Làm giả bill chuyển tiền từ thiện để 'làm màu' có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự

Sau khi Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam sao kê hơn 12.000 trang ủng hộ đồng bào thiệt hại do bão số 3,nhiều người đã phát hiện ra trò chỉnh sửa hình ảnh của một số cá nhân để "thổi phồng" số tiền đã ủng hộ, nhằm "phông bạt" tên tuổi trên mạng xã hội. Theo luật sư, hành vi làm giả hay sửa bill chuyển tiền từ thiện có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

 

sao-ke-ung-ho-1441-1726220935.jpg

Nhiều cá nhân đã cố tình chỉnh sửa hình ảnh để "thổi phồng" số tiền đã đóng góp, nhằm đánh bóng tên tuổi trên mạng xã hội. (Ảnh minh họa)

Chỉnh sửa hình ảnh để "thổi phồng" số tiền ủng hộ nhằm đánh bóng tên tuổi trên mạng xã hội
Chiều ngày 12/9, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã chính thức công khai các tập tin sao kê tài khoản ngân hàng, được sử dụng để tiếp nhận tiền ủng hộ từ người dân cả nước, nhằm hỗ trợ đồng bào gặp thiên tai ở các tỉnh miền Bắc. Động thái này đã thu hút sự chú ý lớn từ cộng đồng, nhận được nhiều lời khen ngợi vì tính minh bạch.

Tuy nhiên, cũng từ đây, một loạt các trường hợp "làm màu" và giả mạo số tiền đóng góp đã bị cư dân mạng phát hiện.

Cụ thể, sau khi MTTQ đăng tải hơn 12.000 trang sao kê liên quan đến số tiền quyên góp cho đồng bào chịu ảnh hưởng của bão số 3, cộng đồng mạng bắt đầu chú ý đến những hành động không trung thực.

Mặc dù tính đến 17h00 ngày 12/9, tổng số tiền quyên góp đạt mức 527,8 tỷ đồng từ ngày 1/9 đến 10/9 thông qua tài khoản Vietcombank, nhưng nhiều cá nhân đã cố tình chỉnh sửa hình ảnh để "thổi phồng" số tiền mà họ đã đóng góp, nhằm đánh bóng tên tuổi trên mạng xã hội.

Sự việc nhanh chóng tạo nên làn sóng "check var" (kiểm tra tính xác thực) từ cư dân mạng. Nhiều người đã dành thời gian xem xét chi tiết danh sách sao kê dài dằng dặc để kiểm chứng các giao dịch.

Kết quả khiến không ít người "lộ diện" với những trường hợp chỉnh sửa hình ảnh, giả mạo số tiền ủng hộ.

Một ví dụ điển hình là P.N.P. (còn được biết đến là L.P.) - một cựu vận động viên thể thao đã chuyển khoản món tiền (bị che) kèm nội dung "đóng góp và khắc phục hậu quả bão số 3 Yagi". Người này sau đó chụp màn hình giao dịch chuyển tiền, dùng các ký tự che đi các con số cụ thể, chỉ để lộ ra một phần rất nhỏ trên đỉnh đầu.

Những người theo dõi tài khoản Facebook của cô đếm có tới 8 vị trí bị che, tương ứng với 8 con số (do mỗi biểu tượng đều để lộ một phần chi tiết thể hiện có ký tự số tại vị trí bị che), đồng nghĩa số tiền đã chuyển được hiểu là hàng chục triệu đồng.

Sau khi có sao kê từ Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, cộng đồng nhanh chóng truy ra giao dịch với thông tin trùng khớp, tuy nhiên số tiền thực tế là 500.000 đồng. Từ việc trên khiến không ít cộng đồng mạng bức xúc, tố cô gái này "làm màu, phông bạt" và lợi dụng việc ủng hộ đồng bào đang gặp thiên tai để "đánh bóng tên tuổi".

Xuất hiện nhiều tình trạng giả mạo, lừa đảo để trục lợi
Ngày 7/9, trang Facebook của Hội Chữ thập đỏ tỉnh Quảng Ninh đăng cảnh báo về tình trạng fanpage lừa đảo, mạo danh để kêu gọi ủng hộ người dân bị ảnh hưởng bởi bão số 3. Đến nay, dù đã bị nhiều người report (báo cáo) và báo chí đưa tin, fanpage giả mạo trên vẫn tồn tại, tiếp tục kêu gọi mọi người chuyển tiền từ thiện.

Liên quan đến vụ sập cầu Phong Châu, ngày 11/9, trên mạng xã hội tiếp tục xuất hiện trang fanpage giả mạo Ủy ban mặt trận Tổ quốc huyện Lâm Thao, kêu gọi chuyển tiền ủng hộ vào một tài khoản cá nhân để ủng hộ gia đình các nạn nhân bị ảnh hưởng. Ngay sau khi phát hiện sự việc, lãnh đạo huyện Lâm Thao đã khẳng định thông tin đưa ra là không chính xác; đồng thời cảnh báo người dân nên nâng cao cảnh giác, tránh mất tiền oan.

