Giám sát điện tử trong Luật Hình sự Canada:

Kinh nghiệm và đề xuất hoàn thiện Luật thi hành án hình sự Việt Nam

Bài viết dưới đây sẽ tập trung làm rõ các quy định của pháp luật hình sự Canada hiện hành về đối tượng áp dụng, cơ chế giám sát, quyền của người bị giám sát điện tử và các biện pháp xử lý vi phạm giám sát điện tử. Bên cạnh đó, bài viết cũng phân tích các ưu điểm cũng như hạn chế của giám sát điện tử trong lĩnh vực hình sự ở Canada, từ đó sẽ đưa ra một số đề xuất nhằm hoàn thiện Luật Thi hành án hình sự Việt Nam về vấn đề này.

Tóm tắt: Giám sát điện tử (Electronic Monitoring - EM) đã trở thành một biện pháp thay thế giam giữ phổ biến trong hệ thống tư pháp hình sự tại nhiều quốc gia, trong đó có Canada. Tuy nhiên, với nhiều quốc gia châu Á (bao gồm cả Việt Nam), biện pháp này còn khá mới và chưa được nghiên cứu nhiều ở cả góc độ pháp lý và thực tiễn. Bài viết dưới đây sẽ tập trung làm rõ các quy định của pháp luật hình sự Canada hiện hành về đối tượng áp dụng, cơ chế giám sát, quyền của người bị giám sát điện tử và các biện pháp xử lý vi phạm giám sát điện tử; bên cạnh đó, bài viết cũng phân tích các ưu điểm cũng như hạn chế của giám sát điện tử trong lĩnh vực hình sự ở Canada, từ đó sẽ đưa ra một số đề xuất nhằm hoàn thiện Luật Thi hành án hình sự Việt Nam về vấn đề này.

Từ khoá: Giám sát điện tử, EM, luật hình sự Canada, thi hành án hình sự, Canada, Việt Nam.

Abstract: Electronic Monitoring (EM) has increasingly been recognized as an alternative to custodial sentences in many jurisdictions, including Canada. In contrast, in several Asian countries such as Vietnam, the application of EM remains relatively nascent and has yet to be comprehensively examined from both legal and practical perspectives. This article provides in-depth analysis of the Canadian legal framework related to the EM application, from subjects and scopes of application,monitoring mechanisms, rights of monitored individuals to measures to prevent and address any abuse or violation, as well as advantages and disadvantages of EM application in the Canada’s context. Basedon theses analysis, the author recommends to revise related provisions of the Vietnam’s Law on Enforcement of Criminal Judgments in order to enhance the effectiveness of EM application in Vietnam.

Keywords: Electronic surveillance, EM, Canadian criminal law, criminal enforcement, Canada, Vietnam.

1. Đặt vấn đề

Trong bối cảnh toàn cầu hóa và sự phát triển nhanh chóng của công nghệ như hiện nay, giám sát điện tử đã trở thành một biện pháp quản lý tội phạm hiệu quả, giảm thiểu áp lực đối với hệ thống nhà tù truyền thống. Theo tinh thần chung của pháp luật nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam, giám sát điện tử được hiểu là việc cơ quan, người có thẩm quyền theo quy định của pháp luật gắn thiết bị điện tử lên bộ phận cơ thể của người bị giám sát điện tử để quản lý, theo dõi vị trí của người đó[1]. Với hệ thống pháp luật tiên tiến, biện pháp giám sát điện tử đã được áp dụng rộng rãi tại Canada cho các đối tượng được hưởng án treo, quản chế có điều kiện và tạm tha. Thông qua các thiết bị công nghệ, cơ quan chức năng có thể kiểm soát và theo dõi các cá nhân bị giám sát mà không cần giam giữ trực tiếp. Bộ luật Hình sự Canada (Criminal Code of Canada), Luật Thi hành án và Tái hòa nhập cộng đồng Canada (Corrections and Conditional Release Act) đã tạo cơ sở pháp lý rõ ràng cho việc sử dụng biện pháp giám sát điện tử, giúp giảm thiểu chi phí quản lý tù nhân, hỗ trợ quá trình tái hòa nhập xã hội. Tại Việt Nam, mặc dù Dự thảo Luật Thi hành án hình sự[2] (Dự thảo 2, lấy ý kiến góp ý năm 2024) đã đề cập đến biện pháp giám sát điện tử, nhưng vẫn còn những khoảng trống pháp lý cần được điều chỉnh, bổ sung. Vì vậy, việc nghiên cứu kinh nghiệm của luật hình sự Canada về giám sát điện tử là cần thiết để đề xuất những cải cách phù hợp đối với Luật Thi hành án hình sự Việt Nam.

2. Giám sát điện tử trong luật hình sự Canada

2.1. Đối tượng áp dụng

Theo quy định của luật hình sự Canada hiện hành, giám sát điện tử (Electronic Monitoring - EM) được định nghĩa là công cụ giám sát theo dõi việc tuân thủ điều kiện đặc biệt về địa lý khi phạm nhân được trả tự do thông qua thiết bị giám sát[3]. Bên cạnh đó, giám sát điện tử còn được hiểu là “một hình thức công nghệ kiểm soát giám sát từ xa, là phương tiện điều chỉnh linh hoạt lịch trình không gian và thời gian trong cuộc sống của người phạm tội”[4]. Thiết bị giám sát điện tử là linh kiện điện tử được đeo ở mắt cá chân của người phạm tội để theo dõi việc tuân thủ điều kiện đặc biệt về địa lý khi được trả tự do. Cơ quan Cải huấn Canada (The Correctional Service of Canada – CSC) có thể yêu cầu người phạm tội đeo thiết bị giám sát để theo dõi việc tuân thủ điều kiện đặc biệt về mặt địa lý của việc vắng mặt tạm thời, được ra bên ngoài làm việc, được ân xá, được trả tự do theo luật định hoặc giám sát dài hạn. Luật hình sự Canada khẳng định giám sát điện tử là một công cụ giám sát, nhằm mục đích bổ sung mà không phải để thay thế các phương pháp giám sát truyền thống[5]. Điều đó có nghĩa, không phải tất cả người phạm tội đều sẽ được áp dụng biện pháp này. Việc áp dụng giám sát điện tử với mỗi người phạm tội phụ thuộc vào điều kiện tinh thần, thể chất, tôn giáo, văn hoá, sự hỗ trợ từ cộng đồng, nghề nghiệp cũng như các yếu tố khác tác động đến họ. Chẳng hạn, người phạm tội sống ở các vùng địa lý mà công nghệ không hoạt động được thì không thể áp dụng giám sát điện tử với họ[6]. Theo luật hình sự Canada, giám sát điện tử có thể được áp dụng với các đối tượng sau:

Người bị kết án trong trường hợp được áp dụng điều kiện quản chế hoặc án treo có điều kiện. Điều 742.1 Bộ luật Hình sự Canada[7] ghi nhận Toà án có thể cho phép người phạm tội thực hiện án tù trong cộng đồng thay vì bị giam giữ. Cùng với đó, Điều 732.1(3)(h) và Điều 742.3(2)(f) của Bộ luật này cho phép Toà án có thể yêu cầu giám sát điện tử như một phần của các điều kiện quản chế hoặc án treo có điều kiện, nhằm giám sát hành vi và di chuyển của người bị kết án trong cộng đồng. Toà án sẽ áp dụng án treo có điều kiện cho các tội phạm không bạo lực, mức độ nguy hiểm thấp hoặc người phạm tội lần đầu. Do vậy, theo tinh thần của Bộ luật Hình sự Canada, đối tượng được áp dụng giám sát điện tử là người bị kết án trong trường hợp được áp dụng điều kiện quản chế hoặc án treo có điều kiện.

