Vĩnh Phúc: Kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2022 hồi phục rất khả quan, nằm trong TOP 10 tỉnh có tốc độ tăng trưởng cao nhất cả nước

Kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2022 của tỉnh Vĩnh Phúc đã có sự hồi phục rất khả quan, tăng trưởng kinh tế và thu ngân sách tăng khá, các chế độ, chính sách xã hội, an sinh xã hội được bảo đảm, quốc phòng, an ninh được giữ vững. Hầu hết các chỉ tiêu kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2022 của tỉnh đã đạt trên 50% mục tiêu Nghị quyết số 57/NQ-HĐND ngày 21/12/2021 của HĐND tỉnh về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 đề ra, trong đó có 9/17 nhóm chỉ tiêu đạt hoặc vượt so với mục tiêu đã đề ra.
a1-1657583312-1657592915.jpg
“Hội nghị Vĩnh Phúc trong kết nối hợp tác và phát triển Việt Nam – Nhật Bản” năm 2022.

Đây là khẳng định của tỉnh Vĩnh Phúc tại cuộc họp báo diễn ra vào ngày 8/7/2022 vừa qua với sự tham gia chủ trì của các ông : Phan Thế Huy – Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Ngô Duy Đông – Phó Trưởng Ban Tuyên giáo và Nguyễn Bá Hiến – Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh.

Tốc độ tăng trưởng cao hơn so với kịch bản đề ra

Theo đó, tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) 6 tháng đầu năm 2022 ước tăng 10,1% so cùng kỳ năm trước và nằm trong TOP 10 tỉnh có tốc độ tăng trưởng cao nhất cả nước, đây là mức tăng khá cao so với tốc độ tăng trưởng của 6 tháng đầu năm tính từ năm 2015 đến năm 2020 và tăng cao hơn so với kịch bản đã đề ra tại Chương trình hành động của UBND tỉnh thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ (kịch bản tăng khoảng 8,3%).

Các hoạt động sản xuất, kinh doanh có những khởi sắc nhất định, từ đó tạo nguồn thu ngân sách nhà nước trên địa bàn 6 tháng đầu năm 2022 ước đạt 20.650 tỷ đồng, đạt 65% dự toán, tăng 8,0% so với cùng kỳ, trong đó thu nội địa đạt 17.700 tỷ đồng, đạt 65% dự toán, tăng 7,0% so với cùng kỳ năm 2021. Số thu ngân sách của cả 3 khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài, khu vực ngoài quốc doanh và doanh nghiệp nhà nước đểu tăng so với cùng kỳ, đặc biệt là khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng khá với mức 10,7% do việc thực hiện một số chính sách thúc đẩy sản xuất kinh doanh như giảm thuế giá trị gia tăng, giảm 50% phí đăng ký trước bạ đối với ô tô sản xuất trong nước đã thúc đẩy doanh số tiêu thụ hàng hóa của một số mặt hàng chủ lực; thu từ khu vực ngoài quốc doanh tăng 8,6% và thu từ khu vực doanh nghiệp nhà nước tăng 4,1% so với cùng kỳ năm 2021.

a2-1657583341-1657592912.jpg
Danh thắng Tây Thiên thu hút du khách thập phương về dâng hương chiêm bái.

Hoạt động ngân hàng, tín dụngtăng trưởng khá. Tổng dư nợ cho vay tăng 10,74% (tương đương tăng 10.960 tỷ đồng) so với cuối năm 2021 và tăng 17,76% so với cùng kỳ tháng 6/2021. Cơ cấu tín dụng tập trung vào các hoạt động sản xuất kinh doanh, dịch vụ và đầu tư phát triển (chiếm tỷ lệ 86,2 % tổng dư nợ); cho vay lĩnh vực phi sản xuất và lĩnh vực bất động sản ở mức 10,3% và 11,97% tổng dư nợ. Chất lượng tín dụng được kiểm soát, hạn chế phát sinh nợ xấu mới, nợ xấu giảm 0,49% so với tháng 12/2021, chiếm tỷ lệ 0,72% trên tổng dư nợ.

