Giá tiêu tăng cao, cơ hội cho người nông dân

Tuyết Mai

03/04/2021 17:10

Theo dõi trên

Sau nhiều năm mất mùa, mất giá, mấy ngày qua, giá tiêu tăng mạnh đồng loạt vượt mốc 60.000 đồng/kg, được xem là cơ hội tốt cho người trồng tiêu ở Gia Lai cũng như cả nước sớm vượt qua khó khăn.

Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho hay, tháng 2/2021, giá hồ tiêu đen trong nước tăng so với tháng 1/2021. Tại tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông giá tiêu ngày 10/3 được thu mua với mức 62.500 đồng/kg, tăng 1.000 đồng/kg.

Tại tỉnh Gia Lai, giá tiêu ở mức 61.500 đồng/kg, tăng 1.000 đồng/kg.Trong khi đó tại Đồng Nai, giá tiêu ở mức 61.000 đồng/kg, tăng 1.000 đồng/kg.

Tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu giá tiêu ngày 10/3 ở mức 64.000 đồng/kg, tăng 1.500 đồng/kg.

Còn tại tỉnh Bình Phước giá tiêu được thu mua với mức 63.000 đồng/kg, tăng 1.000 đồng/kg. Như vậy giá tiêu tiếp tục tăng mạnh ở nhiều nơi.

gia tieu tang cao
Những tháng đầu năm, giá tiêu tăng mạnh đồng loạt vượt mốc 60.000 đồng/kg)

Trên thị trường thế giới, kết thúc phiên giao dịch gần nhất, giá tiêu giao ngay tại sàn Kochi - Ấn Độ tăng 141.65 rupee/tạ (0,98%) ở mức 36.200 rupee/tạ. Tỷ giá tính chéo của đồng Việt Nam đối với đồng rupee Ấn Độ (INR) từ ngày 3/3/2021 đến ngày 10/3/2021 được Ngân hàng Nhà nước áp dụng tính thuế xuất khẩu và thuế nhập khẩu là 316,27 VND/INR.

Từ cuối tháng 2, giá hồ tiêu đã tăng dần, hiện, tại các tỉnh giá hồ tiêu đã vượt mức 60.000 đồng/kg, dao động từ 60.000 - 65.000 đồng/kg. Giá  hồ tiêu đồng loạt tăng đột biến trong những ngày qua không chỉ tại các tỉnh Tây Nguyên mà tại hầu hết các tỉnh có diện tích trồng tiêu trong cả nước.

Theo một số nông dân, giá hồ tiêu ở mức 53.000 - 54.000 đồng/kg là bà con đã có lãi. Như vậy, sau một thời gian dài giữ ở mức thấp, những ngày qua, giá hồ tiêu đã tăng mạnh. Đây là điều trái với những năm trước đây, vì tháng 3 hằng năm, Việt Nam vào mùa thu hoạch hồ tiêu và giá hồ tiêu thường giảm mạnh.

Theo Hiệp hội Hồ tiêu Chư Sê, Gia Lai giá hồ tiêu đang được dự báo sẽ còn tăng cao hơn nữa, bởi nguồn hàng đang khan hiếm.

Hiện nay, hầu như nguồn dự trữ hồ tiêu trong dân cũng như các đại lý đã cạn kiệt, lượng hàng tồn không nhiều, trong khi các doanh nghiệp lớn đang bắt đầu mạnh tay mua hàng dự trữ để phục vụ cho xuất khẩu. Bên cạnh các đại lý thu mua tại địa phương thì một số thương lái Trung Quốc cũng đang thu mua hồ tiêu nguyên liệu của Việt Nam, gồm cả tiêu đen và tiêu trắng.

Các chuyên gia kinh tế phân tích, giá tiêu trong nước tăng mạnh cùng với dự báo tiếp tục tăng trưởng trong những tháng tới hiện đang rất có lợi cho người dân.