Người phạm tội được tạm tha, lao động ngoài trại giam, tha tù trước thời hạn có điều kiện, tha tù theo luật định hoặc giám sát sau mãn hạn tù. Điều 57.1(1)[8] Luật Thi hành án và Tái hòa nhập cộng đồng quy định giám sát điện tử có thể được áp dụng cho các cá nhân được tạm tha, lao động ngoài trại giam, tha tù trước thời hạn có điều kiện, tha tù theo luật định hoặc giám sát sau mãn hạn tù. Quy định này cho phép Cơ quan Cải huấn được áp dụng giám sát điện tử với mục đích đảm bảo người được giám sát tuân thủ các điều kiện được yêu cầu. Biện pháp này giúp quản lý và giám sát tốt hơn, đảm bảo rằng người phạm tội không vi phạm các điều kiện của tạm tha, từ đó bảo vệ trật tự xã hội.

Bị cáo đang tạm thời vắng mặt hoặc được ân xá, các bị cáo liên quan đến các phiên điều trần tại ngoại khi họ chưa bị kết án. Ở Canada, trách nhiệm về công lý hình sự được chia sẻ giữa chính quyền Liên bang, Tỉnh bang và Vùng lãnh thổ. Trong đó, Chính quyền liên bang chịu trách nhiệm ban hành luật hình sự, còn việc thực thi công lý (như Cảnh sát, Toà án) thuộc thẩm quyền của Tỉnh bang và Vùng lãnh thổ. Việc phân chia thẩm quyền đã giúp các Tỉnh bang và Vùng lãnh thổ có quyền tự chủ trong việc quản lý nhu cầu, mục tiêu của hệ thống tư pháp hình sự và thực hiện các thay đổi đối với chương trình tư pháp hình sự cho thích hợp và bảo đảm phù hợp với điều kiện địa phương mình[9]. Cụ thể hoá điều này, một số Tỉnh bang của Canada quy định giám sát điện tử có thể được áp dụng đối với các bị cáo thuộc một trong các trường hợp: bị phạt tù dưới 02 năm, đang chịu lệnh quản chế hoặc bản án có điều kiện, đang tạm thời vắng mặt hoặc được ân xá, các bị cáo liên quan đến các phiên điều trần tại ngoại khi họ chưa bị kết án nhưng việc trả tự do cho họ gây ra mối lo ngại về an toàn công cộng[10]. Hiện nay Tỉnh bang Ontario đã sử dụng chương trình giám sát điện tử GPS (Global Positioning System) thay thế cho chương trình giám sát điện tử thông thường được sử dụng trước đó. Theo đó, các thẩm phán Ontario có thể quyết định sử dụng giám sát điện tử GPS như một điều kiện tuỳ chọn cho những người phạm tội trưởng thành tại ngoại[11]. Tỉnh bang British Columbia cũng có những quy định mang tính chất tương tự, đó là, Toà án có thể ra lệnh giám sát điện tử như một điều kiện của lệnh giám sát cộng đồng[12]. Điều này được hiểu là, trong trường hợp bị cáo tại ngoại, để theo dõi việc tuân thủ yêu cầu của bị cáo là phải ở lại những địa điểm đã được phê duyệt, Toà án có thể ra lệnh áp dụng giám sát điện tử với bị cáo. Quy định này nhằm giảm tải cho hệ thống nhà tù và hạn chế việc giam giữ những người chưa bị kết án chính thức.

Như vậy, theo luật hình sự Canada, đối tượng được áp dụng giám sát điện tử là người phạm tội được hưởng án treo có điều kiện, người phạm tội được tạm tha, được phóng thích bắt buộc và có thể được áp dụng đối với người phạm tội được tạm tha trước khi xét xử. Việc quy định về giám sát điện tử theo luật hình sự Canada đã giải quyết được vấn đề quá tải nhà tù, giam giữ hàng loạt, thể hiện nỗ lực thiết lập các biện pháp ít mang tính trừng phạt mà mang tính phục hồi chức năng nhiều hơn.

2.2. Cơ chế giám sát thực hiện

Giám sát điện tử ở Canada thường sử dụng phổ biến nhất các công nghệ như GPS hoặc thiết bị radio tần số RF (Radio Frequency) để theo dõi vị trí của người bị giám sát[13]. Cơ chế giám sát của các công nghệ này tương đối giống nhau, bao gồm:

Thứ nhất, theo dõi vị trí. Thiết bị GPS hay thiết bị radio tần số RF sẽ giúp xác định vị trí của người bị giám sát trong thời gian thực. Nếu người này di chuyển ra ngoài khu vực được phép hoặc xâm nhập vào khu vực bị cấm, hệ thống số sẽ tự động cảnh báo cho cơ quan giám sát[14].

Thứ hai, kiểm soát thời gian. Thiết bị giám sát sẽ giúp giám sát thời gian ra ngoài và thời gian về nhà của người bị giám sát, giúp đảm bảo rằng họ đã/đang/sẽ tuân thủ các quy định về giờ giấc (ví dụ như tuân thủ lệnh giới nghiêm)[15].

Thứ ba, cảnh báo tự động. Hệ thống sẽ cảnh báo cho cơ quan chức năng nếu phát hiện các hành vi bất thường của người bị giám sát như can thiệp làm hư hỏng thiết bị, ra khỏi/đi vào khu vực địa lý đã được quy định trước đó, làm cho thiết bị không xác định được vị trí của cá nhân[16].

Thứ tư, kiểm tra định kỳ. Cơ quan quản lý sẽ thực hiện hoạt động kiểm tra định kỳ về tình trạng hoạt động của thiết bị cũng như sự tuân thủ của người bị giám sát[17].

