Hỗ trợ khả năng tiếp cận thị trường và tiêu thụ sản phẩm của các Hợp tác xã

PV

18/10/2021 12:41

Theo dõi trên

Nằm trong thành phần kinh tế chịu ảnh hưởng chung của dịch bệnh, điểm nghẽn lớn nhất của các HTX là tiêu thụ sản phẩm ở cả trong nước và xuất khẩu. Chính lúc này, khu vực kinh tế tập thể như HTX vốn còn yếu và thiếu về lực đang rất cần sự chia sẻ, hỗ trợ khả năng tiếp cận thị trường.

Thời gian qua, mô hình hợp tác xã nông nghiệp kiểu mới (được thành lập theo Luật Hợp tác xã năm 2012) tại các địa phương đã phát huy hiệu quả tích cực, đóng góp chung cho việc phát triển nền kinh tế. Thực tiễn tại các địa phương cho thấy, hợp tác xã (HTX) nông nghiệp kiểu mới có khả năng lớn trong hỗ trợ người nông dân phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập. Đồng thời, đóng góp hiệu quả cho công cuộc xây dựng nông thôn mới cũng như cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng.

untitled_20211011081447

Sản phẩm nông sản từ các HTX được đưa lên tiêu thụ tại các sàn thương mại điện tử 

Nhiều HTX làm tốt vai trò liên kết giữa các hộ nông dân với nhau để chuyển từ sản xuất nhỏ manh mún, phát triển thành sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn, hiệu quả cao. Nhờ vậy, người sản xuất nhỏ chẳng những tránh được tình trạng bị ép giá, mà giá trị sản phẩm, lợi nhuận và hiệu quả sản xuất được tăng lên, nhất là đối với những hộ nông dân nghèo thiếu kinh nghiệm và thiếu vốn đầu tư. Nổi bật trong đó là những HTX kiểu mới áp dụng và chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, phát triển vùng sản xuất hàng hóa tập trung... Nhiều địa phương đã xuất hiện những mô hình HTX áp dụng sản xuất, chăn nuôi gắn với chuỗi sản xuất cho giá trị cao. Tuy nhiên, vẫn còn những điểm nghẽn cần tháo gỡ để thúc đẩy mô hình này phát triển hiệu quả, bền vững hơn.

Theo ông Nguyễn Anh Phương, Phó Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Bắc Ninh chia sẻ, sau khi Luật HTX năm 2012 chính thức có hiệu lực, dưới sự vận động của các cấp, các ngành, nhiều HTX được tổ chức lại, nhiều HTX mới được thành lập vận hành theo đúng Luật. Một luồng gió mới đã lan tỏa ở hệ thống HTX, khiến cho khu vực kinh tế này hoạt động sôi nổi. Các sản phẩm, dịch vụ của HTX ngày càng đáp ứng cao nhu cầu của người tiêu dùng, gắn với chương trình OCOP, được cấp chứng nhận VietGap, hay được bảo hộ sở hữu trí tuệ, từng bước hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.

Cụ thể, đối với riêng tỉnh Bắc Ninh đến nay có 39 HTX nông nghiệp tham gia chuỗi liên kết - chế biến - tiêu thụ sản phẩm và 19 doanh nghiệp liên kết với HTX trong sản xuất, thu hoạch chế biến và tiêu thụ. Có 2 HTX được Liên minh HTX Việt Nam công nhận mô hình HTX sản xuất liên kết theo chuỗi là HTX nông nghiệp hữu cơ công nghệ cao Liêm Anh (sản phẩm dưa lưới, dưa lê, rau xanh, nuôi bò sữa,…), HTX chăn nuôi thủy sản Trường Mạnh với 85 lồng cá theo tiêu chuẩn VietGap. 5 HTX nông nghiệp sở hữu 7 sản phẩm OCOP với 2 sản phẩm đạt 3 sao và 5 sản phẩm đạt 4 sao (trong đó có 3 HTX nông nghiệp sở hữu sản phẩm tham gia liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị) và hàng chục HTX có nhãn hiệu hàng hóa, với truy xuất nguồn gốc,…

Tuy nhiên, phải nhìn nhận thực tế, đa phần các HTX vẫn còn non yếu về vốn, phương án kinh doanh, đặc biệt là thị trường tiêu thụ nên tỏ ra “hụt hơi” trước cơn bão dịch bệnh. Trong khi đó, năm 2020 và 2021, các hoạt động xúc tiến thương mại của các ngành, địa phương, đơn vị hầu hết bị hoãn, hủy, việc kết nối cung cầu tại thị trường trong nước không thể thực hiện được do quy định giãn cách xã hội hoặc được thực hiện rất dè dặt.

