Theo đó, thành phố thống nhất với Sở GD&ĐT Hà Nội về nguyên tắc chỉ tổ chức dạy học trực tiếp tại các địa bàn có mức độ dịch ở cấp 1, 2. Các địa bàn có dịch cấp độ 3, 4 sẽ tổ chức dạy học trực tuyến. Nhà trường có trách nhiệm phân công giáo viên giảng dạy cho các em.
Trường học phải đạt yêu cầu về an toàn trong phòng, chống dịch Covid-19; chuẩn bị tốt các điều kiện về cơ sở vật chất, xây dựng kế hoạch diễn tập, xử lý khi có cán bộ, giáo viên, học sinh là F0. Giáo viên chưa tiêm đủ vaccine theo quy định của ngành y tế sẽ chỉ dạy trực tuyến, không được đến trường dạy trực tiếp.
Thời gian đầu, các trường chỉ tổ chức dạy trực tiếp một buổi/ngày, không tổ chức bán trú, căng tin, học sinh tự mang theo nước uống cá nhân.
(Ảnh minh họa).Trong quá trình tổ chức dạy học trực tiếp, nếu xảy ra trường hợp liên quan vấn đề dịch tễ, không đảm bảo an toàn phòng, chống dịch, nhà trường chủ động xử lý theo hướng dẫn và báo cáo Ban chỉ đạo phòng, chống dịch tại địa phương. Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 cấp quận/huyện/thị xã có trách nhiệm xem xét, cho dừng việc học trực tiếp; có kịch bản xử lý tình huống nếu xảy ra F0, F1 tại lớp học.
Phương án cụ thể cho học sinh đi học của các cơ sở giáo dục phải được Ban chỉ đạo phòng, chống dịch của quận/huyện/thị xã phê duyệt. Thành phố giao sở GD&ĐT chủ trì, phối hợp sở Y tế, tiếp tục hướng dẫn UBND các huyện, thị xã triển khai theo đúng quy định của thành phố, đảm bảo an toàn khi tổ chức dạy học trực tiếp.
UBND huyện, thị xã căn cứ tình hình thực tiễn dịch bệnh để quyết định và chịu trách nhiệm về việc cho học sinh trên địa bàn đi học; tiếp tục hoàn thiện, tăng cường cơ sở vật chất, nhân lực cho y tế trường học, đảm bảo y tế trường học được trang bị đầy đủ và sẵn sàng khi học sinh đến trường.
Trước đó, UBND thành phố Hà Nội đồng ý cho học sinh từ lớp 7 đến lớp 12 tại những khu vực cấp độ 1 và 2 đi học trở lại từ ngày 8/2, ngay sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán./.