Gạc Ma “Vòng tròn bất tử”

34 năm đã trôi qua nhưng 64 liệt sĩ hy sinh tại đảo Gạc Ma quần đảo Trường Sa của Việt Nam vẫn nằm sâu dưới biển. Cứ đến ngày 14/3 hàng năm cả nước lại hướng về Trường Sa, tưởng nhớ đến các anh, ghi công các anh, và nếu may mắn được đến Khánh Hòa, đã ghé qua công viên Biển Đông, thuộc Khu du lịch Bãi Dài Cam Ranh, dừng lại bên đồi cát trắng, thắp nén tâm nhang, tri ân những người con bất tử.
1646-1-1647242102.jpg

Chiều 12/3/2022 Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng đoàn công tác của Chính phủ đã dâng hương tại Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma (xã Cam Hải Đông, huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa).

Khoảnh khắc lịch sử

Chiến dịch CQ88 có thể được xem bắt đầu từ bức điện tối mật của Phó đô đốc, Tư lệnh Quân chủng kiêm Tư lệnh Vùng 4 Hải Quân, Giáp Văn Cương gửi Thuyền trưởng tàu HQ 605, Đại úy Lê Lệnh Sơn. Bức điện hiện đang được lưu giữ tại Nhà Truyền thống Vùng 4. Nội dung bức điện nêu rõ: 1- Đúng 6 giờ ngày N phải chiếm Len Đao. 2- Sẽ có tàu chở hàng và nhà (nhà cao chân) tới sau. 3- Quy định: Khi nào nhận điện “Tiếp tế Sinh Tồn T42” thì ngay lập tức chiếm lĩnh Len Đao. 11 giờ ngày 13/3 có mặt tại Tốc Tan cập mạn tàu Đại Lãnh gặp đồng chí Cai (Trung tá Võ Tiến Cai) – Lữ phó 146 nhận nhiệm vụ cụ thể; Gạc Ma là điểm A, Cô Lin là điểm B, Len Đao là điểm C.

Trung tá Đỗ Xuân Công, lúc bấy giờ là Phó Tham mưu trưởng Vùng 4 (sau này là Phó Đô đốc, Tư lệnh Quân chủng), ghi thêm trong bức điện: N là ngày 14/3. Trước đây có thống nhất với đồng chí Cai là 7 giờ ngày N. Nay quyết định đúng 6 giờ ngày 14/3 tàu HQ 605 phải chiếm được Len Đao. Để thực hiện được việc đó thì đúng 11 giờ ngày 13/3 HQ 605 phải tập kết ở Tốc Tan. Một số tàu khác cũng nhận được mật lệnh hành quân tới chiếm giữ bãi Gạc Ma và bãi Cô Lin trong đêm 13/3/1988 rạng ngày 14/3/1988, như tàu HQ 604, HQ 505, HQ 614… Đang làm nhiệm vụ cạnh đảo Đá Đông, chiều ngày 13/3/1988 tàu HQ 605 nhanh chóng tới đảo Tốc Tan, rồi lên bãi Len Đao ở phía Bắc, cùng tàu HQ 505 ghé đảo Đá Lớn để nhận nhiệm vụ cụ thể; sau đó hành quân xuống bãi Cô Lin, bãi Gạc Ma ở phía Đông Nam. Khi tàu HQ 505 và tàu HQ 604 thả neo, một tàu hộ vệ của Trung Quốc từ bãi Huy Gơ chạy về phía Gạc Ma, áp sát tàu HQ 604 và dùng loa gọi sang, đòi tàu ta rời khỏi Gạc Ma. Đến chiều tối, Trung Quốc đưa thêm một tàu chiến… Bộ Tư lệnh Quân chủng Hải quân ra lệnh, tổ chức đóng giữ bãi Gạc Ma ngay trong đêm 13/3/1988.

1648-2-1647242101.jpg

Trung tá, Anh hùng liệt sĩ Trần Đức Thông, Phó Lữ đoàn trưởng-Tham mưu trưởng Lữ đoàn 146, Vùng 4 Hải quân, người chỉ huy trực tiếp cao nhất tại Trường Sa trong chiến dịch CQ88

Khoảng 3 giờ sáng ngày 14/3/1988, lực lượng của Trung đoàn 83 Công binh bắt đầu chuyển vật liệu từ tàu HQ 604 lên bãi Gạc Ma, lực lượng của Lữ đoàn 146 tổ công chức cắm cờ và triển khai lực lượng bảo vệ đảo. Khoảng 6 giờ ngày 14/3/1988, Trung Quốc điều tới thêm 2 tàu nữa, sau đó dùng 3 thuyền nhôm đưa khoảng 40 lính lên bãi Gạc Ma, giật quốc kỳ Việt Nam, bắn chết Thiếu úy Trần Văn Phương, đâm trọng thương hạ sĩ Nguyễn Văn Lanh. Tàu HQ 604 bị trúng đạn pháo địch, đã chìm xuống biển. Trung tá Trần Đức Thông, Đại úy Vũ Phi Trừ và nhiều đồng đội hy sinh, 9 người bị quân Trung Quốc bắt.

