Nghệ sĩ từ thiện đừng coi làm thiện nguyện là "trang sức nghề nghiệp"

Bình Nguyên (t/h)

12/09/2021 22:10

Theo dõi trên

Trước chuyện ồn ào của giới nghệ sĩ từ thiện trong thời gian gần đây, một số các chuyên gia cho rằng, nghệ sĩ không nên làm từ thiện theo phong trào hoặc coi đó là một thứ “trang sức nghề nghiệp” để đánh bóng tên tuổi bản thân. Nếu cá nhân nghệ sĩ muốn “cho đi” hãy học cách vận hành, quản lý quỹ cũng như nắm rõ quy định của luật pháp trong lĩnh vực tài chính.

Theo Tiến sĩ Trịnh Lê Anh, hoạt động từ thiện là văn hóa, thể hiện nghĩa tình của người Việt Nam trong những giai đoạn khó khăn. Và việc nghệ sĩ đứng ra kêu gọi quyên góp, làm từ thiện cũng nên khuyến khích, cổ vũ. Thông qua các hoạt động kể trên, người nổi tiếng thể hiện được trách nhiệm xã hội trước thời cuộc.

“Nghệ sĩ hay nói rộng ra là những người có ảnh hưởng đối với cộng đồng đều có quyền cá nhân trong việc làm từ thiện. Nhưng ở quy mô nào và mức độ ảnh hưởng ra sao đều phải cân nhắc đến các vấn đề pháp lý cùng trách nhiệm xã hội liên quan", TS Lê Anh cho biết.

Anh cho rằng việc cá nhân làm từ thiện ở quy mô lớn với số tiền hàng chục, thậm chí hàng trăm tỷ đồng rất khó khăn, đòi hỏi sự tính toán kỹ lưỡng, am hiểu cách thức vận hành, gây quỹ, quản lý quỹ và nắm rõ hành lang pháp lý.

Nếu nghệ sĩ làm từ thiện một cách dễ dãi, xuề xòa, chủ quan sẽ dẫn tới những hậu quả khôn lường.

nghe si tu thien dung coi tu thien la trang suc nghe nghiep

MC Trấn Thành

“Ở xã hội tri thức, ai cũng phải học. Đối với nghệ sĩ, muốn làm từ thiện, trước hết hãy đi học: Học về gây quỹ, quản lý quỹ, đặc thù của hoạt động thiện nguyện, những rủi ro sẽ đến từ sự thiếu minh bạch… Nếu cứ hăng hái bước vào hành trình từ thiện một cách vô tư, thiếu hiểu biết hay nói cách khác là ‘tay không đánh giặc’, nghệ sĩ sẽ sớm gánh chịu hậu quả”, tiến sĩ nói.

Điều quan trọng theo TS Lê Anh là nghệ sĩ không nên làm từ thiện theo phong trào hoặc coi đó là một thứ “trang sức nghề nghiệp” để đánh bóng tên tuổi bản thân.

Trước những ý kiến cho rằng nghệ sĩ Việt sẽ không dám làm từ thiện sau những chỉ trích, búa rìu từ dư luận, TS Lê Anh khẳng định: “Những ai có đủ tài, tâm, tầm sẽ biết cách làm thiện nguyện đúng cách. Đối với nghệ sĩ làm từ thiện không thực chất, chỉ a dua thì hai chữ ‘không dám’ lại là điều tốt cho cộng đồng”.

“Dù phản biện thế nào để bản thân mỗi người tường minh về việc làm thiện nguyện trong xã hội đa dạng này và hành động cho đúng, để công bằng hơn khi đánh giá, phát biểu các sự việc liên quan, tôi vẫn nghĩ bản chất thiện lương của hoạt động từ thiện là bất biến. Nếu có thể, hãy mở lòng, hãy nghĩ đến người được nhận hơn là những người cho và những người kêu gọi“, anh nói thêm.

Nghệ sĩ không minh bạch vấn đề từ thiện sẽ gây nhiễu loạn thông tin và mất lòng tin với công chúng.

Đồng quan điểm, chuyên gia truyền thông văn hóa Nguyễn Đình Thành đánh giá việc nghệ sĩ đứng ra tự gây quỹ gặp nhiều thuận lợi hơn những người bình thường khác.

“Khi nghệ sĩ lên tiếng kêu gọi làm một việc gì đó, sẽ có những người có cảm tình với họ và làm theo. Nếu đó là việc tốt thì nhiều người trong xã hội được giúp. Ngược lại, nếu đó là việc không tốt, sẽ nhiều hậu quả xảy đến. Những sai lầm trong việc từ thiện liên quan đến sự minh bạch sẽ gây ra những hậu quả lớn, đó là nhiễu loạn thông tin và mất lòng tin trong công chúng“, chuyên gia cho biết.

Phân tích về các nguyên nhân dẫn đến những lùm xùm trong hoạt động từ thiện của nghệ sĩ thời gian qua, chuyên gia Nguyễn Đình Thành nói người nổi tiếng thường thiếu hiểu biết về quy định của pháp luật trong lĩnh vực tài chính, không nắm rõ về truyền thông, công chúng và cái nhìn sâu sắc về việc trực tiếp giúp đỡ người thuộc vùng khó khăn.