Thua-n-Tha-nh-2-1819-1591617598_860x0

 Ảnh minh họa (nguồn Internet)

Trước tình hình đó, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam triển khai Chương trình số 503 kết nối cung - cầu, tiêu thụ hàng hóa cho HTX. Một trong số đó là đưa vào hoạt động Cổng thông tin điện tử kết nối cung - cầu với tên miền http://lmhtxvnmart.com.vn/. Đến cuối tháng 9, có 63/63 tỉnh, thành phố kết nối với hơn 15.000 lượt người truy cập, có hơn 891 HTX được tham gia tập huấn và 940 sản phẩm lên sàn giao dịch. Cổng cập nhật đầy đủ thông tin về sản phẩm: nhà sản xuất, nhu cầu tiêu thụ, yêu cầu chất lượng sản phẩm của bên mua và các đơn vị vận tải. Sau đó, tổ công tác Chương trình 503 tổng hợp, trao đổi với hệ thống các siêu thị, doanh nghiệp phân phối, chế biến, xuất khẩu; chợ đầu mối của các tỉnh, thành phố; các kênh tiêu thụ trực tuyến: Lazada, Shopee, Tiki, Sendo,… để tìm đầu ra cho các HTX.

Tại tỉnh Bắc Ninh, ngay sau khi thành lập, Tổ công tác 503 khẩn trương thiết lập mạng lưới giúp các HTX tỉnh Bắc Ninh tiêu thụ sản phẩm trên Cổng thông tin điện tử kết nối cung - cầu Việt Nam và Sàn thương mại điện tử Bắc Ninh. Đồng thời, cử cán bộ trực tiếp phối hợp cung cấp thông tin, hướng dẫn các HTX, tổ hợp tác đăng ký tài khoản, cập nhật thông tin, hình ảnh hàng hóa lên các trang thương mại điện tử một cách nhanh nhất. Kết quả, đã giúp 13 HTX đăng ký bán hàng nông sản: măng tây xanh, nấm, chuối, rau an toàn trên Cổng thông tin điện tử kết nối cung - cầu.

Phó Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Bắc Ninh - Nguyễn Anh Phương nhấn mạnh: “Đây là sự khởi đầu của công việc kết nối cung - cầu trực tuyến và để các HTX làm quen với giao dịch điện tử. Về lâu dài, thương mại điện tử là một trong những giải pháp hiệu quả để các HTX nâng cao năng lực cạnh tranh, mở rộng thị trường cũng như tham gia vào các hoạt động kinh tế trước cách mạng công nghiệp 4.0”.

Cùng với kết nối trực tuyến, Tổ công tác 503 Bắc Ninh còn hỗ trợ tiêu thụ cho các HTX, tổ hợp tác vào các bếp ăn công nghiệp, bếp ăn hàng không, cửa hàng thực phẩm sạch... với số lượng gồm 3 tấn rau các loại, 1,5 tấn thịt gia súc gia cầm, 0,5 tấn cá, 3 tấn gạo, 3.000 quả trứng vịt, 0,7 tấn hàng khô, gia vị. Gần đây, Tổ hỗ trợ tìm nguồn cung nguyên liệu cho HTX đầu tư và phát triển nông nghiệp Khương Huy (Thuận Thành) với một số HTX dịch vụ nông nghiệp cung ứng gạo trên địa bàn.

Tuy nhiên, để đẩy mạnh giao dịch điện tử, khó khăn hiện nay là nhiều HTX chưa có điều kiện cơ sở vật chất, nhất là phương tiện kết nối thông tin. Cán bộ của các HTX phần lớn là cao tuổi, trình độ và kỹ năng công nghệ còn hạn chế; khả năng tham gia các hội nghị hay đưa thông tin trực tuyến chưa kịp thời nên chưa tiếp cận được với các đơn vị thu mua. Để khắc phục điểm yếu này, Liên minh HTX tỉnh Bắc Ninh sẽ thành lập nhóm mạng xã hội với các HTX theo khu vực, nhóm ngành để trực tiếp nắm thông tin, chia sẻ cách làm hay, tháo gỡ khó khăn giúp các HTX dễ tiếp cận với giao dịch thương mại điện tử. Tiếp tục định hướng việc tổ chức sản xuất gắn với nhu cầu thị trường, bảo đảm yêu cầu về chất lượng, mẫu mã, số lượng sản phẩm. Qua đó, nêu cao tinh thần đoàn kết, hợp tác, vai trò, trách nhiệm của hệ thống HTX từ trung ương đến địa phương đối với sự phát triển kinh tế tập thể trong giai đoạn khó khăn này.

Bạn đang đọc bài viết "Hỗ trợ khả năng tiếp cận thị trường và tiêu thụ sản phẩm của các Hợp tác xã" tại chuyên mục Công nghệ. Thông tin chi tiết xin liên hệ số hotline: 0971.008.956 hoặc gửi email về địa chỉ: bbtpld@gmail.com