Làm đẹp: Sau những lời "có cánh"... hậu quả khôn lường!

27/04/2022 09:05

Theo dõi trên

Làm đẹp là nhu cầu không thể thiếu của chị em phụ nữ. Để đáp ứng nhu cầu đó, các cơ sở thẩm mỹ mọc lên ngày càng nhiều. Trong đó không ít các cơ sở không phép, kém chất lượng, thiếu an toàn...

Thế nhưng nhiều chị em am rẻ, muốn đẹp nhanh nhưng ngại đến bệnh viện nên đã tìm đến những cơ sở làm đẹp “chui”, thậm chí… rước “bác sĩ” đến nhà cho tiện, không ít người phải trả giá đắt.

Những năm gần đây, lĩnh vực làm đẹp ngày càng trở nên sôi động với nhiều cơ sở làm đẹp được mở ra. Người có nhu cầu, nhất là chị em phụ nữ càng có thêm cơ hội trong “cuộc chạy đua nhan sắc”. Tuy nhiên, không phải ai cũng đủ tỉnh táo trước những quảng cáo hấp dẫn, đánh vào tâm lý ham rẻ, muốn đẹp nhanh và không cần phải đến bệnh viện. Để rồi, khi xảy ra biến chứng, nỗi ám ảnh và di chứng kéo dài nhiều năm trong tự ti, mặc cảm.

hinh-bai-chot296-15934329668506090312120220414083349.2981280

Một nạn nhân với khuôn mặt sưng phù sau khi tự làm đẹp qua mạng, phải đến Bệnh viện Da liễu TP HCM điều trị 

Làm đẹp bị hỏng- giải quyết hậu quả cả đời

Nhiều chị em “sập bẫy” giá rẻ, chuốc họa vào thân. Như chị Nguyễn Thanh H. (27 tuổi, ở Hưng Yên), người mong muốn sở hữu một chiếc mũi cao, thanh tú và đã đặt niềm tin vào một spa ở gần nhà mình. Chị H. đồng ý để nhân viên tại cơ sở này tiêm chất làm đầy vào vùng mũi. Ngày thứ 2 sau khi tiêm, mũi chị H. bắt đầu có hiện tượng sưng đỏ, dần chuyển sang bầm tím.

Đến ngày thứ 5, tình trạng tổn thương không được cải thiện mà tiến triển nặng hơn, có dấu hiệu hoại tử. Quá lo sợ, bệnh nhân lên Hà Nội thăm khám. Bác sĩ thẩm mỹ Nguyễn Hoàng Hà điều trị cho chị Nguyễn Thanh H. cho biết, bệnh nhân bị tiêm filler trúng tĩnh mạch nên bị tắc mạch máu, có thể dẫn đến hoại tử, khó giữ lại phần mũi nếu không được phát hiện kịp thời.

Hay chị P.T.K.D. (34 tuổi, quê tỉnh Cần Thơ, làm công nhân ở tỉnh Bình Dương) hơn 4 tháng qua đã phải nhiều lần vào ra bệnh viện phẫu thuật xử lý các cục silicon “đi lạc”. Theo chị D, bác sĩ điều trị cho chị nói do silicon đã vào máu, không thể loại bỏ hoàn toàn nên chỉ có thể làm tiểu phẫu để xử lý khi chất này vón cục tại một vị trí nào đó. Lúc này, silicon phải được lấy ra, nếu không sẽ gây tắc nghẽn mạch máu, hoại tử nơi chúng “làm tổ”.

Nhớ lại giai đoạn kinh hoàng, chị D. chia sẻ, khi sinh con thứ hai, không hiểu sao người chị ngày càng gầy gò, hốc hác, bụng có nhiều vết nứt. Nhiều lần chị định đến spa để cải thiện nhan sắc nhưng không có điều kiện. Chị nói: “Cùng dãy nhà trọ với tôi, các chị em thường làm đẹp từ một chị, xưng là bác sĩ. “Bác sĩ” này thường xăm chân mày, xăm môi và nâng ngực, nâng má tại phòng trọ cho mọi người nên tôi cũng hỏi thăm.

Nghe “bác sĩ” tư vấn, tôi đồng ý nâng ngực, bụng, eo với giá hơn 5 triệu đồng. Sau đó, tôi được truyền chất lỏng màu vàng nhạt vào các vị trí trên. Một ngày sau, hai ngực của tôi sưng tấy, nơi tiêm đen lại, chất lỏng hai bên ngực dồn vào giữa, rất đáng sợ. Mất nhiều ngày “bác sĩ” này giữ tôi lại chỉnh sửa nhưng không thành. Đến khi cơ thể bị nổi rất nhiều cục u, tôi sợ quá đến Bệnh viện Chợ Rẫy cầu cứu”.