“Thực ra, tại Việt Nam có nhiều tổ chức nhân đạo và tình nguyện chính thống đã tồn tại. Các nghệ sĩ nên kêu gọi người hâm mộ và xã hội tài trợ, bảo trợ hoặc tham gia trực tiếp vào các hoạt động thiện nguyện”, anh chia sẻ.

nghe si tu thien dung coi tu thien la trang suc nghe nghiep
Ca sĩ Thủy Tiên trao từ thiện cho bà con bị ảnh hưởng bởi bão lũ miền trung

Theo chuyên gia Nguyễn Đình Thành, nếu trong trường hợp nghệ sĩ vẫn muốn đứng ra làm từ thiện, anh gợi ý 2 giải pháp để nâng cao chất lượng.

Thứ nhất, nghệ sĩ nên tìm đến các tư vấn viên về quy định của pháp luật trong lĩnh vực tài chính. Cần có sự hỗ trợ của chuyên viên ngân hàng trong việc thu chi và chứng minh tài chính. Ngoài ra, họ cần có sự chuyên nghiệp trong truyền thông để “truyền” và “thông” điều cần nói cũng như nói một cách chính xác. Nghệ sĩ cần có sự hướng dẫn cụ thể để điều hướng các đóng góp. Điều đơn giản trước tiên là thống nhất về cú pháp hỗ trợ khi chuyển tiền: 1) Chương trình/đối tượng cần hỗ trợ. 2) Tên người tài trợ. 3) Số tiền. Ví dụ: Lũ lụt miền Trung + Nguyễn Thị A + 2 triệu đồng. Khi thực hiện đúng về mặt thông tin, khâu thống kê về sau cũng rõ ràng và nhanh chóng.

Thứ hai, nghệ sĩ nên vận động và điều hướng sự hỗ trợ của xã hội thông qua các tổ chức thiện nguyện, nhân đạo và tình nguyện chính thống. Song song, người nổi tiếng có thể hỗ trợ về mặt truyền thông cho công việc nói trên. Khi ấy, hiệu quả sẽ tốt hơn nhiều.

nghe si tu thien dung coi tu thien la trang suc nghe nghiep

Ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng đi trao từ thiện cho hoàn cảnh khó khăn

“Nghệ sĩ làm từ thiện sai cách sẽ gây mất lòng tin trong công chúng. Sau này, sự tài trợ, bảo trợ và tham gia trực tiếp của xã hội sẽ bị sụt giảm. Người nghèo, người gặp hoàn cảnh khó khăn gián tiếp sẽ bị thiệt thòi. Vì thế, nghệ sĩ nên minh bạch trong công tác thiện nguyện”, chuyên gia Nguyễn Đình Thành trao đổi.

Theo nhạc sĩ, nhà nghiên cứu Nguyễn Quang Long, từ thiện là hoạt động từ tâm. Tuy nhiên, vì gắn với câu chuyện tiền bạc nên nghệ sĩ khi làm từ thiện phải đặt sự minh bạch, rõ ràng lên hàng đầu.

“Khi đã quyết định gây quỹ có nghĩa là người đứng đầu đã mang uy tín của mình ra để đảm bảo với những ai tin tưởng, gửi trao tiền cho mình để đi giúp đỡ đồng bào. Vì thế, việc quan trọng là minh bạch thu chi. Nếu không từ thiện sẽ là con dao hai lưỡi”, anh nhấn mạnh.

Anh cho biết nghệ sĩ phải cân nhắc khi quyết định gây quỹ, hiểu rõ năng lực bản thân và cần có sự hoạt động một cách chuyên nghiệp nếu số tiền của quỹ quá lớn.

“Nếu không nắm chắc cách thức quản trị, điều hành quỹ lớn, có khi lòng tốt lại nhận về những điều ngoài mong muốn. Xây dựng niềm tin là điều quan trọng. Ta làm và học cả cuộc đời. Nhưng đánh mất niềm tin thì rất nguy hiểm, làm lại khó hơn nhiều“, anh khẳng định.

Qua những câu chuyện ồn ào của giới nghệ sĩ từ thiện trong thời gian qua, có thể thấy rằng, minh bạch từ thiện là một việc mà các ca sĩ, nghệ sĩ hay các nhóm từ thiện nhỏ lẻ chưa thực sự quan tâm. Mong rằng, sau này, chúng ta sẽ sớm có luật định rõ ràng hơn về câu chuyện từ thiện, và các quỹ từ thiện sẽ có sự liên kết và tính hoạch định lâu dài để hoạt động này có ý nghĩa hơn.

Vì sao phải cần sự minh bạch khi nghệ sĩ làm từ thiện? Vì lâu nay nghệ sĩ cứ làm từ thiện một cách ngẫu hứng và tùy tiện. Hay nói thẳng thắn hơn, nghệ sĩ quá tự tin vào hào quang của mình, nên cứ kêu gọi đám đông quyên góp mà không thèm hồi đáp cho tấm lòng của họ.

 

Bạn đang đọc bài viết "Nghệ sĩ từ thiện đừng coi làm thiện nguyện là "trang sức nghề nghiệp"" tại chuyên mục Sự kiện. Thông tin chi tiết xin liên hệ số hotline: 0971.008.956 hoặc gửi email về địa chỉ: bbtpld@gmail.com