Cũng trong ngày 11/9, nhiều người dùng mạng xã hội đã chia sẻ hình ảnh người chồng ngâm mình trong nước lũ, đẩy theo một chiếc chậu, bên trong có người vợ đang ôm chặt con trai. Gương mặt chị mếu máo, đầy lo lắng. Đính kèm là dòng chú thích cho biết đây là một gia đình ở xã Ngọc Linh, huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang. Bức ảnh đã tạo nên cơn sốt ngay sau khi đăng tải, được nhiều fanpage nổi tiếng, thậm chí cả cơ quan báo chí sử dụng lại. Tất cả đều xót xa với nỗi vất vả của người dân phải chịu ảnh hưởng của bão số 3.

Tuy nhiên, tối muộn cùng ngày, Ủy ban nhân dân xã Ngọc Linh đã lên tiếng khẳng định hình ảnh kể trên chỉ là dàn dựng. Những người trong ảnh là Youtuber. Chính quyền địa phương đề nghị người dân cần hết sức tỉnh táo trước các thông tin chưa được xác minh trên mạng xã hội.

mua-lu-1501-1726220935.jpg

Ảnh minh họa.

Tiếp đó phải kể đến một đoạn clip ghi lại cảnh một em bé khóc nức nở tại vùng cao kèm chú thích: Em bé đang đi tìm mẹ, nhưng mẹ em đã bị lũ cuốn mất. Video lập tức gây xúc động mạnh cho người xem, nhận được hàng trăm nghìn lượt tương tác, chia sẻ… trước khi chính cô giáo của em bé lên tiếng khẳng định: Đây là fake news. Thực tế, mẹ bé vẫn sống khỏe mạnh bình thường.

Trong giai đoạn nhiều tỉnh bị ảnh hưởng bão lũ, thiên tai các phong trào từ thiện lan rộng. Bên cạnh các hoạt động được tổ chức bài bản, còn có một bộ phận nhỏ một số cá nhân, tổ chức lợi dụng hoàn cảnh nguy cấp để lợi dụng lòng hảo tâm, lòng thương của mọi người lập ra fanpage hay quỹ kêu gọi giả mạo.

Giả mạo trên các nền tảng xã hội để kêu gọi từ thiện
Tại tỉnh Sóc Trăng, theo Phòng An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao - Công an tỉnh đã tiếp nhận nhiều thông tin từ người dân về các số điện thoại lạ gọi đến kêu gọi quyên góp, ủng hộ người dân bị thiệt hại do bão số 3 gây ra.

Thượng tá Phan Sỹ Vinh, Trưởng Phòng An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Công an Sóc Trăng khuyến cáo mọi người dân nêu cao tinh thần cảnh giác, không gửi tiền quyên góp, ủng hộ vào các tài khoản không rõ nguồn gốc.

Hiện nay, các đối tượng không chỉ gọi điện kêu gọi quyên góp mà còn tạo các trang giả mạo trên các nền tảng xã hội để kêu gọi từ thiện, người dân phải hết sức tỉnh táo, bảo vệ mình trước các hành vi lừa đảo. Trước khi quyên góp, ủng hộ, người dân cần tìm hiểu kỹ về tổ chức kêu gọi, xác minh tính xác thực của thông tin được cung cấp.

Trong trường hợp người có tấm lòng hảo tâm, chia sẻ với những khó khăn của đồng bào vùng thiên tai thì nên quyên góp, ủng hộ tại các đơn vị có uy tín, minh bạch, đảm bảo sự đóng góp của mình thực sự có ý nghĩa.

Tại Sóc Trăng, Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Sóc Trăng đã ra lời kêu gọi toàn thể nhân dân trong tỉnh tham gia ủng hộ các tỉnh bị thiệt hại do bão số 3 gây ra. Theo đó, thời gian ủng hộ từ ngày 10/9 đến ngày 10/10/2024.

Làm giả bill chuyển tiền từ thiện có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự

161509luat-su-1612-1726220935.jpg

TS.LS Đặng Văn Cường - Văn phòng Luật sư Chính Pháp, Đoàn Luật sư TP Hà Nội.

TS.LS Đặng Văn Cường (Văn phòng Luật sư Chính Pháp, Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho biết, nếu kết quả xác minh của cơ quan chức năng cho thấy hành vi sửa bill chuyển tiền từ thiện đăng lên mạng xã hội gây khó khăn cho đơn vị tiếp nhận, ảnh hưởng đến hoạt đống thống kê, phân phát tiền từ thiện, gây ra dư luận xấu thì người thực hiện hành vi làm bill giả, đưa tin sai sự thật lên không gian mạng sẽ bị xem xét truy cứu trách nhiệm hình sự về tội lợi dụng quyền tự do dân chủ theo quy định tại Điều 331 BLHS.

