Theo thông báo, ông Lee đã đáp ứng các yêu cầu để đủ điều kiện được ân xá sau khi thực hiện xong 60% thời gian thi hành án. Phó chủ tịch Samsung đã ngồi tù 18 tháng, và được ra tù sớm so với thời hạn 30 tháng theo phán quyết.
"Phó Chủ tịch Samsung Electronics, Lee Jae-yong đã được đưa vào danh sách khi chúng tôi xem xét tới vấn đề nền kinh tế quốc gia và hoàn cảnh kinh tế toàn cầu do đại dịch COVID-19", một tuyên bố của Bộ Tư pháp cho biết, "Chúng tôi cũng đã xem xét các yếu tố khác nhau, bao gồm cả tình cảm của công chúng và thái độ của ông ấy trong tù".
Ông Lee đã thụ án 18 tháng tù trong án tù 30 tháng vì tội hối lộ và tham ô. Tòa án cấp cao Seoul trước đó ra phán quyết rằng ông Lee biển thủ 8,7 tỷ Won (7,4 triệu USD) từ quỹ công ty để hối lộ cho người thân cận của cựu Tổng thống Park Geun-hye vào năm 2015. Vụ việc này là một phần trong vụ bê bối khiến bà Park bị mất chức vào năm 2017.
Dù được phóng thích trước thời hạn, “Thái tử Samsung” Lee Jae-yong sẽ không thể trở lại làm việc tại Samsung trong vòng 5 năm theo Đạo luật trừng phạt nặng đối với tội phạm kinh tế của nước này.
Đạo luật này cấm các đối tượng bị kết án tham ô hoặc thiếu trách nhiệm với số tiền lên tới hơn 500 triệu won (436.300 USD) làm việc tại các công ty liên quan đến hành vi phạm tội của họ trong 5 năm kể từ ngày mãn hạn tù.
Tuy nhiên, ông Lee vẫn có thể đề nghị Bộ Tư pháp Hàn Quốc thay đổi quyết định này. Khi đó, Ủy ban Quản lý tội phạm kinh tế đặc biệt thuộc Bộ Tư pháp sẽ tiến hành thẩm định và ra quyết định có gỡ bỏ hạn chế làm việc đối với ông này hay không.
Dù vậy, ông Lee cũng có thể trở lại nhà tù bởi ông vẫn đang bị điều tra vì 1 vụ án khác được mở vào ngày 22/10/2020 và có thể kéo dài sang năm 2022, cộng thêm thời hạn 2 năm kháng cáo.
Ông Lee bị điều tra do các nghi vấn về gian lận kế toán và thao túng giá cổ phiếu trong một vụ sáp nhập năm 2015 với mục đích lót đường giúp ông nắm quyền kiểm soát tại Samsung.
Mở ra kỳ vọng thúc đẩy nền kinh tế
Quyết định trả tự do cho Lee cũng là bài toán khó mà Tổng thống Moon Jae-in đang phải đối mặt bởi nó đi ngược lại với cam kết của Tổng thống Moon Jae-in khi mới nắm quyền, đó là thắt chặt kỷ cương với những nhà lãnh đạo chaebol (những tập đoàn gia đình lớn nhất Hàn Quốc).
Tuy nhiên, một cuộc khảo sát mới đây cho thấy gần 7/10 người Hàn Quốc bày tỏ ủng hộ việc ân xá cho ông Lee Jae-yong trong bối cảnh nước này đang vật lộn với đại dịch COVID-19 và cuộc khủng hoảng của ngành bán dẫn.
Hồi cuối tháng 5, các nhóm vận động hành lang kinh doanh lớn tại Hàn Quốc cũng đã nộp đơn xin ân xá cho ông Lee Jae-yong lên văn phòng Tổng thống Moon Jae-in.
Không chỉ vậy, các công ty Mỹ cũng thông qua Phòng Thương mại Mỹ tại Hàn Quốc để kiến nghị Tổng thống Moon Jae-in ân xá cho ông Lee Jae-yong với kỳ vọng Phó chủ tịch Lee có thể thúc đẩy nỗ lực của Tổng thống Mỹ Joe Biden để thay đổi sự phụ thuộc của Mỹ vào các loại chip máy tính được sản xuất ở nước ngoài.
Nhiều chính trị gia Hàn Quốc từng kiên quyết ủng hộ việc bỏ tù ông Lee giờ đây cũng đã đổi ý với hy vọng ông có thể giúp Hàn Quốc có nguồn cung vaccine COVID-19 bền vững.
Ông Lee được ra tù trong bối cảnh Samsung đối mặt cạnh tranh gay gắt từ hai nhà sản xuất chip TSMC, Intel cũng như các đối thủ khác trong ngành công nghiệp chip toàn cầu. Cả ba công ty đều cạnh tranh để dẫn đầu thị trường khi mà lĩnh vực này ngày càng trở nên quan trọng trong bối cảnh căng thẳng thương mại và công nghệ Mỹ - Trung.
Samsung, hiện dẫn đầu thị trường chip nhớ toàn cầu và tham vọng trở thành nhà sản xuất chip logic hàng đầu vào năm 2030. Họ có kế hoạch chi 171 nghìn tỷ won để tăng tốc nghiên cứu các công nghệ quy trình bán dẫn tiên tiến và xây dựng một nhà máy chip mới.
Trong khi đó, Xiaomi của Trung Quốc đang có ý định soán ngôi Samsung khỏi vị trí dẫn đầu thị trường điện thoại thông minh toàn cầu. Gần đây, Xiaomi đã vượt qua Apple trở thành nhà sản xuất smartphone lớn thứ hai thế giới và đặt mục tiêu "qua mặt" Samsung trong 3 năm tới.