Tại bãi Cô Lin, từ 6 giờ sáng 14/3/1988, lực lượng trên tàu HQ 505 đã cắm hai cờ Việt Nam trên bãi. Trung Quốc thấy vậy bắn đạn pháo dữ dội khiến tàu bị hỏng máy. Thiếu tá Thuyền trưởng Vũ Huy Lễ chỉ huy khẩn trương sửa chữa, rồi lệnh cho bộ đội lao cả tàu lên bãi để giữ đảo. Hơn 8 giờ sáng 14/3/1988, tàu HQ 505 trườn được hai phần ba thân lên bãi thì bốc cháy. Lực lượng trên tàu cùng lúc triển khai nhiều nhiệm vụ: dập lửa cứu tàu, bảo vệ bãi Cô Lin và đưa xuồng đi cứu vớt đồng đội ở phía bãi Gạc Ma.

Tại bãi Len Đao, rạng sáng 14/3/1988 một tổ hải quân từ tàu HQ 605 đã lên bãi, cắm cờ Việt Nam. Khoảng 8 giờ sáng 14/3/1988, các tàu Trung Quốc nã đạn vào tàu HQ 605, đến sáng ngày 15/3/1988 thì tàu chìm hẳn. Trung úy Phan Hữu Doan, Thuyền phó tàu HQ 605 và 5 cán bộ, chiến sĩ khác hy sinh. Mặc dù bị Trung Quốc bắn giết dã man, nhưng quân ta vẫn bám trụ, quốc kỳ Việt Nam vẫn tung bay trên bãi Len Đao, Cô Lin. Nhờ vậy, hôm nay “Cô Lin, Len đao vẫn là của ta/ Nhưng gạc Ma, Ba Đầu không còn nữa/ Bọn xâm lăng đã chiếm mất rồi”…

Với thành tích đặc biệt xuất sắc trong chiến đấu ở đảo Gạc Ma, Len Đao và Cô Lin, năm 1989 các liệt sĩ Trần Đức Thông, Vũ Phi Trừ, Trần Văn Phương được truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân; tập thể tàu HQ 505, thuyền trưởng Vũ Huy Lễ và Hạ sĩ Nguyễn Văn Lanh được tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang Nhân dân. (1)

Tri ân các anh

Ý tưởng xây dựng Đài tưởng niệm 64 cán bộ, chiến sĩ chiến dịch CQ88 đã có từ lâu trong tâm trí cán bộ và nhân dân Khánh Hòa nói riêng và cả nước nói chung. Nhưng xây ở đâu và vào thời điểm nào là vấn đề cân nhắc.

Năm 2014, Khánh Hòa vinh dự được chọn là nơi xây Đài tưởng niệm các chiến sĩ hy sinh ở Gạc Ma cùng đơn vị chủ quản là Tổng liên đoàn lao động Việt Nam (TLĐLĐVN). Sau gần 1 năm triển khai thực hiện, chương trình đã nhận được sự quan tâm, ủng hộ của cán bộ công nhân viên chức liên đoàn (CBCNVC-LĐ) thuộc các địa phương trong cả nước và từ các cơ quan, đơn vị, các nhà hảo tâm trong và ngoài nước với số tiền huy động được là 16 tỷ đồng. Ngày 13/3/2015, TLĐLĐVN cùng UBND tỉnh Khánh Hòa đặt viên đá đầu tiên xây dựng Khu tưởng niệm. Dự lễ khởi công hồi đó về phía Liên đoàn có ông Đặng Ngọc Tùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch TLĐ; phía địa phương có ông Lê Thanh Quang, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, cùng nhiều quan chức địa phương và Trung ương khác. Đặc biệt còn có rất nhiều CCB là đồng đội và thân nhân của cán bộ chiến sĩ Gạc Ma. Khu tưởng niệm nằm trên vùng đất rộng 2,5 ha thuộc Công viên Biển đông, bán đảo Cam Ranh, tỉnh Khánh Hoà.

