Nghị quyết, Quyết định.

Để thực hiện hiệu quả chính sách hỗ trợ, Thứ trưởng Bộ Lao động Thương binh & Xã hội khẳng định, cần có sự vào cuộc quyết liệt ngay từ bước đầu của toàn hệ thống chính trị từ khâu xác định đúng đối tượng cho vay đến khâu triển khai giải ngân vốn kịp thời và giám sát chặt chẽ để tránh tiêu cực, đảm bảo công khai, minh bạch trong quá trình thực hiện.

Anh 2
Tổng Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội Dương Quyết Thắng)

Thứ trưởng Lê Văn Thanh đề nghị NHCSXH làm tốt công tác tuyên truyền từ Trung ương đến địa phương để cấp ủy, chính quyền các cấp, doanh nghiệp hiểu rõ nội dung của Nghị quyết, Quyết định, huy động sự vào cuộc đồng nhất từ Trung ương đến địa phương. Đồng thời, đề nghị Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội thực hiện tốt việc tuyên truyền chính sách, phát huy vai trò giám sát việc thực hiện chính sách minh bạch, hiệu quả.

Với tinh thần triển khai chính sách cho vay nhanh chóng, kịp thời, thuận tiện “phục vụ tại nhà, giải ngân tại xã”, ông Dương Quyết Thắng, Tổng Giám đốc NHCSXH yêu cầu chi nhánh NHCSXH tỉnh, thành phố tập trung coi việc triển khai chính sách hỗ trợ người sử dụng lao động vay vốn để trả lương ngừng việc và trả lương phục hồi sản xuất đối với người lao động là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu trong thời gian tới.

Ngoài ra cần đẩy mạnh công khai chính sách đến các Điểm giao dịch xã, “mỗi cán bộ là một tuyên truyền viên” tuyên truyền chính sách đến toàn thể doanh nghiệp, người dân trên địa bàn.

Tổng Giám đốc NHCSXH cũng đề nghị cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp tiếp tục quan tâm chỉ đạo hoạt động tín dụng chính sách xã hội nói chung, cũng như hỗ trợ người sử dụng lao động vay vốn để trả lương ngừng việc và trả lương phục hồi sản xuất đối với người lao động theo Quyết định 23, để đảm bảo chính sách nhanh chóng đi vào cuộc sống.

Ông Huỳnh Văn Thuận, Phó Tổng Giám đốc NHCSXH Việt Nam chia sẻ, việc triển khai này nhằm mục đích nhanh chóng đưa chính sách đi vào cuộc sống; trên tinh thần “thấu hiểu lòng dân, tận tâm phục vụ” cho nhân dân một cách nhanh nhất, chính xác và hiệu quả.

Về kế hoạch giải ngân nguồn vốn vay, ông Huỳnh Văn Thuận cho biết: "Theo quy định tại Quyết định số 23 của Thủ tướng Chính phủ, nguồn vốn để NHCSXH cho người sử dụng lao động vay là 7.500 tỷ đồng từ nguồn vay tái cấp vốn của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Khi nhận được nguồn vốn từ Ngân hàng Nhà nước, NHCSXH sẽ thực hiện giải ngân ngay cho người sử dụng lao động đủ điều kiện theo quy định để giúp họ tái sản xuất, khắc phục khó khăn và khôi phục kinh tế".

"Trên thực tế, trong quy định của Quyết định 23, tất cả các điều kiện vay vốn, đối tượng vay vốn và quy trình thủ tục, các mẫu biểu đã hiện có, chúng tôi sẽ căn cứ vào các quy định đó để thực hiện. Đó là một trong những giải pháp mà các Bộ, ngành đã trình Chính phủ là thủ tục ngắn gọn nhất để nhằm nhanh chóng phục vụ cho người sử dụng lao động đủ điều kiện theo quy định", Phó Tổng Giám đốc Huỳnh Văn Thuận nói.

Theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ hướng dẫn cụ thể các điều kiện, thủ tục triển khai 10 chính sách hỗ trợ theo Nghị quyết 68/NQ-CP gồm: Giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí, tử tuất; đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình hộ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động; hỗ trợ lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng hoặc nghỉ việc không hưởng lương; hỗ trợ lao động ngừng việc; hỗ trợ lao động mất việc nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp; hỗ trợ trẻ em và người đang điều trị COVID-19, cách ly y tế; hỗ trợ viên chức hoạt động nghệ thuật và hướng dẫn viên du lịch, hỗ trợ hộ kinh doanh; hỗ trợ người sử dụng lao động vay vốn trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất.

Các thủ tục hành chính thực hiện chính sách theo Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg đều đơn giản hoá và rút ngắn tối đa thời gian giải quyết hồ sơ.

Đối với chính sách hỗ trợ người sử dụng lao động vay vốn để trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất. Theo đó, người sử dụng lao động được vay vốn tại Ngân hàng Chính sách xã hội với lãi suất 0%, không phải thực hiện biện pháp bảo đảm tiền vay để trả lương ngừng việc đối với người lao động đang tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc phải ngừng việc từ 15 ngày liên tục trở lên theo quy định khoản 3 Điều 99 Bộ luật Lao động trong thời gian từ ngày 1/5/2021 đến hết ngày 31/3/2022.

Mức cho vay tối đa bằng mức lương tối thiểu vùng đối với số người lao động theo thời gian trả lương ngừng việc thực tế tối đa 3 tháng. Thời hạn vay vốn dưới 12 tháng…

Bạn đang đọc bài viết "Đơn giản và tối đa hóa thủ tục hỗ trợ người lao động, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19" tại chuyên mục Pháp luật. Thông tin chi tiết xin liên hệ số hotline: 0971.008.956 hoặc gửi email về địa chỉ: bbtpld@gmail.com