Kiến nghị xây tuyến cao tốc kết nối khu vực duyên hải miền Trung và Tây Nguyên

Bảo Long

30/05/2022 10:19

Theo dõi trên

Lãnh đạo tỉnh Gia Lai, Kon Tum, Bình Định cùng đề xuất Thủ tướng xem xét, cho xây dựng cao tốc dài 160 km, tổng vốn đầu tư 56.000 tỷ đồng.

Tại buổi làm việc của Thủ tướng Phạm Minh Chính với chính quyền tỉnh Gia Lai, ông Hồ Văn Niên, Bí thư Tỉnh ủy Gia Lai đã nêu thông tin 3 tỉnh Gia Lai, Kon Tum, Bình Định đề xuất Thủ tướng xem xét, cho xây dựng cao tốc dài 160 km. Trước đó, lãnh đạo ba địa phương ký tờ trình gửi Thủ tướng xem xét cho xây cao tốc. Bí thư Tỉnh uỷ Gia Lai kiến nghị Chính phủ bố trí vốn đầu tư giai đoạn 2026-2030, hoặc giao bộ, ngành giúp địa phương tìm đối tác thực hiện tuyến đường trước năm 2030.

cao-toc-pleiku-quy-nhon2705-1653880144.jpg
Đề xuất xây dựng tuyến cao tốc thứ 5 kết nối Tây Nguyên

Tuyến cao tốc có điểm đầu giao quốc lộ 1 tại huyện Tuy Phước (Bình Định), điểm cuối giao tuyến cao tốc Bắc – Nam phía Tây khu vực TP Pleiku, trước đó đã được quy hoạch, kết nối khu vực duyên hải miền Trung và Tây Nguyên,

Dự án quy mô 4 làn xe, chạy song song quốc lộ 19, kinh phí dự kiến từ ngân sách, vốn vay ODA và thu hút nhiều nguồn khác. Giai đoạn một (2021-2025), tuyến sẽ làm trước hai làn, giải phóng mặt bằng 4 làn xe, với kinh phí 40.000 tỷ đồng. Việc hoàn thành cao tốc sẽ được thực hiện đến năm 2030.

Đây là tuyến đường cao tốc duy nhất được quy hoạch, kết nối khu vực duyên hải miền Trung và Tây Nguyên. Tổng đầu tư dự kiến là 56.000 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách, vốn vay ODA, thu hút từ các thành phần kinh tế với nhiều hình thức như PPP, BOT, BT…

Giai đoạn một của dự án từ 2021-2025, sẽ có 2 làn xe (giải phóng mặt bằng 4 làn xe) với kinh phí 40.000 tỷ đồng. Giai đoạn hai 2026-2030 sẽ đầu tư hoàn chỉnh tuyến đường theo quy hoạch 4 làn xe.

Theo lãnh đạo các địa phương, nếu được xây dựng, tuyến đường sẽ tạo trục cao tốc thông qua hệ thống các cảng biển của khu vực duyên hải miền Trung kết nối biển Đông với khu vực tam giác phát triển Việt Nam – Lào – Campuchia, đồng thời vươn xa hơn kết nối với các nước Thái Lan, Myanmar.

Nếu được Thủ tướng chấp thuận, đây là tuyến cao tốc thứ 5 kết nối Tây Nguyên. Bốn tuyến cao tốc khởi công giai đoạn 2021-2025 gồm: Khánh Hòa – Buôn Ma Thuột; Tân Phú – Bảo Lộc; Bảo Lộc – Liên Khương; Gia Nghĩa (Đăk Nông) – Chơn Thành (Bình Phước).

Bạn đang đọc bài viết "Kiến nghị xây tuyến cao tốc kết nối khu vực duyên hải miền Trung và Tây Nguyên" tại chuyên mục Giao thông. Mọi thông tin chi tiết xin liên hệ số hotline: 0775.198.669 hoặc gửi email về địa chỉ: bbtpld@gmail.com