Luật hình sự Canada quy định về cơ chế giám sát của thiết bị điện tử nhằm mục tiêu ngăn chặn hành vi phạm tội thông qua tăng cường trách nhiệm giải trình và giám sát, do đó, an toàn xã hội được nâng cao hơn so với việc áp dụng quản chế và giám sát, định hướng tỷ lệ tái phạm sẽ giảm trong dài hạn[18].

2.3. Quyền của người bị giám sát

Trong hệ thống luật hình sự Canada, việc bảo vệ quyền lợi của đối tượng bị giám sát điện tử được đặt lên hàng đầu nhằm bảo đảm rằng biện pháp này không vi phạm các quyền cơ bản của con người, đặc biệt là quyền riêng tư và quyền được đối xử công bằng[19]. Các quy định trong Bộ luật Hình sự Canada và các văn bản pháp lý liên quan đã thiết lập các cơ sở pháp lý rõ ràng để bảo vệ quyền lợi của những người bị giám sát điện tử, theo đó, một số quyền đặc thù sau của người bị giám sát được đặc biệt quan tâm:

- Quyền được đối xử công bằng. Theo Điều 7, 9 và 11 của Hiến chương Quyền và Tự do Canada (Canadian Charter of Rights and Freedoms, sau đây gọi tắt là Hiến chương)[20] thì mọi biện pháp hạn chế quyền tự do bao gồm giám sát điện tử phải được dựa trên sự công bằng, hợp lý và không có sự phân biệt đối xử vì lý do chủng tộc, tôn giáo, tình trạng xã hội, hoặc tình trạng sức khỏe, đồng thời phù hợp với nguyên tắc cơ bản của công lý và bảo vệ quyền con người. Giám sát điện tử được áp dụng dựa trên quyết định của Tòa án và phải được cân nhắc kỹ lưỡng dựa trên hoàn cảnh của từng cá nhân. Điều này giúp đảm bảo rằng không ai bị áp đặt biện pháp này một cách tùy tiện hoặc thiếu cân nhắc về các hoàn cảnh cụ thể.

Quyền riêng tư và nhân phẩm. Điều 7 Hiến chương đảm bảo rằng mọi cá nhân có quyền được bảo vệ khỏi việc xâm phạm quyền tự do và an ninh cá nhân, trừ khi điều này tuân theo các nguyên tắc cơ bản của công lý. Trong trường hợp giám sát điện tử, việc thu thập thông tin về vị trí hoặc yêu cầu tuân thủ các quy tắc hạn chế phải đảm bảo rằng quyền riêng tư và nhân phẩm của người bị giám sát được tôn trọng. Điều 8 Hiến chương quy định về quyền chống lại việc tìm kiếm và tịch thu tuỳ tiện bảo vệ cá nhân khỏi việc bị tìm kiếm, kiểm tra hoặc tịch thu mà không có căn cứ hợp pháp. Trong bối cảnh giám sát điện tử, việc theo dõi liên tục và thu thập dữ liệu cá nhân cần phải có sự chấp thuận của Toà án và chỉ nên thực hiện nếu có căn cứ rõ ràng, hợp lý, đảm bảo tính hợp pháp và hợp lý của việc xâm phạm quyền riêng tư.

Đạo luật Bảo vệ Thông tin Cá nhân và Tài liệu Điện tử (Personal Information Protection and Electronic Documents Act – PIPEDA)[21] quy định về cách thức thu thập, sử dụng và bảo vệ thông tin cá nhân của các cá nhân, bao gồm cả người bị giám sát điện tử. Theo PIPEDA, thông tin cá nhân phải được thu thập một cách hợp pháp, công khai và chỉ được sử dụng cho mục đích cụ thể đã được thông báo trước. Các thông tin thu thập từ giám sát điện tử phải được bảo mật và chỉ được sử dụng bởi những cá nhân hoặc cơ quan có thẩm quyền để bảo đảm thực hiện các quy định giám sát một cách hợp pháp. Người bị giám sát có quyền truy cập thông tin cá nhân của mình và yêu cầu sửa đổi nếu có sai sót. Điều này bảo vệ quyền riêng tư của người bị giám sát và bảo đảm rằng thông tin được thu thập phải chính xác và không bị sử dụng sai mục đích.

Ngoài các quy định của Hiến chương và PIPEPA, Bộ luật Hình sự Canada cũng yêu cầu mọi điều kiện giám sát phải phù hợp và tương xứng với mức độ nghiêm trọng của tội phạm và các hoàn cảnh cá nhân. Toà án phải cân nhắc quyền lợi của người bị giám sát, bao gồm cả quyền riêng tư và nhân phẩm, trước khi đưa ra quyết định áp dụng giám sát điện tử[22].

Như vậy, pháp luật Canada yêu cầu cơ quan chức năng thực hiện giám sát phải tôn trọng quyền riêng tư của đối tượng bị giám sát. Mặc dù việc giám sát điện tử yêu cầu theo dõi vị trí của người phạm tội, tuy nhiên, thông tin cá nhân thu thập được từ các thiết bị giám sát cần phải được bảo mật và chỉ được sử dụng cho mục đích giám sát, đảm bảo an toàn cho cộng đồng. Việc tiết lộ thông tin không đúng mục đích có thể bị coi là vi phạm pháp luật.

Quyền được tư vấn pháp lý. Điều 10 Hiến chương quy định một cá nhân bị bắt giữ hoặc bị giam giữ có quyền được thông báo ngay lập tức về lý do bị bắt giữ hoặc giam giữ. Trong trường hợp bị giám sát điện tử, cá nhân cũng có quyền biết rõ lý do tại sao biện pháp này được áp dụng và các điều kiện cụ thể của việc giám sát. Cũng theo Điều 10 Hiến chương, cá nhân có quyền được tư vấn pháp lý mà không có sự trì hoãn. Cá nhân bị giám sát điện tử có quyền liên hệ với luật sư để hiểu rõ quyền và nghĩa vụ của họ, cũng như có thể yêu cầu trợ giúp pháp lý khi cần thiết. Điều này đảm bảm rằng người bị giám sát có cơ hội được hướng dẫn pháp lý đầy đủ và hiểu rõ về tình huống pháp lý của mình.

Ngoài Hiến chương, các đạo luật về trợ giúp pháp lý ở các Tỉnh bang cũng quy định những người không thể thuê luật sư (vì lý do tài chính) có thể yêu cầu được trợ giúp pháp lý miễn phí (hoặc với chi phí thấp), trong đó bao gồm trường hợp cần tư vấn pháp lý liên quan đến giám sát điện tử. Người bị áp dụng giám sát điện tử có quyền được biết lý do biện pháp này được áp dụng với họ và quyền được tư vấn pháp lý (cả trước và trong khi áp dụng). Điều này giúp họ hiểu rõ các quyền và trách nhiệm của mình, cũng như có cơ hội phản đối nếu cảm thấy biện pháp này là không công bằng hoặc không cần thiết.

