Theo đó, HĐQT Kinh Bắc thông qua kế hoạch và phương án triển khai chi tiết mua 50 triệu cổ phiếu. Dự kiến thực hiện trong quý 1, quý 2/2023 sau khi được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chấp thuận. HĐQT có trách nhiệm báo cáo cho cổ đông tại đại hội đồng cổ đông gần nhất về nội dung này.
Nguồn vốn thực hiện được lấy từ nguồn thặng dư vốn cổ phần gần 2.743 tỷ đồng theo báo cáo tài chính đã soát xét ngày 30/9/2022. Nếu thực hiện thành công phương án trên, vốn điều lệ của Kinh Bắc sẽ giảm từ 7.676 tỷ đồng xuống còn gần 7.200 tỷ đồng.
Phương thức mua lại được thực hiện thông qua các giao dịch khớp lệnh và/hoặc thỏa thuận trên thị trường với giá theo giá thị trường và không vượt quá 34.000 đồng/cổ phiếu.
Trước đó KBC đã thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2023; thông qua việc niêm yết trái phiếu; thông qua việc huỷ phương án chào bán cổ phiếu riêng lẻ năm 2022;…
Trong đó, thông qua việc mua lại 100 triệu cổ phiếu giảm vốn điều lệ, chiếm 13% số lượng cổ phiếu đang lưu hành. Kinh Bắc dự kiến mua số cổ phiếu nói trên theo giá thị trường tại thời điểm giao dịch nhưng không quá 34.000 đồng/cổ phiếu. Như vậy, tối đa Kinh Bắc sẽ bỏ ra số tiền 3.400 tỷ đồng để mua lại 100 triệu cổ phiếu KBC.
Ngoài việc mua cổ phiếu quỹ, tại Đại hội đồng cổ đông bất thường năm 2022 lần 2, Kinh Bắc cũng trình cổ đông phương án chia cổ tức 20% bằng tiền mặt (tức cổ đông sở hữu mỗi cổ phiếu nhận 2.000 đồng).
Kinh Bắc cũng trình cổ đông kế hoạch kinh doanh năm 2023 với doanh thu 9.000 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 4.000 tỷ đồng.
Về triển vọng kinh doanh, Kinh Bắc cho biết đang làm việc với các đối tác, ước tính khả năng cho thuê đạt 200 ha trong năm 2023 tại các dự án khu công nghiệp bao gồm: Nam Sơn Hạp Lĩnh, khu công nghiệp Quang Châu, khu công nghiệp Tân Phú Trung, khu công nghiệp Tân Tập, khu công nghiệp Lộc Giang, các cụm khu công nghiệp ở Long An, Hưng Yên và đặc biệt khu công nghiệp Tràng duệ mở rộng giai đoạn 3 thì khách hàng đã sẵn sàng.