1432-3-1647242102.jpg
Tổng thể Đài tưởng niệm.

Tại buổi lễ khởi công hôm đó, ông Đặng Ngọc Tùng xúc động: “Việc xây dựng Đài tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma nhằm thắp sáng ngọn lửa thiện nguyện, lòng yêu nước, tinh thần đại đoàn kết dân tộc, đồng thời giáo dục ý thức tự hào lịch sử dân tộc và phát huy truyền thống gìn giữ chủ quyền lãnh thổ quốc gia của những thế hệ cha ông. Đài tưởng niệm như một mộ phần chung, giúp an ủi các thân nhân liệt sĩ Gạc Ma; là nơi giúp gia đình liệt sĩ Gạc Ma có nơi thắp hương vào dịp 14/3. Những người ngã xuống ở Hoàng Sa hay Gạc Ma đều là tấm gương hy sinh vì dân tộc. Họ đáng được trân trọng”. Lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa cho biết: “Đài tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma là công trình văn hóa tâm linh mang tầm vóc quốc gia, là nơi để Nhân dân cả nước tri ân các chiến sĩ đã hi sinh bảo vệ chủ quyền biển đảo Tổ quốc. Mảnh đất linh thiêng này cũng được coi là nơi thay thế phần mộ của các chiến sĩ”. Lãnh đạo tỉnh yêu cầu: “Các sở, ngành liên quan phối hợp tích cực, trách nhiệm với TLĐLĐVN trong quá trình xây dựng Đài tưởng niệm; công nhân, viên chức, lao động trong tỉnh tiếp tục chung tay, góp sức bằng nhiều hình thức khác nhau để xây dựng Đài tưởng niệm”.

Trước khi khởi công xây dựng đã có hơn 16 tỷ đồng được quyên góp. Nhưng tại buổi lễ, TLĐLĐVN và UBND tỉnh Khánh Hòa còn phát động đợt gửi tin nhắn góp đá xây dựng Đài tưởng niệm. Mỗi tin nhắn tương đương 14.000 đồng tương đương với một viên gạch. Các cá nhân, đơn vị, cơ quan trong cả nước đã nhiệt liệt hửng ứng, nên số tiền nâng lên gần 20 tỷ đồng. Nhiều cơ quan đơn vị như Ban thường vụ LĐLĐ TP.Hồ Chí Minh kêu gọi các cấp công đoàn phối hợp với chính quyền đồng cấp tổ chức vận động CNVC trên địa bàn, với tinh thần tự nguyện, đóng góp, ủng hộ bằng nhắn tin xây dựng Đài tưởng niệm. Ngân hàng Đầu tư và Phát triển ( BIDV) thực hiện trao tặng số tiền tương đương với khoảng 5 vạn viên gạch (1 viên gạch khoảng 20.000 đồng) để chung tay đóng góp cùng các tổ chức, cá nhân xây dựng nên Đài tưởng niệm Gạc Ma…

1650-4-1647242101.jpg
Ông Đặng Ngọc Tùng (thứ 4 bìa trái) và ông Lê Thanh Quang (thứ 5 bên phải) tiếp nhận ủng hộ tiền xây dựng Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma từ các tổ chức cá nhân

Chiều 12/3/2022, trong chuyến công tác tại tỉnh Khánh Hòa, Thủ tướng Phạm Minh Chính và đoàn công tác đã khảo sát thực địa tại huyện Cam Lâm; dâng hương tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ tại khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma và thăm, tặng quà các lực lượng thuộc Vùng 4 Hải quân nhân dân Việt Nam.

Tại khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma, sau khi dâng hương tại tượng đài, Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng các thành viên trong đoàn công tác Chính phủ, lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa đã dâng hương tại khu mộ gió của 64 anh hùng, liệt sĩ hy sinh trong trận chiến bảo vệ chủ quyền tại Gạc Ma - Cô Lin - Len Đao năm 1988, thuộc huyện Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa. Ghi sổ vàng lưu niệm, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định 64 chiến sĩ Hải quân nhân dân Việt Nam đã anh dũng, quên mình để bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc, là những tấm gương chói sáng minh chứng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, tô thắm thêm truyền thống hào hùng của dân tộc Việt Nam.

1435-5-1647242101.jpg
Thủ tướng Phạm Minh Chính tưởng niệm trước tượng đài chiến sĩ Gạc Ma - Ảnh: X.T.

Cả nước đã, đang và mãi mãi tri ân các anh, cầu mong linh hồn các anh yên giấc trong lòng biển Tổ quốc thân yêu.