HDBank thay Tổng Giám đốc

Ngân hàng TMCP Phát triển TP.HCM (HDBank, mã chứng khoán: HDB) vừa công bố loạt quyết định nhân sự cấp cao của Hội đồng quản trị. Theo đó, từ ngày 13/5/2025, ông Phạm Quốc Thanh chính thức được miễn nhiệm chức danh quyền Tổng Giám đốc và chuyển sang đảm nhận vị trí Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị.
image-20250515181914-1-1747363164.jpeg
Ngân hàng TMCP Phát triển TP.HCM (HDBank, mã chứng khoán: HDB) vừa công bố loạt quyết định nhân sự cấp cao của Hội đồng quản trị.

Đồng thời, ông Nguyễn Hữu Đặng được bổ nhiệm làm Tổng Giám đốc ngân hàng, với thời hạn nhiệm kỳ 5 năm, theo quyết định chuẩn y từ Ngân hàng Nhà nước.

Ông Nguyễn Hữu Đặng không phải là gương mặt xa lạ tại HDBank. Ông từng giữ vị trí Phó Chủ tịch HĐQT ngân hàng này trước khi từ nhiệm vào cuối năm 2024. Tháng 1/2025, Đại hội đồng cổ đông bất thường của HDBank đã thông qua việc miễn nhiệm ông Đặng khỏi Hội đồng Quản trị để chuẩn bị cho vai trò điều hành.

Sinh năm 1970, ông Nguyễn Hữu Đặng có bằng Cử nhân Kinh tế của Đại học Kinh tế TP.HCM và Thạc sĩ Quản trị Kinh doanh (MBA) từ Đại học GRIGGS (Mỹ). Ông đã gắn bó gần 30 năm với HDBank, từng trải qua nhiều vị trí lãnh đạo chủ chốt từ phụ trách kinh doanh đến Phó Tổng Giám đốc.

Trong khi đó, ông Phạm Quốc Thanh là một lãnh đạo kỳ cựu trong ngành ngân hàng với hơn 30 năm kinh nghiệm. Trước khi gia nhập HDBank vào năm 2013, ông từng giữ các vị trí lãnh đạo cao cấp tại HSBC, ACB, ABBank và Techcombank. Ông được bổ nhiệm làm Tổng Giám đốc HDBank từ tháng 4/2020, và từ tháng 4/2023, ông là thành viên HĐQT kiêm Tổng Giám đốc ngân hàng.

Bên cạnh thay đổi nhân sự, HDBank cũng công bố kết quả kinh doanh quý I/2025. Ngân hàng ghi nhận lợi nhuận trước thuế đạt 5.355 tỷ đồng, tăng 33% so với cùng kỳ năm ngoái. Tỷ suất sinh lời trên vốn chủ sở hữu (ROE) đạt 29,62%.

Tổng thu nhập hoạt động hợp nhất trong quý đạt 9.205 tỷ đồng. Tính đến ngày 31/3/2025, tổng tài sản của HDBank đạt 711.311 tỷ đồng, tăng 18% so với cùng kỳ năm trước. Tiền gửi khách hàng đạt 465.321 tỷ đồng (tăng 22,8%), trong khi dư nợ tín dụng đạt 449.901 tỷ đồng (tăng 19,9%), chủ yếu tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên như nông nghiệp, doanh nghiệp nhỏ và vừa, tài chính chuỗi và các khu vực nông thôn, đô thị loại 2.