Quyền yêu cầu xem xét lại điều kiện giám sát. Các cá nhân bị giám sát có quyền yêu cầu xem xét lại các điều kiện giám sát của mình, bao gồm quyền yêu cầu Tòa án xem xét lại việc áp dụng giám sát điện tử nếu có sự thay đổi trong hoàn cảnh cá nhân. Điều này đảm bảo rằng giám sát điện tử không được áp dụng vĩnh viễn và luôn có cơ hội để thay đổi nếu hoàn cảnh của người bị giám sát thay đổi theo hướng tích cực. Bộ luật Hình sự Canada đã quy định việc áp dụng và xem xét lại các điều kiện của giám sát điện tử trong trường hợp án treo, quản chế hoặc tại ngoại. Cụ thể, Điều 742.6[23] (Conditional Sentence) cho phép Tòa án xem xét lại và thay đổi các điều kiện của án treo, bao gồm giám sát điện tử, nếu có căn cứ để cho rằng điều kiện hiện tại không còn phù hợp với hoàn cảnh của người bị giám sát hoặc có sự cải thiện trong hành vi của họ. Điều 732.2[24] (Probation Order) quy định các điều kiện quản chế, bao gồm giám sát điện tử, có thể được xem xét lại bởi Tòa án khi có yêu cầu từ người bị giám sát, từ người giám sát (như Viên quản chế) hoặc khi có các thay đổi quan trọng trong hoàn cảnh của người bị giám sát. Các điều khoản này cho phép người bị giám sát hoặc cơ quan giám sát yêu cầu Tòa án xem xét lại điều kiện giám sát nếu hoàn cảnh thay đổi, giúp đảm bảo sự linh hoạt và phù hợp với tình hình thực tế.

Trong thực tiễn, các cơ quan tư pháp và thi hành pháp luật Canada đều phải tuân thủ quy trình giám sát chặt chẽ để bảo vệ quyền lợi của đối tượng bị giám sát điện tử. Trước khi áp dụng giám sát điện tử, người bị giám sát phải được thông báo rõ ràng về lý do và điều kiện giám sát. Họ cũng có quyền tham gia vào quá trình xem xét để đảm bảo các biện pháp áp dụng công bằng và phù hợp. Bên cạnh đó, theo quy định của pháp luật Canada, việc giám sát không phải là biện pháp cố định mà có thể thay đổi tùy thuộc vào hành vi và điều kiện của người bị giám sát. Khi có sự chuyển biến tích cực trong thái độ, hành vi của người bị giám sát thì các biện pháp giám sát sẽ bị huỷ bỏ.[25]

Có thể thấy, Canada đã xây dựng một hệ thống pháp lý nhằm đảm bảo rằng mặc dù giám sát điện tử là một biện pháp cần thiết để bảo vệ cộng đồng, nhưng không vi phạm các quyền cơ bản của người bị giám sát. Các quyền con người như quyền riêng tư, quyền được đối xử công bằng và quyền được tư vấn pháp lý đều được đảm bảo bởi các quy định trong Bộ luật Hình sự, Hiến chương Quyền và Tự do, cùng các quy định khác về quyền riêng tư và bảo vệ thông tin cá nhân. Điều này giúp duy trì cân bằng giữa việc bảo đảm an ninh cộng đồng và bảo vệ quyền lợi cá nhân của người bị giám sát.

2.4 Biện pháp xử lý vi phạm giám sát điện tử

Việc xử lý vi phạm đối với người bị giám sát điện tử ở Canada được quy định chủ yếu trong Bộ luật Hình sự Canada, đặc biệt là trong các điều khoản liên quan đến án treo có điều kiện (conditional sentence), lệnh quản chế (probation order) và các điều kiện tại ngoại (bail condition). Đây được coi là các hướng dẫn để Toà án (hoặc các cơ quan có thẩm quyền khác) áp dụng các biện pháp xử lý đối với hành vi vi phạm các điều kiện đã được thiết lập trước của người bị giám sát. Dưới đây là các quy định pháp luật liên quan đến xử lý vi phạm trong các tình huống khác nhau:

Án treo có điều kiện (Conditional Sentence)

Án treo có điều kiện cho phép người phạm tội thực hiện bản án ngoài nhà tù, nhưng phải tuân thủ các điều kiện cụ thể (bao gồm các điều kiện khi áp dụng giám sát điện tử). Khi người bị giám sát vi phạm các điều kiện này, Tòa án có thể áp dụng một số biện pháp xử lý theo Điều 742.6[26] của Bộ luật Hình sự. Trước hết, Tòa án phải xác định có hay không có hành vi vi phạm, người phạm tội có nêu được lý do chính đáng cho vi phạm của mình hay không. Trong trường hợp đã có vi phạm (mà không có lý do chính đáng) xảy ra, Toà án có thể áp dụng các biện pháp xử lý sau: Nếu vi phạm được xem là không nghiêm trọng thì Toà án có thể không áp dụng bất kỳ biện pháp xử lý nào; Thay đổi các điều kiện tùy chọn để phù hợp với hoàn cảnh mới; Đình chỉ lệnh thi hành án treo và yêu cầu người phạm tội thi hành một phần bản án trong tù, sau đó tiếp tục thi hành án treo, có thể kèm theo các điều kiện mới; Chấm dứt thi hành án treo và yêu cầu người phạm tội thi hành phần còn lại của bản án trong tù.

Lệnh quản chế (Probation Order)

Nếu một người vi phạm điều kiện quản chế, bao gồm giám sát điện tử, Tòa án có thể áp dụng các biện pháp xử lý theo Điều 733.1[27] của Bộ luật Hình sự. Người vi phạm có thể bị cáo buộc tội vi phạm lệnh quản chế, với mức phạt có thể là phạt tiền, án phạt tù hoặc các biện pháp khác mà Tòa án cho là phù hợp. Tòa án cũng có thể quyết định sửa đổi các điều kiện của lệnh quản chế để phản ánh tốt hơn tình hình hiện tại hoặc để ngăn ngừa vi phạm tiếp theo.

Điều kiện tại ngoại (Bail Conditions)

Đối với các cá nhân được tại ngoại với điều kiện giám sát điện tử, nếu có sự vi phạm, họ có thể phải đối mặt với các hậu quả pháp lý theo Điều 145[28] của Bộ luật Hình sự, liên quan đến hành vi không tuân thủ điều kiện tại ngoại như vi phạm các điều kiện tại ngoại có thể dẫn đến bị bắt giữ lại và xét xử. Nếu bị kết tội, người vi phạm có thể phải đối mặt với các hình phạt như giam giữ, phạt tiền, hoặc các biện pháp kiểm soát khác.