Còn trường hợp hành vi làm giả bill chuyển tiền rồi đăng công khai lên mạng xã hội mà chưa gây hậu quả xấu, chưa ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự, an toàn xã hội thì người đưa thông tin sai sự thật về việc chuyển tiền từ thiện này sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Điều 101, Nghị định số 15/2020/NĐ-CP với mức phạt từ 10-20 triệu đồng với tổ chức và phạt từ 5-10 triệu đồng với cá nhân.

Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi lợi dụng mạng xã hội để thực hiện một trong các hành vi sau: Cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân...

"Việc Mặt trận tổ quốc Việt Nam công khai sao kê, thông tin tài khoản chuyển tiền và chi tiết số tiền từ thiện của các tổ chức cá nhân là cần thiết, thể hiện công khai minh bạch và phù hợp với quy định tại Nghị định số 93/2021/NĐ-CP của Chính Phủ về vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng đóng góp các khoản đóng góp tự nguyện… Bởi vậy ngoài việc kêu gọi tiếp nhận từ thiện thì cơ quan chức năng cũng cần tuyên truyền phổ biến các quy định của pháp luật về hoạt động thiện nguyện mà trực tiếp là Nghị định số 93/2021/NĐ-CP. Các tổ chức, cá nhân đứng ra tổ chức hoạt động từ thiện và tham gia đóng góp thiện nguyện đều phải tuân thủ pháp luật và đạo đức xã hội", luật sư Cường nhấn mạnh.

Cảnh giác trước những tài khoản giả mạo Mặt trận Tổ quốc Việt Nam
Những ngày qua, trên mạng xã hội xuất hiện nhiều website, trang thông tin lấy danh nghĩa là Mặt trận Tổ quốc Việt Nam để huy động, kêu gọi sự hỗ trợ của các cơ quan, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân ở trong và ngoài nước ủng hộ các tỉnh, thành phố bị ảnh hưởng cơn bão số 3. Do không kiểm tra kỹ, đã có nhiều tổ chức, cá nhân đã chuyển tiền ủng hộ về các trang mạng không chính thức này.

Khẳng định của Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, đây là những website không chính thức của Ban vận động Cứu trợ Trung ương nên số tiền ủng hộ của các đơn vị, tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp, chuyển đến sẽ không được kiểm soát và không được sử dụng đúng mục đích.

Trước sự việc này, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam sẽ làm việc với cơ quan chức năng để xử lý theo đúng quy định của pháp luật.

Ban Vận động Cứu trợ Trung ương thuộc Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trân trọng đề nghị các cơ quan, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước khi ủng hộ đồng bào bị thiệt hại do cơn bão số 3 gây ra cần trực tiếp liên hệ với Cơ quan Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam hoặc Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam 63 tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương trên cả nước để tìm hiểu thông tin, số tài khoản chuyển khoản.

Đối với tài khoản tiếp nhận ủng hộ của Ban Vận động Cứu trợ Trung ương - Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các cơ quan, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân ở trong và ngoài nước chuyển số tiền ủng hộ theo những số tài khoản sau:

Tài khoản ủng hộ tại kho bạc: Tên tài khoản Văn phòng Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, số tài khoản: 3713.0.1058784.00000, mã đơn vị quan hệ ngân sách: 1058784 tại Sở giao dịch Kho bạc Nhà nước

Các tài khoản ngân hàng:

Tài khoản tại VIETINBANK: Tên tài khoản VND: Ban Vận động cứu trợ Trung ương; Số tài khoản: CT1111 tại Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam – Chi nhánh TP Hà Nội; Tên tài khoản USD: Ban Vận động cứu trợ Trung ương, số tài khoản: 110630051111 tại Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam – Chi nhánh TP Hà Nội

Tài khoản tại VIETCOMBANK: Tên tài khoản VND: Mặt trận Tổ quốc Việt Nam - Ban Cứu trợ Trung ương, số tài khoản: 0011.00.1932418 tại Sở giao dịch Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam; Tên tài khoản USD: Mặt trận Tổ quốc Việt Nam - Ban Cứu trợ Trung ương, số tài khoản: 001.1.37.193253.8 tại Sở giao dịch Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam, SW Code: BFTVVNVX

Tài khoản tại BIDV: Tên Tài khoản Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, số tài khoản: 1200979797 tại Chi nhánh Sở giao dịch 1 - Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam.

Tiếp nhận ủng hộ bằng tiền mặt: Phòng Kế hoạch-Tài chính (phòng 109, phòng 111) Văn phòng Cơ quan Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam số 46 Tràng Thi, Hà Nội.