Theo chị D., trong nhiều tháng liền chị phải chịu các đợi phẫu thuật lớn, nhỏ mới có thể qua nguy hiểm. Bác sĩ xác định chất lỏng chị được truyền là silicon dạng lỏng. Silicon cũng đã theo máu đi khắp cơ thể nên bác sĩ không thể giải quyết hậu quả triệt để được mà chỉ theo dõi lượng silicon này vón cục tạo thành u ở nơi nào thì phẫu thuật và giải quyết ở đó.

Từ khi chị vào bệnh viện, nữ “bác sĩ” đã bỏ trốn. “Đến bây giờ, các cục u vẫn còn đeo bám, tôi luôn mặc quần áo tay dài để che đi. Chưa kể chi phí vào ra bệnh viện những năm qua cũng đã lên đến hơn 100 triệu đồng. Hạnh phúc gia đình cũng vì đó gặp nhiều trục trặc, sức khỏe yếu, không thể đi làm như trước đây. Tôi rất hối hận”, chị D. nói.

lam-dep-khong-dung-giai-23164978246520220414082854.4064160

Chị T. bị biến chứng do làm đẹp không đúng cách được tiến sĩ - bác sĩ Ngô Đức Hiệp, Trưởng khoa Phỏng - Tạo hình, khám điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy - Ảnh: Phạm An 

Nửa năm trước, chị N.T. (30 tuổi, ở TPHCM) đến một tiệm spa ở Q.1 để “đốt mỡ” với giá hơn 13 triệu đồng. Nhìn những vết sẹo dài ở đùi và eo, chị T. cho biết một khi đã bước vào cơ sở làm đẹp, chị em rất khó tránh khỏi lời ngon ngọt của nhân viên tư vấn. Chị chia sẻ: “Tôi chọn tiệm spa lớn, ở trung tâm vì nghĩ đây là nơi uy tín. Tôi cũng kiểm tra trình độ về lĩnh vực làm đẹp của nhân viên tư vấn rồi mới chọn gói làm đẹp được cho rằng thuốc tan mỡ nhập từ châu Âu.

Tôi được spa hứa bảo hành cho đến khi như ý. Ban đầu tôi dự định tiêm thuốc tan mỡ ở hông trước, nếu hiệu quả mới làm thêm, nhưng chỉ trong mười phút, người tư vấn vừa nói chuyện, vừa đưa tôi vào một căn phòng, rồi lần lượt tiêm ở hông, bụng, đùi… và tôi cũng ký vào giấy cam kết thực hiện liệu trình lúc nào không hay. Tôi không biết đó là thuốc gì vì bị tiêm quá nhanh, chỉ biết ống tiêm lớn và đó là một dạng chất lỏng”.

Về nhà, những vị trí tiêm bị sưng, đau nhức, làm mủ, chị N.T. báo với chủ tiệm spa thì được đưa đến một cơ sở y tế khác để điều trị. Qua nhiều lần làm phẫu thuật, không chịu nổi, chị phải tự đi bệnh viện. “Điều đó có nghĩa là tôi phải ký vào giấy tự kết thúc liệu trình, spa không chịu trách nhiệm về sau. Trong tình huống da tôi đã bong tróc, rách ra từng mảng, tôi phải ký và tự chịu chi phí điều trị”, chị T. kể. Đáng sợ hơn, thuốc tan mỡ phá hủy các tế bào xung quanh, làm cho vết thương của chị T. lở loét rất nhanh, thậm chí làm vô hiệu hóa các tế bào xung quanh, đẩy chị vào nguy hiểm, khủng hoảng nặng nề bởi nhiễm trùng liên tục, ghép da cũng không thành công.

Chị T. nói: “Trải qua hơn ba tháng nằm viện, sáu lần phẫu thuật lớn, vô số lần tiểu phẫu, tôi mới được điều trị xong. Lúc đó, nếu tiến sĩ - bác sĩ Ngô Đức Hiệp, Trưởng khoa Phỏng - Tạo hình Bệnh viện Chợ Rẫy, không vừa điều trị, vừa nhờ bác sĩ hỗ trợ tâm lý cho tôi, có lẽ tôi đã không thể vượt qua sự đau đớn, mệt mỏi, sợ hãi đến vậy. Đến bây giờ, tôi luôn có cảm giác xấu hổ mỗi lần ai đó nhìn mình, dù thường xuyên mặc đồ thật kín để che đi các vết sẹo”.

Thận trọng trước những lời "có cánh"!

