Báo cáo mới nhất của Tổng cục Thống kê cho biết, GDP quý III tăng 13,67% so với cùng kỳ năm trước (thời điểm dịch COVID-19 ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất kinh doanh). Tính chung 9 tháng đầu năm, GDP tăng 8,83%. Đây là mức tăng cao nhất của 9 tháng trong suốt hơn 10 năm qua. Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,99%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 9,44%; khu vực dịch vụ tăng 10,57%.
Đáng chú ý, một số ngành như công nghiệp chế biến, chế tạo; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng; xuất khẩu hàng hóa đã khôi phục và tăng trưởng cao hơn so với mức trước dịch COVD-19.
Cụ thể, trong 9 tháng vừa qua, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đang là động lực tăng trưởng của toàn nền kinh tế với tốc độ tăng 10,69%. Lĩnh vực bán buôn, bán lẻ tăng 10,24%; vận tải kho bãi tăng 14,2%; dịch vụ lưu trú và ăn uống tăng 41,7%; hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm tăng 9,05%.
Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa đạt 558,52 tỷ USD, tăng 15,1% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, xuất khẩu tăng 17,3%; nhập khẩu tăng 13%, cán cân thương mại hàng hóa 9 tháng ước tính xuất siêu 6,52 tỷ USD.
Điểm sáng của nền kinh tế còn thể hiện ở số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động đạt 163,3 nghìn doanh nghiệp, tăng 38,6% so với cùng kỳ năm trước. Bên cạnh đó, kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong quý III cũng cho thấy gần 2/3 số doanh nghiệp đánh giá xu hướng sẽ ổn định hoặc tốt lên so với quý trước. Ngoài ra, vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội 9 tháng đạt 2.130,3 nghìn tỷ đồng (tăng 12,5%), “phản ánh đà phục hồi mạnh mẽ của hoạt động sản xuất kinh doanh” - theo báo cáo.
Dưới đây là các số liệu cụ thể:
Nguồn: Tổng cục Thống kê