Chỉ mới đạt 3% theo kế hoạch
Theo báo cáo tài chính quý III/2023 mới công bố, Công ty CP Tập đoàn Dabaco (HoSE: DBC) ghi nhận doanh thu thuần đạt hơn 2.709 tỷ đồng, giảm 24% so với cùng kỳ năm trước. Khấu trừ giá vốn, lợi nhuận gộp của “ông lớn” ngành chăn nuôi này đạt hơn 280 tỷ đồng, giảm mạnh 42% so với cùng kỳ.
Trong kỳ, doanh thu tài chính của DBC tăng 50%, lên gần 7 tỷ đồng, nhưng chi phí cho hoạt động này lại tăng mạnh hơn, với mức tăng 60% so với cùng kỳ, lên 69,5 tỷ đồng, trong đó, chiếm 61 tỷ đồng là chi phí lãi vay, tăng 53% so với cùng kỳ.
Các chi phí khác trong kỳ của doanh nghiệp như chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp tăng giảm không đáng kể. Kết quả, sau khi trừ chi phí, “đại gia” nuôi lợn báo lợi nhuận sau thuế giảm mạnh 94%, xuống còn 12,5 tỷ đồng.
Doanh nghiệp cho biết, trong quý III/2023, tình hình kinh tế thế giới và trong nước vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, lạm phát vẫn là những thách thức lớn.
Bên cạnh đó, tình hình dịch bệnh trên đàn gia súc trong nước còn diễn biễn phức tạp nhưng các công ty chăn nuôi thuộc tập đoàn đã kiểm soát được dịch bệnh, theo đó kết quả sản xuất kinh doanh của các đơn vị chăn nuôi trong tập đoàn đạt kết quả tốt hơn so với cùng kỳ năm trước.
Do cùng kỳ năm trước Công ty mẹ thực hiện ghi nhận một phần doanh thu và lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh bất động sản, dẫn đến kết quả kinh doanh giữa hai kỳ kế toán có sự chênh lệch.
Lũy kế 9 tháng đầu năm, DBC ghi nhận doanh thu thuần đạt 8.500 tỷ đồng, giảm 9% so với cùng kỳ. Do quý I lỗ đậm nên mặc dù quý II lãi lớn trở lại, nhưng lãi ròng 9 tháng của doanh nghiệp chỉ đạt 19 tỷ đồng, giảm tương 92% so với cùng kỳ.
Với kết quả này, doanh nghiệp mới chỉ thực hiện được 3% kế hoạch lợi nhuận sau thuế năm 2023 (569 tỷ đồng). Như vậy, “đại gia” nuôi lợn Dabaco rất khó để hoàn thành mục tiêu lợi nhuận năm 2023, khi giá lợn hơi vẫn chưa có dấu hiệu hồi phục.
Kỳ vọng nhu cầu phục hồi dịp Tết
Chứng khoán VCBS cho biết, xét đến thời điểm tháng 9/2023, giá thịt lợn tại Việt Nam dao động trong khoảng 56-58 nghìn đồng/kg. Giá lợn tại cuối quý III giảm xấp xỉ 6% so với cuối quý II. Nguyên nhân là do: Tồn kho của các công ty tăng; Diễn biến dịch bệnh phức tạp khiến lượng lợn chạy dịch ra thị trường tăng; Nguồn lợn nhập lậu từ Campuchia và Thái Lan với giá rẻ hơn vẫn tràn vào Việt Nam.
Trong khi đó, chi phí thức ăn chăn nuôi vẫn duy trì ở mức cao và đi ngang từ đầu quý III/2023. So với tháng trước, giá các loại thức ăn chăn nuôi hầu như tăng nhẹ từ 0,4-4,3%. Giá các loại ngũ cốc tăng nhẹ khoảng 4-5% so với củng kỳ năm trước, giá các loại thức ăn tổng hợp giảm nhẹ khoảng 0,3-5,3%.
Các chuyên gia nhận định, giá thức ăn chăn nuôi sẽ tiếp tục giảm cho đến đầu năm 2024, do các nhà nhập khẩu đã tích cực tích trữ ngũ cốc từ đầu năm 2023, trước lo ngại hiện tượng El Nino sẽ ảnh hưởng nặng nề đến vụ mùa.
“Tuy giá lợn hơi có xu hướng giảm trong tháng 8, giá lợn giống vẫn tiếp tục tăng nhẹ bình quân khoảng 0,6% so với tháng trước trong quý III. Tổng đàn đang có xu hướng sụt giảm, giá lợn giống tiếp tục tăng cho thấy người chăn nuôi có thể đang rục rịch tái đàn trở lại khi giá thức ăn chăn nuôi bắt đầu ổn định hơn và kỳ vọng nhu cầu thịt lợn sẽ hồi phục trở lại trong Tết Nguyên đán”, VCBS đánh giá.
Công ty Chứng khoán này kỳ vọng giá thịt lợn sẽ tăng trở lại vào đầu năm 2024. Theo đó, từ quý II/2023, tốc độ tăng trưởng của đàn lợn chậm lại chỉ khoảng 2-3% so với tháng trước. Tổng lượng lợn giống nhập khẩu vào Việt Nam ghi nhận ở mức thấp dưới 1.000 con kể từ đầu quý II.
Các doanh nghiệp cũng nhận định tổng đàn lợn Việt Nam đã giảm khoảng 12-15%, dự báo nguồn cung có thể thu hẹp hơn trong thời gian tới. Do Tết Nguyên Đán năm nay đến muộn, nên nhu cầu thịt lợn có khả năng sẽ tăng rõ rệt hơn ở tháng 1/2024. Hiện tại, nhu cầu về thịt lợn vẫn tăng nhưng biến động không rõ ràng.
Đánh giá về triển vọng của DBC, VCBS cho biết, dự án trang trại lợn ở Thanh Hóa đã giải ngân được khoảng 85,1% (851 tỷ đồng, và thêm 70 tỷ đồng từ đầu năm đến nay). Dự kiến trang trại mới sẽ nuôi thêm 5.000 lợn bố mẹ và 1.200 lợn ông bà, nâng công suất sản xuất thịt lợn lên 78.000 tấn/ năm, tăng 30%; và đàn lợn sẽ đem về doanh thu 4.383 tỷ đồng trong năm nay.
Bên cạnh đó, vào tháng 4/2023, DBC đã thử nghiệm thành công vaccine ASF, trong đó, tất cả lợn được tiêm đều có phản ứng kháng thể. DBC đang tiến hành khảo nghiệm 3 lô vaccine trên các trang trại ở Bắc Ninh, dự kiến đầu tháng 11 sẽ hoàn thành các bước kiểm tra thực địa. Dự kiến, nhà máy sản xuất vaccine ASF của doanh nghiệp sẽ sản xuất đại trà từ cuối quý IV/2023.
Tuy nhiên, Công ty Chứng khoán này nhận định, biên lợi nhuận trong năm 2023 của DBC vẫn có thể bị thu hẹp do giá thịt lợn giảm và không còn doanh thu từ mảng bất động sản.
“Việc giá lợn hơi duy trì đà giảm sẽ khiến biên lợi nhuận của các doanh nghiệp bị thu hẹp khoảng 8% so với thời kỳ cao điểm năm 2021. Ngoài ra, DBC đã ghi nhận hết doanh thu từ dự án Parkview, nửa cuối năm doanh nghiệp sẽ không ghi nhận thêm doanh thu đột biến từ các hoạt động khác nữa”, VCBS cho biết.