Quy trình xử lý vi phạm giám sát điện tử

Quy trình xử lý vi phạm giám sát điện tử đối với người phạm tội ở Canada tuân theo các quy định của Bộ luật Hình sự và chính sách của Cơ quan Cải huấn Canada. Trình tự xử lý vi phạm giám sát điện tử[29] được thực hiện như sau:

1. Phát hiện và báo cáo vi phạm: Khi hệ thống giám sát hoặc nhân viên giám sát phát hiện vi phạm, chẳng hạn như tháo gỡ thiết bị hoặc rời khỏi khu vực quy định, sự việc được báo cáo cho cơ quan có thẩm quyền hoặc Tòa án để xem xét.

2. Đánh giá rủi ro và xác minh vi phạm: Nhân viên giám sát sẽ đánh giá mức độ rủi ro liên quan đến vi phạm và xác minh lý do mà người bị giám sát có thể đưa ra để biện minh. Theo Cơ quan Cải huấn Canada, việc vi phạm có thể dẫn đến việc đánh giá lại mức độ rủi ro của người phạm tội và có thể áp dụng các biện pháp xử lý như huỷ bỏ hoặc đình chỉ điều kiện giám sát điện tử.

3. Phiên điều trần: Toà án hoặc cơ quan quản lý có thể triệu tập một phiên điều trần để đánh giá việc vi phạm các điều kiện của án treo, quản chế hoặc lệnh tại ngoại không có lý do chính đánh của người bị giám sát.

4. Thi hành các biện pháp xử lý: Nếu vi phạm của người bị giám sát được xác nhận, các biện pháp xử lý được thi hành có thể là không thi hành bất kỳ biện pháp xử lý nào nếu sự việc vi phạm không nghiêm trọng; Thay đổi hoặc bổ sung các điều kiện giám sát; Yêu cầu người vi phạm thi hành hình phạt tù trong thời gian ngắn trước khi giám sát; Huỷ bỏ lệnh giám sát và yêu cầu thực thi toàn bộ phần bản án còn lại bằng hình thức giam giữ.

Các biện pháp bổ sung

Ngoài các biện pháp chính thức được quy định trong Bộ luật Hình sự và hướng dẫn của Cơ quan Cải huấn Canada, các Tỉnh bang cũng có thể có các quy định cụ thể về giám sát điện tử và cách xử lý vi phạm, tùy thuộc vào pháp luật địa phương và chính sách của cơ quan quản lý tội phạm.

Việc xử lý vi phạm đối với người bị giám sát điện tử ở Canada dựa trên quy định của Bộ luật Hình sự, đặc biệt là các điều khoản về án treo có điều kiện, quản chế và điều kiện tại ngoại. Các biện pháp xử lý bao gồm thay đổi điều kiện giám sát, đình chỉ lệnh giám sát, hoặc yêu cầu thi hành án tù. Tòa án có trách nhiệm xem xét từng trường hợp cụ thể và quyết định biện pháp xử lý phù hợp dựa trên mức độ nghiêm trọng của vi phạm và hoàn cảnh cá nhân.

3. Tác động của biện pháp giám sát điện tử trong lĩnh vực hình sự ở Canada và một số góp ý hoàn thiện Luật Thi hành án hình sự Việt Nam

3.1 Tác động của giám sát điện tử trong lĩnh vực hình sự ở Canada

Như đã đề cập, theo pháp luật Canada hiện hành, giám sát điện tử là một biện pháp thay thế giam giữ nhằm giảm tải cho hệ thống trại giam và tạo điều kiện tái hoà nhập xã hội cho người phạm tội. Các quy định của Bộ luật Hình sự Canada cũng như các chính sách của Cơ quan Cải huấn Canada đều xác định giám sát điện tử được áp dụng cho những người phạm tội mà mức độ rủi ro có thể xảy ra từ thấp đến trung bình, với mục tiêu bảo vệ cộng đồng trong khi không cần áp dụng các biện pháp giam giữ. Trải qua quá trình áp dụng trong thực tế giám sát điện tử cũng thể hiện những ưu điểm và hạn chế nhất định.

3.1.1 Ưu điểm của giám sát điện tử

Lần đầu tiên giám sát điện tử được sử dụng ở Canada là năm 1987 tại Tỉnh bang British Columbia, sau đó nó được triển khai ở các Tỉnh bang khác vào những năm 1990. Sau hơn 30 năm được thực thi, giám sát điện tử đã thể hiện được ưu điểm nổi trội nhất là góp phần giảm tải cho hệ thống giam giữ. Giám sát điện tử cho phép người phạm tội được thực hiện bản án ngoài nhà tù, do vậy mà áp lực đặt lên các cơ sở giám giữ đã được giảm bớt[30]. Như vậy, có thể thấy, giám sát điện tử đã phần nào giúp các cơ sở giam giữ tiết kiệm được chi phí do đã giảm số lượng tù nhân thi hành án trực tiếp trong các trại giam. Việc áp dụng giám sát điện tử có thể cũng đã góp phần giảm khả năng tái phạm ở người phạm tội. Báo cáo nghiên cứu của Cơ quan Cải huấn Canada năm 2019 đã nhận định rằng, khi điều chỉnh theo thời gian rủi ro và các biến thể liên quan khác, nhóm đối chứng có khả năng quay lại nhà giam cao hơn 67% so với những người tham gia chương trình giám sát điện tử[31].

Một ưu điểm khác của giám sát điện tử đó là biện pháp này được đánh giá ít xâm phạm các quyền tự do cá nhân hơn so với giam giữ truyền thống từ đó giúp người bị giám sát duy trì các mối quan hệ xã hội và công việc của bản thân người đó[32]. Có thể nói giám sát điện tử đã góp phần bảo vệ quyền tự do và nhân phẩm của người bị giám sát.

Giám sát điện tử cũng có vai trò to lớn trong việc tăng khả năng tái hoà nhập của người bị giám sát. Những người tham gia giám sát điện tử có thể tiếp tục học tập, làm việc như những người bình thường khác, do vậy mà quá trình tái hoà nhập xã hội của họ cũng trở nên suôn sẻ hơn.

3.1.2 Hạn chế của giám sát điện tử

Bên cạnh những ưu điểm đã đạt được, quá trình thi hành giám sát điện tử tại Canada cũng cho thấy những hạn chế nhất định. Mặc dù giám sát điện tử là được kỳ vọng là một giải pháp thay thế với chi phí thấp hơn so với giam giữ, nhưng nhiều nghiên cứu đã cho thấy nó không mang lại hiệu quả kinh kế như mong đợi. Nghiên cứu từ Cơ quan Cải huấn Canada cho kết quả rằng giám sát điện tử có chi phí cao hơn so với giám sát truyền thống và không làm giảm đáng kể tỷ lệ tái phạm hoặc vi phạm[33]. Dù giám sát điện tử giúp kéo dài thời gian người phạm tội sống trong cộng đồng trước khi bị đình chỉ hoặc chấp hành xong hình phạt, chi phí liên quan vẫn cao do thiết bị và thời gian xử lý các vấn đề liên quan.[34]

Một hạn chế khác của giám sát điện tử là lo ngại liên quan đến khả năng xâm phạm quyền riêng tư của người bị giám sát. Các thiết bị giám sát, đặc biệt là GPS, liên tục thu thập dữ liệu về vị trí của người phạm tội. Nếu không có biện pháp bảo mật chặt chẽ, các thông tin này có thể bị sử dụng sai mục đích, gây nguy cơ lạm dụng dữ liệu cá nhân[35].