Về đầu tư xây dựng:Đã có 168 dự án được phê duyệt chủ trương đầu tư. Toàn tỉnh giải phóng mặt bằng đạt 449,4 ha, bằng 40,5% kế hoạch năm, trong đó 1 số dự án lớn đã giải phóng mặt bằng được phần lớn diện tích như: Dự án Trung tâm Logistic ICD Vĩnh Phúc đã GPMB 80,5/83,8 ha; Dự án KCN Sơn lôi đã GPMB 92/180 ha; Dự án KCN Bá Thiện đã GPMB 93,6/103,8 ha, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư khởi công theo kế hoạch. Một số dự án lớn, trọng điểm đã hoặc đang chuẩn bị hoàn thành như như: Đường từ nút giao thông lập thể đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai (khu vực xã Văn Quán huyện Lập Thạch) đến Trung tâm huyện lỵ Sông Lô và tuyến nhánh đi KCN Sông Lô I; Đường nối Hợp Châu - Đồng Tĩnh đến khu danh thắng Tây Thiên; Đường vành đai 4; Bệnh viên Sản Nhi tỉnh; Nhà kỹ thuật nghiệp vụ Bệnh việ đa khoa tỉnh; Sửa chữa và nâng cao an toàn đập tỉnh Vĩnh Phúc; Cầu Đầm Vạc… Ước giải ngân đến hết 30/6/2022 đạt 2.380 tỷ đồng, đạt khoảng 24,4% so với tổng kế hoạch (bao gồm vốn kéo dài và vốn kế hoạch năm 2022) và bằng 34,3% so với kế hoạch Trung ương giao, cao hơn so với cùng kỳ năm 2021 (đạt 22% kế hoạch) và cao hơn trung bình trung của cả nước (ước đạt 27,86% so với kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao).

Hoạt động xúc tiến đầu tư: Năm 2021, chỉ số PCI của tỉnh Vĩnh Phúc đứng thứ 5/63 toàn quốc (tăng 24 bậc). Kết quả 6 tháng đầu năm tỉnh đã cấp mới giấy chứng nhận đầu tư/chủ trương đầu tư cho 10 dự án FDI và 7 dự án DDI. Tổng số vốn đầu tư cấp mới và tăng vốn các dự án FDI đạt 225,47 triệu USD, bằng 76% so với cùng kỳ năm 2021 và các dự án DDI đạt 7.743,46 tỷ đồng, tăng 17,8% so với cùng kỳ năm 2021, một số dự án có vốn đầu tư trên 10 triệu USD đã khởi công, đi vào sản xuất như: dự án nhà máy Key Technology Hà Nội sản xuất khung thép cho máy xúc thủy lực; dự án nhà máy công nghiệp King Duan Việt Nam sản xuất các sản phẩm phụ tùng ô tô, xe gắn máy; dự án nhà máy Sumiriko Việt Nam sản xuất ống dẫn khí, ống dẫn nước và ống dẫn nhiên liệu cho xe ô tô. Ước đến 30/06/2022 toàn tỉnh có 723 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký trên 6.872 tỷ đồng, tăng 18,3% về số doanh nghiệp; số doanh nghiệp hoạt động trở lại có xu hướng tích cực với 275 doanh nghiệp, tăng 10,4% so với cùng kỳ năm trước.

a3-1657583367-1657592912.jpg
Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) 6 tháng đầu năm tăng 15,6% so với cùng kỳ năm 2021. Dây chuyền lắp ráp ô tô Toyota Việt Nam tại TP. Phúc Yên

Sản xuất công nghiệp đạt mức tăng khá cao so với cùng kỳ. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) 6 tháng đầu năm tăng 15,6% so với cùng kỳ năm 2021. Sản xuất nông nghiệp gặp khó khăn khigiá cả vật tư đầu vào tăng cao; thị trường tiêu thụ nông sản không ổn định; tác động của biến đổi khí hậu, từ tháng 02 đến nay trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 07 đợt không khí lạnh (có 03 đợt rét đậm rét hại) và đặc biệt từ ngày 22-24/5/2022 trên địa bàn tỉnh xảy ra mưa lớn kéo dài gây ngập úng diện tích lớn khi cây lúa đang ở thời kỳ mới trổ bông và chuẩn bị thu hoạch… đã ảnh hưởng lớn đến sản xuất nông nghiệp. Ước 6 tháng đầu năm, tổng diện tích gieo trồng cây hàng năm giảm 0,11%, sản lượng lương thực có hạt giảm 18,61% so với cùng kỳ năm 2021. Sản lượng các sản phẩm chăn nuôi tăng trưởng khá, trong đó sản lượng sữa bò tươi tăng 14,71%; thịt lợn tăng 6,3%; thịt gia cầm tăng 3,62%; trứng gia cầm tăng 6,22%. Toàn tỉnh đã trồng mới rừng tập trung ước đạt 470,5 ha, tăng 3,41% (tương đương tăng 15,5 ha) so với cùng kỳ. Diện tích nuôi trồng thủy sản giảm 8,4ha, tương đương giảm 0,13% so với cùng kỳ năm 2021; sản lượng thủy sản tăng 66 tấn tương đương tăng 0,59% so với cùng kỳ năm trước.

