Đường sắt Cát Linh-Hà Đông xác lập kỷ lục vận chuyển hành khách mới

Ngày 3/9, Tổng Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên Đường sắt Hà Nội (Hanoi Metro) Vũ Hồng Trường cho hay, đúng vào ngày Quốc khánh 2/9, tuyến đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông tiếp tục xác lập kỷ lục vận chuyển kể từ ngày tuyến chính thức đi vào vận hành với tổng cộng 55.980 lượt hành khách.

Trước đó, ngày 1/9, ngày đầu tiên của kỳ nghỉ lễ Quốc khánh, tuyến đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông phục vụ 34.861 lượt hành khách, đạt sản lượng vận chuyển cao hơn so với cùng kỳ năm 2022. Cụ thể, ngày 1/9/2022, tuyến Cát Linh-Hà Đông phục vụ 28.027 lượt hành khách; ngày 2/9/2022, tuyến phục vụ 55.210 lượt hành khách.

tuyen-duong-sat-do-thi-cat-linh-ha-dong-pld-1693893780.jpg
Tuyến đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông.

Con số 55.210 lượt hành khách chiếm giữ kỷ lục là ngày đạt sản lượng vận chuyển cao nhất kể từ khi tuyến chính thức đi vào vận hành (ngày 6/11/2021) cho đến khi bị phá vào ngày Quốc khánh năm nay.

Trong dịp nghỉ lễ Quốc khánh kéo dài 4 ngày năm nay (từ 1 đến 4/9), tuyến đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông mở tuyến từ lúc 5 giờ 30 phút và đóng tuyến lúc 22 giờ với tần suất chạy tàu 10 phút/chuyến.

Theo thống kê sơ bộ, trung bình mỗi ngày, tuyến đường sắt Cát Linh-Hà Đông có hơn 10 nghìn người đi vé tháng; ngày bình thường có khoảng 32-34 nghìn lượt hành khách, ngày cuối tuần dao động từ 28-30 nghìn lượt khách; lượng khách đi lại thường xuyên là 6-8 nghìn người.

theo-danh-gia-cua-ong-vu-hong-truong-pld-1693893780.jpg

Theo đánh giá của ông Vũ Hồng Trường, tuyến đường sắt đô thị đi vào hoạt động một thời gian đã phát huy hiệu quả cao, người dân nhận thấy tiện lợi, ổn định, không bị ảnh hưởng tắc đường,... nên hình thành thói quen và văn hóa tham gia giao thông công cộng bằng đường sắt đô thị.

Hành khách sử dụng đường sắt đô thị làm phương tiện đi lại đã chấp nhận đi bộ xa hơn trước đây và sau đó có thể chuyển loại hình xe buýt được kết nối ở các nhà ga trên tuyến đường sắt đô thị.

Dự án đường sắt đô thị Hà Nội tuyến Cát Linh-Hà Đông có tổng chiều dài chính tuyến 13,05km, điểm đầu là ga Cát Linh, điểm cuối là ga Yên Nghĩa, có 12 nhà ga trên cao; 13 đoàn tàu, tốc độ tối đa 80 km/giờ, tốc độ khai thác là 35 km/giờ. Tổng mức đầu tư điều chỉnh của dự án hơn 18 nghìn tỷ đồng (tương đương 868 triệu USD) sử dụng vốn vay của Chính phủ Trung Quốc và vốn đối ứng trong nước. Tuyến đường sắt được Bộ Giao thông vận tải bàn giao cho thành phố Hà Nội vào vận hành vào đầu tháng 11/2021.