Việc áp dụng giám sát điện tử còn ảnh hưởng đến tâm lý và sự tái hoà nhập của người bị giám sát. Một số người bị giám sát điện tử cảm thấy giám sát điện tử gây căng thẳng và làm gián đoạn cuộc sống của họ, đặc biệt là trong duy trì việc làm và các mối quan hệ xã hội. Mặc dù các nghiên cứu cho thấy giám sát điện tử không ảnh hưởng lớn đến gia đình hoặc quan hệ xã hội, nhiều người vẫn cảm nhận rằng thiết bị này là sự kiểm soát liên tục, hạn chế quyền tự do cá nhân[36].

Tóm lại, dù giám sát điện tử có tiềm năng giúp giảm bớt gánh nặng của các cơ sở giam giữ và tạo điều kiện cho sự tái hòa nhập xã hội, nó vẫn tồn tại nhiều hạn chế. Để tối ưu hóa việc sử dụng biện pháp này, cần có những điều chỉnh về chi phí, bảo vệ quyền riêng tư và hạn chế mở rộng giám sát không cần thiết.

3.2 Một số góp ý hoàn thiện Luật Thi hành án hình sự Việt Nam

Giám sát điện tử đã trở thành một biện pháp thay thế giam giữ trong hệ thống tư pháp hình sự tại Canada. Biện pháp này được áp dụng để giám sát người phạm tội ngoài cộng đồng, giúp giảm tải cho hệ thống nhà tù và hỗ trợ quá trình người phạm tội tái hòa nhập xã hội. Song thực tiễn cho thấy, giám sát điện tử không phải là giải pháp hoàn hảo và vẫn tồn tại nhiều hạn chế, đặc biệt về chi phí, quyền riêng tưvà tính khả thi. Hiện nay, mặc dù giám sát điệm tử chưa được quy định trong Luật Thi hành án hình sựhiện hành nhưng cũng cần đánh giá cao những nỗ lực nghiên cứu, xây dựng để đưa biện pháp này vàothực thi trong tương lai. Để quy định pháp luật thực sự đạt hiệu quả trong quá trình áp dụng, dựa trên kinh nghiệm thực tiễn từ Canada, tác giả đưa ra một số kiến nghị nhằm hoàn thiện Luật Thi hành án hình sự Việt Nam liên quan đến giám sát điện tử.

Thứ nhất, xác định rõ tiêu chí, đối tượng áp dụng giám sát điện tử. Luật Thi hành án hình sự Việt Nam cần có quy định rõ ràng về đối tượng áp dụng giám sát điện tử. Các tiêu chí cụ thể bao gồm: 1)Người phạm tội phạm tội ít nghiêm trọng hoặc tội nghiêm trọng; 2) Người phạm tội thuộc trường hợp không sử dụng bạo lực hoặc thủ đoạn nguy hiểm khi phạm tội; 3) Người phạm tội không thuộc trường hợp tái phạm và có khả năng tái hòa nhập cộng đồng. Việc này không chỉ đảm bảo hiệu quả của chương trình giám sát mà còn tối ưu hóa nguồn lực quản lý và giảm thiểu rủi ro cho xã hội. Theo đó, cần thiết phải xây dựng nội dung cụ thể trong Dự thảo Luật Thi hành án hình sự Việt Nam về đối tượng được áp dụng biện pháp giám sát điện tử.

Thứ hai, cần có cơ chế bảo vệ quyền riêng tư và nhân phẩm của người bị giám sátMột trong những lo ngại lớn nhất đối với giám sát điện tử là nguy cơ xâm phạm quyền riêng tư, khi các thiết bị giám sát như GPS có thể liên tục thu thập dữ liệu về vị trí của người bị giám sát. Luật Thi hành án hình sự Việt Nam cần bao gồm các quy định chặt chẽ về bảo mật dữ liệu cá nhân. Dữ liệu thu thập từ các thiết bị giám sát điện tử cần được giới hạn về phạm vi, thời gian lưu trữ, và chỉ được sử dụng cho mục đích giám sát. Các biện pháp bảo vệ quyền riêng tư cần được quy định cụ thể để tránh lạm dụng dữ liệu và xâm phạm quyền riêng tư của người bị giám sát. Theo đó, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng cần thống nhất quan điểm, chủ trương, xây dựng bộ khung pháp lý bảo vệ dữ liệu thu thập từ việc giám sát điện tử bao gồm các nội dung như: Cấm thu thập, sử dụng hoặc chia sẻ dữ liệu nằm ngoài mục đích thi hành án; quy định người bị giám sát điện tử có quyền được tiếp cận các thông tin liên quan và được yêu cầu xoá các dữ liệu không cần thiết; trách nhiệm của các cơ quan quản lý trong việc bảo mật thông tin của người bị giám sát.

Thứ ba, xây dựng quy trình xử lý vi phạm điều kiện giám sát điện tửViệt Nam cần xây dựng một quy trình rõ ràng và minh bạch trong việc xử lý vi phạm điều kiện giám sát điện tử. Người bị giám sát cần được thông báo cụ thể về lý do vi phạm và có quyền tham gia vào quá trình xử lý vi phạm. Điều này giúp đảm bảo tính minh bạch và quyền lợi hợp pháp của người bị giám sát, tránh áp đặt các biện pháp trừng phạt quá mức hoặc không hợp lý. Hiện nay, Dự thảo Luật Thi hành án hình sự Việt Nam chỉ quy định chung về nghĩa vụ cam kết thực hiện giám sát điện tử của người bị giám sát mà chưa có quy định về hình thức xử lý cũng như quy trình xử lý vi phạm khi người bị giám sát không tuân thủ nghĩa vụ đã cam kết. Do đó, trong quá trình Bộ Công an chủ trì, đề xuất Chính phủ xây dựng Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Thi hành án hình sự cần chú trọng xây dựng nội dung về hình thức, quy trình xử lý khi người bị giám sát điện tử vi phạm nghĩa vụ đã cam kết. Cần xây dựng chế tài xử lý nghiêm khắc đối với các hành vi như phá hoại thiết bị giám sát điện tử, không tuân thủ phạm vi di chuyển hoặc thời gian giám sát, sử dụng thông tin từ việc giám sát điện tử trái phép… Các hình thức xử lý vi phạm có thể bao gồm phạt tiền, tăng thời gian giám sát hoặc áp dụng các biện pháp nghiêm khắc hơn như tạm giam… Đặc biệt, trong đó cần phải có nội dung người bị giám sát điện tử có quyền tham gia vào quá trình xử lý vi phạm.