Dịch vụ du lịch đã có những dấu hiệu khởi sắc khi Chính phủ cho phép mở cửa du lịch từ 15/3/2022 trong điều kiện bình thường mới. Tổng số lượt khách đến tham quan du lịch tại ước đạt hơn 4,2 triệu lượt khách, tăng 109,7% cùng kỳ. Doanh thu du lịch ước tăng 93,3% so cùng kỳ. Doanh thu vận tải, kho bãi và dịch vụ hỗ trợ ước tăng 22,51% so với cùng kỳ năm trước.

Lĩnh vực văn hóa – xã hội có nhiều điểm sáng nổi bật

Tỉnh đã chuẩn bị tốt và tổ chức thành công 2 môn Muay và Golf thuộc khuôn khổ Đại hội thể thao Đông Nam Á lần thứ 31 (Seagame 31), đặc biệt các vận động viên của tỉnh tham gia đội tuyển quốc gia đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ với thành tích 6 huy chương vàng, trong đó: 3 huy chương vàng cá nhân, 1 huy chương vàng đồng đội và 2 huy chương vàng tập thể ở môn đua thuyền Canoing; có 2 vận động viên được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương lao động (01 hạng Nhì và 01 hạng Ba) và 1 vận động viên được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen.

a4-1657583414-1657592912.jpg
Các đơn vị y tế tiếp tục triển khai thực hiện nhiều kỹ thuật mới, hiện đại.

Hoạt động dạy và học 6 tháng đầu năm 2022 được triển khai linh hoạt theo tình hình dịch bệnh, chất lượng giáo dục tiếp tục được nâng lên, trong kỳ thi chọn học sinh giỏi Quốc gia năm 2022 Vĩnh Phúc có 8 giải nhất đứng vị trí thứ 3 cả nước về số lượng giải Nhất của kỳ thi và đặc biệt tỉnh có 2 em học sinh dự thi Olympic Toán quốc tế (IMO) và dự thi Olympic Vật Lý châu Á - Thái Bình Dương (APhO) năm 2022.

Các hoạt động tư vấn giới thiệu việc làm được triển khai linh hoạt với 11 phiên giao dịch việc làm được tổ chức có sự tham gia của 107 lượt doanh nghiệp qua đó đã thu hút được đông đảo người có nhu cầu tìm việc tham gia. Ước 6 tháng đầu năm 2022, toàn tỉnh đã giải quyết việc làm cho 9.925 lao động, đạt 58,4% kế hoạch năm 2022

Công tác giảm nghèo tiếp tục được quan tâm, chú trọng, ước đến hết tháng 6/2022 tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn tỉnh giảm còn 1,36%. Công tác giải quyết chính sách và chi trả chế độ BHXH, BHYT được thực hiện tốt, đã có 122.972 lượt người được xét duyệt hưởng chế độ BHXH, 297 người được giải quyết hưởng BHXH hàng tháng, 4.647 lượt người được trợ cấp BHXH một lần, 2.382 người được trợ cấp BH thất nghiệp, 115.646 lượt người được giải quyết chế độ ốm đau, thai sản, dưỡng sức phục hồi sức khỏe.

a5-1657583446-1657592912.jpg
Các vận động viên của tỉnh tham gia đội tuyển quốc gia đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ với thành tích 6 huy chương vàng (Ảnh minh họa)

Y tế, chăm sóc sức khỏe cho nhân dânđược chú trọng nhất là công tác phòng, chống dịch Covid-19. Ngành Y tế đã triển khai điều trị bệnh nhân COVID-19 tại nhà/nơi lưu trú, triến khai các trạm y tế lưu động. Đây là một trong những bước chuyển quan trọng trong chiến lược điều trị nhằm giảm tải áp lực cho ngành y tế. Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về “Chiến dịch tiêm vắc xin”, ngành y tế đã huy động tối đa nhân lực và điều kiện y tế để tổ chức tiêm vắc xin, tỷ lệ tiêm vắc xin phòng COVID-19 của tỉnh đạt cao so với mức bình quân chung của cả nước. Các đơn vị y tế tiếp tục triển khai thực hiện nhiều kỹ thuật mới, hiện đại được thực hiện tại tỉnh như: phẫu thuật mở nắp sọ sinh thiết tổn thương nội sọ; phẫu thuật dị dạng động-tĩnh mạch não; phẫu thuật u máu thể hang (cavernoma) đại não; siêu âm can thiệp - đặt dẫn lưu đường mật, đặt stent đường mật qua da...