Không chỉ ở thành phố mà tại các huyện, thị trấn, xuất hiện ngày càng nhiều cơ sở làm đẹp cho chị em phụ nữ với đủ các loại dịch vụ như: chăm sóc da, tắm trắng, xăm, phun môi, lông mày, mí mắt... Các cơ sở này quảng cáo dịch vụ tràn lan trên các trang mạng xã hội và thu hút rất nhiều sự quan tâm của phái đẹp. Giá của các loại dịch vụ trong mỗi lần chăm sóc từ vài trăm cho đến hàng chục triệu đồng.

Dù đã được cảnh báo rất nhiều nhưng trong thời gian qua, tại các bệnh viện vẫn có không ít trường hợp cấp cứu do biến chứng từ việc làm đẹp. Những lời quảng cáo “có cánh” như không cần phẫu thuật, không cần tốn thời gian và tiền bạc để có được làn da trắng mịn, chiếc mũi cao, đôi mắt to tròn như ý… của các cơ sở làm đẹp khiến chị em không ngần ngại tìm đến. Thế nhưng, đẹp chưa thấy đâu, chỉ thấy tiền mất, tật mang với kiểu làm đẹp "siêu tốc" này.

Tại các bệnh viện da liễu hầu như ngày nào cũng tiếp nhận xử lý những nạn nhân bị biến chứng rất nặng vì tắc mạch sau tiêm filler dẫn đến sưng môi, gây hoại tử vùng mũi, tổn thương vùng mũi - mắt (đau nhức, mưng mủ...). Và có rất nhiều trường hợp biến chứng từ dịch vụ làm đẹp như vùng da bị dị ứng mực xăm, hóa chất, kích ứng, rỉ dịch, nhiễm khuẩn nặng. Không ít trường hợp da đầu viêm do nhuộm tóc, môi bị ngứa, sưng nhiễm khuẩn. Đáng lưu ý, có trường hợp bệnh nhân sau khi triệt lông bằng tia lazer ở các spa bị viêm nang lông vì khi lỗ chân lông bị bít lại, tuyến mồ hôi bị ảnh hưởng, bít tắc nang lông dẫn đến da khô, thiếu độ ẩm, viêm da... Nguy hiểm hơn, nếu các cơ sở làm đẹp không đảm bảo vô khuẩn có khả năng lây các bệnh truyền nhiễm từ các dịch vụ làm đẹp.

Điều đáng lo ngại là, hiện nay nhiều cơ sở làm đẹp tự ý ghi đơn thuốc kháng sinh, chống viêm, tiêu sưng cho khách hàng mà không thông qua bác sĩ. Vì thế, có không ít trường hợp bị nhiễm trùng, biến chứng khi làm đẹp, nhưng khi đến cơ sở y tế điều trị thì bệnh đã diễn tiến nặng..

Ở nhiều spa, cơ sở phun xăm thẩm mỹ, chưa nói đến việc đã được cấp phép hay chưa mà chỉ nhìn trang thiết bị đã thấy rất sơ sài, có nơi chỉ có mỗi chiếc giường cho khách nằm khi tiến hành chăm sóc da hoặc xăm môi, xăm mắt với vài ba dụng cụ thô sơ. Nhiều khách hàng vẫn không hề biết nguồn gốc của các loại mỹ phẩm do các cơ sở chăm sóc sắc đẹp sử dụng để tiến hành chăm sóc da hoặc xăm môi, mắt, lông mày...

Theo các bác sĩ, trước khi quyết định làm đẹp, mọi người nên lựa chọn cơ sở uy tín, các thủ thuật, thuốc sử dụng được Bộ Y tế cấp phép. Khách hàng cũng có thể yêu cầu cơ sở xuất trình giấy phép, bác sĩ được phép thực hiện làm đẹp ở hạng mục nào rồi hãy cân nhắc, quyết định, đừng quá nóng vội dễ mắc bẫy các cơ sở tự phát. Nếu xảy ra biến chứng, hãy đến ngay các cơ sở y tế để được kiểm tra sớm, càng kéo dài nguy cơ di chứng càng lớn, thậm chí nguy hiểm tính mạng. Đặc biệt, người có nhu cầu làm đẹp trước khi chấp nhận bơm, cấy các vật liệu thẩm mỹ khác vào cơ thể phải kiểm tra nguồn gốc thật kỹ để đảm bảo an toàn.

Trước sự “nở rộ” của các cơ sở làm đẹp, các chuyên gia cũng khuyến cáo chị em cân nhắc kỹ trước khi sử dụng dịch vụ để tránh “tiền mất, tật mang”./.

Bạn đang đọc bài viết "Làm đẹp: Sau những lời "có cánh"... hậu quả khôn lường!" tại chuyên mục Dân sinh. Mọi thông tin chi tiết xin liên hệ số hotline: 0775.198.669 hoặc gửi email về địa chỉ: bbtpld@gmail.com