Thứ tư, tập trung tăng cường tính hiệu quả và minh bạch của hệ thống giám sátĐể làm được điều này, Luật Thi hành án hình sự cần quy định việc kết hợp giám sát điện tử với các biện pháp hỗ trợ khác, chẳng hạn như tư vấn tâm lý, hướng nghiệp và hỗ trợ tái hòa nhập xã hội. Bên cạnh đó, cũng cần xây dựng cơ chế giám sát độc lập về hoạt động của hệ thống giám sát điện tử như: Thành lập hội đồng giám sát với các thành phần như đại diện công an (cấp xã, phường, thị trấn...), đại diện tổ chức xã hội, chuyên gia công nghệ thông tin; cần có các báo cáo định kỳ để đánh giá tính hiệu quả của giám sát điện tử, công khai dữ liệu tổng hợp (nhưng không được xâm phạm quyền riêng tư); định kỳ tổ chức kiểm tra, đánh giá tính hiệu quả, minh bạch của hệ thống giám sát, từ đó điều chỉnh chính sách kịp thời, phù hợp.

Thứ năm, cân nhắc chi phí và tính khả thiViệt Nam cần thực hiện các chương trình thí điểm tại một số địa phương trọng điểm để đánh giá hiệu quả chi phí của giám sát điện tử trước khi triển khai rộng rãi. Điều này giúp đảm bảo tính khả thi và tránh gây gánh nặng tài chính cho ngân sách nhà nước. Các chương trình thí điểm cũng có thể giúp điều chỉnh và cải tiến hệ thống trước khi áp dụng trên quy mô lớn.

Thứ sáu, xây dựng chính sách đào tạo và nâng cao năng lực cho nhân viên giám sátCần thiết lập các chương trình đào tạo chuyên sâu cho nhân viên giám sát về quản lý rủi ro và sử dụng công nghệ giám sát điện tử. Việc nâng cao năng lực cho nhân viên không chỉ giúp hệ thống hoạt động hiệu quả hơn mà còn đảm bảo an toàn và tính toàn vẹn của quy trình giám sát.

Nhìn chung, giám điện tử là một biện pháp hiện đại, có tiềm năng lớn trong việc giảm tải áp lực đối với hệ thống giam giữ truyền thống, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình tái hòa nhập xã hội của người chấp hành án. Tuy nhiên, để biện pháp này thực sự phát huy hiệu quả trong điều kiện pháp lý và thực tiễn tại Việt Nam, cần có những điều chỉnh sâu rộng, không chỉ trong Luật Thi hành án hình sự, mà còn ở cấp độ luật nội dung, đặc biệt là Bộ luật Hình sự. Cụ thể, các quy định về điều kiện áp dụng, phạm vi chủ thể, cũng như hậu quả pháp lý của việc vi phạm các nghĩa vụ trong thời gian bị giám sát điện tử cần được xác định rõ ràng, đồng bộ giữa các đạo luật, tránh tình trạng chồng chéo hoặc thiếu hụt căn cứ pháp lý khi áp dụng trên thực tiễn.

4. Kết luận

Thực tiễn Canada cho thấy việc áp dụng giám sát điện tử thành công luôn đi kèm với nền tảng pháp lý vững chắc, bao gồm cả các quy định trong Bộ luật Hình sự, Luật Thi hành án và Tái hòa nhập cộng đồng về hình phạt tù thay thế, hình phạt mang tính phục hồi và quyền lợi của người bị giám sát. Từ kinh nghiệm này, Việt Nam cần tiến hành nghiên cứu khoa học pháp lý chuyên sâu, đánh giá toàn diện các quy định hiện hành trong Bộ luật Hình sự để xem xét sửa đổi, bổ sung phù hợp. Chỉ khi có được sự liên kết chặt chẽ giữa luật nội dung và luật hình thức, giữa quy định về tội phạm, hình phạt và quy trình thi hành án thì các quy định về giám sát điện tử mới có thể được triển khai hiệu quả, bảo đảm cả yêu cầu về quản lý nhà nước, bảo vệ quyền con người và mục tiêu cải tạo người phạm tội trong bối cảnh xã hội hiện đại. Việc hoàn thiện hệ thống pháp luật theo hướng này sẽ không chỉ nâng cao hiệu lực, hiệu quả của Luật Thi hành án hình sự mà còn góp phần quan trọng vào quá trình xây dựng một hệ thống tư pháp hình sự công bằng, nhân đạo, hiện đại, phù hợp với yêu cầu cải cách tư pháp và hội nhập quốc tế của Việt Nam hiện nay.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Shauna Bottos, An Overview of Electronic Monitoring in Corrections: The Issues and Implications, Research Branch Correctional Service Canada, 5 , (2014)

2. BRITISH COLUMBIA, COMMUNITY CORRECTIONS DIVISION, CORRECTION BRANCH, MINISTRY OF PUBLIC SAFETY, AND SOLICITOR GENERAL, COMMUNITY CORRECTIONS POLICY MANUAL, CHAPTER 14: ELECTRONIC SUPERVISION, 14.1.4(1), (2014, 2019)

3. Jame Gacek, In the Era of E-Carceration: Criminal Justice Trends and Concerns with Electronic Monitoring, The Annual Review of Interdisciplinary Justice Research, Volume 9, 32-33, (2020)

4. Government of Canada, Commissioner's directive 566-11-1: Electronic monitoring of offenders, (2016-06-29), https://www.canada.ca/en/correctional-service/corporate/acts-regulations-policy/commissioners-directives/guidelines/566-11-1.html

5. Government of Canada, Electronic Monitoring Program Pilot, (2021-02-15), https://www.canada.ca/en/correctional-service/corporate/transparency/info-source/privacy-impact-assessments/electronic-monitoring-program.html

6. Laura Hanby, Thana Ridha, Rebecca Sullivan, Angela Smeth & Shanna Farrell MacDonald (Correctional Service of Canada), The Impact of Electronic Monitoring on Offender Supervision and Correctional Outcomes, Research Report, 51,(6/2019), https://publications.gc.ca/collections/collection_2019/scc-csc/PS83-3-428-eng.pdf

7. Justice Laws Website, Canadian Charter of Rights and Freedoms, (2025-02-13), https://laws-lois.justice.gc.ca/eng/const/page-12.html