Bên cạnh đó, tỉnh Vĩnh Phúc cũng ban hành các văn bản chỉ đạo, thúc đẩy chuyển đổi số; triển khai một số nhiệm vụ liên quan đến kinh tế số, xã hội số trên toàn tỉnh và thí điểm mô hình chuyển đổi số tại 4 xã, thị trấn. Hạ tầng và nền tảng số tiếp tục được đầu tư phát triển với 2.900 trạm thu phát sóng thông tin di động, phủ sóng di động 3G, 4G và đã phát sóng 02 trạm 5G. 100% cơ quan, đơn vị trong hệ thống chính trị ở cả 3 cấp đã được trang bị máy tính, mạng LAN, kết nối mạng số liệu chuyên dùng của Chính phủ. Nền tảng chia sẻ, tích hợp dùng chung tỉnh Vĩnh Phúc đã kết nối với Cổng thanh toán tập trung quốc gia và sẵn sàng kết nối đến các cơ sở dữ liệu của các bộ, ngành Trung ương. Tỷ lệ ký số trên phần mềm quản lý văn bản của tỉnh là 98%.

Trong lĩnh vực Tài nguyên và môi trường, Vĩnh Phúc đã quyết định 7 hồ sơ thu hồi, giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất với tổng diện tích 41,41 ha, trình HĐND tỉnh thông qua danh mục 166 công trình, dự án cần thu hồi đất với diện tích 453,31ha và chấp thuận cho phép chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất rừng đặc dụng để thực hiện 144 dự án với tổng diện tích 318,24ha; cấp được 25.702 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; ký hợp đồng thuê đất cho 26 dự án, với tổng diện tích thuê 93,6 ha. Các hoạt động quản lý nhà nước về khoáng sản được tăng cường, đã có 20 hồ sơ được thẩm định điều chỉnh giấy phép khai thác khoáng sản, hồ sơ đóng cửa mỏ khai thác khoáng sản, hồ sơ gia hạn gấy phép khai thác khoáng và hồ sơ khai thác nước dưới đất; đôn đốc việc đóng cửa mỏ đối với các mỏ hết hiệu lực giấy phép; ban hành danh mục hồ, ao, đầm, phá không được san lấp trên địa bàn tỉnh...

a6-1657583465-1657592912.jpg
Mô hình nông nghiệp công nghệ cao của thanh niên huyện Tam Đảo .

Về công tác quốc phòng, an ninh: Lực lượng vũ trang tỉnh đã triển khai thực hiện tốt các nhiệm vụ huấn luyện, bồi dưỡng giáo dục quốc phòng và an ninh cho các đối tượng; hoàn thành 100% chỉ tiêu giao tuyển quân, làm tốt công tác chuẩn bị và tổ chức diễn tập KVPT huyện Bình Xuyên làm điểm cho Quân khu, các cuộc diễn tập chiến đấu phòng thủ cấp xã được tổ chức tốt. Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh tiếp tục được duy trì ổn định./.

Nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2022, tỉnh Vĩnh Phúc yêu cầu các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố tập trung quyết liệt hơn, mạnh mẽ hơn vào 6 nhóm nhiệm vụ, giải pháp để phấn đấu đạt được các mục tiêu kinh tế - xã hội năm 2022 đã đề ra tại Nghị quyết số 57/NQ-HĐND ngày 21/12/2021 của HĐND tỉnh, đó là: (1)Tập trung tháo gỡ khó khăn để phục hồi và phát triển kinh tế; (2) Đảm bảo thực hiện các chính sách an sinh xã hội và phát triển các lĩnh vực văn hóa - xã hội; (3) Quản lý nhà nước về khoa học công nghệ và ứng dụng công nghệ thông tin; (4) Tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường; (5) Bảo đảm quốc phòng, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội cho phát triển kinh tế - xã hội.