Tuy nhiên, cũng theo phân tích của các chuyên gia, mặc dù giá tiêu trên thị trường đang tăng và có lợi cho người nông dân, nhưng do mấy năm trước giá tiêu thấp nên người nông dân không đầu tư phát triển khiến sản lượng thu hoạch tiêu thấp.

gia tieu tang cao 2
Sản lượng hồ tiêu xuất khẩu của Việt Nam chiếm 59% thị phần xuất khẩu hồ tiêu toàn cầu)

Nhiều hộ trồng tiêu ở Gia Lai cho rằng, so với niên vụ trước, năng suất hồ tiêu giảm đáng kể do thời tiết thất thường. Tuy nhiên, với những vườn cây được sản xuất theo hướng liên kết, hữu cơ, có phương pháp canh tác tốt và chi phí đầu tư hợp lý thì với giá bán 60 nghìn đồng/kg, người trồng có lãi 50-70 triệu đồng/ha. Ngược lại, những vườn cây có suất đầu tư lớn hơn thì lãi sẽ giảm đi.

Qua khảo sát của Hiệp hội hồ tiêu Chư Sê cho thấy, nhiều vườn cây tại các vùng “thủ phủ” hồ tiêu của tỉnh, mặc dù phát triển xanh tốt nhưng năng suất không đạt. “Cây hồ tiêu chỉ cần thiếu chăm sóc trong 1 năm là đã xuống cấp, vì vậy chúng tôi tiếp tục khuyến cáo người dân không tăng diện tích và chú trọng đầu tư theo hướng hữu cơ, VietGAP. Đồng thời, đẩy mạnh liên kết sản xuất với hợp tác xã, doanh nghiệp và áp dụng các phương pháp chế biến đưa ra các sản phẩm: tiêu ngũ sắc, tiêu sọ, tiêu đỏ, tiêu vàng, tiêu xanh” – đại diện Hiệp hội hồ tiêu Chư Sê, Gia Lai khuyến cáo.

Theo số liệu từ Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Gia Lai, toàn tỉnh hiện có 13.673 ha hồ tiêu, trong đó có 12.582 ha đang kinh doanh. Về định hướng trong thời gian tới, ông Lưu Trung Nghĩa - Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT cho biết: “Ngành nông nghiệp sẽ duy trì diện tích trồng hồ tiêu khoảng 12.300 ha, năng suất đạt bình quân khoảng 4 tấn/ha. Đồng thời, mở rộng mô hình trồng hồ tiêu ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ; sử dụng các giống có năng suất, chất lượng cao, có khả năng chống chịu sâu bệnh”.

Box: Theo số liệu của Cục Xuất nhập khẩu, năm 2020, sản lượng hồ tiêu xuất khẩu của Việt Nam chiếm 59% thị phần xuất khẩu hồ tiêu toàn cầu với 285.292 tấn. Brazil đạt 89.756 tấn, chiếm 18% thị phần; Indonesia chiếm 11% thị phần với sản lượng xuất khẩu đạt 51.718 tấn; Ấn Độ chiếm 12% thị phần, đạt 15.924 tấn.

Theo Hiệp hội hồ tiêu Việt Nam, tổng nhu cầu tiêu thụ hồ tiêu của thế giới khoảng 500 nghìn tấn/năm, Việt Nam xuất khẩu trên 280.000 tấn/năm. Năm nay, dù diện tích hồ tiêu của Việt Nam có giảm, nhưng có nhiều nhận định cho rằng lượng tiêu xuất khẩu sẽ không thấp hơn mức 60%, vì có một số vùng trồng tiêu ở Campuchia không tự xuất khẩu được đã đưa qua Việt Nam, góp phần nâng tổng khối lượng tiêu xuất khẩu của Việt Nam.

Bạn đang đọc bài viết "Giá tiêu tăng cao, cơ hội cho người nông dân" tại chuyên mục Sự kiện. Thông tin chi tiết xin liên hệ số hotline: 0971.008.956 hoặc gửi email về địa chỉ: bbtpld@gmail.com