8. Justice Laws Website, Corrections and Conditional Release Act (S.C. 1992, c. 20, Assented to 1992-06-18), (2025-02-13), https://laws-lois.justice.gc.ca/eng/acts/C-44.6/FullText.html

9. Justice Laws Website, Criminal Code (R.S.C., 1985, c. C-46), (2025-02-13), https://laws-lois.justice.gc.ca/eng/acts/C-46/page-126.html#docCont

10. Justice Laws Website, Personal Information Protection and Electronic Documents Act (S.C. 2000, c. 5), (2025-02-13), https://laws-lois.justice.gc.ca/eng/acts/p-8.6/FullText.html

11. Public Safety Canada, Electronic Monitoring in Canada, (2022-07-29) https://www.publicsafety.gc.ca/cnt/rsrcs/pblctns/lctrnc-mntrng-cnd/index-en.aspx

12. Ontario, GPS monitoring program, (September 22, 2022) https://www.ontario.ca/page/gps-monitoring-program

13. Angela Smeth, Laura Hanby, Thana Ridha & Shanna Farrell MacDonald (Correctional Service of Canada), The Cost-Effectiveness of Electronic Monitoring, Research Report, 32,33,35, (8/2019), https://publications.gc.ca/collections/collection_2019/scc-csc/PS83-3-430-eng.pdf

14. Kevin Sorenson, M.P., A Study of Electronic Monitoring in the Correctional and Immigration Settings, Report of the Standing Committee on Public Safety and National Security, September 2012, 41st Parliament, First Session

* ThS. Nguyễn Phương Anh, Giảng viên Khoa Pháp luật Hình sự, Trường Đại học Luật Hà Nội. Duyệt đăng 15/4/2025. Email: phuonganhlawb@gmail.com

[1] Tuệ Văn, Đề xuất bổ sung quy định giám sát điện tử trong thi hành án hình sự, Báo Điện tử Chính phủ, (13/09/2024 17:59), https://baochinhphu.vn/de-xuat-bo-sung-quy-dinh-giam-sat-dien-tu-trong-thi-hanh-an-hinh-su-102240913164855232.html

[2] Xem Dự thảo 2 lấy ý kiến góp ý tại https://chinhphu.vn/du-thao-vbqppl/du-thao-luat-thi-hanh-an-hinh-su-sua-doi-6908

[3] Government of Canada, Commissioner's directive 566-11-1: Electronic monitoring of offenders, (2016-06-29), https://www.canada.ca/en/correctional-service/corporate/acts-regulations-policy/commissioners-directives/ guidelines/566-11-1.html

[4] Jame Gacek, In the Era of E-Carceration: Criminal Justice Trends and Concerns with Electronic Monitoring, The Annual Review of Interdisciplinary Justice Research, Volume 9, 32-33, (2020)

[5] Government of Canada, tlđd, 2

[6] Government of Canada, tlđd, 2

[7] Justice Laws Website, Criminal Code (R.S.C., 1985, c. C-46), (2025-02-13), https://lawslois.justice.gc.ca/eng/acts/C-46/page-126.html#docCont

[8] Justice Laws Website, Corrections and Conditional Release Act (S.C. 1992, c. 20, Assented to 1992-06-18), (2025-02-13), https://laws-lois.justice.gc.ca/eng/acts/C-44.6/FullText.html

[9] Jame Gacek, tlđd, 3, 34

[10] KEVIN SORENSON, M.P., A STUDY OF ELECTRONIC MONITORING IN THE CORRECTIONAL AND IMMIGRATION SETTINGS, REPORT OF THE STANDING COMMITTEE ON PUBLIC SAFETY AND NATIONAL SECURITY, SEPTEMBER 2012, 41ST PARLIAMENT, FIRST SESSION, 1-2, 1 (2012)

[11]Ontario, GPS monitoring program, (September 22, 2022) https://www.ontario.ca/page/gps-monitoring-program

[12]BRITISH COLUMBIA, COMMUNITY CORRECTIONS DIVISION, CORRECTION BRANCH, MINISTRY OF PUBLIC SAFETY, AND SOLICITOR GENERAL, COMMUNITY CORRECTIONS POLICY MANUAL, CHAPTER 14: ELECTRONIC SUPERVISION, 14.1.4(1), (2014, 2019)

[13]Government of Canada, Electronic Monitoring Program Pilot, (2021-02-15), https://www.canada. ca/en/correctional-service/corporate/transparency/info-source/privacy-impact-assessments/electronic-monitoring-program.html

[14] Government of Canada, tlđd, 2

[15] Government of Canada, tlđd, 2

[16] Government of Canada, tlđd, 2

[17] Government of Canada, tlđd, 2

[18] Shauna Bottos, An Overview of Electronic Monitoring in Corrections: The Issues and Implications, Research Branch Correctional Service Canada, 5, (2014)

[19] Public Safety Canada, Electronic Monitoring in Canada, (2022-07-29) https://www.publicsafety.gc.ca/ cnt/rsrcs/pblctns/lctrnc-mntrng-cnd/index-en.aspx

[20] Justice Laws Website, Canadian Charter of Rights and Freedoms, (2025-02-13), https://laws-lois.justice.gc.ca/eng/const/page-12.html

[21] Justice Laws Website, Personal Information Protection and Electronic Documents Act (S.C. 2000, c. 5), (2025-02-13), https://laws-lois.justice.gc.ca/eng/acts/p-8.6/FullText.html

[22] Justice Laws Website, tlđd, 6

[23] Justice Laws Website, tlđd, 6

[24]Justice Laws Website, tlđd, 6

[25] Government of Canada, tlđd, 2

[26] Justice Laws Website, tlđd, 6

[27] Justice Laws Website, tlđd, 6

[28] Justice Laws Website, tlđd, 6

[29] Government of Canada, tlđd, 6

[30] Public Safety Canada, tlđd, 18

[31] Laura Hanby, Thana Ridha, Rebecca Sullivan, Angela Smeth & Shanna Farrell MacDonald (Correctional Service of Canada), The Impact of Electronic Monitoring on Offender Supervision and Correctional Outcomes, Research Report, 51,(6/2019), https://publications.gc.ca/collections/collection_2019/scc-csc/PS83-3-428-eng.pdf

[32] Government of Canada, tlđd, 2

[33] Angela Smeth, Laura Hanby, Thana Ridha & Shanna Farrell MacDonald (Correctional Service of Canada), The Cost-Effectiveness of Electronic Monitoring, Research Report, 32,33,35, (8/2019), https://publications.gc.ca/collections/collection_2019/scc-csc/PS83-3-430-eng.pdf

[34] Id 36

[35] Government of Canada, tlđd, 12

[36] Laura Hanby et altlđd, 30 p. 5, 6, 47

 

BÀI LIÊN QUAN